Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

ANH LÊ CHÍ HÒA - CHÍ ÍT LÀ HÒA (Nguyễn Quốc Bình, k7 HV)

Thấy trên FB của anh Quốc có ảnh anh Quốc và anh Lê Chí Hòa, mới bảo thể nào cũng phải viết 1 status về anh 'Chí ít là Hòa'.
Các anh Quốc và Chí Hòa đều là học viên Khóa 5, có 1 năm cùng đại đội C30 'khu chuồng lợn' trên Bảo Sơn, Vĩnh Yên từ 40 năm trước (gồm các khóa 5-6-7 học viên ngành VT-ĐT). Chí Hòa học hữu tuyến, sau về Bộ môn Hữu tuyến làm GV nên cùng bộ môn với ta, còn anh Quốc học vô tuyến, sau về làm GV bộ môn Vô tuyến, cùng khoa VT-ĐT (K3), sau này cả 2 bộ môn nhập làm một thành Bộ môn thông tin cho đến tận bây giờ. 
Dạo ta học năm cuối, cả 2 anh đều dạy chuyên đề cho lớp bọn ta, Chí Hòa dạy máy tải ba FCC17 của Mỹ, anh Quốc thì dạy các máy FRC109 và REL2600 cũng của Mỹ để lại. Cả hai đều học rất giỏi, chơi guitar và đá bóng rất hay (nhất là anh Quốc, rất đa tài - thế mà mãi mới lấy được vợ ạ, bọn con gái dạo ấy mù lòa cả hay sao ấy nhở?). Cả hai đều là con các cán bộ cao cấp (anh Quốc là con thiếu tướng Trần Tử Bình, người lãnh đạo phong trào Phú Riềng đỏ và tổ chức khởi nghĩa ở Hà Nội năm 1945, sau là chính ủy trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, năm 1950-1951 cha ta cũng học ở đó, dạo ấy Trường còn đặt bên Trung Quốc, cha ta sang đó, đi bộ từ chiến khu tới Trường cùng đoàn đi với cụ Trần Tử Bình). Còn anh Lê Chí Hòa là con thiếu tướng Lê Chưởng (sau về làm bí thư đảng đoàn Bộ ĐH-THCN) và bà Diệu Muội (thứ trưởng Bộ Thương nghiệp). Song cả 2 đều rất giản dị và hòa đồng, sống chí tình với anh em và cả đời đều sống đúng như những người lính chân chính theo gương cha mẹ mình. 

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

CƠ SỞ CÁCH MẠNG Ở VĨNH YÊN

Phần 2 - Bà chị VN anh hùng
Ai đọc chắc cũng ngạc nhiên: Làm gì có danh hiệu cao quý này? Xin thưa, Nhà nước thì chưa nhưng anh em cán bộ, sĩ quan, CNV Đại học KTQS từng sống ở Vĩnh Yên thì đã tôn vinh 1 bà chị cực thương yêu bộ đội Vĩnh Yên cái danh hiệu này. Chuyện khá dài dòng...
*
... Vĩnh Yên những năm đầu của thập kỷ 80 thế kỷ trước. Chiến tranh biên giới với TQ từ 1979. Sau 1975, Liên Xô không còn viện trợ cho ta. Bắt đầu đói.
Trưa ấy, vừa dạy từ Khu 125 về. Bụng đói meo. Vừa đạp xe rẽ vào đường Bảo Sơn thì nghe tiếng gọi với theo:
- Ngân ơi, Quốc ơi, vào chị đi. Hôm nay, mông chị ngon lắm. Giò chị cũng tươi rói đây.
Chưa cuối tháng đã hết nhẵn tiền, quý chị lắm nhưng đâu dám vào:
- Chị ơi, chúng em hết tiền rồi.
- Ơ hay, tiền nong gì, cứ lấy về mà ăn. Khi nào có tiền trả cũng được.
Cơ sở cách mạng của chúng tôi như thế đấy.

CƠ SỞ CÁCH MẠNG VĨNH YÊN (Kiến Quốc)

"Đi dân nhớ, ở dân thương..." (nhớ là còn "chấm chấm" nữa!) là truyền thống của bộ đội ta; điều này quá đúng với cán bộ, sĩ quan, học viên Đại học KTQS Vĩnh Yên. Xin được đăng tải loạt bài về các cơ sở cách mạng của chúng tôi.
Phần 1 - Đại tá Lữ trưởng Lữ đoàn dù
Anh tên là Nguyễn Văn Lữ, Việt kiều Thái-lan về nước theo lời kêu gọi của Cụ Hồ hồi 1960. Vì thân thiện, Lập Ngố và Trung Nghĩa đặt cho anh cái tên Lữ trưởng Lữ dù. Nhà anh đối diện "Chiêu đãi khổ" Bảo Sơn nên cũng thành nơi đón vợ con, người yêu của cánh đàn em lên chơi. Vô tư, nhà có gì xài nấy.

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

MỘT THỜI ẤU TRĨ (5) - Nguyễn Đức Nước


Một buổi tối đầu năm 1972 tổ Đảng bộ môn Bảo dưỡng và Sửa chữa ô tô (khoa Xe, HV Hậu Cần) họp. Chỉ là buổi sinh hoạt thường kỳ nhưng tự nhiên Bí thư Đảng ủy khoa – thiếu tá Nguyễn Văn Lý cũng xuống dự. Trong buổi họp, lại cũng “tự nhiên” bí thư Lý hỏi tôi:
-      Đồm chí Nước có thuộc 7(*) nhiệm vụ của đổm viên không?
Vốn dĩ tôi không cho rằng học thuộc kiểu “Rắn là một loài bò, (à ờ à) rắn là một loài bò …sát không chân, (a) sát không chân” sẽ là đảng viên giỏi hay xuất sắc. Cái thời vừa vác tre đi rào làng kháng chiến vừa nói như “đọc thuộc lòng” cho người khác “Cuộc kháng chiến của chúng ta chia làm ba giai đoan: giai đoạn phòng ngự, giai đoạn …” (Nam Cao – Đôi mắt). Với lại, cả năm năm trời học đại học có bao giờ phải học thuộc lòng đâu đã thành thói quen nên khi bị hỏi bất ngờ, tôi trả lời luôn:  
-      Báo cáo thủ trưởng tôi không thuộc ạ!
-      Không thuộc! Thế đồm chí chỉ nói những ý chính cũng được. - Bí thư giảm mức yêu cầu.
-      Báo cáo, ý tôi cũng không nhớ. - Tôi trả lời bừa đi như vậy, muốn cho xong chuyện.