Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Gặp mặt 30 năm ra trường của k8 Học viện

Anh em Quang, Quốc gặp nhau tại sân trường ở Hoàng Quốc Việt.
Hôm qua nhận được mail của Quang k8 Radar, bạn gửi 1 số ảnh nhân họp mặt 35 năm nhập trường và 30 năm tốt nghiệp của k8, tổ chức ở Vĩnh Yên tháng 8/2008.
Chương trình hôm đó có chụp ảnh kỉ niệm, giao lưu trong hội trường và thưởng thức chương trình văn nghệ do các cháu "tuyên văn" của Học viện biểu diễn.
Sau đó sang thăm Khu trường mới ở Tam Đảo, nay là Trường trung cấp Vũ khí, đạn do 1 bạn k8 làm hiệu trưởng. Tới thăm và nhớ lại ngày còng lưng xây dựng phòng học và phòng thí nghiệm để chuyển vào khu mới.
Có cả chú em Đạm, Phan Công, Diệp, Hà bay từ SG ra. Thế mà nay Đạm đã đi xa. Nhớ nó quá!
Sau đó về ăn cơm trưa tại quán Cá Việt Trì.
Xin post ảnh lên để anh em cùng xem.


Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Gặp nhau ở đất trung du

Lê Chí Hòa
Học viên Hữu tuyến khóa 5
 Năm 1979, đang là giáo viên bộ môn Thông tin Hữu tuyến (khoa Vô tuyến điện tử, Đại học KTQS) tôi được giao nhiệm vụ đi liên hệ thực tập cho học viên khoá 9. Ra trường chưa lâu lại được giao nhiệm vụ “độc lập tác chiến“ làm tôi lo ngay ngáy. Sau khi về làm thủ tục tại Bộ tư lệnh TTLL và Ban Tham mưu Trung đoàn 134, tôi nhảy tàu lên Phú Thọ, đến Trạm cơ vụ A54, nơi được chỉ định tiếp đón đoàn học viên.
Lúc đó, địa chỉ của Trạm phải giữ bí mật, tôi chỉ có trong tay một sơ đồ chỉ đường rất đơn giản. Và bí quyết của con nhà lính “đường ở đằng mồm” cùng lời khuyên của đồng chí Tham mưu trưởng E134: “Phú Thọ có nhiều đơn vị của quân ta, anh cứ vào bất cứ một đơn vị nào hỏi đường người ta sẽ chỉ cho”.

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Gặp mặt “thế hệ 2” nhóm Xe Công suất trung bình

Trần Kiến Quốc
Giáo viên bộ môn Vô tuyến (1975-90)
Bộ môn và nhóm môn học

Vào năm học cuối 1974-75, lớp Vô tuyến khóa 5 chúng tôi chỉ còn học môn “Xe Thu phát Công suất trung bình” (Xe CSTB) rồi đi thực tập tốt nghiệp trên Nhà máy Thông tin M1 (ở Khải Xuân, Thanh Ba, Phú Thọ). Thầy Ngô Hai, thầy Nguyễn Ngọc Lân và “thầy” (bạn Trỗi) Ngô Long dạy lí thuyết và thực hành môn này. Vừa học xong máy nhỏ sóng ngắn, sóng cực ngắn cấp chiến thuật; nay chuyển sang học máy lớn, đặt trên xe công trình, ai cũng phấn khởi, thấy tầm mắt mình mở rộng ra.

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Ngoan cố (ST)

Cô giáo ra đề bài tập làm văn: Hãy tả con vật mà em yêu thích.
Một học sinh viết: "Con vật mà em yêu thích nhất là con rận...". Và học sinh này bắt đầu tả con rận, chi tiết đến từng cọng lông. Nhưng cô giáo không hài lòng vì con vật này không được đẹp,  cô yêu cầu cậu học sinh tả con chó.
Hôm sau cậu bé nộp bài: "Con chó nhà em có rất nhiều lông, vì thế nó rất lắm rận. Sau đây em xin tả con rận...". Hơi bực mình, cô giáo bèn cẩn thận chọn một con vật không có rận, là con cá và bảo cậu tả lại. Cậu bé viết: "Con cá sống ở dưới nước nên nó không có lông, nhưng nó có rất nhiều vảy. Nếu nó sống trên cạn thì chắc hẳn nó phải có nhiều lông. Mà nhiều lông thì sẽ có rận. Sau đây em xin tả con rận...".
Hoàn toàn không hài lòng, cô giáo đưa ra yêu cầu chót: Hãy tả bạn gái ngồi cạnh em. Cô chắc mẩm cậu bé không thể nào gán cho cô bạn xinh xắn kia là có rận cho được.
Cuối cùng cô nhận được bài làm: "Bạn gái ngồi cạnh em rất xinh xắn và sạch sẽ, bạn có mái tóc bóng mượt, cho nên bạn không có con  rận nào. Tuy nhiên, em vẫn xin tả con rận...".

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Đồng nghiệp Nguyễn Trọng Chiến Thắng

Hà Chí Quang
Học viên Vô tuyến khóa 5
Khi tôi từ trung đoàn về cơ quan Bộ tư lệnh TTLL  thì Thắng “mắt xanh” (lính Trỗi khóa 3) đã là sỹ quan trợ lý phòng “Công trình chiến đấu” – một đơn vị trực thuộc Bộ tư lệnh chuyên thiết kế, lắp đặt, sửa chữa các công trình thông tin toàn quân. Tôi cùng “bộ môn vô tuyến” với gã. Gã thông minh, nhạy bén – cái nhạy bén mà người ta ngoa lên là “ma mãnh”.
Về lịch sử QĐ, xưa kia do “hoàn cảnh” nên ta chỉ có các đài vô tuyến điện dã chiến, mãi sau mới xây dựng trạm “vô tuyến vĩnh cửu” nhưng về kĩ thuật anten thì chỉ gồm loại đơn giản.

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Đi quét tầu

Có lẽ ít ai trong lính ta từng phải đi quét tầu? Vậy “quét tầu” là gì và vì sao phải đi quét tầu? Chuyện lạ đấy!
Nguyễn Thắng
Học viên Vô tuyến khóa 3
Quét tầu là tên gọi của công việc dọn vệ sinh cả một đoàn tầu, dài vài chục toa, sau khi về ga cuối (Depot). Công việc này được thực hiện không phải ở Việt Nam mà ở tận trời Tây xa xôi và thực hiện bởi các sĩ quan ta sang học tập tại CHDC Đức những năm cuối 1980. Chuyện thế này...

Đi học

Tháng 10 năm 1986, sau 5 tháng ròng “mài đít quần” học tiếng Đức ở Đội 9 (Đông Anh) thuộc Đoàn 871, dưới cái nắng nóng khủng khiếp, sau kì thi sát hạch rồi học chính trị ở Gia Lâm, sau những “thanh lọc” thì tôi - Nguyễn Thắng (khóa 3, công tác tại BTTM) cùng Võ Quốc Tấn (khóa 3, Bộ tư lệnh TTLL), Nguyễn Anh Tường (khóa 2, Cục Bảo vệ), Trần Kiến Quốc (Học viện KTQS) và Nguyễn Văn Hòe (Viện KTQS) có tên trong danh sách đi thực tập tại Viện Tự động hóa chỉ huy IMAT (Institut fur Mechanisierung und Automatisierung der Truppenfurung) của QĐ quốc gia Đức ở Dresden. Cũng phải “đi đêm” với đại uý trợ lí Nguyễn Văn Bẩm (Cục Cán bộ) mới moi sớm được những thông tin về chuyến đi.

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Đi gác đêm

Đào Duy
Thời học viên Đại học KTQS, thằng nào chả phải đi gác đêm. Khi thì gác ở khu khí tài, khi thì gác cổng trường, khi thì gác ở khu vực nhà bếp... Đại loại là chẳng thằng nào thoát.

Có lần gác ở khu khí tài. Trời mùa đông lạnh như cắt da, lại rơi vào ca từ 1-2 giờ sáng. Tôi co ro, một vai đeo khẩu CKC, một tay xách chiếc đồng hồ báo thức Trung Quốc có cái vệ tinh "Sờ-pút-nhíc" dạ quang sáng trưng, chạy lòng vòng. Toàn bộ người ngợm đồng hồ, súng ống được phủ bên ngoài cái chăn chiên. Như bó rạ ngày mùa vật vờ di chuyển trong đêm. Ra tới khu khí tài, chọn được ca bin chiếc xe thông tin. Mở cửa, chui vào đánh một giấc tới gần sáng, quên mẹ nó cả giao ca. Tỉnh dậy thấy phía đông trời đã bàng bạc sau màn sương . Thế là tung cửa xe lao hồng hộc về cổng Bảo Sơn, nơi tiểu đội ngủ tập trung khi đi gác. Xem danh sách, lật màn dí cho thằng ca cuối rồi buông một câu dằn mặt "Im miệng, không chết cả nút đới!".

Thơ: Dấu chân trên cát

Huỳnh Văn Úc
Giáo viên bộ môn Tự động điều khiển


Em nắm tay anh đi trong bình minh
Biển ngậm mặt trời chỉ còn một nửa
Chân trời xa nhuộm hồng màu lửa
Biển màu xanh trong mắt em xanh.


Đừng đi gần mép sóng nghe em!
Để dấu chân vẫn còn trên cát
Những dấu chân dịu dàng tươi mát
In trên nền cát trắng dịu êm.
 

Khi con nước dâng theo thuỷ triều lên
Thôi đành gửi biển dấu chân trên cát
Nhưng trong lòng anh dấu chân em không mất
Kể cả khi em sẽ quên anh.



Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

CÓ NHỮNG BÀI CA KHÔNG BAO GIỜ QUÊN!

                                                                                             DƯƠNG MINH ĐỨC
                                                                                      Học viên Xe quân sự khóa 5
Những kỉ niệm vui, cái hay trong đời nhớ rất lâu; nhưng những kỉ niệm buồn, cái dở của lính quân sự cũng thật khó quên! Nhất là kỉ niệm gắn với những bài hát thì sống mãi!

Là lính quân sự, anh em (cả thầy lẫn trò) biết và thuộc nhiều bài hát truyền thống. Do ảnh hưởng của cha mẹ một thời đã tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp, sau đó lại là lớp người kế tục, được sống trong không khí hào hùng của sự nghiệp chống Mỹ. Những bài ca cách mạng là nguồn động viên tinh thần vô cùng to lớn cho chiến sĩ ta lao vào cuộc chiến.

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Bạn Trỗi - Đại học KTQS đến thăm Thầy tại Berlin (Trần Đình Ngân)


Thầy, trò bên nhau.
Berlin vào hè, nắng đẹp. Chiều thứ bảy 2-6-2012 đang nhâm nhi với mấy bạn đồng hương, nhận đươc điện thoại có khách từ Việt nam sang. Khách là học trò cũ ĐHKTQS: "Trò yêu“ Hồ Xuân Nam. Hai vợ chồng chú em đang chiêm ngưỡng một đọan cũ tường thành ngăn cách Đông-Tây hồi chiến tranh lạnh của Berlin, gọi điện hẹn 30 phút sau tới thăm thầy tại nhà.
Tuồi già gặp những lúc xúc động, thấy mắt mình cứ rân rấn. 40 năm rồi còn gì, lớp học sinh khóa 3 trường Trỗi bước sang học những năm chuyên ngành đầu tiên tại Khoa Cơ điện (ĐHKTQS). Thầy trẻ, trò nhộn... đêm chiến tranh ôm nhau ngủ hầm phòng không, tiếng bom B52 nổ rền phía Đông Anh, Hà nội... những bữa cơm độn ngô... giờ giảng về sản xuất lắp ghép B40, B41 giữa rừng thau thau... chiều dã ngoại kéo nhau vào rừng hái củi giúp chị nuôi... tối đến, chia nhau củ sắn luộc, cười vỡ bụng vì tài dân vận của lính Trỗi…
Tình "Thò Chầy-Thầy Trò“ thắm đượm nghĩa anh em, đồng chí, lẫn vào thời gian thành kỷ niệm không thể quên được.



Có anh Ba Hưng…

Hà Huy Dũng
Học viên Vô tuyến khóa 5

Từ đơn vị về, anh vào học khóa 4 Đại học KTQS. Ngày ấy truờng ở Vĩnh Yên.
Năm 1970, khi lên truờng thì chúng tôi gặp anh. Biết anh là em trai anh Đoàn Mạnh Giao (giáo viên Khoa Cơ điện) và anh trai của Đoàn Mạnh Thanh, Đoàn Mạnh Tuyên và Đoàn Quốc Khánh (học sinh truờng Trỗi). Thân nhau từ đấy.

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Đón bạn

Tiến Trì đang biểu diễn.
Trưa qua có cuộc nhậu của thầy trò Quân sự tại nhà hàng Hà Thành, Yên Thế. Tiến Trì H14 chủ chi với sự có mặt của Hạnh, Tuấn Thái (bạn học H14), Sơn "trọc", sau thêm Thu (cháu cụ Trần Độ), bố con nhà Mai... Vui vẻ.

Ông già Mai 77 mà vẫn vui với cánh trẻ.

Bên 2 bạn từ Đức sang.





Tiến "sung" nhất, liên tục kể chuyện tiếu lâm (có lẽ vì có cô bạn mới?). Với câu đối "Cô du kích Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi" thì Tiến có vế đối khá đắt "Trai Hàng Chuối chuồi háng chỉ hàng chuối". Vậy mà phải bái phục câu "Gái Hải Dương hưởng giai ở Hải Dương" (đúng quê thằng em mới đau!).
Tiến cũng đọc bài "Rao thuốc 3 con 3" của thầy Giang "mù" in trong Tuyển tập 30 năm Học viện nhưng chưa thật chuẩn, vậy là NSUT Kiến Quốc sau khi "lau đầu từ" bằng li Vodka Cọng cỏ Ba-lan đã thể hiện lại tác phẩm làm cả bàn tiệc cười chảy nuớc mắt.
Quãng 3g chiều có thêm 2 bạn mới: Christoph (người Đức) và anh Nô (Việt kiều) mới từ Phú Quốc bay về. Vậy là dùng tiếng Anh, tiếng Đức loạn xạ. Anh bạn người Đức  tỏ ra rất thích thú khi chén các món ăn VN.
Hai bạn Đức rất sướng khi được nghe thơ lục bát bằng 2 thừ tiếng Đức-Việt: "Hôm nay Ich có ngày sinh/ Ich mời Du đến trinken, essen? Essen xong lại tanzen? Tanzen rồi lại bumzen dazu".
Kết thúc bằng hợp ca "Ngày mai anh em chúng ta gặp nhau suốt ngày...".
Chiều về say quá.

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Thầy trò gặp nhau (KQ)

Sáng nay đúng hẹn với Hạnh H14 xây dựng (cháu cụ Trần Độ) vào SG công tác, mời gặp mặt tại Cafe Milano (TSN); lại đúng quán của ông Phan Nam hay "giao ban cuối tuần" nên 2 ông bạn già gặp nhau sớm nhất. Lát sau Hạnh, Mai (cháu Nam), Trần Hải rồi Tiến "Trì" (cũng lính H14 vật lý, ông già tên Trì!) có mặt.
Với Hạnh là hàng xóm 97 Trần Hưng Đạo nên quen biết từ lâu, sau lên học Quân sự. Gần nhất gặp Hạnh là năm 2009 ở Hải Dương nhân kỉ niệm 30 năm nhập ngũ của cánh Đập Neo, Đoàn Đào.
Còn Tiến thì đã xa 15 năm. Từ năm 1997, dịp chú em từ Đức về cưới vợ. Nay đã chuẩn bị VTV3. Tiến khoe: Ở bên kia vẫn tụ bạ với bác Ngân và Trung (con cụ Sanh PKKQ). Tiến lang bạt kì hồ, có thẻ định cư ở Đức, lại có cả thẻ định cư ở Mỹ. Tiến kể:
- Bác Ngân tặng em cuốn Tiếu lâm Học viện in nhân kỉ niệm 30 năm (1966-1996), em vẫn giữ tới giờ. Thuộc nằm lòng. Hay nhất là bài "Rao thuốc hôi nách 3 con 3" của thầy Giang "mù". Đi đâu cũng mang theo, nay em để bên Mỹ.
Nhớ lại hồi đó còn in máy in kim, giấy vàng khè. Kể cho các chú em: Năm 1996, anh em Học viên phía nam định tin ấn, tặng mọi người. Nghe tin, Cục Tuyên huấn "nhắc nhở" ngay. Vậy là chỉ "lưu hành nội bộ".
Kể lại chuyện Đình "bọ": "Lúc cậu nằm chạy thận ở Viện 175, vào thăm, không quên tặng cuốn sách này. Như có thuốc thần, Định khỏe hẳn ra và sống thêm vài năm. Lúc Đình đi, thầy đến thắp hương và không quên nhét thêm 1 cuốn cho học trò mang theo".
Cánh H14 thân thiết nhau, cùng làm ăn và quậy phá ra trò. Tiền "còi" kéo nhiều bạn cũ về cùng làm ăn. Ngồi lát có thêm Bùi Tuấn (Râu, cũng H14). Tiếc là quên chớp hình. 
Quá 8g30, phải ra sân. Các em hẹn "độ" quanh quanh sân bay trưa nay.