Nhận đươc thông báo của BLL C-213: họp mặt ngày 4-1-2015 tai Bảo tàng PKKQ -173 Trường Chinh, Hà Nội; tôi và anh Hà Duy Hiện háo hức đợi chờ. Hai chúng tôi thay mặt hơn chục anh em khoá 1 (C-213) ở Sài Gòn bay ra Hà Nội tham dự với anh em.
Từ sáng sớm tôi đã có mặt ở cổng bảo tàng vì nóng lòng muốn gặp được anh em, bạn bè cũ, đã 45 năm có nhiều người chưa một lần gặp lại.
... Rồi một ông già xuất hiện, ăn mặc bảnh bao, áo veston, càvat, mũ phớt, giày đen bóng lộn, nét mặt tươi rói, ngó nghiêng, thư thái qua cổng gác. Tôi đứng lên và chờ ông bước lại gần rồi lễ phép:
- Thưa... Ông đi họp lớp C-213 ạ?
- Vâng. Ông là... ?
- Thưa... tôi là tiếp tân của bảo tàng được cử ra đón đoàn. Xin ông cho biết quý danh?
- Tôi là Nguyễn Kim Hiển.
Tôi lấy cuốn vở 100 trang giả bộ ghi ghi, chép chép. Ông ta nhìn tôi chằm chằm đầy vẻ nghi ngờ. Tôi hỏi liên hồi để phá sự nghi ngờ của ông ta:
- Thưa... ông đã từng ở BTL Thiết giáp thì phải?
- Đúng!
- Ngày ông về BTL, đoàn của ông có đông không ạ? -Tôi lả chả hỏi chuyện.
- Ngày ấy... bọn tôi có năm anh em
- Thưa...có những ai ông còn nhớ tên không ạ?
- Có chứ. Quên sao được! Có... Hồ Tiến, Đỗ Thành Hưng, Bùi Hữu Thích này và... ừ... tôi quên tên một anh nữa rồi!
Ông ta vỗ vỗ vào trán cố nhớ tên người đồng đội cũ đã hơn bốn mươi năm về trước:
- Tôi nhớ lại sau vậy!
- Tôi có quen ông Đỗ Thành Hưng. Vậy ông có biết ông Hưng bây giờ ở đâu không? Hôm nay có đi họp không?
- Tôi chỉ nghe nói ông ấy ở Sài Gòn, bị bệnh tim nặng lắm. Hình như... đã mất thì phải? - Thưa ông Nguyễn Kim Hiển - tôi lạnh lùng trả lời - Đỗ Thành Hưng đang đứng trước mặt ông đây! Nó "éo" chết nếu chưa gập được Kim Hiển!!!
Anh trố mắt nhìn tôi. Chúng tôi ôm chặt lấy nhau. Cả hai cùng xúc động, không ai dám buông ra trước, lên tiếng trước... Khi xúc động lắng lại chúng tôi mới tíu tít hỏi thăm nhau, sức khỏe, gia đinh, vợ con... bạn bè, ai còn, ai mất...?
Rồi lục tục các anh em khác tới. Chúng tôi cứ bắt chặt tay nhau, ôm chặt lấy nhau dù chưa nhận ra là ai. Thật bất ngờ gặp lại được chị Mến, chị Mậu, em y tá Phương Nga, em gái Công Sơn, vợ Khánh Tiệp, vợ Nghiêm Sỹ Chúng... cùng vài chị nữa tôi không kịp nhớ tên... Không biết vì sao chị Mến, chị Mậu, em Nga tôi nhận ra ngay khi gặp. Chẳng phân nghi giới tính, chúng tôi cứ ôm chặt lấy nhau từng người một, cầm tay nói chuyện bình thản như không.
Bất giác tôi nhớ lại những năm 1966-1967 mà ôm nhau , cầm tay nhau nói chuyện giữa ban ngày, ban mặt thế này thì bị đại đội cảnh cáo là cái chắc(!!!).
Đúng là những phút đầu rất nhiều anh em chúng tôi không nhận ra nhau. Phải chừng ba chục phút sau, khi ký ức bạn xưa sống lại, chúng tôi mới nhận ra nét thân quen của một thời trai trẻ đã qua lâu lắm rồi... nay còn chút ẩn hiện trên những gương mặt già nua theo năm tháng!
Chương trinh bắt đầu lúc 9g30, vậy mà BLL không thể nào ổn định được. Anh em cứ tíu tít lấy nhau, đủ thứ chuyện. Phải 10g30 mới vào được hội trường. Nghiêm Sỹ Chúng trinh trọng tuyên bố lý do và giới thiệu khách mời. Có bác Lê Phương Cảo, anh Nguyễn Hoa Thịnh, anh Vũ Quốc Hùng, thầy Tiến (gù), thầy Nguyên, và nhiều thầy tôi chưa kịp nhớ hết tên.
Các thầy Cảo, Thịnh, thầy Quốc Hùng phát biểu cảm tưởng ngắn gọn. Điều mà tôi ghi nhận và xúc động nhất là một đoạn phát biểu của thầy Cảo: "Anh em cho tôi gửi lời xin lỗi tới anh em các khoá chuyên tu, các khoá đào tạo 1, 2, 3... của khoa Cơ điện (K2)! Tôi và ban chủ nhiệm khoa đã không đấu tranh đến nơi đến chốn; để anh em chịu thiệt thòi rất nhiều. Dù không ai trong anh em oán trách chúng tôi nhưng từ trong thâm tâm vẫn áy náy lắm! Ấy
là các trường sỹ quan họ học có 3 năm, thậm trí bổ túc 6 tháng, khi ra trường họ được phong hàm tối thiểu là thiếu uý. Anh em ta học 4 năm (hệ chuyên tu), 5 năm (chính quy) ra trường chỉ được phong chuẩn uý, tối đa thiếu uý. Đặc biệt khoá chuyên tu 1, vào trường cấp nào 4 năm sau ra trường vẫn là cấp đó. Anh em ta thời kỳ đó quá thiệt thòi.
Nhưng cái chất rất quý của anh em là không một ai thắc mắc, tâm tư gì. Giao nhiệm vụ nào là anh em vô tư, hào hứng nhận nhiệm vụ đó. Không hề so đo tính toán... Quý lắm! Quý lắm!". Cụ xúc động như nghẹn lời, phải ngưng một lát mới nói tiếp...
Rồi bước vào bữa ăn trưa... lại có ai ăn đâu, chỉ cầm ly cụng nhau chan chát. Phải gọi là liên hoan chuyện trò hơn là bữa liên hoan tiệc mặn! Mà cũng chỉ cụng thôi, có anh nào dám uống. Trẻ nhất như tôi cũng ở tuổi 68 rồi. Già nhất, nhì là anh Trọng Kha đã ở tuổi 84... Chả biết lần sau còn gặp được nhau nữa hay không???...
Từ Sài Gòn ra, tôi ngẩn ngơ chia tay các thầy, các bạn, các chị, các anh và ra về sau chót cùng thầy Nguyên thủa nào.
Mong sao có dịp gặp lại thầy cô, anh chị, đồng đội của tôi một thời đầy thương nhớ .
Sài Gòn, 6/1/2015
Đỗ Thành Hưng lớp B5- C213
Nhãn
- Ca khúc hay (7)
- Chuyện xưa (91)
- Công nghệ mới (6)
- Cựu CB-GV-CNV (8)
- Cựu học viên (20)
- Đọc báo mạng (10)
- Ghi chép (2)
- Giáo dục (2)
- Lê Phương Cảo (6)
- Phim CMT8 (1)
- Sức khỏe (2)
- Sưu tầm (7)
- Tâm sự (4)
- Tếu táo (3)
- Thể thao (2)
- Thông báo (12)
- Tiếu lâm (12)
- Tin vui-buồn-tức (38)
- Trang Thơ (6)
- Trao đổi (5)
- Tuyển sinh đại học- cao học 2012 (3)
- Tư liệu (13)
- Văn hóa-nghệ thuật (10)
- Website HVKTQS (2)
Nhìn qua ảnh cua Lê Kinh Tuyến gửi vào, nhiều "đứa" tôi cũng không thể nhận ra, phải nhờ Tuyến "phiên dịch". Nó bảo;" Người thực việc thực còn chả ăn thua nữa là nhìn qua ảnh".
Trả lờiXóa@ Đỗ Thành Hưng :
Trả lờiXóaĐợi có cái ảnh thì may quá, có ảnh chụp chung rồi. Ảnh rất nét và đẹp, các cụ đứng rất tư thế. Tiếc quá, không nhận ra Nguyễn Đình Thắng đứng ở đâu, hay tại kém mắt mà không nhận ra dung nhan bạn vàng?
Hưng ốp thêm vài ảnh nữa đi . Hưng có liên hệ với Thắng, cho mình số Tel hoặc e-Mail của Nó thì quý quá. (TĐ)
Đình Thắng đang mải tán em Bích Hà- cô giáo Hà Nội, em gái Công Sơn. Một số Cụ "khốt" cũng bướng bỉnh không chịu xếp hàng, đang tụ tập nhóm 3, nhóm 7 hàn huyên nên cũng không có trên hình tập thể.
XóaĐT của ĐT: 0904802948. Số ĐT dự bị: 0983416066 (NN cung cấp thông tin).
Đọc bài sau. Hình như bác Đình Thắng không có mặt???
Trả lờiXóa@ Nặc danh 08:57!
Trả lờiXóaXin cảm ơn bạn đã cho biết địa chỉ Tel của NĐT. Mình và Đình Thắng quý nhau vì cùng lứa " Giáo viên trẻ" của K2 ĐHKTQS thời những năm 1973-1977. Nhóm ba anh em Trần Đình Ngân, Nguyễn Đình Thắng, Nguyễn Anh Tuấn ( Tuấn râu-Bộ môn tự đông-sau chuyển K1) khi chưa vợ đã hẹn nhau: Thằng nào cưới thì hai thằng kia làm " Phò rể" !
Thắng cưới vợ ở 20-Đặng Dung có cả tập thể đội bóng đá của Học viện làm "Phò" và Ngân-Tuấn ngồi hai bên chú rể! Khi đến lượt mình thì Ngân-Tuấn lại cưới trùng ngày, Thắng một mình chạy cả hai đám...
Đầu năm 84, khi mới về nước, bác Lê Phương Cảo lúc đó là Phó GĐ HV gọi tôi và Đào Hoa Việt lên giao nhiệm vụ. Trong câu chuyện tâm tình, Bác hỏi chúng tôi có đem được thứ gì về nước không, và căn dặn, đại ý: Trước mắt đất nước ta còn nhiều khó khăn,và có lẽ tình trạng này còn phải kéo dài nhiều năm nữa. Vì vậy cần phải thực tế, đừng mơ mộng ảo tưởng. Có được cái gì mang về thì hãy dè sẻn cho gia đình.
Trả lờiXóa