Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

MỘT CÁCH HIỂU THEO "THỜI KỲ ĐỔI MỚI” (Trần Đình)


                        
 Trước những năm 1970, hành vi mua bán trao đổi những tài sản cá nhân trong tập thể bị coi là ”hành vi tư bản, gian thương”. Năm 1969, một học viên đã bị buộc thôi học vì “mang ra gửi quán nước bán 3 bao thuốc lá Tam đảo tiêu chuẩn (loại được phân phối với giá 3 hào) để bán lấy 1 đồng”.
Sau 1975, tình hình có thoáng hơn, tuy vậy vẫn còn nhiều e ngại. Trung uý Trần Đình có một xe Honda, vì cần tiền để mua gian nhà lá cho vợ sắp đẻ, anh đã tính đến chuyện bán xe. Thấp thỏm, lo những “dị nghị”, anh thập thò ở cửa phòng  làm việc của trung tá  Trưởng phòng Kỹ thuật, để xin giấy phép bán xe.
Trưởng phòng ngồi sau bàn làm việc, đang hí huí đọc. Tay trái còn lại giở từng trang sách. Ông từng là lính Trung đoàn Thủ đô trong 60 ngày đêm đầu năm 1947. Ông tự hào với những trận xáp lá cà với giặc Pháp, giành giật từng phản thịt ở chợ Đồng Xuân. Cánh tay phải ông cũng mất trong những trận chiến đó. Thời bình, ông nổi tiếng là người cần mẫn và giỏi tay nghề thợ nguội. Đồn rằng, chỉ với tay trái còn lại, kẹp phôi thép bằng cặp đầu gối, ông đã dũa thành công cả vòng líp xe đạp(!).
Sau khi nghe trình bày, ông bảo: “Được bán! Đưa giấy đây!”. Bằng tay trái, với những nét ký loằng ngoằng, trung tá vừa ký vừa lẩm bẩm: “Anh em chỉ được cái hiểu máy móc, rồi dị nghị, trù úm nhau lúc bình bầu, họp hành”. Ông quay sang hỏi Trần Đình: “Đang mong con trai hả? Đúng là hy sinh đời bố củng cố đời con!”, rồi ông quả quyết giải thích từng câu chữ:
- Bán xe, mua nhà cho vợ con ở là chính đáng! Duyệt! - Vừa nói, ông vừa chém gió bằng cái tay còn lại - Mua rẻ, bán đắt; lại mua rẻ, lại bán đắt kiếm lời. Vậy là vừa bóc vừa lột lẫn nhau! Chống!... Mang năm, bảy cái bày ra buôn bán, mặc cả, cò kè, lậu thuế. Vậy là gian thương bất chính! Cấm!
Nói xong, ông đẩy cái giấy đã ký duyệt về phía Trần Đình đang đứng nghiêm như trời trồng, bảo: “Mang lên bảo mật, bảo nó đóng dấu “Trung tá Trần Đan” vào!”.
T.Đ