Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

CÓ CHÚA KHÔNG? (Nguyễn Quốc Bình)

Thực bụng ta tin là có Chúa. Chỉ là, chưa gặp lần nào (gặp rồi hả, còn ngồi đây mà gõ phím tán nhăng tán cuội được sao?). Cũng vẫn chỉ lờ mờ hiểu, Chúa như cái vô cùng, cái tuyệt đối mà bên trong cái ranh giới rất xa xăm và mờ nhạt ấy, con người chen chúc sống, giãy giụa mà sống. Càng giãy, cái sợi dây cột chặt từng thân phận trong đó càng thít chặt lại, không ai thoát được ảnh hưởng nhằng nhịt - dù các ảnh hưởng ấy có yếu đến mấy bởi có thể đang sống cách nhau rất xa về không gian hay rất xa về thời gian - từ những số phận của những người khác. Và từ cái đó, người ta vẫn bảo rằng Chúa có ở mọi nơi, mọi lúc, quán xuyến đến từng chi tiết nhỏ nhặt, tưởng như tình cờ nhất. Xét cho cùng, cách nhìn nhận Chúa như của ta thế này hóa ra lại đầy tính duy vật, bởi xét đến cùng, chủ nghĩa duy vật bảo rằng hiểu biết của con người thì tăng tiến mãi mãi song chỉ tiệm cận đến chân lý tuyệt đối mà thôi, còn cái tuyệt đối ấy ta thì gán cho nó một danh xưng, gọi là Chúa hay Tự nhiên, nào có khác gì mấy.

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

"Không thể mất nước…" (Giang Mèo)

GM FB – 1-6, trực ban, ngồi đọc sách lịch sử, ngẫm nghĩ mấy chuyện của tiền nhân những lúc sơn hà xã tắc lâm nguy. Hơn 160 năm trước, năm 1841 vua Miến Tông nhà Nguyễn lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiệu Trị. Lúc này thực dân đế quốc các nước châu Âu đang lăm le bành trướng thuộc địa, nhóm ngó nước ta đã lâu. Nhà vua đặt quan điểm trị nước của mình bằng 4 bài châm mà có lẽ muôn đời sau vẫn đúng. Đó là Kính thiên (kính trọng đất trời); Pháp tổ (học hỏi cha ông đi trước); Cần chính (Chăm lo việc nước) và Ái dân (thương yêu dân chúng)… Tuy nhiên hậu thế nhiều người đã không làm được. Triều đình nhà Nguyễn suy thoái, đớn hèn, dâng non sông cho đế quốc ngoại bang, mở ra thời kỳ nô lệ, thuộc địa lầm than suốt cả trăm năm sau… 
Nước ta mất bởi vì đâu
Tôi xin kể hết mấy điều tệ nhân.