Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

TUỔI THƠ (Lê Ngọc Quyên)

Lũ trẻ chúng tôi lớn lên trong khu “gia binh”. Sau hòa bình, cuối năm 1975, tôi theo bố mẹ lên Vĩnh Yên, ở khu tập thể của trường đại học kỹ thuật quân sự ( bây giờ là học viện kỹ thuật quân sự).
Tác giả
Kí ức tuổi thơ đi theo tôi mãi tới tận bây giờ... 45- 46 tuổi, hai con đã lớn, nhưng mỗi khi gặp lại các cô chú của trường trước đây, dường như tôi vẫn là con bé 5-6 tuổi ngày nào.
Khi tôi rời Hà Nội lên sống với bố mẹ, gia đình được phân 1 gian nhà đầu hồi của dãy nhà 12 hộ. Tôi nhớ là cả khu có khoảng 5 dãy như vậy. Tôi đã khóc rất nhiều khi đêm xuống, trời tối đen như mực, căn nhà leo lét ánh đèn dầu, tôi ôm chặt mẹ và len lén nhìn vào góc nhà, nơi có bóng bố mẹ và tôi hắt vào mờ mờ, run rẩy.
Tôi còn nhớ quãng thời gian ấy, năm 75, khi tôi vào lớp vỡ lòng. Ngôi trường đầu tiên trong đời của tôi nằm chính giữa làng Bảo Sơn. Gọi là trường, nhưng chỉ có hai lớp. Đầu gian học luôn có 1 con trâu của nhà ai buộc vào ngay đó, tôi không dám nhìn vào mắt nó. Mỗi khi vào lớp, tôi thường hít một hơi thật sâu rồi cúi mặt chạy thật nhanh vào chỗ ngồi. Mãi về sau này tôi vẫn không quên cái cảm giác ấy và cũng chẳng lí giải được tại sao lại sợ con trâu ấy đến như vậy. Trường làng tôi đơn sơ đến lạ lùng...


Năm 76, tôi vào lớp một và trường cấp 1-2 Liên Bảo nằm ở ngay trung tâm thị trấn Vĩnh Yên, trên con đường bắt đầu vào chân núi Tam Đảo. Hàng ngày đi bộ hơn 2km từ nhà tới trường theo con đường quốc lộ bụi mù đất đỏ trung du. Tôi và lũ bạn lếch thếch vác cặp sách đi học trong cái nắng cháy người của mùa hè và cái lạnh thấu xương của mùa đông. Chúng tôi cùng nhau lớn lên trong cái khốn khó của những ngày đầu sau giải phóng.
Nhà ở đầu hồi, nên có một khoảng đất khá rộng, bố mẹ tôi trồng được cả mít, nhãn, na, mận, mấy gốc dứa và vài khóm mía. Khoảnh nhỏ ở giữa thì trồng rau. Đối diện dãy nhà ở là một khoảnh đất rộng, mọi nhà chia nhau mỗi người mấy mét trồng rau muống. Cuối giờ chiều, khu gia binh chúng tôi rộn ràng tiếng cười đùa của lũ trẻ và tiếng thùng tôn va đập khi tranh giành nhau múc nước ao để tưới rau. Rồi mùi khói, mùi cơm khét, mùi cá kho hơi quá lửa…. tất cả trộn thành một thứ mùi của tuổi thơ chúng tôi… mùi của một thời nghèo đói nhưng ấm áp, tràn ngập tiếng cười trong trẻo.
Lũ chúng tôi khoảng hơn 10 đứa. Trong nhóm, tôi lớn thứ hai. Một anh hơn tôi 2 tuổi, học trên 2 lớp. Ngày nào cũng rồng rắn kéo nhau đi học, có hôm rủ nhau không đi đường quốc lộ nữa mà đi tắt đường ruộng lúa. Tôi không dám phản đối nhưng trong lòng vô cùng lo lắng vì mấy lần đã nhìn thấy đỉa bơi loằng ngoằng trong đám lúa mới mọc lưa thưa. Không dám nói vì sợ bị chê là hèn nhát và sợ bọn con trai bắt đỉa vứt vào người thì chỉ có nước chết ngất. Tôi chần chừ đi sau cùng, cố tình để bọn bạn đi xa xa. Nếu thấy đỉa, tôi sẽ vòng lại đường cũ để đi. Th – người hơn tôi 2 tuổi thấy vậy cứ giục tôi đi cho nhanh kẻo muộn học. Không biết làm thế nào, đành thú thật với anh là rất sợ con vật đó, anh nhìn tôi rồi cười. Bỗng nhiên anh ngồi thụp xuống trước mặt tôi rồi bảo ngồi lên lưng, anh cõng qua. Tôi loay hoay mãi một hồi, ngồi trên lưng anh rồi mà khi đi qua cũng chẳng dám nhìn xuống nước. Sau này, lũ bạn cứ trêu tôi với anh vì vụ cõng đi học đó.
Những buổi tối thứ 7 là ngày hội đối với chúng tôi, từ chiều đã hẹn nhau nấu cơm sớm, ăn xong mỗi đứa xách một cái ghế gỗ đi vào sân bóng của trường quân sự xem chiếu phim. Ngày đó chiếu phim: Nàng tiên cá, Alibaba và 40 tên cướp, Ruxilan và Lutmila…. Lũ chúng tôi cứ ngây dại khi tiếp cận với nền văn minh mới mẻ. Một bộ phim sẽ được bàn luận rôm rả cho đến cuối tuần kế tiếp. Chúng tôi chẳng có gì nhiều, ngoài việc học ở trường, chơi với nhau trong khu tập thể và sinh hoạt cuối tuần như vậy.
Những ngày nghỉ, các cô chú trong trường hay tập trung ra nhà tôi ăn uống. Chú Tuyên, cô Hà, chú Toàn, chú Quốc, chú Ngân, cậu Dũng, cậu Công, cậu Bảo, cậu Khánh, chú Cử, anh Sự, anh Bình, anh Minh, anh Quang…. Mỗi khi mọi người ra chơi, tôi lại được cưng chiều vì nhỏ nhất nhà.
Thời gian trôi qua êm đềm cho tới 1 ngày bố mẹ quyết định đưa tôi trở về Hà Nội khi tôi học cấp 3. Chúng tôi ngồi bên nhau, không đứa nào nói một câu. Chẳng hiểu trong đầu nghĩ gì, tôi thì khóc sụt sùi. Con bạn thân len lén gạt nước mắt và ngoảnh mặt đi nơi khác. Lũ trẻ còn lại, hết nhìn tôi lại giật gấu áo. Tôi khóc, mà không biết vì thương mình hay thương bọn trẻ. Tôi ra vườn cây, vuốt từng thân cây và thì thầm nói lời tạm biệt. Một thói quen bao lâu nay là khi rảnh rỗi tôi lại ra trò chuyện với “em Mít”, “em Na”, “em Nhãn”…. Bố đi công tác quanh năm, rồi đi Hung nghiên cứu sinh… chỉ có tôi và mẹ. Mãi về sau, khi tôi 13 tuổi bố về nước và mới có thêm cho tôi 1 em gái.
Vậy là tôi trở về nơi tôi sinh ra, tôi phải xa nơi tuổi thơ mình gắn bó. Xa căn nhà đầu hồi có vườn cây ăn quả lúc nào cũng xanh tốt. Xa khu gia binh, mỗi chiều lũ trẻ chúng tôi đuổi bắt nhau , cười nói váng trời. Xa làn khói bếp nồng nồng, cay cay mỗi khi chiều xuống. Xa tất cả những gì thuộc về kí ức tuổi thơ tôi…..
Bây giờ, thỉnh thoảng kí ức lại dội về trong nỗi nhớ. Tôi vẫn thầm mong được đổi 1 ngày thôi, quay trở lại miền tuổi thơ ấy. Quay trở lại những ngày gian khó, thiếu thốn nhưng đầy ắp tình cảm của những người lính và những đứa trẻ, con nhà binh như chúng tôi.
Xin tạm biệt tuổi thơ !
Tạm biệt những tiếng cười thơ trẻ !
Tạm biệt nhé những gì trong trẻo nhất của cuộc đời !
Tạm biệt vùng đất trung du sỏi đá !
Tạm biệt những kỉ niệm của chính mình, của bạn bè và những người tôi yêu mến....
Tạm biệt....!!!

1 nhận xét:

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.