Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

CÓ CHÚA KHÔNG? (Nguyễn Quốc Bình)

Thực bụng ta tin là có Chúa. Chỉ là, chưa gặp lần nào (gặp rồi hả, còn ngồi đây mà gõ phím tán nhăng tán cuội được sao?). Cũng vẫn chỉ lờ mờ hiểu, Chúa như cái vô cùng, cái tuyệt đối mà bên trong cái ranh giới rất xa xăm và mờ nhạt ấy, con người chen chúc sống, giãy giụa mà sống. Càng giãy, cái sợi dây cột chặt từng thân phận trong đó càng thít chặt lại, không ai thoát được ảnh hưởng nhằng nhịt - dù các ảnh hưởng ấy có yếu đến mấy bởi có thể đang sống cách nhau rất xa về không gian hay rất xa về thời gian - từ những số phận của những người khác. Và từ cái đó, người ta vẫn bảo rằng Chúa có ở mọi nơi, mọi lúc, quán xuyến đến từng chi tiết nhỏ nhặt, tưởng như tình cờ nhất. Xét cho cùng, cách nhìn nhận Chúa như của ta thế này hóa ra lại đầy tính duy vật, bởi xét đến cùng, chủ nghĩa duy vật bảo rằng hiểu biết của con người thì tăng tiến mãi mãi song chỉ tiệm cận đến chân lý tuyệt đối mà thôi, còn cái tuyệt đối ấy ta thì gán cho nó một danh xưng, gọi là Chúa hay Tự nhiên, nào có khác gì mấy.

Thủa còn đi học, ta chỉ được dạy tin theo chủ nghĩa duy vật, các ông thày triết đạo mạo vẫn thường nói về triết học duy tâm như một cái gì đó tối tăm, méo mó và bảo thủ. Gắn vào đó đủ những thí dụ, thậm chí là tội lỗi, mà vị tất đã có thể kiểm chứng. Tóm lại, ngay cả cách dạy ấy tự nó cũng đã méo mó, bó buộc - mà tất cả những thứ mất màu tự do tư duy như thế thì cũng méo mó, tối tăm không kém. Lẽ ra cần dạy tất, mời cả các cố đạo minh mẫn nhất đến dạy cho người ta, hay chí ít là cần có đủ các tài liệu minh bạch nhất, để tự người học có thể tự mình thấu hiểu, so sánh và tự rút lấy những kết luận của mình, tự xây dựng lấy niềm tin của mình.

Thế nên, ngay từ lúc còn rất trẻ, 18 đôi mươi, ta đã ra sức đọc để hiểu. Những năm còn sống trong rừng bạch đàn trên các mỏm đồi thôn Tam Lộng, lâu lâu có ngày nghỉ học (tuần 1 lần vào các thứ Năm) ta vẫn cặm cụi lội bộ 8 km ra trường chính vào thư viện để đọc sách, tối mịt mới lại lội bộ về đến đơn vị. Ta đọc gì những ngày ấy, truyện mượn được thì hầu hết là các tiểu thuyết của Liên xô có đầy trong thư viện, những 'Tuyển tập truyện ngắn', 'Bông hồng vàng' của Paustovski, 'Đất vỡ hoang', 'Sông Đông êm đềm' của M. Solokhov, vô số là truyện của hàng chục nhà văn xô viết (những Fadeyev, Polevoi, Gaida, Kazakievitch...), các tác gia khác thì có 'Những người khốn khổ' bản đủ của Victor Hugo mà trước đó ta mới chỉ được đọc những trích đoạn của nxb. Kim Đồng (những 'Cô-det', 'Chú bé Ga-vơ-rốt'), 'Miếng da lừa' của Balzac, 'Đỏ và đen' của Stendhal..., sách độc bản mới phải đọc tại chỗ, những 'Lịch sử tư tưởng kinh tế', 'Lịch sử thế giới cận đại' (ngay trang đầu là nói về lịch sử 'Đại Brơ-ta-nhơ' mà dạo ấy đọc mất cả ngày ta mới vỡ nhẽ ra Đại Brơ-ta-nhơ ấy chẳng qua là dịch từ tiếng Nga của cái tên để chỉ Great Britain, nôm na là hòn đảo nước Anh), 'Chính trị kinh tế học', 'Nhà nước và cách mạng'... Lên thư viện nhiều đến độ các thủ thư của thư viện nhẵn mặt ta, đến nỗi năm 1996, sau gần 9 năm đi khỏi trường - từ học ôn thi NCS, học tiếng rồi đi nước ngoài làm NCS - trở về học viện, đến thư viện làm thẻ đọc thì chị Thục, một thủ thư kỳ cựu, vừa nhác thấy mặt ta đã nói ngay 'Nguyễn Quốc Bình, K3, số thẻ 1375' để các cô nhân viên mới đi lục lại hồ sơ cũ làm thủ tục cấp thẻ mới. Thế nhưng mãi tận năm 1975, sau khi bà chị nhà văn đi miền Nam về, ta mới thó được của chị ta 1 cuốn dày cộm, khổ nhỏ, mất mấy trang đầu và đuôi mà đọc một hồi ta mới vỡ ra đang đọc 'Tân ước', với các 'Tin Mừng theo thánh Ma-thi-ơ', 'Tin Mừng theo thánh Lu-ca'..., mãi về sau này mới được đọc Cựu ước.

Tận đến khi sang Hung ta mới được làm quen nhiều với Chúa, bắt đầu hiểu rõ thế nào là Thiên Chúa Ba ngôi, các hệ phái..., thường đi vào thăm thú nhà thờ, và không chỉ nhà thờ mà cả những nghĩa trang công giáo yên bình, mộ nối mộ theo hàng thẳng tắp, sạch sẽ và hiền hòa như những công viên nhỏ rì rào dưới những tán lá dày, với những ngôi mộ xinh xắn với những dòn chữ hết sức khiêm nhường 'Nơi đây yên nghỉ' ông x bà y cô z, với những lời chúc của người sống 'Hãy sống đời yên lành bên Chúa!'. Đã từng vô cùng cảm động khi nghe cả ngàn người Hung say sưa cùng nhau hát quốc ca trong Bazilika của Budapest. Sách báo thì nhiều lắm, những đôi thanh niên đi truyền giáo cắm vào cửa phòng trên cái bao để kẹp thư và messages rất nhiều sách, thậm chí tiếng Việt hẳn hoi. Ta đọc tất, không bỏ sót 1 tài liệu nào. Đọc và suy ngẫm rất lâu, trong những đêm dài cô độc như 1 chú sói hoang trong ký túc xá, những khi không vật vã trên lab hay không phải đi đánh quả.

Trước khi sang Hung thì ta từng đã đọc một số sách về Phật giáo, những bản sách vô cùng hiếm hoi thời đó, một số bản thì nhận được từ bác Lan Tú-Lê Doãn Vỹ mà bọn ta vẫn quen gọi là bác Sửu, bạn học thủa Cao đẳng sư phạm Pháp-Việt của mẹ ta từ những năm 1930s. Sang Hung thì được đọc thêm về Kinh Qu'rân (bản song ngữ, tiếng Anh và Ả-rập) do anh bạn NCS người Pakistan cùng ký túc cho mượn đọc và ra sức giảng nghĩa những đoạn ta không hiểu rõ (đổi công lại, ta chịu trách nhiệm ra chợ Sài Gòn-Thượng Hải mua về cho cả hai thuốc lá Marlboro.do 'Việt Cộng' buôn lậu từ Nga về bán với giá 80-85 cents/bao).

Cứ như thế, ta tự xây dựng cho mình cái nhìn về cuộc sống, xây dựng niềm tin riêng của mình vào lẽ sống.

Giờ vẫn nhớ và vẫn hay kể lại cho học trò của mình (à, là liên quan tới những kết luận không chứng minh được mà chọn lọc tự nhiên lại vẫn có) câu chuyện năm nào. Số là một dạo, ký túc xá vẫn hay có các đôi thanh niên Hung rất trẻ, các tình nguyện viên, vào rải sách báo, và hơn nữa, gõ cửa vào rồi ngồi lỳ cả buổi trong phòng thuyết phục những du học sinh người Việt đi nghe giảng đạo, về Chúa... Một đôi lần thì cũng OK thôi, không chết người cháy nhà gì cả, song ngày nào cũng thế, đều như vắt chanh thì không ổn, bởi vô cùng bất tiện. Đuổi ra thì bất nhã, mà cứ thù lù trong phòng những người lạ thì còn biết làm ăn ra sao. Mấy NCS còn sống trong ký túc mới quyết định nhờ ta - gã Bình dị 'thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý' toàn cãi ngang phè phè - ra tay trấn dẹp. Một bữa, cu Hùng con nhà Hữu-Thảo hộc tốc chạy từ tầng 7 lên buồng ta trên tầng 8, hân hoan reo 'Bác Bình ơi, "bọn nó" đến rồi, bố cháu bảo lên gọi bác xuống ngay!'. Xuống tới phòng, thấy một đôi thanh niên còn trẻ lắm, mặt mũi cậu con trai thì hiền lành song khôi ngô, cô gái thì - như mọi cô gái Hung ta có thể gặp khắp chốn cùng quê - trông xinh đẹp, dịu dàng lắm. he he, thấy ta vào, bọ ấy bỏ ngay vợ chồng Thảo-Hữu, quay sang 'tuyên truyền' kẻ mới đến. Ta thì ậm ừ bảo 'Cơ mà bọn tao là những người làm khoa học, chúng tao chỉ tin vào những gì được chứng minh một cách có luận lý thôi, chỉ tin những gì chính mình nhìn/nghe/sờ mó thấy. Chúa, ừ thì tao cũng có nghe nói đến nhiều, song chưa từng thấy bao giờ sất'. Nghe ta bảo vậy, như thể vớ được vàng, cô cậu liền tranh nhau hỏi 'Thế mày có nhìn thấy gió không?'. Úi giời ơi, bổn cũ này cứ thế mà tái bản không xin phép ah? Hm, cái chiện dư lày thì ta đọc nát ra rồi nhé, cô cậu. Ừ, là nếu ta bảo 'Không, tao không nhìn thấy gió' hả, thì tiếp theo tất sẽ như vầy chứ gì: 'Thế bạn làm sao biết có gió?', 'là thấy lá cây rung phải không?', nghĩa là có rất nhiều thứ trên đời này ta hổng cần nhìn thấy nhưng vẫn biết chắc là có. Thì Chúa cũng như vậy mà, ta không cần nhìn thấy Chúa vẫn biết được là có Chúa. 'Không có Chúa, thì làm sao lại có cừu chẳng hạn!'. Ờ, nhé, trên trái đất này chỉ có chỗ có sói mà không cừu, chứ không có nào có cừu mà không sói cả. Sói đẻ 1 lần 4-6 con, cừu 1 lần đẻ nhõn 1 chú. Sói ăn cừu chứ cừu hổng ăn sói mà ăn cỏ ạ. Vậy, không có Chúa là đáng chăn chiên vĩ đại, hỏi làm sao mà còn cừu đến bây giờ mà sói không sực cho tuyệt diệt? Xin đừng bảo là vì con người chăn dắt, che đỡ cho cừu khỏi miệng sói, nhá, nhá, nhá. Bởi lúc con khỉ chưa biến thành người thì cả ngàn năm trước đó đã có sói và cừu rồi mà, và sao sói lại chả chén sạch sẽ cừu đi trước khi vượn biến thành người chứ. Ấy là nhờ có Chúa đấy. Thế nên chỉ cần thấy có cừu, thấy ong biết làm tổ một cách tối ưu vân vân và vân vân... là ta biết có Chúa liền à. Hô hô, biết vậy nên ta mới mặt tỉnh bơ, bảo bọn hung hăng kia là 'Có, tao có nhìn thấy gió!'. Oài, quả này trật đường rày nặng, nhở. Ở nhà, các cha xứ chỉ dạy mỗi cái bài ấy, trong đầu đang hí hửng chờ nghe ta trả lời không nhìn thấy gió chứ chưa từng thấy đứa thổ tả nào lại láo xược đến vậy mà tuyên 'Có nhìn thấy gió' ạ. Hai đứa ấy nghe ta bảo vậy, giãy nảy lên như vừa bị dội gáo nước lạnh mà bảo 'Mày không thể nhìn thấy gió đươc!'. Ta mới ôn tồn bảo chúng rằng 'À, đấy là do chúng mày hổng nhìn thấy gió thôi, chứ tao cam đoan là tao có nhìn thấy gió ạ. Vả lại, tao đố chúng mày chứng minh được tao không nhìn thấy gió đấy!'. Khỏi phải nói hai cô cậu ấy chưng hửng và bối rối biết chừng nào. Cứ bảo 'Mày làm sao mà nhìn thấy gió được!'. Ta chỉ bảo 'Thế chúng mày có chứng minh được điều ấy cho tao tin là tao không nhìn thấy gió được không? Chứ tao thì có nhìn thấy gió đấy ạ'. Một hồi như thế, ta mới hỏi xem hai cô cậu ấy bao nhiêu tuổi. 19 và 21 ạ. Ta mới cười, hỏi 'Thế các bạn đã đọc giáo lý của đạo Phật bao giờ chưa, đọc kinh Qu'rân bao giờ chưa?', 'Chưa hả? Nhưng mà tôi thì đã đọc rồi, và kinh Thánh thì đã biết và đọc Tân ước từ lúc các bạn còn chưa sinh nhé'. Vậy, 'Các bạn nên về học thêm nữa đi, rồi lại quay lại đây ta thảo luận tiếp, nhá!'. Sau lần ấy thì tiệt, không thấy đôi nào vào ký túc xá thuyết phục bọn ta đi theo đạo nữa, tạnh hẳn.

Nói thế thôi chứ lần tháng Mười năm 2010 đón thày sang thăm VN, trước khi ra sân bay để vào Nam và sang thăm Ăng-co rồi bay về Hung, cụ giáo yêu cầu ta đưa cụ đến nhà thờ để làm lễ. Ta đã đưa cụ giáo đến Nhà thờ lớn HN, đứng lặng yên ngắm nhìn thày giáo thân yêu của mình thành kính quỳ hành lễ. Chính cụ đã dạy ta rằng 'Ta hãy chỉ tin vào cái mà ta thấy tận mắt, cái mà tự mình chứng minh được hoặc được chứng minh cho một cách có luận lý'. Rất may là ta đã đủ lớn để hiểu cụ, để hiểu rằng Chúa là hiện thân của lòng tin vào cái thiện, căm ghét cái ác, là con đường phụng sự con người. Và trong rất nhiều phần của cuộc đời mình, con đường ta đã đi, đang đi không hề mâu thuẫn với niềm tin đó.

Chúa là như vậy, vượt lên trên những cãi vã tầm thường và vô vọng về vật chất hay tinh thần, cái nào có trước.

Một cuốn kinh Thánh nhỏ ta đã đọc và mang về từ Hung (mua tháng hai, 1992 tại nhà ăn Của BME dưới chân nhà V2, giá bán đồng loạt tất cả các ấn phẩm: 100 Ft, ~ 1 USD)."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.