PHẠM PHI HÙNG *
Học viên Vô tuyến khóa 3
Hè năm 1969, cánh Trỗi khóa 2 (Giáp Hùng,
Ngọc Triển, Xuân Hùng và Vũ Dương) cùng anh em khóa 3 học hết năm thứ nhất ở
khoa Cơ bản, Đại học Kỹ thuật quân sự. Ngày ấy, doanh trại đóng ở khu vực Thậm
Thình, chỉ cách Đền Hùng có vài ba cây số.
Cuối tháng 8, trong anh em có nhiều nguồn tin từ
gia đình báo lên: Bác Hồ ốm rất nặng, sợ không qua khỏi. Ai cũng bồn chồn, lo
âu. Và rồi, điều đau buồn đã đến. Sáng ngày 4 tháng 9, thủ trưởng khoa tập
trung toàn đơn vị, đọc thông báo của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nhà nước
về tin Bác đi xa. Dù đã biết từ trước nhưng không ai có thể cầm được nước mắt.
Khi nghe đồng chí Năm Thi, chính uỷ khoa, phổ biến: “Tang lễ được tổ chức theo
nghi lễ Quốc gia. Các đơn vị sẽ cử đại diện về viếng. Trong ngày cuối cùng, đơn
vị sẽ tổ chức truy điệu cùng thời gian với lễ truy điệu tại Quảng trường Ba
Đình”; anh em nhìn nhau, lắc đầu. Cấm trại, vậy là làm gì có cơ hội để nhìn
thấy Bác lần cuối? Cuộc họp kết thúc, các đại đội trở về doanh trại.
Bữa cơm trưa hôm đó, khi xuống kiểm tra nhà ăn,
trực ban phát hiện quân số thiếu vắng đến một nửa. Đoán có hiện tượng bỏ trốn
đơn vị về Hà Nội, thủ trưởng khoa hạ lệnh báo động. Khi kiểm tra quân số, thấy
hơn nửa đơn vị vắng mặt không có lí do. Vậy là Ban chỉ huy khoa lệnh cho đại
đội cử người ra ga, gọi anh em về.
Ngay sau buổi họp sáng nay, anh em lập tức “hội ý”
với nhau, biết là có xin phép về cũng sẽ không được chấp thuận; nhưng nếu không
về thì chẳng còn dịp nào để được nhìn thấy Bác. (Ngày đó, ngay sau khi Bác mất,
toàn dân không hề biết ý định của Đảng và Chính phủ, quyết tâm bảo vệ thi hài
Người cho đến ngày đất nước thống nhất). Anh em bàn nhau phải tách ra làm nhiều
nhóm, lẳng lặng trốn về Hà Nội. Mà đi tầu hỏa là tiện nhất vì ga Phủ Đức chỉ
cách đơn vị có hơn một cây số, mỗi ngày có hai chuyến tầu xuôi Hà Nội. Còn đi
xe khách thì phải ra bến tận thành phố Việt Trì, cách Thậm Thình cả chục cây
số.
Đã có kế hoạch, cứ thế mà tiến hành. Anh em kéo
nhau ra ga để kịp chuyến 12 giờ 30. Đã gần 12 giờ, đang túc tắc đi thì thấy
Giáp Hùng hớt hải chạy vượt lên: “Khoa vừa báo động kiểm tra quân số và cho
người ra ga gọi về. Nhanh mà ra tầu!”. Vậy là, ba đứa tôi ba chân bốn cẳng chạy
thục mạng. Chạy được một quãng, mệt hết hơi, ù cả hai tai, bọn tôi phải tạt vào
sau bụi tre ven đường nghỉ. Năm phút sau, thấy tiểu đội phó chạy ngang qua,
miệng gọi ầm ĩ: “Phi Hùng ơi, Chí Nhân, Viễn Chiến ơi, quay lại đơn vị!”. Gọi
rồi, anh ta tiếp tục chạy tới. Ba đứa lập tức chạy tắt vào trong làng, theo
đường khác ra ga.
Ga trung du nhỏ bé, chỉ có một dãy nhà cho khách
chờ, nằm ngay sát chân đồi. Khi cả bọn tới đầu ghi nam, tôi quan sát kĩ phía
trong sân ga thấy anh em đều đã tản ra. Tôi, Chiến và Nhân nấp sau mấy toa đen
chở than, đang chờ thông đường. Tầu xuôi Hà Nội đã kéo còi ở đầu ghi bắc và từ
từ vào ga. Khi tầu dừng hẳn, hành khách lục tục xuống, nhưng chúng tôi vẫn nấp kĩ,
chưa vội lên toa. Lên là cán bộ trông thấy ngay. Tầu kéo một hồi còi dài, rồi
tiếng còi trực ban báo thông đường. Chờ đến khi tầu xình xịch chuyển bánh, ba
thằng mới chạy từ chỗ núp, nhảy lên, bám vào cửa sổ, vọt vào bên trong. Vậy là
thoát!
Khi đi dọc toa tầu kiếm chỗ ngồi, chúng tôi gặp
một lô anh em. Đứa nào cũng cùng suy nghĩ, thôi thì đành chấp nhận kỉ luật, còn
không về Hà Nội dịp này thì sẽ… ân hận suốt đời! Về đến Hà Nội, “tuỳ nghi di
tản”, chúng tôi bám vào gia đình mà ghép vào từng đoàn của cơ quan bố mẹ vào
viếng Bác. Tại nơi xếp hàng chờ vào viếng, anh em gặp lại nhau. Đồng bào cả
nước về viếng Bác đông lắm, có phải cứ đến là được vào ngay đâu; thậm chí,
nhiều người còn phải quay về, chờ hôm sau mới đến lượt. Do đó mà chúng tôi ở Hà
Nội đến cả tuần lễ.
Hôm đó, có cánh ra đường quốc lộ số 2, vẫy xe xin
đi nhờ về Hà Nội. Thấy lính tráng, lại nói là về viếng Bác, họ cho đi ngay.
Cánh khác còn cả gan đi bộ 10km xuống tận ga Việt Trì, đón chuyến tầu tối vì
biết đơn vị đã “quây” kín ga Phủ Đức.
Ngày trở về đơn vị, anh em chúng tôi đều bị làm
kiểm điểm và chờ kỉ luật thích đáng. Thôi thì, có gan làm phải có gan chịu!
Hiện tượng vi phạm kỉ luật
này được nhà trường báo cáo lên Cục Cán bộ. Cục phó Trần Đình Cửu đã về họp với
nhà trường. Hôm đó, toàn khoa tập trung nghe ông nói chuyện. Cục phó không nóng
giận mà phân tích có tình, có lí để chúng tôi thấy rõ phải, trái của vấn đề: “Tôi
rất hiểu tâm tư, tình cảm của các đồng chí, con em gia đình cách mạng với Bác
Hồ. Nhưng có một điều lớn hơn mà các đồng chí phải hiểu, các đồng chí đã là
những chiến sĩ cách mạng. Mà đã là chiến sĩ cách mạng thì phải tuân thủ kỉ luật
của quân đội. Mong rằng, đây là lần cuối cùng các đồng chí vi phạm… Sau khi bàn
bạc rất kĩ, Ban giám hiệu và Cục nhất trí xoá kỉ luật này. Các đồng chí hãy lấy
đây là bài học kinh nghiệm mà phấn đấu vươn lên!”.
Gặp nhau tại Sài Gòn, đêm
22-6-2004
P.P.H
P.P.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.