Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

Quà tặng của thầy My: Truyện ngắn Chu Lai "Tây Bắc, tìm em khắp núi rừng"

Điện Biên năm một ngàn chín trăm sáu ba.

Tức là cách đây đúng bốn mươi mốt năm. Khi đó tôi còn là một chú lính văn công 18 tuổi, chú lính trẻ nhất trong đoàn ca múa Tổng cục Chính trị. Nhưng cái sự mơ mộng và đa sầu đa cảm lại không còn trẻ nữa. Có lẽ chính vì thế mà tôi đã quyết chọn thể loại lính nghệ này để nhằm thỏa mãn cái sự được lãng du, được gặp nhiều người nhiều cảnh, được bồi hồi, được xúc cảm, được xốn xang của mình.



Và tôi đã gặp một con người mà cho đến tận bây giờ vẫn không thể nào quên được. Đó là một cô gái Thái chừng mười sáu, mười bảy tuổi. Vâng, lúc ấy chỉ biết là Thái thôi chứ có phân biệt thế nào là Thái trắng với Thái đen. Đối với tôi tất cả các cô đều trắng hết, trắng như hoa ban, trắng đến chênh chao cả núi rừng và hồng tươi như táo chín. Đáng lẽ cái sự gặp này sẽ không xảy ra nếu như đêm đó chiếc xe tải chở phục trang của đoàn không bị Patine phải nằm lại giữa một đỉnh đèo chỉ còn cách cánh đồng Mường Thanh có hơn chục cây số. Thế mới đau. Hồi đó đường từ Hà Nội lên Điện Biên xấu lắm, đi nhanh cũng phải mất bốn ngày, đi rỉ rả có khi còn hơn. Cho nên cái chuyện Patine đã trở thành chuyện thường ngày xảy ra như cơm bữa. Chiều muộn, cảnh vật nhòa dần, căng mắt nhìn chỉ thấy những dãy núi phủ mây trắng dựng ngang trời. Và quạnh vắng. Và mênh mang. Tưởng như nơi tận cùng thế giới đang hiện diện nơi đây. Gió mỗi lúc mỗi mạnh. Gió đồng bằng lạnh êm êm, gió núi buốt như cắt da cắt thịt. Dường như trong cơn gió đại ngàn đó có cả những bông tuyết bảng lảng bay về.


Hai chú cháu, tôi và ông thợ điện tuổi đã ngoài năm mươi sau khi làm một bụng cơm ăn với măng rừng nấu thịt hộp Trung Quốc, buồn và lạnh quá bèn bảo nhau người thức canh chừng người lên xe ngủ. Nghe nói vùng này ban đêm thường có biệt kích bò ra hoạt động nên cái sự canh chừng là không thể thiếu được. Cả một xe phục trang dùng cho hết chuyến lưu diễn dài ngày, cháy một cái là coi như phá sản. Tôi nói ông chú tuổi già lên ngủ trước, còn tôi, tôi lại muốn một mình độc chiếm cái cảm xúc trước núi rừng hoang mạc và vô cùng vô tận này bên đống lửa nhỏ được đốt lên để chân tay khỏi lạnh cóng.


Chính lúc đó thì từ trong sương em hiện ra như một nữ thần rừng khiến trái tim trong ngực tôi nghẹn lại, thắt bóp. Trẻ trung, quá trẻ, tươi tắn, tròn căng, cổ cao, nuột nà mà ở dưới xuôi có bói cũng không bao giờ thấy được cái gùi đầy sắn đè nặng xuống lưng và vài vệt mồ hôi lấm tấm trên trán đã chứng tỏ em vừa đi rừng hay đi nương về. Nhìn thấy tôi em tròn mắt, liền đó là một cái giọng trong vắt như tiếng chim rơi ra:
- A lúi! Cái bộ đội bị hỏng xe à?
- Hỏng. Cô gái đi đâu về mà tối thế? - Tôi hỏi mà chưa hết ngỡ ngàng.
- Sao bộ đội không đi vào bản nhờ dân bản ra đẩy cho?
- Không đẩy nổi đâu mà biết bản ở chỗ nào mà vào. Đơn vị bảo sáng mai sẽ cho xe đến kéo.
- Thế bộ đội ở đây có một mình thôi à?
- Một mình.
Không hiểu sao tôi lại buột ra cái câu dối giá đến ngớ ngẩn ấy để rồi phải khổ sở cho đến tận bây giờ. Cô gái im lặng nhìn tôi một lát, cái nhìn như của nai mẹ nhìn nai con. Rồi khẽ thở dài:
- Ngồi một mình buồn lắm, rét lắm, cho em ngồi với bộ đội nhé!
- Ấy muộn rồi, cô gái không phải đi về bản à?
Không tin ở tai mình, lại bung một câu hỏi mà chỉ mong được nghe câu trả lời ngược chiều. Nhưng cô chưa vội trả lời, khẽ vén cạp váy ngồi xuống, mắt hướng đăm đăm vào ánh lửa. Lửa táp lên mặt cô một mầu hồng như nắng và đôi mắt kia mới đẹp mới buồn làm sao. Cũng giống như đôi mắt của một nai con lạc đàn.
- Nhà của cô có xa đây không?
- Không xa đâu, chỉ chừng hai con dao quăng thôi.
- Là bao nhiêu? Cứ dao quăng, dao quăng có khi đi cả ngày vẫn chưa hết một con - Tôi bật cười.
Cô gái cũng khẽ cười rồi hỏi:
- Bộ đội ăn gì chưa? Để nướng sắn em với bộ đội cùng ăn nhé! Sắn mới ngon lắm!
Tất nhiên là tôi gật đầu. Lúc ấy đến bảo ăn bả chuột tôi cũng ăn chứ đừng nói đến sắn. Chao ôi, giữa đỉnh đèo đêm biên cương lại được cùng ngồi ăn sắn bên lửa hồng với một cô gái xinh đẹp như mơ từ đâu đậu xuống thế này thì còn gì lãng mạn bằng. Nhìn đôi bàn tay cầm dao quắm của cô khéo léo tuốt bóc đi những lần vỏ sắn xù xì mà bỗng thoáng rùng mình nghĩ đến những câu chuyện liêu trai của ông Bồ Tùng Linh. Giữa đèo đêm, một chiếc xe hỏng máy bỗng một cô gái đẹp như tiên từ trong rừng hiện ra dụ chàng lính trẻ vào cuộc yêu đương để rồi... Phải, biết đâu đấy. Với cảnh sắc ma quái này cái gì chả có thể xảy ra. Và cái cảm giác bồng bềnh hư thực đó chỉ thực sự tan biến khi em đưa tôi một khúc sắn đúng là sắn có hình khối, có mùi vị đã nướng chín thơm lựng, còn em, trên hàm răng nhóng nhánh nước như những hạt bắp nếp của em cũng đã lấm chấm những vụn than đen lấp lánh như sao trời. Em cười. Tôi cũng cười. Chưa bao giờ tôi lại được ăn những khúc sắn ngon như khúc sâm thế này. Không phải sắn nữa mà tôi như đang ăn đang uống đang nuốt cả cái cười tinh khiết, cái nhìn trinh nguyên của em vào tận đáy lòng mình. Sơn nữ ơi... Đời em như cánh chim chiều phiêu bạt từ đây vi vút trời mây... Sơn nữ ơi... Lời ca da diết của ông nhạc sĩ tài hoa họ Trần nọ không hiểu tại sao lại nương theo gió lãng đãng hiện về trong đầu tôi, bay vào ánh lửa, cháy bùng lên thành muôn vàn vụn sáng rối rít vút lên cao.
- Em tên là gì? - Tôi hỏi mà nghe giọng mình chẳng rối rít chút nào.
- Tên em xấu lắm, không nói đâu.
- Không nói nhỡ sau này muốn đi tìm em thì biết đâu mà tìm.
Lại một câu nói ngớ ngẩn. Ấy vậy mà em lại nhìn lên là lạ:
- Em biết bộ đội không tìm đâu. Bộ đội đi đây đi đó nhiều nhiều, gặp con gái đẹp nhiều nhiều, bộ đội không tìm em đâu.
- Tìm thật mà. Sẽ không có ai đẹp bằng em hết. Sẽ không thể có cái gì đẹp hơn một cô gái vô tình gặp giữa đỉnh đèo mù sương thế này.
Câu này thì tôi nói thật vì xúc cảm thật. Nhưng em lại cười, thả váy đứng dậy:
- Thôi, em về đây không thì...
- Đừng - Tôi nhìn xuống chiếc đồng hồ Ponjot đã rạn mặt đeo trên cổ tay - Gần mười hai giờ, muộn quá rồi, về nguy hiểm lắm, em cứ ngồi lại đây sáng mai tôi sẽ đưa em về.
- A lúi! Không được đâu. Vậy, em bị đánh chết đấy.
- Ai dám đánh em.
Chả hiểu do câu hỏi ấy hay vì nét mặt bỗng trở nên quá đỗi chân thành của tôi mà cô gái ngần ngừ một chút rồi vâng lời, lại ngoan ngoãn ngồi xuống, đôi mắt như buồn hơn. Gió vẫn thổi u u từ dưới khe sâu lên như tiếng sói tru. Cây lá vẫn lao xao cái khúc nhạc rừng già muôn thuở. Những khúc sắn lại được bóc vỏ vùi vào than đỏ nhưng không ai ăn. Thời gian lặng lẽ trôi qua. Trong cái lặng lẽ mang sắc thái nguyên thủy đó, tôi đã được nghe chút tâm sự cũng nguyên thủy không kém từ em của các mối quan hệ trái ngang cuộc đời.
Em bảo bố em chết rồi, chết trong một trận đánh trên chính cánh đồng Mường Thanh dưới kia, chết từ lúc em mới vừa bảy tuổi, tức là hy sinh mà cái vốn tiếng Kinh ít ỏi của em không thể gọi ra chính xác được. Mệ em lúc ấy còn trẻ lắm, dân bản bảo rất giống em bây giờ, rồi một ngày không đừng được phải đi lấy chồng khác. Ông bố dượng này đối xử với em chả ra làm sao, như tôi đòi con ở, ông bắt em suốt ngày quần quật lúc thì ngoài rẫy, lúc lại trên rừng, ngày nào cũng tối mịt mới về, như tối nay chẳng hạn. Có lần nửa đêm đang ngủ mê mệt, sặc sụa mùi rượu, ông còn mò xuống định giở trò với em, em kháng cự lại, thế là ông càng ghét, càng tìm nhiều nguyên cớ để hành hạ. Thương mệ, em cắn răng chịu, không nói ra nhưng đến khi ông ấy bắt em phải đi làm lẽ để gá bạc cho một người đàn ông có nhiều ruộng nhiều trâu ở Lai Châu nhưng nghiện oặt thì em không chịu được nữa. Thế là ông ta đánh em, động một tý là đánh, thậm chí còn đe dọa sẽ đuổi em đi nếu em không nghe lời. Trong khi đó mệ lại bị sốt rét ngã bệnh, em khổ quá, chả lẽ lại để mặc mệ bỏ nhà ra đi...
Em nói hay gió nói. Câu chuyện buồn như mưa rừng. Buồn đến nỗi làm cho cái tính hiệp sĩ lãng tử trong tôi nó bỗng cựa quậy trỗi dậy. Tôi bèn nói không biết thì thôi, biết rồi tôi nhất định sẽ đưa em vùng thoát ra khỏi cảnh này. Tức là ngay ngày mai tôi sẽ thưa với chú đoàn trưởng về chuyện của em, chú ấy là một người tốt, chú ấy có thể sẽ nhận em vào đoàn. Em bảo em xấu xí thế này, chân tay chỉ quen đi nương đi rẫy cục kịch thế này, làm sao mà múa hát được. Tôi nói em cứ yên tâm, không múa được thì hát, không hát được thì múa, mà cái dáng múa của em đã có sẵn rồi đó, chỉ cần qua một lớp huấn luyện ngắn ngày chừng vài ba tháng thôi là có thể lên sân khấu ngon lành, đoàn đang thiếu những tay múa dân gian có xuất thân từ vùng núi rừng trên này. Em nhìn tôi thoạt đầu là nghi ngại rồi sau đó là hy vọng chứa chan. Và bất ngờ em để rơi ra một tiếng thở dài. Trong tiếng thở đa đoan lớn hơn tuổi nhiều ấy, em nói em sẽ biết ơn tôi suốt đời nếu phép mầu ấy được xảy ra, em sẽ làm bất kể điều gì, kể cả giặt giũ, vá víu, nấu cơm cho mấy chú mấy anh cũng được, miễn là được thoát khỏi cảnh phải làm vợ một người như thế...
Chao ôi là tiếng thở dài của sơn nữ giữa đêm đông, nó có thể làm tan chảy bất cứ một vật thể dù sắt thép đến thế nào. Trong đầu tôi bỗng cháy lên một suy nghĩ táo bạo và không kém ngọt ngào: nếu cần tôi sẽ đưa em về Hà Nội, sẽ thưa chuyện với bố mẹ tôi để được nhận em làm con nuôi, em sẽ đi học, sẽ nhớn nhao, sẽ trở thành một cô gái Hà Nội xinh đẹp và biết đâu vài năm sau tôi và em sẽ... Bất giác, tôi cầm nhẹ lấy tay em. Bàn tay đi nương có những vết nám sần sùi nhưng đối với tôi lúc ấy, đó là bàn tay ấm nhất, đẹp nhất, mềm mịn nhất, bàn tay siêu thoát của một tiên nữ từ trời cao sa xuống ngồi cạnh tôi bên ngọn lửa cô đơn này. Em không rụt tay về, lại còn ngước lên tôi một cái nhìn tin cậy. Tin cậy vì nét mặt đang lộ vẻ quá đỗi chân cảm của tôi hay vì bộ quân phục với đôi quân hàm binh nhì đeo ngay ngắn trên ve áo, thú thực là tôi không rõ nữa. Chỉ biết rằng toàn thân tôi bỗng hực nóng rồi từ từ bay lên trộn hòa vào sương sa. Lửa hồng vẫn cháy nhưng đã có chiều nhỏ dần. Sợ lửa kia lụi tắt, lạnh em, tôi rùng mình thoát ra khỏi cơn mê mụ bồi hồi, đứng dậy nói em cứ ngồi đó, tôi đi kiếm thêm ít cành khô. Em ngoan ngoãn gật đầu. Đến lúc ấy tôi mới chợt nhớ ra ông già thợ điện còn đang ngồi trên xe. Tôi đã gác qua cái giờ phải gọi ông hai tiếng rồi. Thôi, kệ, đừng đánh thức, cứ để cho chú ấy ngủ, đêm nay là đêm của tôi, đêm huyền diệu, tôi sẽ độc quyền, sẽ không san sẻ cùng ai hết, kể cả chúa trời.
Khi tôi ôm bó củi trở về thì em đã gục xuống đầu gối ngủ tự lúc nào. Tấm lưng óng ả, cái cổ căng ra, hai cánh tay tròn trịa khoanh tròn... Trời đêm sâu thẳm, cái xe ở xa, ông già chắc vẫn đắp chăn ngủ... Trong tôi bỗng rộn lên một khao khát là lạ, thứ khao khát vừa nóng vừa lạnh rất không bình thường mà từ tấm bé đến giờ chưa hề trải qua. Nhẹ đặt bó củi xuống, nhìn xéo lên Ca bin xe một cái, tôi khẽ ngồi xuống cạnh em, run rẩy đỡ mái tóc em ngả vào vai mình. Em vẫn ngủ, thỉnh thoảng lại chép chép đôi môi chín mọng như đang mở, như đang thèm ăn một cái gì. Đôi môi ấy gần quá, nóng quá và chắc cũng sẽ ngọt quá. Không đừng được, giống như kẻ khát nước, tôi gượng nhẹ đặt đôi môi lạnh buốt, khô ráp của mình lên môi em. Đôi môi ấy không chuyển động. Chỉ có hơi thở nồng nàn xuyên thấu qua cơ thể tôi, cơ thể của một cậu trai mười tám mới chỉ biết sức nóng kinh người của một nụ hôn qua tiểu thuyết. Tôi hôn sâu hơn. Đôi mắt em vẫn nhắm nghiền. Và trong mơ hồ cảm nhận, hình như em cũng có hôn lại tôi thì phải hay với em, vẫn chỉ là một cõi mơ? Không biết gì nữa, không thể phân tích gì hơn được nữa, một con lũ đục ngầu từ đáy tâm can trào dâng, phủ chụp, gào thét, tôi lập bập ngả người em dần xuống cỏ ướt... Chỉ đến khi tôi luống cuống gục đầu vào khuôn ngực căng tròn, ấm nóng của em thì em mới hoàn toàn tỉnh hẳn. Không chống cự cũng không kêu la, điều mà tôi rất hãi sợ nhưng thà là thế còn hơn, em chỉ nhìn lên tôi một cái nhìn ẩm ướt và ai oán. Cái nhìn như con thú nhỏ bị thương. Chính cái nhìn đó đã khiến toàn thân tôi lạnh lại. Tôi đỡ em ngồi dậy, chỉ lắp bắp được mấy tiếng xin lỗi vô vị. Em không nói nhưng nhìn nét mặt tôi hiểu em đã tha thứ cho tôi, không có ý giận tôi. Rồi bất ngờ em bật khóc. Tiếng khóc nhè nhẹ mà xé nát cả bóng đêm. Tôi lại cầm lấy tay em, vỗ khe khẽ. Lần này thì là cái cầm tay của một người anh trước cô em gái đang có nhiều uẩn khúc thực sự chứ chẳng còn chút giới tính sôi sủi nào xen vào. Có lẽ hiểu lòng tôi, em nín khóc dần và rồi lại ngả khẽ mái đầu vào vai tôi, nhắm mắt lại. Lát sau hơi thở em đã trở nên đều đều. Em lại ngủ vô tư. Lửa lại sắp lụi nhưng tôi không muốn đứng dậy nữa. Đứng dậy lúc này, tôi sợ cái mái tóc kia, cái thân hình kia sẽ bay vù đi mất. Và tôi cứ ngồi hóa đá làm điểm tựa cho em như thế cho đến hết đêm, mặc cho thân thể mỏi nhừ, ê ẩm. Mùi lửa hay mùi tóc cháy nắng của em phả ra, bủa vây lấy tâm hồn tôi, ngái nồng...


Một tiếng gà gáy báo sáng từ dưới thung sâu vang lên. Em giật mình tỉnh dậy, ngơ ngác nhìn tôi giây lát rồi vội đứng lên, định cầm lấy dây gùi đeo vào lưng. Tôi giữ lại, bảo chờ cho sáng chút nữa tôi sẽ đưa em về hoặc chí ít cũng đưa đến đường cái cho an toàn như đã hứa. Em nói em tự đi được rồi. Về lúc này may có thể dượng em chưa dậy. Biết không cản được, tôi đành đeo hộ em cái gùi tiễn xuống chân dốc. Suốt đoạn đường ấy em chỉ im lặng. Tôi cũng không nói gì. Khi chia tay tôi nhắc lại lời đêm qua tôi đã hứa và hỏi em tên gì, xã nào, bản nào để còn biết. Em định nói song lại thôi, bảo tối nay nhất định em sẽ đến chỗ đoàn tôi biểu diễn. Nhất định. Rồi em nhìn tôi. Trong cái nhìn ấy ánh lên biết bao điều tin cậy, gửi gắm, hy vọng và hình như có cả một chút yêu thương mơ hồ nhen nhóm bên trong. Tôi đã lại định cầm lấy tay em nói lời tạm biệt nhưng, như một ánh chớp giật, em bỗng dướn người lên ôm chầm lấy tôi một cái thật nhanh rồi rời ra ngay. Tôi chưa kịp hiểu gì cả thì cái dáng thon thả kia đã mất hút ở khúc quanh dẫn ra đường cái quan rồi. Lặng đứng nhìn theo mà lòng dạ sao cứ se thắt như có cả một trời buồn nhân thế ập xuống. Cái gì đang chờ đợi em ở phía trước? Rồi ngày mai, ngày kia, ngày kia nữa... cái gì đang chờ đợi? Không! Không thể để như thế được. Không thể, dù bằng bất cứ giá nào, nếu tôi còn hiện diện trong cuộc đời này.

Với quyết tâm như thế, tôi đi trở lại xe. Đến đống lửa, ông già thợ điện đã ngồi sẵn ở đó từ lúc nào. Thấy tôi, ông cười, nhe hàm răng bị mất gần hết:
- Một đêm tiên bồng hả? Lạnh quá, cả đêm có ngủ được đâu. Chú định xuống thay cho mày nhưng thấy hai đứa nói chuyện say sưa quá, lại còn gục đầu vào vai nhau mà ngủ nữa nên mặc kệ. Càng khỏe. Sao? Tình hình đến đâu rồi?
Tôi bảo có gì mà đến đâu rồi nói lại câu chuyện của em đêm qua và nói cả ý định của mình. Rít xong điếu thuốc lào, chờ cho cơn say mờ mắt đi qua, chú mới gật gù:
- Tao thấy mày nghĩ cũng phải. Nếu cần để tao nói thêm với đồng chí trưởng đoàn một tiếng. Cũng tội. Chà! lên đến tận cái xứ sơn cùng thủy tận này rồi mà kiếp người vẫn còn lắm nỗi quá thể.


*
* *

Nhưng đêm hôm đó chúng tôi không biểu diễn ở Điện Biên được. Đêm sau, đêm sau và đêm sau nữa cũng thế. Có một đơn vị tình nguyện sắp hành quân qua Lào hiện đang đóng quân tại Lai Châu đòi hỏi chúng tôi phải có mặt gấp để phục vụ. Phục vụ xong, đoàn nhận được lệnh phải quay về Hà Nội ngay để thành lập những nhóm nhỏ vượt Trường Sơn vào chiến trường miền nam. Thế là tôi không còn có dịp gặp lại em. Không gặp lại suốt những ngày sau đó. Bởi khi cuộc chiến tranh đã lan rộng cả nước, ở văn công thấy lòng dạ không yên, tôi bèn xin vào mặt trận làm người lính thực thụ. Trước khi đi, tôi định tranh thủ lên lại Điện Biên tìm em vì biết đâu lần đi này tôi sẽ vĩnh viễn không có dịp trở về nhưng đợt nghỉ ngắn quá, có ba ngày thì làm sao đi nổi, chỉ đi không đã không kịp rồi chứ còn nói gì đến vừa đi vừa về mà lại còn phải tìm nữa. Đến lúc ấy tôi mới tự nguyền rủa mình sao khờ khạo đêm ấy không kiên quyết lấy bằng được tên và địa chỉ của em để ít nhất cũng có một lá thư gửi lên thanh minh, xin tha lỗi và nói lời tạm biệt. Vậy là đành bấm bụng lên đường. Chỉ kịp dặn lại ông thợ điện già nếu có dịp lên trên ấy lần nữa, nhớ hỏi giúp tôi về nàng. Chú ơi, cháu đi chuyến này trong hầu bao tình cảm gần như chẳng có gì ngoài hình ảnh của cô ấy. Một hình ảnh thoáng qua nhưng sâu thẳm như hình ảnh của một mối tình đầu, chú nhớ giúp cháu. Ông già nhận lời.


*
* *

Mười năm sau không chết, trở về, động tác đầu tiên là tìm đến nhà người thợ điện già đã về hưu ấy. Ông chấp chới mắt một lúc rồi mới chợt nhớ ra, nói trong cái lắc đầu: "Ba năm sau đoàn mới lại có dịp trở lại đấy. Nhớ lời mày, tao có để bụng đi tìm nhưng không gặp. Dân bản ở đó bảo cô ta, sau lần gặp mày chừng nửa năm, không còn cách nào khác, buộc phải chấp nhận đi làm lẽ cái lão già ở Lai Châu ấy. Nhưng cũng chỉ ở được chừng ít ngày. Khi bà mẹ ốm chết cũng là lúc cô ấy bỏ nhà chồng ra đi. Đi đâu không ai biết. Người thì bảo qua Lào, người lại bảo xuống xuôi, có người lại bảo cô ta bị hổ ăn thịt trong rừng rồi. Tóm lại chuyện về con bé sơn cước ấy coi nhưng xong, cho qua, bây giờ mày về rồi, chỉ cần ngồi một chỗ, tao sẽ bảo thằng con dẫn đủ các loại đàn bà con gái đến cho mày chọn lựa".
Tôi cười mà đắng hết cả lòng. Ông già đâu có hiểu được rằng, chính vì nghĩ đến em, có hình bóng của em đỡ nâng, bám vịn mà tôi đã có thể đủ sức đi qua được tất cả cánh rừng bom đạn, đã biết cầm súng một cách tử tế và cố sống trong những hoàn cảnh tưởng như không sống được để hy vọng sau này về sẽ được gặp em. Vậy mà... Nửa năm. Chắc là suốt nửa năm đó em đã khắc khoải chờ đợi lời hứa của tôi để rồi cuối cùng phải đành tự chui đầu vào tục lụy. Từ đó đến giờ em ở đâu? Cuộc sống em đang trôi nổi đến khúc nhôi nào? Tội nghiệp? Tội nghiệp cho em và tội nghiệp cho cả tôi. Cuộc đời em sau này nếu may mắn lấy được một người chồng tử tế thì không sao, còn ngược lại, chính tôi cũng cảm thấy mình không thể tha thứ được. Trời ơi! Giá như đêm ấy tôi không gặp em và trước em, tôi đừng có hứa?


*
* *


Thế rồi thời gian trôi đi. Hậu chiến ngổn ngang tiếp đến thời kỳ bao cấp ảm đạm rồi lại chuyển sang thời thị trường giông gió. Con người cứ quay như chong chóng. Tôi cũng đã có vợ có con, tất nhiên, và cuộc sống mưu sinh vật vã đã không cho tôi có nhiều dịp để nghĩ về em, để lên lại mảnh đất quê em một lần. Và tôi sẽ dần dần hoàn toàn quên hẳn em như quên hẳn những kỷ niệm đau đáu khác trong dòng đời muôn vàn rắc rối nếu như vào một ngày gần đây, tôi không có dịp đi Đài Loan để ký kết một hợp đồng đóng tàu theo chức phận nghề nghiệp.


Đài Loan, hòn đảo hình củ khoai chiều dài có năm trăm cây số này sao đẹp và yên bình quá thể. Hơn nửa thế kỷ không có chiến tranh, không có đột biến nào đáng kể đã giúp cho nó có đủ thời gian để toàn tâm toàn ý dốc sức vào việc làm ăn, vun quén, vào cuộc sống dân sinh. Không có đồng lúa, không có ruộng vườn, không có cả rừng cây, không có một tài nguyên nào gọi là, đâu đâu cũng một mầu đất cằn đá cỗi, hoang trụi đến tận cùng nhưng nó đã biết áp đặt tư duy lấy công nghệ điện tử, công nghiệp cơ khí, công nghệ chế biến cùng hàng loạt những công nghệ tiên tiến khác làm điểm tựa, tất nhiên có cả sự hà hơi tiếp sức quan trọng và không mấy vô tư của một quốc gia siêu cường nằm bên kia biển Thái Bình Dương nên mặc nhiên đã đạt độ tăng trưởng đứng vào hàng thứ hai mươi ba trên thế giới.


Nhưng buồn. Buồn trong cảnh vật, buồn trong tiết tấu cuộc sống, buồn trong dáng đi của những cư dân trên đường, buồn trong mắt nhìn con gái. Buồn cả bầu trời rất ít khi có nắng. Và buồn như hơi văn của người đàn bà có tên Quỳnh Dao nữ sĩ. Hơn năm mươi năm chỉ tồn tại trong một cuộc hành trình đơn lẻ như thế thì làm sao không buồn. Dẫu rằng nếu lạc vào bất cứ một dãy phố, một vùng đô thị lớn nhỏ nào ở đây, khách vãng lai đều có chung cảm giác choán ngợp rằng mình đang dạo bước giữa một đêm hội hoa đăng, một đại hội thể thao văn hóa rực rỡ những sắc mầu tím đỏ vàng xanh nào đó.


Để rồi vào một tối buồn như thế, do thói quen thích tha thẩn ngắm mây nước trớt trăng mỗi khi đến một vùng đất lạ của cái tuổi đã chớm bước vào già, tôi dừng lại trước một quán cơm Việt Nam có cái tên cũng là lạ: Mường Thanh. Gọi là quán nhưng nó rộng phải bằng cả một cái hội trường cấp tỉnh ở ta, bên trong chứa đủ lượng bàn ăn của một tiệc cưới. Quán đang đông người. Một làn điệu dân ca bắc bộ đất Việt đang vang lên dìu dặt cùng với những tiếng va chạm lanh canh của ly cốc. Ở xứ người mà chợt nghe được dân ca xứ mình thì người có trái tim vô cảm nhất cũng phải rung lên, tức nghẹn. Trong tâm trạng như thế, tôi tìm một cái bàn khuất nhất ngồi xuống và bỗng sững người. Cô gái có vẻ là bà chủ đang đứng sau quầy điều hành một cách tươi tắn và khoan thai ngay trước mặt tôi kia sao lại giống em quá thể. Giống lắm! Cũng khuôn mặt, đôi mắt, cái miệng, dáng người ấy, duy chỉ có chiều cao là hơi nhỉnh hơn. Giống đến nỗi khi người bồi bàn già đi đến hỏi tôi dùng món gì, phải đến lần hỏi thứ ba tôi mới lùng bùng nhận biết được nội dung câu hỏi của anh ta. Tôi kêu vài món gọi là rồi sau khi mời anh chàng một ly rượu, tôi mới đánh bạo hỏi, tất nhiên là hỏi bằng thứ tiếng Hoa mà tôi có biết chút ít rằng, hình như cô chủ quán này là người Việt? Anh ta gật đầu, nói thêm, không phải cô chủ đâu mà là bà chủ đấy. Bà chủ đi vắng, cô con gái tạm thay. Một luồng điện xẹt ngang đầu, tôi định hỏi thêm nhiều điều nữa thì ông đã đi sang bàn khác rồi. Tôi quyết định ngồi lại chờ cho đến lúc vãn khách trong chủ đích sẽ hỏi thẳng chuyện với cô chủ nhỏ kia. Nhưng khổ, xứ này người ta ăn uống hầu như không có giờ giấc gì, càng về đêm hình như càng khoái khẩu hay sao ấy nên chiếc đồng hồ trên tường đã chỉ vào con số 12 rồi mà vẫn chưa có chiều vãn khách. Ngồi nán lại nữa thì vô duyên. Đành về. Tự hẹn sáng mai dù bận thế nào cũng quay lại sớm.


Nhưng sáng hôm sau, như ông già bồi bàn nói, cô chủ của ông đã bay đi Cao Hùng rồi, tại đấy cũng có một siêu thị lớn buộc cô phải có mặt để xử lý mấy việc rắc rối. Hỏi ra mới biết người bồi bàn này cũng cùng bà con dòng họ bên nội với cô, vừa mừng vừa hụt hẫng, tôi mới xin phép được ngồi trò chuyện chút ít với ông nhân lúc khách còn thưa vắng. Ông già nhìn tôi chăm chú một lúc như nhìn một con bệnh thần kinh rồi miễn cưỡng ngồi xuống. Và chính trong cái sự miễn cưỡng đó, tôi đã thấu hiểu ra tất cả. Trời ơi, đúng là quả đất xoay tròn, cô gái kia chính là con đẻ của em. Nhưng không phải là con của cái người đàn ông nghiện ngập ở cái xứ Lai Châu heo hút nọ mà là giọt máu của người đàn ông ở Chợ Lớn, Sài Gòn, nơi mà sau năm 75, do tìm đường làm ăn em đã phiêu bạt tới. Không còn trẻ nhưng nhan sắc vẫn mặn mà, em đã lọt vào đôi mắt đa tình của ông ta. Một nhà buôn người Hoa có hạng trên phạm vi lục tỉnh. Bằng con mắt từng trải, ông ta ngỏ lời muốn lấy em làm vợ. Đang thân cô thế cô, em nhận lời. Và sau năm 90, khi cả đất nước đang rùng rùng vào công cuộc đổi mới ông đưa cả gia đình sang đây với lý do có đất làm ăn hơn và đi đâu thì đi, cuối đời nên trở về với gốc nguồn cội rễ. Đó là một người đàn ông tử tế và hết lòng thương yêu vợ con. Sang được ít năm thì ông ngã bệnh lăn ra chết. Của chồng công vợ, em bỗng được thừa hưởng toàn bộ số tài sản kếch xù gồm ba nhà hàng, hai khách sạn một cái năm sao, một cái ba sao, một xưởng đóng tàu, một nhà máy chế biến hải sản và hai siêu thị của chồng. Cô gái Mường Thanh nghèo khổ năm xưa bỗng trở thành một bà chủ nức tiếng giàu sang và giỏi làm ăn trên đất Đài nhưng, cũng theo lời ông già nói, lòng dạ vẫn khôn nguôi nhớ về chốn cũ, thì đó, ngay cái tên quán đặt là Mường Thanh cũng đã nói lên rõ tấm lòng hoài niệm ấy đó thôi. Năm nào em cũng trở về và lần trở về nào em cũng cố gắng làm một cái gì đó cho quê như một sự chuộc lại. Và cho đến năm vừa rồi, nghe nói vùng quê ấy đã trở thành thành phố, lại đang rục rịch chuẩn bị cho ngày lễ trọng của cả nước nhân năm mươi năm ngày giải phóng, cái ngày mà người cha thân sinh ra em đã ngã xuống khi em còn nhỏ, em đã quyết định trở về, về hẳn, toàn bộ tài sản, công việc làm ăn đang có chiều phát đạt giao lại cho con gái và mấy người cháu ruột của chồng...


Nghe xong câu chuyện tôi rã rời cả người. Cuộc đời vần vũ thật lạ. Kiếp người này tưởng chừng sẽ tàn úa, phôi pha thì lại bừng lên chói sáng. Kiếp người kia tưởng chói sáng lại suy sụp, điêu tàn, có khi phải chui đầu vào nhà đá. Định hỏi, thế, trong những lúc rỗi rãi, là bà con thân tộc, ông có nghe bà ấy lần nào nhắc đến một anh con trai vận áo lính người Hà Nội mà một lần bà đã vô tình gặp trên đỉnh đèo mờ sương lạnh ở quê nhà cách đây đã gần nửa thế kỷ không nhưng cứng lưỡi không hỏi được. Hỏi làm gì hay chỉ chuốc lấy sự bẽ bàng khi người ta đã trở thành một doanh gia nức tiếng. Sắp đến giờ ra máy bay, tôi vội cám ơn, đứng dậy tạm biệt ông già và phiền ông ghi cho cái địa chỉ của em ở bên nước, tất nhiên lần này thì không thể cho phép mình quên được tên, họ. Thì ra em là Lò Thị Mền, khốn nạn, đi gần hết cuộc đời mà cho đến tận bây giờ mới biết được tên em, còn địa chỉ thì ông bảo em lúc chỗ này lúc chỗ khác, ngay chính ông cũng không nắm chắc được nhưng cứ lên Điện Biên mà hỏi chắc sẽ gặp.


*


* *


Về được ba ngày, tôi đáp máy bay đi luôn. Vậy là kể từ ngày đó, từ cái ngày được gặp em, tôi mới có dịp lên lại vùng đất sử xanh này. Chao ôi, tất cả đã thay đổi đến không ngờ! Một Điện Biên hẻo lánh, nghèo nàn, quạnh quẽ cách đây bốn mươi năm đã hoàn toàn biến mất để thay vào đó là một thành phố đang phôi thai, sầm uất, rộng dài với những tòa nhà đang đua nhau vươn mình lên tầm cao không gian xanh biếc. Ngay cái đỉnh đèo lầy lội đầy ổ trâu ổ gà năm xưa tôi đã ngồi bên lửa cùng em ấy nay cũng đã thành một điểm du lịch ngoạn mục với con đường dẫn đến lát bê-tông thẳng thơm, đủ hai làn cho các dòng xe nhẹ nhàng xuôi ngược. Lại chợt nao buồn, tuổi già sao hay buồn thế, vậy là ngay cả cái mốc kỷ niệm nhỏ nhoi với em cũng không còn nữa. Như không có thật, như ảo ảnh, như chỉ là một giấc mơ. Hay là mơ thật? Ngồi một mình tư lự hút hết gói thuốc, tôi tìm xuống một người quen sơ đang làm việc ở ban chỉ đạo các công trình thuộc dự án lễ kỷ niệm để hỏi tin em. Người bạn này nói có, có một bà Việt kiều tên như thế, người như thế đã có mặt ở đây nhiều ngày, đã đi xem xét tất cả những khu chiến tích đang được phục chế và đã ngỏ ý xin được đóng góp một số tiền không nhỏ gọi là chút tấm lòng của bà con hải ngoại trước việc trùng tu thánh tích nhưng bây giờ bà ấy đi rồi, đi Lai Châu thì phải. Ở đó đang có một dự án khổng lồ di dời toàn bộ dân ra khỏi thị xã, ra khỏi tỉnh lên vùng Tam Đường để phục vụ cho khu thủy điện Sơn La chiến lược sắp vào giai đoạn khởi công. Tôi chóng cả mặt. Chao ôi, cái vùng đất địa đầu biên giới bao năm tưởng chừng như bị bỏ quên này sao hôm nay lại nảy mầm lên nhiều công trình, nhiều dự án thế, mà dự án nào cũng là dự án thế kỷ cả.


Đã lường trước nên tôi không mấy hẫng hụt, trước khi đi tiếp cuộc hành trình tìm kiếm, tôi bỏ ra hẳn một ngày để đi thăm lại hết thảy những gì mà hơn bốn chục năm trước tôi đã có dịp đi qua . Đồi A1, cầu Mường Thanh, khu hầm chỉ huy của bộ tư lệnh, căn hầm của đại tướng Võ Nguyên Giáp, hầm Đờ Cát, căn cứ pháo binh, đài tưởng niệm bốn trăm người dân bị giết hại... Năm mươi sáu ngày đêm, kéo pháo ra kéo pháo vào, cánh đồng đẫm máu... Hồn tử sĩ gió ù ù thổi. Thời khắc lịch sử năm mươi năm như cùng một lúc theo ngọn gió ấy ào ạt thổi về khiến tôi thấy rợn cả người. Cánh đồng Mường Trời đẫm máu dập rờn sóng lúa đang trải dài tít tắp dưới kia, nơi bố em ngã xuống ở chỗ nào? Phải chăng...


*


* *


Lai Châu những ngày sắp chìm tất cả xuống lòng nước thật buồn. Chìm xuống những thăng trầm vật vã, những khát vọng và tuyệt vọng, chìm xuống những kỷ niệm yêu nhau, ghét nhau, chìm xuống những cái tên đất, tên người đã tạc vào lịch sử, chìm xuống những thế hệ dằng dặc khổ đau và hào hùng, chìm xuống ngọn núi mây mù bên kia thác nước mà vị vua Thái Đèo Văn Long đã nhiều năm trấn ngự độc ác cùng với rượu ngoại và các cô gái xòe bị chôn sống theo chồng và, chìm xuống cả cái con người nghiện oặt mà đã có lần em đã vì quá thương mệ khăn gói về làm lẽ người ta, chìm xuống... chìm xuống hết để mai đây chỉ có mặt nước mênh mang.


Chỉ có em là đứng lại. Đứng lại như sự kết tinh của tất cả. Nhưng chán thay, tại đấy, người ta lại bảo em mới ra sân bay đi rồi, đi Hà Nội hay Sài Gòn vì một công việc bận rộn gì không biết nữa. Người ta còn bảo, bà ấy lạ lắm, nghe đói rất giàu có nhưng cái ăn cái mặc lại hệt như một người đã có nhiều năm sống nghèo khổ ở trên này. Điều này còn lạ hơn, chính bà ấy đã xin chính quyền được tự tay bỏ vốn để xây dựng một khu nhà định cư gồm ba chục căn hộ trên vùng đất mới cho bà con mà không cần đấu thầu, trúng thầu, không đòi hỏi một điều kiện gì cả. Ở đây mọi người gọi bà là Nhà tài trợ mặc váy thổ cẩm...


Thiên hạ còn nói nhiều điều về em, nói xuôi chiều có mà ngược chiều cũng có bởi lòng tốt một khi đã trở thành thái quá, không phải ở đâu, bao giờ cũng được nhìn nhận một cách thẳng ngay. Riêng tôi, tôi lại hiểu thấu được tấm lòng em. Em đang muốn trả nợ cuộc đời, trả nợ giọt máu thiêng liêng người cha thân yêu của em đã đổ xuống và trả nợ cho chính những năm tháng tuổi thơ đau khổ, nhọc nhằn của chính em.


Có thể đời này, kiếp này tôi không tìm gặp lại được em, vì cả hai lúc này đã già rồi, chỉ cầu mong lúc này em đang ở đâu đó, Lò Thị Mến ơi, nếu có một chút lắng lòng, đọc được những dòng này, xin em hãy thể tất và tha thứ cho tôi, một gã trai mộng mơ và đa tình đã không thực hiện được lời hứa trong cái đêm em ngả mái tóc khét nắng vào vai tôi ngủ ngon lành giữa đỉnh đèo hun hút gió ấy. Bởi em, bằng trái tim tinh khiết và tấm tình thơ ngây của mình, em đã tự tìm được niềm vui và lẽ sống trong cuộc đời. Cũng như người cha không còn nữa của em năm xưa đã ngã xuống giữa trời Điện Biên ngàn trùng mây trắng.


Chu Lai - Tháng 3-2004

2 nhận xét:

  1. Đây là quà của thầy My, dạy ở Đại học KHTN, tặng cháu Thu Thủy học viên Điện tử y sinh k42 khi ôn thi đại học. Năm nay cháu tốt nghiệp và là CTV gần gữi của BT5, của trang mạng này.
    Cảm ơn Thu Thủy!

    Trả lờiXóa

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.