Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Loạt chuyện của những người lính Học viện sống tha huơng

BÀ WAGNER
Tôn Gia Quý
Học viên Tên lửa khóa 4
Bà Wagner ở cạnh cửa hàng nhà tôi. Bà bảo, kể cả chính thức và không chính thức bà đã làm ở nhà trẻ 50 năm. Trong 50 năm ấy chỉ nghỉ phép thôi còn thì chưa bao giờ nghỉ ốm vì “nghỉ ốm thì ai cho bọn trẻ ăn?”.

Tôi về đây được ít lâu thì chồng bà chết. Thành ra hơn chục năm nay bà sống có một mình. Con cháu sinh sống ở Tây Đức, còn bà từ nhỏ đến lớn sống ở Leipzig nên cuối đời chả muốn đi đâu.


Bà Wagner già lắm rồi nhưng khi ra đường ăn mặc rất đẹp và sạch sẽ. Tôi để ý trong một ngày nếu phải ra đường hai lần thì hai lần ấy bà cũng không bao giờ ăn mặc giống nhau. Vì sống một mình nên hàng ngày khi vào cửa hàng tôi, bao giờ bà cũng nấn ná nói vài câu chuyện. Tính bà vui vẻ, lạc quan, mặc dù bị huyết áp cao đã lâu. Hàng ngày khoảng 8 giờ tối, con gái bà (năm nay đã 60) lại gọi điện hỏi bà đã đo huyết áp chưa và nhắc bà uống thuốc.

Mấy năm trở lại đây bà Wagner đi lại rất khó khăn. Khi nào bà mua hàng nhiều thì tôi lại xách hàng cho bà về nhà. Một lần như thế, bà khoe với tôi một quyển sổ dày trong đó ghi tất cả những chuyện về trẻ con mà bà đã chứng kiến. Tôi hỏi bà viết để làm gì? Bà bảo chỉ viết cho chính mình thôi! Cả đời chả viết lách gì, suốt ngày chỉ sống và nghĩ về trẻ con. Nay về hưu không được nhìn thấy chúng nó cho nên nhớ chúng nó như thế nào thì viết như thế. Liếc qua quyển sổ tôi thấy bà viết rất nắn nót và đẹp. Có câu chuyện chỉ hai ba dòng. Cách đây ít lâu bà bảo đã viết xong. Bà kể cho tôi nghe hai câu chuyện .


Chuyện thứ nhất

Có một lần bà đang dạo phố thì có một cơn gió rất to. Có một người đàn bà đi phía trước bị gió thổi bay chiếc mũ sang bên kia đường. Xe cộ dưới đường thì nhiều, lại không đúng chỗ dành cho người đi bộ sang đường, thành ra bà này rất lúng túng. Đúng lúc đó có chiếc Jaquar dừng lại. Một người đàn ông nhảy ra khỏi xe và chạy nhặt chiếc mũ. Sau đó,  ông ta nhanh nhẹn sang bên đường và lịch sự trao lại cho người đàn bà chiếc mũ.

Vừa lúc đó bà Wagner bước tới và nói với người đàn ông:

- Ông đã làm một việc rất đẹp!

Người đàn ông quay lại nhìn bà, sững sờ một lúc rồi thốt lên: “Cô Wagner! Cô không nhận ra em sao? Em đã ở nhà trẻ của cô mà”. - Ông ta cười rạng rỡ và nói thêm – “Từ nhỏ cô đã dạy chúng em phải làm như thế!”.


Chuyện thứ hai

Có một lần bà đang ngồi trên ghế đá công viên. Có một cậu bé khoảng 4-5 tuổi giật khỏi tay mẹ, chạy đến hỏi bà:

- Bà ơi bà có gặp bà cháu không?

Bà Wagner ngớ người ra chẳng hiểu gì. Cậu bé lại hỏi tiếp: “Có phải bà vừa ở trên trời xuống không?”. Vừa lúc ấy người mẹ trẻ bước đến, đợi cho cậu bé chạy đi, chị kể với bà Wagner rằng, bà cậu bé vừa mất. Cháu cứ hỏi bà đi đâu lâu thế? Chị đã nói với con rằng,  bà đã bay lên trời rồi và tất cả những người già đều sẽ bay lên trời.




Chuyện chiếc “ống tay”

Mùa đông ở đây nếu lao động nặng ngoài trời mà không đeo găng tay thì dù người có nóng toát mồ hôi nhưng tay vẫn bị tê cóng. Có một mùa đông khi đang khuân hàng ngoài xe vào, hàng thì nặng lại phải làm nhanh nên tôi toát hết mồ hôi. Vậy mà tay lại cóng đỏ hồng. Phải khuân thật nhanh vì nếu không nhanh thì hoa quả sẽ đông đá hết, khoai tây nếu để lạnh lâu khi ăn sẽ ngọt lừ. Bia sẽ bị bật nắp xì hơi, các chai nước uống sẽ bị đông đá, vỡ chai.

Đúng lúc ấy bà Wagner đi qua. Nhìn tôi làm một lúc. Đợi khi tôi lên xe vừa lấy hàng ra,  bà hỏi: “Tại sao ông không đi găng tay? Ông không có găng tay sao?”. Tôi chỉ đống găng tay trên xe và bảo “Bà Wagner ơi, tôi có đủ các loại găng tay lao động, có cả loại cắt cụt để lộ ngón tay ra ngoài. Nhưng mang nó vào rất vướng, vì thỉnh thoảng khi khuân vác lại phải thò tay vào túi lấy bút viết, hoặc là bán hàng và vô số việc lặt vặt khác. Mỗi lần như thế lại mất thì giờ tháo găng ra, rất khó chịu”.

- Thế khi tay ông cóng thì làm thế nào?

Thú thật là dù cởi áo lính đã lâu nhưng tôi vẫn không bỏ được kiểu ăn nói của lính tráng ở đơn vị. Cười cười tôi bảo “Mỗi lần bị cóng thì tôi chỉ cần đút tay vào túi quần và rút ra ngay là tay lại trở lại bình thường. Chỗ ây của tôi nóng lắm, nóng hơn của người khác!”. Thế là bà Wagner cười nghiêng ngả. Chỗ bà đứng tuyết lại trơn, tôi phải vứt hàng đấy chạy lại đỡ bà. Hổn hển bà nói “Lần nào nói chuyện với ông tôi cũng được cười”.
Chỉ mấy ngày sau bà Wagner mang đến cho vợ chồng tôi mỗi người một đôi “ống tay” bằng len mà bà tự đan. Tôi gọi là “ống tay” vì nó là một cái ống bằng len dài đến tận khuỷu tay. Ở phía gần cuối có khoét một cái lỗ để đút vừa ngón tay cái. Cái ống này rất to nên khi mang nó ta có thể trùm ra ngoài tay áo khoác. Sau khi cho ngón cái vào cái lỗ thì bốn ngón còn lại vẫn tự do và cái “ống tay” ấy vẫn bám vào tay rất chắc chắn. Tất cả các thao tác đều không bị ảnh hưởng, kể cả viết lách, lấy đồ vật trong túi hay lái xe.

Từ ngày có cái “ống tay”, cứ khi nào trời lạnh cóng là tôi đeo nó cả ngày, chẳng muốn tháo ra nữa.



Và…

Vào khoảng giữa năm ngoái thì bà đổ bệnh. Trước Noel vừa rồi, bà lên bàn mổ. Sinh nhật bà lại đúng vào ngày 31/12. Buổi chiều hôm ấy, con cháu từ Tây Đức sang tổ chức sinh nhật cho bà tại bệnh viện. Sau đó, bà lịm dần, lịm dần. Trước giao thừa một chút thì bà đi.

Mùa đông năm nay lạnh quá. Cả châu Âu chìm ngập trong tuyết. Nước Đức giàu có là thế mà đã có chín người vô gia cư chết cóng. Hôm nay bão tuyết dữ dội. Như bao ngày khác tôi lại mang đôi “ống tay” của bà Wagner, hối hả khiêng hàng vào nhà.

Nếu quả thật là tất cả những người già đều bay lên trời thì liệu trên cao kia bà có nhìn thấy đôi “ống tay” này của tôi?

Tuy nhiên ngay lúc này đây, tôi ngộ ra một điều: giữa mùa đông rét buốt, những người xa lạ cũng có thể sưởi ấm cho nhau. Nếu như trong lòng ta có đủ HIỀN để quẳng vứt thờ ơ đi mà thay vào đó bằng quan tâm, thông cảm.

T.G.Q

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.