Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Mộ Gió của người Anh Hùng (Truyện ký của Trần Đình Ngân)

Mộ Anh hùng Liệt sỹ Nguyễn Phan Thanh-Giáo viên trường Đại học kỹ thuật quân sự đặt tại nghĩa trang liệt sỹ thôn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Nghĩa trang liệt sỹ nằm giữa cánh đồng  lộng gió .  Hàng phi lao trồng hai bên cổng và quanh nghĩa trang phủ bóng xanh mát, tiếng lá reo rì rào trong gió. Gần hai chục ngôi mộ của những bậc tiền bối thời kháng chiến chống Pháp đã phủ rêu xanh. Duy nhất, ngôi mộ của Liệt sỹ thời chống Mỹ cứu nước Phan Thanh là mới và kích thước có hơi rộng hơn.
Mỗi lần có dịp về thăm nơi yên nghỉ Vĩnh hằng của người đồng đội, đồng nghiệp kính mến, trong lòng tôi luôn trào nỗi thương nhớ về người tổ trưởng bộ môn đầu tiên của mình thời tôi mới chập chững về trường nhận nhiệm vụ làm giáo viên  bộ môn đạn thuộc khoa Cơ điện.


Đọc hàng chữ ghi họ tên và ngày hy sinh của Liệt sỹ trên bia mộ,  những kỷ niệm  về thời chiến tranh chống Mỹ gian khổ nhưng tươi trẻ, hăng say nhiệt tình hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và sẵn sàng chiến đấu giữa chúng tôi và anh Phan Thanh hiện lên đậm nét. Hình ảnh, tình tiết của ngày anh Thanh hy sinh , tình cảm thương tiếc sâu nặng trong buổi hạ huyệt và xây mộ cho anh làm lòng tôi chùng xuống, nước mắt muốn trào ra.
Đứng trước mộ anh Phan Thanh, trong phảng phất mùi hương khói, tôi biết linh hồn người đồng đội của mình đang quanh quất đâu đây.  Trong đầu tôi mường tượng về một ngôi Mộ Gió của những Anh hùng con dân đất Việt, vượt  biển Đông ra khơi  giữ yên toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.  Giữa sóng gió nghìn trùng nơi đảo xa,  những nghĩa sỹ Hoàng Sa, Trường Sa không thể trở về đất  liền. Họ gửi thân xác mình cho biển cả, chỉ có linh hồn về với đất Mẹ quê hương, quyện vào ngôi mộ gió không có hài cốt. Những ngôi mộ gió linh thiêng là sự ghi công của nhân dân, Tổ quốc cho sự hy sinh của những anh hùng khi họ cống hiến cả thân xác để hoàn thành  nhiệm vụ. Ngôi mộ của anh Phan Thanh, người đồng nghiệp của tôi tại nghĩa trang liệt sỹ Thanh Lãng cũng thiếu vắng hài cốt nên linh thiêng và có hình tượng giống như ngôi MỘ GIÓ vậy.
***
Năm 1969. Khoa Cơ điện đang đóng quân tại địa điểm sơ tán là thôn Đinh xá, xã Nguyệt Đức  huyện Yên Lạc. Bộ môn đạn năm đó ngoài các giờ giảng về đạn dược cho học viên các lớp súng pháo thì không có  đào tạo học viên chuyên ngành. 6 học viên khóa chuyển tiếp từ trường bách khoa được giữ lại trường làm giáo viên ( Nhận, Khuề, Ngọc, Lâm, Định, Kham) đang theo học lớp bồi dưỡng thêm do chuyên gia Liên xô giảng tại Hà nội. Bộ môn đạn khi đó chỉ có ba giáo viên là  trung úy Phan Thanh, thượng úy Trần Tam và thiếu úyTrần Đình Ngân.  Tổ trưởng Phan Thanh đặt ra kế hoạch công tác cho bộ môn là ngoài việc giảng cho các lớp súng, pháo thì tập trung lo xây dựng mẫu, mô hình, trang thiết bị trực quan để chuẩn bị năm sau đón học viên chuyên ngành. Các mẫu đạn dược hệ một của Liên xô, Trung quốc chúng ta tiếp thu được bộ mẫu mới tinh của trường sỹ quan kỹ thuật ( công trình B) nhưng các mẫu đạn dược hệ hai của Mỹ thì hầu như còn thiếu. Việc sưu tầm các loại vũ khí hệ hai rất thu hút sự quan tâm của anh Phan Thanh.
Mùa Thu năm 1968, bộ môn Công binh-Công trình quân sự của khoa Công trình (K4) trong lần đi khảo sát chiến trường vùng Quảng Bình-Vĩnh Linh, có thu về một quả đạn pháo do hạm tầu của Mỹ bắn vào đất liền nhưng không nổ. Các chuyên gia của K4 rất nhậy cảm, các anh phát hiện ra đặc tính kỹ thuật độc đáo, khác hẳn về lý thuyết cấu tạo, tính năng tác dụng của quả đạn này so với đạn hệ một nên bất chấp những khó khăn về vận chuyển, họ đã mang về trường để nghiên cứu, học tập.
Trong giai đoạn này, việc khai thác tính năng tác dụng của vũ khí Mỹ là hết sức cần thiết, khẩn trương để giúp việc phòng tránh, hạn chế tác hại của vũ khí địch trên chiến trường đồng thời bổ xung phần nguyên lý, lý thuyết thiết kế và khai thác cấu tạo cho viêc đào tạo chuyên ngành của nhà trường ở bậc đại học.
Vì là hai chuyên ngành rất gần nhau, anh Thanh thân quen và gần gũi với các anh bên khoa công trình nên việc khai thác quả đạn 127mm, bộ môn đạn được K4 rủ cùng hợp tác. Là thời chiến , nhiều công việc phát sinh không căn cứ vào mệnh lệnh hay công văn từ trên. Dựa vào ý thức trách nhiệm của cán bộ, một khi nhận thức công việc có lợi ích cho sự nghiệp chung là người ta hợp tác nhau cùng gánh vác và rất tự giác hoàn thành .  Anh Thanh cùng tôi sang bàn kế hoạch và „ mặc cả“ với K4.  Chúng tôi nhận lời tìm cách tháo bổ quả đạn, vẽ ra bản vẽ kết cấu trao cho K4 còn mình thì được giữ  mẫu đạn để làm giáo cụ giảng dạy. Địa điểm tháo đạn các anh bên K4 chọn và đào sẵn một hầm tăng xê dưới gốc cụm tre già cách xa khu dân cư, sát với đầm nước ngoài rìa làng Thanh Lãng.
Để bạn đọc có thêm hiểu biết cơ bản, phổ thông về ngành vũ khí đạn, qua đó hiểu ra rằng, để tìm hiểu khai thác kỹ thuật về vũ khí của địch là rất khó khăn, đòi hỏi sự dũng cảm và thậm chí phải trả giá mới có kết quả, tôi viết qua về quả đạn pháo sát thương 127mm của Mỹ.            Pháo 127mm hạm tầu là pháo nòng trơn không có rãnh xoắn( khương tuyến). Đạn pháo nòng trơn thì tốc độ bay không nhanh, phù hợp với loại đạn có tính năng nổ sát thương, ngòi nổ là loại lắp ở phần đầu đạn, nổ tức thì. Đạn vừa chạm đất nổ ngay sẽ giúp các mảnh vỡ và uy lực của sóng nổ  bay tán ra không gian chung quanh, gây sát thương các mục tiêu trên mặt đất ở diện rộng ( gọi là bán kính sát thương lớn).  Các đầu đạn có tính năng xuyên phá thì yêu cầu tác dụng khi chạm đất, đạn không nổ ngay mà nổ chậm để có một thời gian chui sâu vào lòng mục tiêu, nổ om từ bên  trong, xuyên phá các công sự ngầm. Đạn nổ chậm, ngòi kích nổ tốt nhất lắp ở đáy đạn.
Qua xem xét lý thuyết, đối chiếu với quả đạn thực,  các chuyên gia của chúng ta nhận định rằng, 127mm có sự khác biệt lớn về cấu tạo:  Trên đầu đạn ghi  rõ có tính năng sát thương, ngòi đạn đáng ra phải lắp ở đầu ( gây nổ ngay) nhưng thực tế lại lắp ở đáy. Ngòi đáy thường có  cấu tạo cơ, ứng dụng lực quán tính nên chỉ có thể gây nổ chậm mà không thể tạo ra nổ tức thì. Đây là hiện tượng rất mới và khác biệt nên có thể suy ra:  Dù lắp ở đáy nhưng ngòi nổ của 127mm phải là loại có cấu tạo đặc biệt, bảo đảm chuyển động  „nhanh như điện“ chứ không thể theo cách „chậm“ cơ học thông thường.  Lý thuyết về  nguyên lý cấu tạo  ghi trong các tài liệu hiện hành của Liên xô hoàn toàn không đề cập tới hiện tượng này.
Nếu như có được một mẫu ngòi nổ quán tính cho đạn pháo sát thương với nguyên lý cấu tạo  mới, gây nổ tức thì như của 127mm- thì  đây là bước khám phá rất lớn về lý thuyết. Việc tìm ra sơ đồ cấu tạo sẽ giúp cho khai thác sử dụng và có thể vận dụng vào các thiết kế chế tạo vũ khí mới, đồng thời  khẳng định thêm về trình độ của các chuyên gia Vũ khí-Đạn VN là  đủ điều kiện và  có tầm để đối phó với các thủ đoạn kỹ thuật mới của Mỹ.
Hình dung ra sự hấp dẫn về kỹ thuật cũng như lòng mong muốn tìm hiểu vũ khí của đối phương, giúp cho bộ môn có được một mẫu đạn mới để đáp ứng nghiên cứu và giảng dạy cho học viên những khóa tới, anh Phan Thanh vạch ra kế hoạch „mổ thịt 127mm“  rất cụ thể.   
Anh Thanh vốn là giáo viên dạy môn-Chăm sóc bảo quản đạn dược- của trường Sỹ quan hậu cần. Anh tốt nghiệp  hàm thụ khoa hóa của Đại học bách khoa và được điều về khoa vũ khí phân hiệu hai ( ĐHKTQS hiện nay) dạy môn đạn cho lớp Đạn chuyển tiếp. Những sỹ quan, cán bộ khoa học từ rất nhiều nguồn ( như tốt nghiệp các học viện quân sự ở LX, TQ hay các kỹ sư tốt nghiệp các trường dân sư ở Đông Âu, các cán bộ khoa học kỹ thuật QS từ các quân binh chủng... ) được điều về công tác tại trường Đại học Kỹ thuật QS,  những ai biết anh Thanh đều rất quý mến tính hài hước, thẳng thắn và thần tượng sự hiểu biết sâu rộng, kiến thức đa năng của anh . Một tập thể các trí thức giỏi của nhiều lĩnh vực mỗi khi có những bàn luận, tranh cãi về học thuật, kiến thức,  khi gặp những vấn đề chưa ngã ngũ, mọi người đều tìm đến anh Phan Thanh để chờ sự phân giải cuối cùng. Nhiều chuyện hóc búa, Đông Tây kim cổ, qua ý kiến giải đáp của anh Thanh mọi người đều thấy chí lý và chuẩn xác.
Anh Phan Thanh tham gia quân đội từ thời chống Pháp. Những năm trước hòa bình 1954, anh đã từng  hoạt đông cách mạng trên đất  Lào, Thái và Campuchia. Anh nói và viết rất thành thạo tiếng của ba dân tộc này. Nhiều lần tôi đã chứng kiến anh  sử dụng rất tốt tiếng Pháp, tiếng Anh và biết cả chữ Nho. Do hoàn cảnh gia đình, dù anh có tuổi quân rất nhiều nhưng đến 1969, quân hàm trên ve áo vẫn là trung úy. Lớp trẻ chúng tôi khi nhận hàm thiếu úy, ai cũng chăm sóc cho hai ve tiết đỏ thắm, ngôi sao con và cái vạch bằng thiếc sáng bóng thì ngược lại, miếng tiết trên ve áo anh Thanh thâm kịt, hai ngôi sao và vạch  quăn queo đen xỉn. Hàm trung úy của anh Thanh bền vững trên ve áo anh đến 9 năm liền!  Gần gũi anh, tôi linh cảm có thể anh có những nỗi buồn, khoảng lặng riêng tư nhưng tuyệt nhiên trong công tác của khoa và bộ môn tôi luôn thấy anh nhiệt tình, đặc biệt trước đám trẻ chúng tôi anh tỏ ra mẫu mực và rất đàn anh. Anh Thanh quý tôi và nhận nhiệm vụ giúp đỡ giáo dục tôi để có điều kiện gia nhập hàng ngũ Đảng cộng sản.  Những lúc chỉ có hai anh em tâm tình,  anh khen tôi thông minh , có kiến thức nhưng phê tôi  tự do nông nổi và tính cách còn học sinh quá!
***
Sáng thứ 7 hôm ấy, do tuần trước đá bóng với học viên C213 ở sân Văn Tiến tôi bị chấn thương  nên khoảng 6 giờ, anh Thanh bảo tôi: Hôm nay Ngân đau thì cứ ở nhà. Mình đi Thanh Lãng làm nốt công việc tuần trước. Việc tháo quả đạn chắc hôm nay phải xong vì cái ốc đáy khi vặn đã thấy có vết lung lay. Anh dừng lại, vấn điếu thuốc sâu kèn, rít, rồi dặn tiếp: Chiều nay xong việc mình đạp xe thẳng về bên trường hậu cần, thằng cháu Thu từ tuần trước bị sốt cao không biết hôm nay khỏi chưa. Sáng thứ hai mình sẽ có mặt trước giờ báo thức. Tôi với trên bàn  có gói bích quy mà hậu cần khoa phân phối theo chế độ nhu yếu phẩm hàng tháng cho hai anh em: -Anh cầm về cho các cháu. Mở miếng vải dù pháo sáng, anh nói „ Xin chú“ rồi gói cẩn thận hộp bánh buộc sau yên xe đạp. Chiếc xe đạp khung Sterling cũ kỹ tróc sơn đen bóng nhưng vững chãi, líp kêu ro ro, tịnh không khi nào thấy cọt kẹt hay dơ vênh.
Con đường từ Đinh Xá tới làng Thanh Lãng theo hướng Hương Canh khoảng 5-6 Km.      Buổi sáng trời còn rét nên đường làng tĩnh lặng. Khoảng hơn 10 giờ khi trời  hửng lên thì từ hướng Tây dội về một tiếng nổ lớn. Theo thói quen thời chiến, ngoài ngõ có ai đấy kêu lên: Máy bay Mỹ ném bom gần quá!
12 giờ, cô Thế văn thư của khoa chạy sang nhà bộ môn chúng tôi đóng quân vừa khóc vừa nói: Bác Thanh hy sinh rồi. Đạn nổ ở khu đồng Sáo làng Thanh Lãng!...
Một hố nổ lớn sâu hơn hai mét. Bụi tre già xơ xác, nghiêng ngả không còn lá… Tôi mếu máo rồi òa khóc lịm đi. Hơn 30 sỹ quan giáo viên của khoa Cơ điện cùng các giáo viên của khoa Công trình xếp hàng ngang, dò từng bước tìm gọi anh Phan Thanh.
Người Anh hùng ra đi rất nhẹ nhàng. Anh còn để lại nhiều dự định khoa học, nhiều việc chưa kịp làm cho đơn vị, cho bản thân và gia đình. Hôm ra đi, anh đã không kịp về thăm thằng con  đang sốt nhưng nhiệm vụ khai thác khoa học trong lĩnh vực vũ khí đạn của Mỹ, việc tổng kết những kết quả nghiên cứu thành lý luận, sưu tầm những hình mẫu làm giáo cụ trực quan cho giảng dạy đào tạo kỹ sư quân sự tương lai thì kế tiếp  anh, chúng tôi đã nỗ lực thực hiện. 20 năm sau ngày anh Thanh ra đi, bộ môn Đạn phát triển với đội ngũ giáo viên hàng chục người,  trang thiết bị giảng dạy như khu kỹ thuật thực hành, phòng trưng bày mẫu các hệ đạn  rất đầy đủ và khang trang.  Hàng chục khóa kỹ sư ngành Vũ khí- Đạn đã được đào tạo ra trường, đáp ứng kịp thời cho kháng chiến chống Mỹ và bảo đảm kỹ thuật trong toàn quân. Lý thuyết và ứng dụng loại vật liệu áp điện để chế tạo  những cơ cấu ngòi kích nổ nhanh, thời kỳ những năm 1960-1970 còn là mới mẻ, tuyệt mật ( đến nỗi phía Mỹ phải bảo mật bằng chế độ chống tháo) thì đến nay đã trở nên phổ biến, được ứng dụng nhiều trong trang bị vũ khí của bộ đội.
Năm 2008, anh Phan Thanh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Trong những dịp gặp gỡ,  trao đổi về cái chết của anh Thanh, có người hỏi tôi: Anh Thanh hy sinh vì tháo đạn Mỹ nên được truy tặng Anh hùng?  Những câu hỏi như thế, làm tôi nhói đau. Tôi không nghĩ như vậy. Những cán bộ khoa học quân sự đúng là thường phải đối đầu với sự sống còn. Nhiều trường hợp vì nhiệm vụ họ phải trả giá bằng sinh mạng nhưng không phải vì họ chết mà  được phong Anh hùng. Hàng trăm nghìn các cán bộ khoa học về vũ khí-đạn vẫn rất an toàn khi làm việc. Trường hợp mất mát như của anh Thanh chỉ là rủi ro, là tai nạn nghề nghiêp không ai muốn.  Anh hùng quân đội Nguyễn Phan Thanh là Anh hùng Giáo viên, một nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực giáo dục đào tạo về kỹ thuật quân sự ở bậc đại học.  Giá trị chiến công của anh chính là dùng cả cuộc đời- kể cả khi phải cống hiến sinh mạng - vẫn đau đáu vì lý tưởng: Khai thác nghiên cứu khoa học để phục vụ cho sự nghiệp đào tạo các kỹ sư khoa học quân sự tương lai. Ngoài ra là người có dịp được sống gần gũi anh, tôi còn thấy ở anh sự khác biệt nổi trội  về bản lĩnh, sự tự tin và lòng dũng cảm của một nhà khoa học chân chính. Anh đã chủ trì việc giảng dạy và đào tạo ra khóa kỹ sư đạn đầu tiên của ĐHKTQS để kịp thời chi viện cho chiến trường Miền Nam  Anh không chịu dừng bước trước những thách đố kiến thức từ phía đối thủ. Anh tập trung mọi khả năng và điều kiện để giải quyết vấn đề, chinh phục kiến thức.
***
Berlin-Mùa hè năm 2009. Cháu Nguyễn Trọng Thu đưa vợ con từ Dusseldoorf đến thăm tôi. Cậu con trai bé bỏng của anh Thanh 40 năm trước,  giờ là một kỹ sư. Cháu Thu cùng vợ con định cư tại Đức. Vợ chồngThu mở một văn phòng tư vấn và làm ăn rất hiệu quả. Ôm thằng con nhỏ của Thu trong lòng, tôi không sao cầm được nước mắt. Thương nhớ về anh Phan Thanh làm câu chuyện giữa chú cháu cứ nhát ngừng và rất bùi ngùi. Thằng bé ôm cổ ông chốc chốc lại đòi nhoài sang với bố. Tôi để ý, thấy cách cháu Thu chiều con rất giống với cách mà anh Thanh chiều nó khi xưa . Tôi hỏi thăm cháu Thu về sức khỏe và cuộc sống của  chị Quý mẹ cháu,  hỏi xem  mỗi lần về Việt nam cháu có đến thăm lại Thanh Lãng không.       Trong những câu Thu hỏi tôi về sự hy sinh của bố, cháu quan tâm  đến nơi anh Thanh đang yên nghỉ và ngôi mộ của anh Thanh.
Dịp gần nhất tôi về lại Thanh Lãng, thấy làng quê đã thay đổi rất nhiều. Con đường đất giữa đồng ngày xưa bây giờ là đường nhựa thẳng tắp. Hàng phi lao trồng quanh nghĩa trang liêt sỹ chắc đã thay đến hai ba đợt nhưng lá cây vẫn reo  rì rào. Để trả lời cho cháu Thu, tôi nghĩ, hơn 40 năm đã qua đi,  điều mà khi xây ngôi mộ cho anh Thanh,  anh em giáo viên  của khoa Vũ khí-Đạn thời đó hẹn với nhau  sẽ giữ kín, không bao giờ nói ra thì bây giờ  trước cậu con trai trưởng thành của anh Thanh,  tôi nghĩ mình phải nói cho cháu biết, vì sao  ngôi mộ của anh Thanh chúng tôi lại ví như ngôi Mộ Gió của những anh hùng khi xưa, họ hy sinh ngoài biển khơi, hải đảo để bảo vệ  chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc.  Họ mãi mãi không về nên nhân dân nơi đất liền đã dựng những ngôi Mộ Gió không có hài cốt để ghi nhớ công ơn họ.
-…Bố cháu ra đi sau tiếng nổ của quả đạn pháo127mm ở làng Thanh Lãng…Hơn 30 sỹ quan giáo viên của khoa Cơ điện và các giáo viên của khoa Công trình xếp hàng ngang, dò từng bước tìm gọi anh Phan Thanh…Trong tiếng nấc nghẹn lòng của đồng đội và dân làng,  các cô chú chỉ gom nhặt được một phần rất ít thi thể của bố cháu...  Xương cốt của bố Thanh đã tan hòa vào Trời Đất.
Sau lễ truy điệu trước thi hài tượng trưng  gói bằng vải mưa đặt trong tiểu sành  có phủ quân kỳ của liệt sỹ Nguyễn Phan Thanh, nghẹn trong  tiếng than khóc tiếc thương của chị Quý và đồng bào thôn Thanh Lãng, ban chỉ huy khoa Trang bị Cơ điện quyết định phải tiến hành ngay việc xây mộ.  200 viên gach và một tạ ximang được nhóm các anh Trần Tam, Hoàng Hải, Nguyễn văn Đại trực tiếp thi công. Tôi không được phân công trong nhóm xây dựng nhưng suốt ngày quanh quẩn xem các anh làm việc. Việc gần xong, anh Tam bảo tôi: Ông Thanh chết ở đất Thanh Lãng thì mộ đặt trong nghĩa trang liệt sỹ Thanh Lãng.  Mộ sâu, xây chắc để Ông ấy mãi mãi ở đây với dân làng. Đại học Kỹ thuật Quân sự đóng quân trên địa bàn Vĩnh Yên rất gần với Hương Canh cũng  là cách thuận tiện  để Ông Thanh thường xuyên đi về với Bộ môn. Ông ấy vắng nhưng không xa.
***
Năm 1988, tôi rời Học viện Kỹ thuật Quân sự đi nhận công tác khác. Hơn 20 năm ở  học viện, tôi đã trải qua nhiều kỷ niệm vui buồn. Tôi hãnh diện vì đã có thời gian được sống và làm  việc bên cạnh một người Anh hùng. Tôi rất xúc động mỗi khi nghĩ về sự hy sinh của anh ấy.                 Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Học viện Kỹ thuật Quân sự, tưởng nhớ tới anh Nguyễn Phan Thanh tôi ghi lại những kỷ niệm về anh để các bạn trẻ thế hệ sau chia sẻ và biết về những khó khăn gian khổ trong chiến tranh thời học viện mới thành lập.  Tôi cũng  muốn nói với các bạn  trẻ rằng:  Lớp đàn anh, cha chú chúng tôi  hồi ấy bây giờ đã nghỉ hưu, nhiều người khuất bóng vì tuổi tác, bệnh tật  nhưng chúng tôi luôn rất tự hào về thời trai trẻ của mình. Chúng tôi đã vượt qua mọi khó khăn thử thách để cống hiến hết  sức mình cho sự nghiệp giảng dạy, đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự của quân đội, góp phần vào sự phát triển  lớn mạnh của Học viện-Kỹ thuật-Quân sự hôm nay.
                                    ( Trần đình Ngân – Nguyên giáo viên Bộ môn Đạn thời kỳ 1968-1988 )










  








1 nhận xét:

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.