Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

“TỔ CHỨC CHỈ XEM XÉT CÁI CHỖ NỔI BẬT CỦA MÀY”

Bạn tôi, anh N.Đ.Th. không biết từ nguồn nào mà viết E-mail cho tôi, bổ sung thêm tên vài ông bạn được nhắc đến trong chuyện kể tôi viết về cái sân bóng rổ của K2 ở khu 125 Vĩnh Yên thời chiến tranh chống Mỹ 1970 ( Đã được TKQ đăng trong BTk5 ). Có điều hay,  Th. chú thích là  "vụ đó không có tao" nên đề nghị tác giả  phải chỉnh sửa lại!!!
Quý ông bạn quá, lại nhân gần đây BTk5 có đăng loạt chuyện kể của Đỗ Thanh Hưng, viết về những kỷ niệm vui  của  C213, k2, 125 Vĩnh yên...ĐHKTQS cũng chính thời kỳ đó nên tôi đồng ý với Th, chỉnh sữa lại bài viết của mình.
Nhân sắp đến tháng 10, gần ngày lễ kỷ niệm thành lập HVKTQS, tôi gửi bài này cho các bạn thân đọc lại cho vui, cũng đề nghị TBT TKQ cho đăng lại " chuyện kể..." trên  Học viện kỹ thuật quân sự phía Nam .

Kể chuyện cũ ở Đại học kỹ thuật Quân sự
“TỔ CHỨC CHỈ XEM XÉT CÁI CHỖ NỔI BẬT CỦA MÀY”                                                                                                                
                                                        Chuyện kể của Trần Đình Ngân  ( Có chỉnh sửa )
                                                                                                                                                                                    
Chiến tranh.
Đầu những năm 1970.
Nhà giáo viên Khu 125. Năm 2010, thầy Ngân, thầy Quốc đã về thăm lại
Vĩnh Yên và vào thăm tòa nhà này.
Vĩnh Yên. Khu 125.
Khoa Cơ điện có một sân bóng rổ láng cement thuộc loại xịn.  Đó là thành quả lao động của giáo viên, học viên những ngày nghỉ. Để có một sân thể thao cao cấp, Ban chỉ huy khoa ban ra một lệnh khoán: Làm xong nhiệm vụ trước ngày nào thì cho nghỉ phép ngày đó, làm chủ nhật thì được thưởng  phép bù… Vậy là những Hoàng Hải, Bùi Thức Hưng, NguyễnViết Tiến, Nguyễn Văn Đại hăng say lái xe ủi đất  từ sáng sớm,  tới 7-8 giờ tối còn thằp đèn ủi đêm.  
Chả có tay nghề xây dựng nhưng ham thể thao,  mê khoản thưởng phép hấp dẫn, những  Khúc Văn Nghi, Trần Đình Ngân, Tuy Bin, Phan Nhường, Xuân Anh, Đoàn Mạnh Giao, Trần Công… kẻ vác búa đập răm, người vác đá chèn móng.  Đến công đoạn sau là đổ chạt, láng cement  thấy xuất hiện thêm những tay thợ xịn từ các lớp học viên C213, C224 như Phạm Ngọc Việt, Nguyễn văn Son… Mọi người lao động quên giờ giấc! 
Toàn bộ Ban chỉ huy khoa, ngoài anh Lê Phương Cảo còn các anh Dương Ái Hiểu, Trần Đan,  Phạm Viết Huyền… chẳng biết gì về  luật bóng rổ nhưng luôn túc trực quanh sân, chỉ đạo sát sao kích thước sân bãi và đôn đốc láng mặt sân sao cho chất lượng, phẳng băng.  
Hậu cần khoa ngày nào cũng có khoản nước chè Hồng Đào và lương khô B-702, hứng lên còn tung ra vài bao thuốc vụn Tam Thanh, Tam Đảo, tổ quân y phát Vitamin C, B1 cho ca làm tối. Toàn khoa  ưu ái tập trung bồi dưỡng hào phóng ngoài tiêu chuẩn cho nhóm thợ xây dựng "Công trình thể thao“.

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

TUỔI THƠ (Lê Ngọc Quyên)

Lũ trẻ chúng tôi lớn lên trong khu “gia binh”. Sau hòa bình, cuối năm 1975, tôi theo bố mẹ lên Vĩnh Yên, ở khu tập thể của trường đại học kỹ thuật quân sự ( bây giờ là học viện kỹ thuật quân sự).
Tác giả
Kí ức tuổi thơ đi theo tôi mãi tới tận bây giờ... 45- 46 tuổi, hai con đã lớn, nhưng mỗi khi gặp lại các cô chú của trường trước đây, dường như tôi vẫn là con bé 5-6 tuổi ngày nào.
Khi tôi rời Hà Nội lên sống với bố mẹ, gia đình được phân 1 gian nhà đầu hồi của dãy nhà 12 hộ. Tôi nhớ là cả khu có khoảng 5 dãy như vậy. Tôi đã khóc rất nhiều khi đêm xuống, trời tối đen như mực, căn nhà leo lét ánh đèn dầu, tôi ôm chặt mẹ và len lén nhìn vào góc nhà, nơi có bóng bố mẹ và tôi hắt vào mờ mờ, run rẩy.
Tôi còn nhớ quãng thời gian ấy, năm 75, khi tôi vào lớp vỡ lòng. Ngôi trường đầu tiên trong đời của tôi nằm chính giữa làng Bảo Sơn. Gọi là trường, nhưng chỉ có hai lớp. Đầu gian học luôn có 1 con trâu của nhà ai buộc vào ngay đó, tôi không dám nhìn vào mắt nó. Mỗi khi vào lớp, tôi thường hít một hơi thật sâu rồi cúi mặt chạy thật nhanh vào chỗ ngồi. Mãi về sau này tôi vẫn không quên cái cảm giác ấy và cũng chẳng lí giải được tại sao lại sợ con trâu ấy đến như vậy. Trường làng tôi đơn sơ đến lạ lùng...

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Gặp thầy Lê Phương Cảo (Trần Đình Ngân, Berlin)

Bên tượng 2 cụ Marx, Angel.
Trong một dịp rất hiếm hoi, cuối tháng 8-2014 nhóm một số anh em nguyên cán bộ, CNV, giáo viên, học viên của Học viện KTQS đang làm việc, sinh sống tại Đức và Ba lan có dịp được gặp và giao lưu với vợ chồng Bác Lê Phương Cảo nguyên chủ nhiệm khoa Trang bị cơ điện (K2), nguyên Trưởng phòng huấn luyện, nguyên Phó giám đốc HV tại Berlin.
Cùng thủ trưởng bên bức tường chia đôi Berlin năm xưa.

Bác Cảo còn say sưa chữa bệnh.
Bác Lê phương Cảo năm nay vào tuổi 87. Vẫn như xưa, nhiều khi trong câu chuyện hàn huyên do bệnh nặng tai, dù Bác rất chăm chú lắng nghe nhưng vẫn phải dương tay qua vành tài hỏi lại: "Hở" ... . 
Những câu chuyện giữa tình Thấy trò, tình  Đồng đội cấp trên cấp dưới vẫn diễn ra rất cảm động, sâu nặng  kỷ niệm một thời chiến tranh đầy gian khó, trong giai đoạn mới thành lập và phát triển của HVKTQS. 
Các anh chị Trần Đình Ngân ( Giáo viên ), Bùi Bích Hà ( Nhân viên thư viện), Nguyễn thị Huê (Phòng 6), Đào Thanh Sơn (học viên trạm nguồn điện khóa 14),  các anh Chu Hữu Nghĩa, Ngô Xuân Hùng ( Giáo viên K2 đang sống tại Warsava ) khi gặp mặt hoặc nghe tin Thủ trưởng cũ có mặt tại Berlin đều rất mừng vui và kể ra nhiều kỷ niệm đáng nhớ giữa mình với Bác Cảo. Mọi người đều thống nhất với nhau, thời HVKTQS của mình thật đẹp,  ai cũng trẻ trung, cống hiến hết sức mình và ôn nhớ, thăm hỏi lại các thấy cũ , bạn xưa và cầu chúc cho mọi người nhiều sức khỏe, hạnh phúc.
Nhìn Bác Cảo gần ở tuổi 90 vẫn cần mẫn, ân cần dùng bàn tay mình xoa bóp, giải huyệt bệnh cho anh em, mọi người ngưỡng mộ, kính trọng Bác nhưng trong lòng thoáng chạnh nghĩ : Hôm nay gặp gỡ vui vẻ thế này, mai này, lần sau còn đến bao giờ nữa đây? !  
Ở trung tâm.
Kính chúc thủ trưởng  Bách niên, tuổi già nhiều sức khỏe và thanh an.

Bên tháp truyền hình Berlin.

Ba lớp kĩ sư QS.