Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Đội tuyển bóng đá Học viện các thời kì

VŨ TOÀN THẮNG
Học viên Vũ khí khóa 4

Lính tráng có câu: Thủ truởng nào phong trào ấy!

Đúng vậy, cuối những năm 1960, ngày Đại học quân sự chuyển hẳn về Vĩnh Yên đã lừng danh với cái tên Sao Đỏ - đội bóng được xây dựng từ nòng cốt là các cầu thủ của đội bong Khoa Trang bị Cơ điện. Nên nhớ hai lãnh đạo khoa (Chủ nhiệm Cảo và Chính trị viên Đan) rất mê thể thao, nhất là bóng đá.
Đội Sao Đỏ, Vĩnh Yên  1972.



 
Đội hình ngày ấy có thủ quân Bùi Nam (với đường dẫn bóng lắt léo), nào Khiêu Hoàng, Hoa Chiến, Trần Đình Ngân, Đoàn Mạnh Giao, nào Đình Thắng, Khoa “móm”, hậu vệ Công, rồi thủ môn Tuấn “trắng”… Trận nào khoa Cơ điện thi đấu, hai sếp khoa cũng có mặt, ngay cả sau này khi đã lên làm việc trên ban giám hiệu.



Đội Sao Đỏ năm 1972

… Phải hàng chục năm sau, tháng 12/2002, nhân họp mặt anh em các thời kì của Học viện ở phía Nam, thầy Bùi Đức (nguyên thủ môn nổi tiếng của Thể Công và Tuyển quốc gia những năm 1960, nguyên huấn luyện viên của đội Sao Đỏ những năm 1970) được mời từ Nam Định vào chơi, tay run run rút trong ví lấy ra tấm ảnh: “Chú tặng  cháu tấm ảnh đội bóng Đại học KTQS. Chắc cháu không có?”. Đúng là đội Sao Đỏ trước khi vào trận, chụp ở ngay sân vận động  Bảo Sơn, Vĩnh Yên, năm 1972. (Mừng vì là tư liệu quý có cả mình và nhiều bạn thân!). Thế mà đã 30 năm!

Lần lượt các khuôn mặt và kỉ niệm hiện về… Cả đội dàn hàng ngang trước cầu môn phía đông của sân, nhìn sang phía bên kia là C153. Xa xa là lũy tre làng. Khán giả đã vây kín sân. (Ngày ấy cho phép ngồi sát đường biên). Lính quân sự được dân Vĩnh Yên gọi là “siêu cổ động viên” vì hò hét rất máu để ủng hộ đội nhà, kết hợp những “biện pháp mạnh” (dùng xoong nồi, xẻng để… khua gõ), uy hiếp đội bạn(!).

Ở hàng sau cùng, từ trái qua là trung phong Dương Tuấn (khóa 3 Quân sự, lính Trỗi cũng khóa 3). Đứng cạnh anh là hậu vệ Công (nhìn tướng, đùi vế có khác gì dân chuyên nghiệp). Thầy Bùi Đức  - người khoác áo thủ môn có cổ màu đen với cái hàm bạnh ra. (Nhớ ngày nào ở sân Cột Cờ, ông từ tiền vệ nhưng nhờ biết ra vào, quăng quật và lần đó thủ môn chính nghỉ vì chấn thương mà ông phải “đóng thế”. “Nghiệp” thủ môn gắn mãi với ông. Ông được Cục Quân huấn điều về truờng dạy Thể thao quân sự và chắc cũng có ý  “xây dựng đội bóng”? Năm nay ông đã ngoài 80).

Đứng cạnh thầy là tiền vệ Vũ Biên Hòa (“tầu”) và trung vệ Ngô Việt Sơn – cả hai đều học viên khóa 6. Kế đó là anh Cơ (lính không quân, từng học về  Mig-21 ở Kras-nô-đa) và ba cầu thủ đều là “lính Trỗi”: trung vệ thòng Lê Trung Nghĩa (người đuợc Thể Công có ý định tuyển bổ sung nhưng nhà truờng không cho đi), trung phong Hà Quang Chí (“dô”, nay công tác ở An ninh Cụm cảng hàng không phía Bắc), thủ môn Dương Minh Đức (sau này là Hiệu phó Đại học VHNTQĐ!).

Ở hàng ngồi, từ trái qua: ngay dưới chân hậu vệ Công là tiền vệ Khoa “móm”, kế bên là “đại trưởng” C244 Nguyễn Phú Vàng (ông này cũng rất mê bóng đá) và tả biên Trọng (sau về BTL Tăng). Tiền đạo Tất Tuấn (có biệt danh “Pa-tê”, khóa 3) đang ôm quả bóng trong lòng. Hậu vệ cánh Hoa Chiến và tiền vệ tổ chức Khúc Văn Nghi (có biệt danh “ngựa” vì có sức khỏe vô biên. Có dịp chiều mai thi đấu mà đêm trước vợ lên thăm. Chả hiểu sao, hôm sau anh vẫn “kiểm soát toàn sân”?!) ngồi giữa đang cùng tì tay lên đùi. Giữa anh Nghi và anh Đoàn Mạnh Hưng (khóa 4, khi đó vẫn đá tiền đạo, sau này thầy Đức chọn về giữ khung thành thay mình) là tôi - trung phong Vũ Toàn Thắng (khóa 4).

Trong đội hình chính thức của Sao Đỏ gồm 16 cầu thủ thì có đến 8 “chiến tướng” là “dân Trỗi”. Thế mới biết anh em Trỗi cũng có nhiều đóng góp cho nhà trường.

Đội Sao Đỏ một thời lẫy lừng khu vực Vĩnh Phú… Chinh chiến khắp từ Việt Trì, Phú Thọ xuống Vĩnh Yên, Hương Canh… Các trường quanh vùng (Xây dựng, Tài chính, Kiến trúc…) đều chào thua. Vẻ vang nhất là trận hạ Hóa chất Việt Trì  3-0. (Trước đó có năm họ đã vô địch hạng B miền Bắc).



Tuyển trường năm 1978

Những năm sau 1975 thì Tuyển Đại học KTQS luôn là “Number One” trong các giải của Bộ Đại học. Trong phòng truyền thống chắc còn lưu những cúp vàng thời kì này? Xin giới thiệu đội hình thời kì 1978 khi tham dự Giải bóng đá các trường của Bộ Đại học.
Dự Giải Bộ đại học 1978.

                 Đại uý Trần Sinh thay thầy Bùi Đức làm lãnh đội (đứng bìa trái). Kế đó là Lại Anh Tuấn (giáo viên Khoa Cơ, học ở Hung về). Thời gian này, anh Bùi Nam (thứ 3 từ trái) quay về trường, học lớp bổ túc cấp phó chỉ huy Kỹ thuật. Cạnh Bùi Nam là Đặng Hoàng Chính (giáo viên Khoa Vô tuyến). Tuấn và Chính có dáng đẹp nhưng thường chỉ đá “biểu diễn”. Sát Chính là tiền đạo Nguyễn Thanh Đạm (khóa 8, mặc áo sậm. Tay này có đôi chân rất khéo, lừa lắt léo, thậm chí từng cho bóng qua háng Thái Nguyên Bền ở Thể Công!). Góc phải là tiền đạo Bình “tu” (cũng khóa 8) đứng cạnh trung tá Chấn - Trưởng Khoa Quân sự-Thể thao.

Hàng giữa có ba cầu thủ hơi cúi người, chống tay là: đội trưởng Khúc Văn Nghi (khi này anh đã 34 tuổi, về phòng Huấn luyện), trung phong Nguyễn Phong (khóa 11) và tiền vệ Chí Dũng (khoá 9). Trước mặt ba anh (từ trái qua): hậu vệ biên Việt Bắc (khoá 10), trung vệ Lê Trung Nghĩa (Phòng Kỹ thuật), trung vệ quét Ngư (khóa 8 Xe),  Mão (Xưởng Mộc) - người nhăng nhẳng nhưng đá phòng ngự trái rất chắc và hơi “hỗn”. Người thứ tư là trung vệ Duy Đông (khoá 10, có thể lực tốt và hay dùng cú “đá xước” rất nguy hiểm!).

Hàng ngồi, từ phải qua là Kiến Quốc (giáo viên Vô tuyến), thủ môn chính Đoàn Mạnh Hưng (khi này đã lên Ban Cán bộ) và thủ môn dự bị Lê Đỗ Huy (khóa 9).

Ảnh cũng chụp tại sân Bảo Sơn. Kế thừa truyền thống đội Sao Đỏ, năm 1978 Tuyển bóng đá Đại học KTQS cũng mang cúp vàng về cho nhà trường.

Trận chung kết đá với đội Xây dựng, tại sân Bách khoa. Khi đó KTS Hoàng Phúc Thắng (người đam mê quy hoạch Phố Cổ Hà Nội, đã mất vì trọng bệnh) là thủ quân đội Xây dựng. Đội bạn đá khéo hơn những năm truớc. Trận ấy ta “sém” thua. Nhưng may vì áp lực của khán giả trên sân (trường ta huy động cả anh em đi  tranh thủ về Hà Nội xuống Bách khoa hò hét) mà Phúc Thắng không hạ thủ được thủ môn Đoàn Mạnh Hưng trong cú sút phạt 11m. Bóng vọt xà ngang ra  ngoài. Bạn thua tức tưởi!

Đội hình ngày ấy nay không còn đầy đủ. Trung vệ quét Ngư đã mất vì trọng bệnh, tiền đạo Bùi Nam mất vì tai nạn giao thông tận nước Đức xa xôi. Đúng là “vang bóng một thời!”.



Và các lão tướng… ngày hôm nay

Đại tá Hoàng Mạnh Thắng, vụ phó Vụ An ninh- Quốc phòng (Bộ Kế hoạch-Đầu tư), vốn là lính Trỗi, đam mê bóng tròn. Khi trên sân Măng-danh (tên thời Pháp của sân vận động Cột Cờ) không còn đội Sao Mai thì anh dựng lên “CLB Những Người Bạn” để bạn bè có sân chơi.

Những Người Bạn có đến phân nửa là lính Quân sự: Cựu học viên khóa 1 chả có ai xỏ giầy nhưng Chu “tiên sinh” (Chu Thành) cứ vài tuần lại ra xem và động viên anh em. Muốn đá lắm nhưng đã một lần tai biến nên hãi. Khóa 2 có bác Phạm Hoàng Thắng (bí danh “tụt”, nay công tác ở Khoa Điều khiển), tuổi đã 62 mà xông xáo hơn cả cánh trẻ. (Trong trận đá với Tuyển nữ Hà Nội, liên quân “Những Người Bạn - Quân sự” đã thủng lưới ba bàn nhưng nhờ chân bác Thắng, mà… xoẹt, gỡ lại ba bàn).

NSƯT Dương Minh Đức “đá đội hình phụ, ăn… đội hình chính”, phụ trách “tuyên văn”. Thấy khóa 4, khóa 5 không có ai tham gia nên từ khi ra Hà Nội “tư tác”, Trần Kiến Quốc (khóa 5) làm chân “tiền đạo cắm”, thường đón long, lạnh lùng ghi bàn cho “đội già”. Khóa 6 có Phạm Ngọc Chỉnh (học Tên lửa hải quân ở Ba-Cu) cặp với Phạm Ngọc Thiết (khoá 8) thành cặp “anh em nhà Koeman”. Còn Lê Ngọc Hiền (khoá 11) với cú lắc chân trái điệu nghệ, bất ngờ ghi bàn cho đội nhà từ xa.

Đang còn là “giáo viên dạy khỏe” có Nguyễn Thái (Khoa Hóa – Lý, “tay (à, chân chứ?) săn bàn cứng” của đội); Long “kều” (Khoa Điều khiển, cao hơn mét tám, thuận chân trái và là “niềm mơ ước” của cả đội) và anh Giang “mù” (có nhiệm vụ “hoạt náo viên”, “ăn và vui là… chính”!). Hai cựu học viên khóa 14 phải nhắc đến là trung vệ Hoàng Hùng (nay ở Vaxuco, luôn chặn đứng các cuộc tấn công của đội bạn) và tiền vệ Quang Hải (từng ở Cục Đo lường, nay về Hòa Phát, khi vào trận “lúc nào cầm bóng cũng như đi chơi”, vừa dắt bóng vừa cợt nhả!).

Đội có cả “tướng một sao”: nguyên Phó chủ nhiệm TCKT Bế Quốc Hùng (chuyên đón lõng ở gôn đội bạn và “gật đầu ăn tiền”); anh Thanh (Tổng cục 2, gốc “biệt động Sài thành”, từng bị tai biến nhưng vẫn xỏ giầy, chờ bóng đến chân là sút).

Cánh cựu binh Sĩ quan Phòng không khá đông, trừ bác Thắng “tụt” (“thầy giáo dạy giỏi” nhiều năm) và Trần Thắng, còn có thủ môn Yên, thủ môn Tiến (“sáu xị” đến nơi rồi mà vẫn quăng quật, bay như vượn), Hà “khểnh” (cùng cơ quan Chủ tịch Hoàng Mạnh Thắng); hậu vệ phải Lợi… Cánh Sĩ quan Thông tin có Thắng “đen”…

Lính của “TC 2” có tiền vệ Hùng “trắng” và tiền vệ tự do Đông (học trò thầy Minh Đức - “tay” organ cứng nhưng khi ra trận là “chân chạy” khắp sân). Hùng kéo thêm Dũng “phệ” (Hàng Bún) tham chiến. Cánh doanh nhân có Nhị (Trà  Dilmah)…

Thế hệ con cháu có Lê Anh (con trai Lê Vân, khóa 7). Trung úy Phương (con trai anh Nguyễn Vũ Định, đã mất vì tai nạn) từ Cảnh sát biển về, có công “giữ sạch lưới” cho “đội già”.

Cánh trẻ 7X, 8X có Hùng, Nghĩa cùng ở Vaxuco, Thọ (Nhà đất), Cường “gôn”. Danh thủ Hải Long (Thể Công) cũng tham gia “thò thụt”. “Cháu nó nhà nghề, lại trẻ, khỏe nên… khiếp, chạy nhanh lắm, sút  mạnh lắm và lắt léo lắm. Có dăm tay như Hải Long thì các chú, các anh… chỉ đứng ngoài xem”.

Cứ vài tháng thì Những Người Bạn lại về giao lưu với Tuyển cán bộ, giáo viên của Học viện. Khi đá thì quyết liệt nhưng chẳng hiểu sao trận nào cũng để lại tỷ số hoà. Chắc vì tuổi già rồi, chơi thể thao để gìn giữ sức khỏe và vui là chính?

Cũng vì có thi đấu ở sân Học viện mà năm nào cũng có dịp về thăm lại trường, thăm lại thầy, thăm lại bạn… xưa!

V.T.T

(Có 2 ảnh đội bóng 1972 và 1978)

1 nhận xét:

  1. Hôm 2/9/2012 đến thăm Thạch Cầm. Nhờ Thành Voi thông báo mà Thạch vào được trang 'cuucauthuquandoitphcm.org' rồi vào được 'hvktqsphianam'. Đọc đến bài viết đội bóng Sao Đỏ, Thạch nhắc phải ghi thêm tiền đào Ngô Thanh Đạm vừa mất đầu 2012. Thạch nhớ, trước 1 tuần khi vào viện, Đạm còn hẹn nhau đánh độ ở sân Không lưu với anh em Đo lường. Vậy mà...

    Trả lờiXóa

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.