Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

TRỞ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA (NGUYỄN NGỌC TƯỜNG – K9 ĐHKTQS)

Đường lên Điểm He, Khánh Khê.







Ngày 17/2 năm nay thật đặc biệt. Tôi trở lại thăm chiến trường xưa (Điềm He - Khánh Khê, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) sau đúng 35 năm; nơi tôi đã từng sống và chiến đấu tại E197, F337 trong những ngày ác liệt nhất của cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979.

Bên cầu Khánh Khê.

Thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh.

Trước bia kỉ niệm.

Cuộc chiến tranh vĩ đại bảo vệ biên giới phía Bắc.

Cầu Khánh Khê và sông Kỳ Cùng sáng nay.

Thắp nén hương tưởng nhớ những người đồng đội cũ đã hy sinh tại đây, cảm xúc thật dâng trào,  tiếc thương những người  đã ngã xuống vì từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc.





















Những ký ức cũ lại hiện về 

Tháng 2/1979, tôi đang là học viên năm thứ 5 (năm cuối) lớp Vô tuyến điện khóa 9, Đại học Kỹ thật Quân sự. Ngay khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, theo yêu cầu của trên, Trường điều toàn bộ  học viên  lớp tôi lên tăng cường cho các đơn vị của QK1. Chuẩn bị ba lô, súng đạn chỉ trong một buổi, cả đoàn lên đường ngay. Đến nơi, mọi người được phân chia đi các đơn vị đang làm nhiệm vụ chiến đấu trên địa bàn các tỉnh của quân khu. Riêng tôi, rất ngẫu nhiên được điều lên tăng cường cho 1 trung đoàn bộ binh đang chiến đấu ở tuyến 1. Thế là trong một chiều mưa lạnh, tôi ngồi ôm súng co ro trên thùng một chiếc xe tải chở gạo của Tỉnh đội,  lên nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 197 ( thuộc Tỉnh đội Bắc Thái ), đang chốt chặn địch tại khu vực Cầu Khánh Khê - Điềm He, Lạng Sơn.
Thời gian tôi ở đây (nửa cuối tháng 2 đầu tháng 3/1979), Trung đoàn đã có những trận đánh rất ác liệt, 2 tiểu đoàn chốt ở phía bắc cầu Khánh Khê chiến đấu rất anh dũng, hy sinh và thương vong  nhiều nhưng vẫn không giữ được trận địa. Trung đoàn bộ và các đại đội trực thuộc phải dàn ra để chặn đich vượt sông, chờ tiếp viện từ phía sau, đó là những ngày rất căng thẳng. Lúc này, ngay cả  Ban Thông tin của chúng tôi vừa phải lo đảm bảo thông tin vừa phải sẵn sàng ra chiến hào  nếu có báo động địch vượt sông. Ngại nhất khi đó là pháo và sơn cước (một dạng như đặc công, hay đột nhập vào đêm) của địch. Mới nghe bụp (tiếng nổ đầu nòng) ở phía địch là đã đoàng ở ngay gần mình, rất dễ  thương vong. Có lần đạn pháo nổ gần, cậu lính thông tin tổ đài 102E ôm cả cái Graguno (máy phát điện của đài 15W) chui tọt vào cái cửa hầm bé tý tẹo, đến lúc hết pháo loay hoay mãi mới ra được… Còn đêm xuống, ai ngủ thì cứ mặc nguyên  quần áo, súng để bên cạnh sẵn sàng, còn ai gác thì phải căng mắt lên quan sát, sợ sơn cước nó mò vào. Cũng may là vài hôm sau, Sư đoàn 337 (được điều từ QK4 ra) đã kịp vận động tới, cùng trung đoàn đánh địch, giải vây, lấy lại trận địa.
Sau khi địch rút hoàn toàn (ngày 18/3/1979), tôi còn ở lại đó hơn 1 tháng nữa, tham gia các hoạt động của đơn vị, củng cố lực lượng và đào giao thông hào đến rộp cả tay. Gần đến cuối tháng 4, Trung đoàn được lệnh lui về tuyến sau, tôi cũng được báo quay về trường làm đồ án tốt nghiệp. Đêm chia tay, anh em còn ngồi trò chuyện đến rất khuya, mọi người đều mừng và háo hức vì sắp được quay về. Nhưng sáng ra, trung đoàn lại nhận được lệnh ở lại sát nhập vào sư đoàn 337 khiến mọi người đều hụt hẫng. Lúc rời đơn vị, tôi không khỏi chạnh lòng thương người ở lại.


35 năm sau trở lại, đứng trên cầu Khánh Khê, nhìn dòng sông Kỳ Cùng hờ hững trôi giữa núi rừng bạt ngàn, nơi gắn bó rất nhiều kỷ niệm, cảm giác thật tự hào vì chúng tôi những người lính đã không tiếc máu xương, chiến đấu bảo vệ biên cương, làm trọn bổn phận với quê hương, đất nước./.
Hà Nội, ngày 18/2/20014

3 nhận xét:

  1. Tuyệt vời, Tường ơi, em đã làm được những việc mà nhiều người không làm được. Cảm ơn em!

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn anh đã tái hiện cho chúng em thấy được một phần những nhọc nhằn và nguy hiểm của người lính trong cuộc chiến Biên giới phía Bắc năm 1979. Cá nhân em luôn trân trọng những người lính như các anh.
    Yêu các anh nhiều!!!!

    Trả lờiXóa

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.