Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Cảm nhận vế mấy dòng thơ (FB Nguyễn Quốc Bình)

 "ANH ĐỂ TÌNH YÊU TỔ QUỐC MÌNH TRONG LỒNG NGỰC
CẠNH TÌNH YÊU EM CHƯA MỘT LÚC TÁCH RỜI
NHƯNG THÂN XÁC ANH CHỈ CÓ MỘT THÔI
TỔ QUỐC CẦN RỒI, EM ƠI, ANH ĐI NHÉ

Đọc mấy dòng này, tôi thực là đã ứa nước mắt. Bởi gia đình tôi đã trải qua những chuyện này, không chỉ 1 lần.

Mẹ tôi kể gần cuối năm 1945, sau khi quân Pháp được hậu thuẫn bởi quân Anh đánh loang ra trong Nam và Nam Bộ đã đi đầu kháng chiến thì cha tôi dẫn 1 trung đội tự vệ đoàn của Huyện Ninh Giang lên đường Nam Tiến, theo mệnh lệnh của chính phủ vào Nam đánh Pháp, để lại mẹ tôi và 4 anh chị tôi, người bé nhất còn chưa đầy 1 tuổi. Được mấy tháng thì có tin về báo cha tôi đã hy sinh. Khỏi phải nói là trong nhà hoảng loạn đến thế nào. Lúc ấy, mẹ tôi bảo, đã gần Tết âm lịch, nhà nhà đang chuẩn bị đón Tết mà nhà tôi không ai còn tâm trí nào cho Tết nhất nữa. May sao đúng hôm làm lễ truy điệu cha tôi thì người ta cáng cha tôi về đến nơi. Ông bị thương hàn trên đường Nam Tiến, vào đến Tuy Hòa thì ngã bệnh nặng nên đơn vị phải gửi ông lại để hành quân tiếp lên Buôn Ma Thuột (ở đó, một học trò cũ của cả mẹ lẫn cậu ruột tôi đã hy sinh, một người lính rất gan dạ của Ninh Giang - đã từng cầm lựu đạn theo cha tôi, cũng chỉ có 1 cây súng ngắn, nhảy xuống ca-nô ra chặn và lên tàu Cray-sắc bắt bọn sĩ quan Pháp đầu hàng ngày mới khởi nghĩa cướp chính quyền, tháng 8-1945). Dân ở đó cứu chữa cho ông rồi nhờ bộ đội ra Bắc cáng ông theo tàu về lại nơi đã xuất phát. Thuốc thang mãi mới khỏi, lại lao vào đánh giặc, suốt 8 năm cự giặc trong vùng sâu địch hậu, hết Hải Dương lại Thái Bình, vợ con ly lạc không tin tức, mãi sau chiến thắng Điện Biên Phủ mới được đoàn tụ.



Mấy chục năm sau, lại đến lượt anh trai tôi - người năm 1945 còn chưa đầy 1 tuổi ấy - lại để lại vợ mình với đứa con trai đầu lòng vẫn còn trong bụng mẹ để lên đường đi B, vào chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị mùa hè 1972. 

12 năm sau nữa, lại đến lượt tôi từ biệt vợ con (cu tý lúc đó mới gần 3 tuổi) lên đường lên biên giới phục vụ chiến đấu. Tôi rất biết cái cảm giác phải để những người thân yêu ở lại phía sau, lên đường đi vào chốn hòn tên mũi đạn mà không thể nói gì hơn. Tôi nhớ mãi cái cảnh lúc tôi đi, vợ tôi ngồi trên cái chiếu trải dưới sàn nhà ôm cu con bé tí nhìn tôi mà không nói được 1 lời. Đôi mắt tròn đen láy của cu như lạ lẫm nhìn tôi lỉnh kỉnh ba lô, tiểu liên.

Thật là căm giận vô cùng bọn Khựa khốn kiếp kia. Nếu xảy ra đánh nhau thì có khi lại đến lượt thế hệ các con tôi nữa chăng.

Mang lại lên đây một status cũ từ năm ngoái, có nhắc đến cái chuyện ấy.

ĐI PHỤC VỤ CHIẾN ĐẤU TẠI MẶT TRẬN THẤT KHÊ - 1984

Sau đợt tổng công kích qua biên giới nước ta tháng 2-1979, chiến sự vẫn cứ nhì nhằng mãi (nhì nhằng tận cho đến năm 1989 mới chấm dứt hẳn), song trong năm 1984 thì địch đánh rất lớn, chủ yếu đánh trên các khu vực có tính then chốt trên tuyến biên giới phía Bắc: Lạng Sơn, Thất khê và Hà Giang. Giao tranh ác liệt diễn ra từ tháng 4 năm ấy mãi đến cuối năm vẫn chưa dứt.

Sau trận thất bại năm 1979, quân Trung quốc đã bộc lộ một loạt nhược điểm rõ rệt: Quân đông song phối hợp tác chiến kém, lính không thiện chiến bởi đã gần 30 năm không có giao tranh lớn với ai, trừ năm 1968 có xung đột biên giới không lớn với quân đội Liên xô và bị đánh cho liểng xiểng; vũ khí nhiều song hiệu quả sử dụng thấp. Năm 1979, trên tiền phương QK2 hướng Lào Cai, ban đêm nghe pháo Trung quốc bắn - cả súng to, pháo nhỏ đến Ca-chiu-sa, hỗn loạn, rền rĩ mỗi đợt cả hơn nửa tiếng không dứt, chỉ từng đã nghe thấy như thế trong mấy ngày đêm B52 Mỹ đánh vào Hà Nội mà thôi, nhà dân mà bộ đội bọn ta đóng nhờ làm bằng các cây vầu lớn cứ vặn mình kêu răng rắc, đất như chao võng - có lẽ ai cũng tưởng rằng bọn chúng đang tiến đến nơi, song thực ra hiệu quả thường rất thấp và nói chung không dọa được lính ta. Chính vì thế, suốt 5 năm sau đó địch ra sức hoàn thiện kỹ năng tác chiến và năm 1984 thì dù đánh không quy mô bằng năm 1979 song chiến sự mới thực sự khốc liệt, bởi địch đã khôn ranh và tinh ma hơn rất nhiều.

Năm ấy Học viện KTQS 'kết nghĩa' với sư đoàn 347 của Quân đoàn 14, QK1. Các kỹ sư, giáo viên khoa công trình của HV đã lên tận cao điểm 820 để khảo sát và thiết kế hầm pháo cho cụm chốt của sư đoàn. Khoa Thông tin, lúc bấy giờ do anh Lê Khôi - trung tá, TS mới từ Hung về - làm trưởng khoa cũng được lệnh tìm cách hỗ trợ đơn vị chiến đấu ngoài tuyến chốt tiền tiêu của F347. Cũng may, từ các hoạt động kế hoạch 3, Khoa cũng đã tích lũy được ít vốn liếng và đã liên hệ mua được một số máy thông tin cũ, hỏng của Mỹ để lại (PRC25 và 1 số máy bộ đàm cầm tay của lính biệt kích Mỹ trước đây) và mấy chục chiếc máy bộ đàm nhãn hiệu Đông Đức UFT-431 hỏng do công an Phú Thọ nhượng lại cho. Anh Lê Khôi giao số máy hỏng ấy cho nhóm môn học Điện báo và truyền số liệu của 2 anh em chúng ta - đại úy Vũ Văn Vượng (thày hướng dẫn ĐATN của ta dạo năm cuối ĐH, kỹ sư tốt nghiệp xuất sắc tại Học viện thông tin huân chương cờ đỏ Leningrad, năm 1986 sang lại trường cũ làm NCS và bảo vệ TS năm 1989, sau này là giám đốc Học viện hàng không Việt nam trước khi nghỉ hưu) và ta, thượng úy kỹ sư tốt nghiệp HVKTQS. Nhiệm vụ: Khôi phục số máy hỏng ấy (có cái đã nát bấy), thử nghiệm tìm ra loại phù hợp với điều kiện tác chiến và trang bị cho tuyến chốt tiền tiêu của F347 phục vụ chiến đấu chống giặc. 

Trong suốt mùa hè 1984, hai anh em hì hục sửa máy. Không có sơ đồ máy UFT-431, ta đã phải soi mạch in lên đèn để vẽ lại sơ đồ toàn máy và sửa chữa, may mà máy nhỏ và công nghệ từ những năm 1970s chứ như bây giờ mạch in vài lớp thì có lẽ sẽ rất khó khăn. Dồn cái nọ vào cái kia, ta khôi phục được hầu hết số máy UFT-431 hỏng, chừng hơn 30 chiếc, chỉ chịu bó tay với các máy đã nát vỡ cả mạch in, làm thêm các hộp đựng pin đeo vào thắt lưng cho lính bởi accu khô nguyên gốc của máy đã hỏng cả. Riêng các máy của thám báo Mỹ thì chịu không sửa được nữa bởi bọn địch khi bỏ lại mấy cái máy đó đã kịp bấm nút 'destroy' gây hỏng những bộ phận quan trọng nhất mà lại không có linh kiện thay thế. Mấy chiếc PRC-25 thì vẫn chạy tốt do anh Vượng và ta đã sửa từ đầu năm, vốn dự định lắp đặt trên công trường thủy điện Hòa Bình cho đội điều động 500 xe của công trường (đã lên triển khai thử vào đúng dịp 30 năm giải phóng Thủ đô song lại phải thu hồi về vì tầm liên lạc không đủ và địa hình không thích hợp). Chi bộ và Bộ môn quyết định chúng ta lên tuyến chốt F347 để hoàn thành nhiệm vụ tại thực địa trước 22-12-1984, có lẽ nhân thể thử thách lần cuối cùng trước khi chuyển đảng chính thức cho ta.

10-12 ta từ biệt vợ, khoác AK47 và ba lô ra xe đón ở chân nhà tập thể đi lên mặt trận. Nhìn vợ bế cu con chưa đầy 3 tuổi ngồi dưới chiếu trải trên sàn nhà mà ta thắt cả ruột gan. Vợ ta thì nói chung không biết gì mấy bởi đài báo thì đưa tin cũng nhì nhằng thôi, song ta biết, địch đang đánh lớn. Đi chuyến này chẳng biết thế nào mà nói trước vì chúng ta sẽ ra tận chốt tiền tiêu, đi hẳn vào tầm súng bộ binh của địch. Suốt gần 4 năm từ ngày lấy vợ, từ các công việc kế hoạch 3 với đơn vị, phụ thêm với lương tạm đủ nuôi sống gia đình (rất kham khổ), ta dành dụm được 1 số tiền khoảng 50 USD (lúc ấy cũng là 1 khoản không nhỏ, bởi lương 2 vợ chồng hàng tháng không chắc đã đổi được 10 USD). Ra đi, dặn vợ nhờ đổi thành USD mà không dám nói ra ý nghĩ thực trong lòng, rằng nếu chẳng may có sao thì vợ ta sẽ chỉ trông vào đó mà nuôi cu tý đến khi hết ốm đau vặt vãnh liên miên. Những năm ấy, tiền VND mất giá rất nhanh, không đổi ra USD thì có lẽ sau vài tháng sẽ chẳng còn bao nhiêu giá trị cả.

Đoàn đi biên giới lần ấy, ngoài anh Vượng, ta, còn có thêm anh Lều Thọ Tân của khoa Toán được bổ sung đi cùng, thêm anh Tráng (bây giờ là GS) và 1 anh nữa của khoa công trình kết hợp lên kiểm tra việc thi công hầm pháo trên cao điểm 820. Chú Quân, sau này lái xe cho Trung tâm kỹ thuật viễn thông, lái chiếc com-măng-ca Rumani cổ lỗ đưa anh em đi. 

Lên đến sư đoàn bộ F347 đóng ở thị trấn Thất Khê, máy móc mang theo đã lăn ra hỏng mất mấy chiếc bởi đường rất xấu, rất nhiều đoạn xóc ngược hất cả người lẫn máy lên chạm cả vào nóc xe. Lại phải khắc phục cấp tốc. Xong, theo lệnh của đại tá anh hùng quân đội Nguyễn Khắc (Văn ?) Viện, 37 tuổi, sư trưởng F347, bọn ta thồ máy lên chốt.

Tuyến chốt của F347 trải dài gần 20km dọc đường biên, dựa vào các cụm cao điểm 820 và 636 (cao 820 và 636m) do e199 (?) đảm nhiệm. Máy không có nhiều nên anh Viện sư trưởng quyết định giao toàn bộ thiết bị cho mấy tiểu đoàn trên các cụm cao điểm đó sử dụng làm thí điểm. Máy PRC-25 có ít nên bọn ta quyết định chỉ trang bị cho tiểu đoàn bộ để liên lạc xuống tiểu đoàn thông tin đứng chân ở ngay phía sau, còn sẽ chỉ thử và trang bị cho các chốt, phân đội lẻ máy UFT, cũng bởi ở các chốt lẻ thì không sao cung cấp đủ nguồn pin cho lính nếu dùng máy PRC-25. Ý định của sư trưởng là sử dụng máy để phối hợp hành động của các chốt trong tác chiến và quan trọng nhất là giữ liên lạc giữa các bộ phận, quyết bắt cho kỳ được các tốp thám báo địch đã nhiều tháng liền hoành hành trong khu phòng ngự của sư đoàn.

Dạo ấy thám báo địch đang hết sức táo tợn, thường xuyên chọc sâu qua các kẽ giáp ranh của các chốt vào phía sau trinh sát trận địa ta, phục bắt cán bộ, chiến sĩ đi lẻ để khai thác thông tin, nếu thấy không bắt được thì bắn lén. Nhiều lần ban đêm địch lọt cả vào tận trong chốt của các tổ chiến đấu, lính ta đi gác về đang giao gác ở cửa hầm thì địch từ trong chính hầm của ta bắn ra. Vụ đau nhất là sáng 20-11 năm ấy, 3 tuần trước khi bọn ta lên, lính ta đi lấy vầu/gỗ về làm doanh trại và hầm, mới ra khỏi sở chỉ huy tiểu đoàn chưa đầy 100m đã lọt vào ổ phục kích của bọn thám báo. Sương mù sáng sớm dày đến mức họ vào đến trước mũi trung liên của địch ~3m mà không hay biết. Chúng nổ súng, đạn xuyên táo cả 7 anh em. Lúc lính ta vẫn động lên đến nơi thì chỉ còn thấy 6 người nằm úp sấp lên nhau như trẻ con chơi trò xếp-đẩy gạch, chỉ 1 người còn sống, bị thương bị bọn chúng bắt đưa ra đến đường biên thì chết. Hai ngày sau anh em trinh sát đi tuần mới tìm thấy. Bọn khốn nạn đã lột hết quần áo, treo xác cậu ấy lên cây nhằm khủng bố tinh thần lính ta bởi chúng biết trinh sát ta thế nào cũng sẽ tìm thấy. (Hôm bọn ta lên chốt cao điểm 636, đi qua chỗ ấy vẫn còn thấy vỏ đạn địch văng đầy dưới đất và máu anh em ta đọng trong đất khô đen). Nói chung, bọn quái quỷ này đã gây ra biết bao nhiêu vụ, hết sức khó chịu. Mỗi khi bị bộ đội ta phát hiện, bọn chúng bỏ chạy rất nhanh, luồn rừng tẩu thoát về bên đất Trung Quốc, lính ta ở các chốt thông báo cho nhau không kịp (liên lạc chạy chân) nên chưa lần nào phục bắt chúng được, biên giới thì mênh mông, cây rừng thì bịt bùng như thế.

Lên đến cao điểm 820 (vác máy leo suốt từ ~8 giờ sáng mà tận ~12 giờ mới lên đến nơi), anh Vượng giao cho ta mang máy ra chốt xa nhất, cách chừng 2 km. Ta kẹp AK, xách 2 máy UFT-431 cùng 2 cậu lính của tiểu đoàn tụt xuống yên ngựa đi ra chốt được chỉ định, vừa đi vừa thử liên lạc về tiểu đoàn. Đi được nửa đường thì 1 cậu lính kêu mệt quá, tạt vào C9 nghỉ lại đấy, dứt khoát không đi tiếp nữa. Đường rất khó đi, cứ cách đường biên chưa đến 300m mà theo lối mòn đi tiếp. Đói và rất mệt vì suốt từ sáng đến lúc đó ta chưa được ăn uống gì. Lên đến 820, nhìn thấy bữa ăn của tiểu đoàn bộ chỉ có 1 tí nước mắm tôm pha loãng ăn với cơm, mà cơm cũng chẳng đủ, nên bọn ta không nỡ ăn vào suất ăn đã vô cùng ít ỏi của họ. Đến 1 chỗ thấy có 1 đường mòn mờ mờ cắt ngang chạy ra phía đường biên, cậu lính bảo 'Bọn thám báo rất hay theo lối này ban đêm luồn vào, đi thành đường mòn thế này rồi đấy anh ạ. Chỗ cái hòn đá to kia có lần bọn nó còn để lại 1 cái áo, chúng nó đánh dấu đường trong đêm sờ lần để đi đấy'. Ta hỏi 'Sao các chú không gài lựu đạn xuống dưới, lần sau mà mò vào thể nào chả vướng?'. Cậu lính cười hô hô và nói 'Ối giời ơi, bọn em cũng đã cài rồi đấy mà sáng sau ra mất cả lựu đạn ạ. Bọn này tinh ranh như cáo ấy, không mắc lừa đâu'.

Đi mãi mới tới, chốt theo đường chim bay thì gần mà đi thì xa lắm. Cái trò này thì từ dạo 1979 trên mặt trận Lao Cai ta cũng đã có kinh nghiệm rồi. Lính bảo chỉ 2 cây số thôi - ah, em rải chừng này cuộn dây mà - cơ mà đi thì ốm bởi dây rải thì theo đường chim bay chứ có rải theo lối đi đâu. Mãi hơn 4 giờ chiều mới về đến tiểu đoàn trên 820, đường về còn có mỗi một mình bởi chú lính cuối cùng cũng đã tụt lại chốt nhận máy, bảo 'Đường về anh biết rồi, sau quãng đường mòn thì cứ dưới lòng hào mà đi lên cao điểm chứ đừng có leo lên miệng hào là được, bởi mìn gài nhiều lắm đấy anh nhé, em mệt quá rồi nên không theo anh về ngay được đâu. Nhớ coi chừng thám báo đấy, đi phải nhìn ngó cẩn thận anh ạ'.

Hai hôm sau đó thì đến lượt lên chốt 636. Lên đến cửa chốt thì thấy tiếng chó nhanh nhách sủa. Lính trong chốt ùa ra chĩa AK vào mấy anh em chúng ta, chỉ hạ súng xuống khi nhìn rõ thấy cán bộ tiểu đoàn đi cùng. Chốt là 1 cái nhà âm, lợp tranh, rộng chừng 15 m2 (2.5x6) có hào thông ra các ụ bắn xung quanh. Hơn 1 tiểu đội sống ở đây, chỉ nhõn 1 cái bàn làm bằng nứa, quẹt tay lên là ướt nhoẹt vì sương bám, chắc là nơi sinh hoạt ăn uống chung. Anh em thì nằm đất hoặc võng. Một con chó bé tí xích ở chân bàn. Anh em bảo nuôi để nó sủa nếu có người lạ hay thám báo mò vào chốt ban đêm. Ở đây, đến đi lấy nước, hái rau, về bản lấy muối cũng rất dễ ăn đạn bắn thẳng của địch. Bữa cơm trưa vì vậy chỉ có cơm (cơm trắng không độn) nấu lên vét ra rá, còn ít dính nồi thì lại đun tiếp cho cháy ra như than rắc lên thay muối mà ăn, bởi muối cũng phải rất dè sẻn dành để rửa vết thương. Lính ghẻ lở và rách rưới, gày gò, đầu cạo trọc cả lượt. Có 1 chút thuốc sul-fa-mit và thuốc cảm vợ chuẩn bị cho mang đi, ta dốc ra hết cho anh em vì trông bọn chúng thương vô cùng, tất cả sàn sàn 19-22 tuổi, trẻ măng. Giao máy xong, ta mới mò ra, leo lên miệng hào nép vào gốc cây chiếu ống nhòm sang phòng tuyến địch quan sát. Một cậu lính trọc đầu ra sau thấy vậy, lao vào đẩy ta ngã lăn xuống đất, nghiến răng cằn nhằn 'Anh muốn chết hay sao mà đứng hớ hênh thế? Anh tưởng chỉ mình anh có ống nhòm thôi hả? Nó mà nhòm thấy anh thì anh chỉ có chết bởi lúc nào cũng có cả chục họng đại liên châu vào chỗ này chực khạc lửa khi thấy bóng quân mình đấy!'. Gần thật, chỗ gần nhất, các đường hào, ụ súng địch cách chắc chưa đến 300-400m, xa thì độ 6-7 trăm mét là cùng. Ở cái tầm ấy thì tiểu liên cũng đã có thể xơi tái mình chứ chưa nói đến đại liên hay cối. 

20-12 thì hoàn thành việc đến các chốt thử và giao máy, số còn lại bọn ta bàn giao tất cho sư đoàn (gần chục chiếc) để họ dự phòng và trang bị cho các toán tuần tiễu/trinh sát. Đường về mất cả 1 ngày mà lương ăn mang theo đã hết sạch (gạo và cá khô đã gần như mục lĩnh ở quân nhu trước ngày đi), trên xe rộng rãi chỉ chất đống trên sàn 7 cái ba lô, của các chiến sĩ đã hy sinh ngày 20-11, đơn vị gửi nhờ mang về qua quân đoàn bộ ở Đồng Bành giao cho cục chính trị quân đoàn để gửi về cho gia đình. Đi suốt từ sáng mà không ai còn tiền trong túi nên cuối cùng, chú Quân đành phải cho mấy bà buôn đi nhờ về Yên Viên, được 1 chút tiền vừa đủ để về đến Gia Lâm đã hơn 10 giờ đêm mới tạt vào mỗi người ăn tạm 1 bát phở.

Bẵng đi mấy tháng không có tin tức gì, thế rồi dạo gần hè năm sau, lúc anh Vượng đã về đoàn 871 để tập trung chuẩn bị đi Liên xô làm NCS, Học viện mới nhận được Thư báo công của F347 gửi về. Bằng các máy UFT do bọn ta mang lên, họ đã tổ chức liên lạc, gọi nhau kịp thời để thông báo hướng chạy của bọn thám báo khi chúng chạm trán các tổ tuần tiễu của sư đoàn có trang bị bộ đàm. Từ trên các chốt, lính ta nhận được thông báo kịp thời đã đổ xuống phục sẵn, đón lõng trên đường chạy trốn của bọn chồn cáo Trung Quốc. Hai tên thám báo địch đâm sầm vào một ổ phục kích như thế trên đường tháo chạy ra biên giới và bị bắt sống. Từ sau lần ấy, thám báo địch vào ít hẳn đi, chấm dứt cả 1 thời kỳ cả năm trời chúng sang ta như đi chợ, tác oai tác phúc vô chừng.

Sau lần ấy, nhóm đề tài được tặng thưởng giấy khen vì thành tích phục vụ chiến đấu. Cái giấy khen ấy ta giữ, song đã vứt đi mất từ đời tám hoánh nào rồi, từ trước ngày ta lên đường sang Hung đi học cơ. Thế nhưng, cái mong muốn cháy bỏng được tham gia thiết kế/chế tạo cho được thiết bị cho quân đội thì theo ta sang đến nước Hung xa xôi, canh cánh không nguôi những ngày về nước làm việc, cho đến tận bây giờ. Bởi trong chiến tranh, con người là quan trọng bậc nhất song vũ khí trang bị thì có thể nâng cao sức chiến đấu, giảm thương vong cho bộ đội, tiết kiệm được đóng góp công, của và máu của nhân dân biết chừng nào. Dù còn một hơi thở, ta thề sẽ vẫn cố gắng góp phần nhỏ bé của mình thực hiện nguyện ước ấy, không dám so đo."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.