Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Gặp mặt “thế hệ 2” nhóm Xe Công suất trung bình

Trần Kiến Quốc
Giáo viên bộ môn Vô tuyến (1975-90)
Bộ môn và nhóm môn học

Vào năm học cuối 1974-75, lớp Vô tuyến khóa 5 chúng tôi chỉ còn học môn “Xe Thu phát Công suất trung bình” (Xe CSTB) rồi đi thực tập tốt nghiệp trên Nhà máy Thông tin M1 (ở Khải Xuân, Thanh Ba, Phú Thọ). Thầy Ngô Hai, thầy Nguyễn Ngọc Lân và “thầy” (bạn Trỗi) Ngô Long dạy lí thuyết và thực hành môn này. Vừa học xong máy nhỏ sóng ngắn, sóng cực ngắn cấp chiến thuật; nay chuyển sang học máy lớn, đặt trên xe công trình, ai cũng phấn khởi, thấy tầm mắt mình mở rộng ra.


Trong chương trình, môn học được triển khai dã ngoại, xa truờng cả hàng chục cây số với máy móc hiện đại nên càng hấp dẫn. Thầm uớc khi ra truờng được là sĩ quan kĩ thuật phụ trách những xe như thế, khối em mê.

Đầu năm 1975, đang làm đồ án tốt nghiệp, khoá chúng tôi đuợc đặc cách tốt nghiệp tăng cuờng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi cùng anh Phạm Văn Kỉnh và Lê Chí Hoà đuợc nhà truờng bổ sung vào danh sách đoàn tiếp quản kĩ thuật Thông tin viễn thông của Mỹ-nguỵ. (Chắc cũng là dịp nhà trường bồi dưỡng thực tế cho giáo viên trẻ?). Chúng tôi rất tự hào lên đường.

Sau hơn 5 tháng vào Nam khai thác và thông mạch hệ thống thông tin viễn thông cũ, ngày trở ra thì anh em cả khoá đã lên đuờng nhận nhiệm vụ. Chả kịp chia tay nhau. Thầy Ngô Hai và thầy Ngọc Lân “chấm” tôi về nhóm Xe CSTB. Gọi là thầy nhưng anh anh em em, thân thiết như trong nhà (sau mới biết thầy Lân học cùng các anh Chu Thành và Hoàng Triệu Hùng - học viên khóa 1, ngày trên Thái Nguyên).

Thiếu giáo viên, các thầy cho tôi phụ giảng ngay lớp Vô tuyến khoá 6. Năm đó chọn thì nhiều, nhưng học viên giỏi (vì nhiều lí do) không được về bộ môn. Vì hay hoạt động văn thể mà tôi đã “chấm” Phạm Hồng Phong - quê Ninh Bình, trẻ khỏe, đẹp trai, đá hậu vệ được, còn trong đội bóng chuyền của thầy Lê Khôi là cây chuyền hai “được của nó”. Bộ môn OK, đề đạt lên trên. Ban Cán bộ đồng ý. Vậy là Phong về nhóm môn học.

Chỉ chênh lệch nhau một, hai tuổi nhưng sống thân tình. Anh trước em sau, phân nhau chuẩn bị giáo án. Phong lấy vợ sớm (không phải tảo hôn!). Tiệc cưới tổ chức tại Trạm khách 23 Phan Bội Châu. Tôi đuợc Phong tín nhiệm mời cắt chữ lồng, trang trí. Ngày ấy cánh Quân sự có “mô-tip” thiết kế chữ lồng kiểu logo hiện đại nên trông phông màn có phong cách trang trí cách điệu, lạ mắt. (Không theo kiểu cổ điển: đôi chim kẹp mỏ cùng chữ Song Hỷ như vẫn làm).

Sau Phong, năm 1978, tôi tiến cử Vũ Thanh Hải, học viên Vô tuyến khoá 8. Trên cũng OK. Nhóm môn học của chúng tôi ngày ấy quá trẻ, khỏe và đầy năng lực.

Sau ngày thầy Ngô Hai về Nam để hợp lí hoá gia đình, thầy Trần Bá Hợp (dạy môn Phát vô tuyến, bộ môn Cở sở 2) về làm Tổ truởng bộ môn. Thầy Lân là tổ phó kiêm trưởng nhóm môn học Xe CSTB.

Cánh trẻ bộ môn tôi sinh hoạt trong sáng, vô tư, thậm chí “hơi tự do”. Ham chơi thể thao, hơi lười tập thể dục sáng (vì phải dậy sớm). Mỗi chủ nhật đi tranh thủ từ Hà Nội lên là lại uống trà, tán phét tới khuya.

Nhớ mãi Phong cao, chân dài, hay mặc quần quân phục bó sát đùi, chữa hơi loe ở phần dưới. Vậy là “không lọt mắt” cán bộ quản lí. Năm 1979, xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc, cùng thầy Lân, thầy Bình tăng cường cho QK2 thì Phong cùng thầy Nghiêm Sĩ Chúng, Khúc Văn Nghi về QĐ5, hướng nóng Lạng Sơn.

Ngày chia  tay nhau, tôi cứ tấm tức. Cũng chỉ nghĩ đi rồi lại về…

Chuyện của mấy chục năm sau

Năm 1990, tôi chuyển ngành. Còn Vũ Thanh Hải đi nghiên cứu sinh rồi quay lại trường. Phong từ QĐ5 về BTL TTLL.

Ba chục năm sau, năm 2010, Hải đã là thiếu tướng Phó giám đốc Học viện KTQS, còn Phong là Phó tư lệnh binh chủng TTLL. Xa xôi cách trở nhưng vẫn liên lạc với nhau bằng mobilphone, dễ hơn ngày xưa gấp vạn lần. Nhiều lần họp mặt anh em bộ môn, vắng mặt tôi, Hải và Phong gọi vào hẹn, nếu ra Bắc thì alô nhau để giao lưu rồi lên Thái Nguyên “du hí”, thăm thầy Lân. Nói vậy, ra vào nhiều nhưng vì công việc nên  hiếm khi đủ mặt.

Đầu năm 2011 có việc ở Học viện, Thanh Hải hẹn vào TPHCM. Chờ suốt, không thấy ai gọi. Đến 9g đêm, sau giấc gà gật hơn tiếng đồng hồ trên sa-lông, vừa ngủ vừa xem ti-vi thì thấy máy reo. Màn hình hiện tên “Vũ Thanh Hải”. Bật máy, nghe: “Em vào rồi, nếu anh rảnh thì ra quán Cây Dừa ở Phan Đình Giót. Có cả Phong k6”. Mẹ ơi, 9g mới bắt đầu ăn nhậu thì phục các bố lính nhà ta . Quả là có ngại. Nhưng dịp này có cả Phong, lâu lắm không xáp mặt, nếu bỏ cơ hội thật phí. Có rảnh hay không rảnh (Hải “rào giậu” khéo quá, sợ ông anh già đã lên giường rồi!) cũng phải ra. Vậy là phi xe tới.

Thật hiếm có cơ hội mà anh em bộ môn Vô tuyến nhiều thế hệ  lại gặp nhau tại TPHCM. Trong đó có các thế hệ của nhóm môn học Xe CSTB: tôi, Phạm Hồng Phong, Vũ Thanh Hải, Đỗ Quốc Trinh (khoá 12), Đinh Thế Cường (khóa 14) cùng lão tướng Phan Nam (Xe khóa 8), Ngô Thanh Đạm (Radar khóa 8) và một lô lính lác của BTL TTLL và Học viện KTQS. Thật là vui.

Anh em cụng li nào cùng trường, nào cùng khoa, đến cùng bộ môn rồi cùng nhóm môn học… (Một tiểu đoàn các loại “cùng”). “Cùng” xong thì í ới kể lại chuyện của ba, bốn chục năm trước. Dù xa nhau nhưng không quên nhau. Cảm động hơn khi thấy anh em đều trưởng thành (có những người là “quan to”) nhưng sống vẫn chân thật, tình nghĩa, vẫn ào ào như xưa. Đúng phong cách Học viện!

Nhớ mãi lúc chia tay, Phong nói: “Ngày ở Lạng Sơn, khi chiến tranh biên giới đã tạm lắng, anh Quốc có bắn tin kéo Phong về lại bộ môn. Quả thật lúc ấy đã nhắn về, sống mãi ở đơn vị chiến đấu, bỗ bã quen rồi, sợ không còn mô phạm để đứng trên bục giảng... Nhưng hàng chục năm trôi qua, dù đi bất cứ đơn vị nào, đến đâu, em vẫn tự hào rằng, Học viện đã cho em một cái đầu!!!”.

Bộ môn Vô tuyến và nhóm môn học Xe CSTB của chúng tôi là thế đó!








2 nhận xét:

  1. Xin bổ xung : Từ ngày Chủ nhiệm bộ môn là Pham văn Bính, phó là TKQ, BT là Trần Bá Hợp thì kéo về Bộ môn thêm một giáo viên giỏi nữa là Trần Đình Ngân.Giờ phải trên bục giảng thì là hai Khoa,BM riêng biệt nhưng khi sinh hoạt bộ môn ngoại khóa,ngoài giờ ( Đặc biệt các thứ bẩy CN không có vé xe tuyến)thì bộ môn thêm quân số luôn đông vui. Ăn uống thêm bát đĩa, ngủ ké chung phản nhưng khó nhất là khi giao đầu bóng đá,bóng chuyền, hai khoa Cơ điện và VTĐT luôn là kình địch,vì màu cờ sắc áo mà không thể nào các vị vô tư cổ vũ hai bên, tranh cãi thật lực. Thời cuối 1986 Quốc từ HN lên, hay quanh quẩn bên K2, ông Hợp chờ mãi không thấy lên nộp Đảng phí phải phi sang thúc ông Ngân " Nhắc nó: Chi bộ nó sinh hoạt là ở bên anh cơ mà! "... (TĐN)

    Trả lờiXóa
  2. Các chú đàn em của TKQ rất quý anh giai Ngân. Có vụ nào vui của bộ môn (ra nhà Kha uống rượu, liên hoan với lớp Vô tuyến k14...) bác cả đều có mặt, hòa đồng, chứ không xa cách như nhiều thầy hơi cao tuổi khác.
    Nay bác tận trời Tây mà anh em vẫn nhớ.

    Trả lờiXóa

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.