Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

34 NĂM GIỮ MỘT KỶ VẬT CHO ĐỒNG ĐỘI


                      Chuyện về những người anh, những người đồng đội của tôi
Nguyễn Viết Tiến
Nguyên giáo viên Khoa Trang bị Cơ – Điện (1969-79)

Những người lính cùng bộ môn

Những năm 1969-1971, tôi cùng anh Vũ Quốc Hùng và anh Đỗ Vũ Hà  ở cùng bộ môn Cơ gia công, Khoa trang bị Cơ điện (K2), Đại học KTQS. Các anh là bậc đàn anh, cả hai anh đều hơn tôi tới 6-7 tuổi. Mỗi anh một tính cách, anh Hà có tính tình đặc trưng của dân Nam bộ, cộng thêm tí láu táu và hơi “ngang”; còn anh Hùng là một con người trầm tĩnh, sâu sắc và chu đáo.
Ngày hội ngộ với vợ chồng anh Đỗ Vũ Hà (hàng sau, thứ 2 từ trái) tại nhà anh Vũ Quốc Hùng (hàng đầu bên phải) tháng 10/2010.


Năm 1971, anh  Đỗ Vũ Hà được gọi về Tổng cục Kỹ thuật, đi nhận công tác cùng với một số giáo viên của trường. Khi đồng chí phụ trách cán bộ Tổng cục hỏi anh Hà về nguyện vọng muốn chuyển về đâu? Anh Hà trả lời: “Tôi đi đâu cũng được”. Thấy vậy, đồng chí cán bộ lại hỏi: “Các đồng chí khác đều nêu nguyện vọng cả, sao anh không nói nguyện vọng của mình?”. Anh Hà “ngang ngạnh” trả lời:

- Nếu nói nguyện vọng của tôi thì rất đơn giản: tôi muốn về với vợ. Nhưng đồng chí xem, cả nước đang chiến đấu thế này thì nguyện vọng cá nhân chả có ý nghĩa gì. Vì vậy tôi chấp hành theo sự phân công của quân đội là đúng nhất.

Thế là anh đi nhận công tác. Từ khi tới đơn vị mới, hầu như anh không liên lạc với bộ môn suốt 39 năm,  mặc dù quá trình công tác có thể gặp gỡ ai đó là người cùng bộ môn. Có dịp gặp các anh trong bộ môn, tôi vẫn hỏi thăm anh Hà nhưng không ai biết cả anh ở đâu. Không chỉ riêng tôi mà nhiều anh em cùng bộ môn với anh Hà trong những tháng năm đầu tiên gian khổ đều quan tâm tìm kiếm anh. Nhưng không thấy có dấu vết gì. Coi như anh thuộc “danh sách khó tìm”.

Bỗng một ngày cuối thu đẹp nắng mới đây, tháng 10/2010, anh Lưu Văn Bồng gọi điện cho tôi: “Tiến ơi, còn nhớ anh Đỗ Vũ Hà không? Ổng vừa ra Bắc. Bộ môn hẹn gặp vợ chồng anh Hà vào 2 giờ chiều nay, tại nhà anh Vũ Quốc Hùng”. Một cuộc hội ngộ xuyên hai thế kỷ. Thế là sau 39 năm từ khi chia tay, hôm nay mới được gặp nhau. Thật vui và cảm động.

Những sĩ quan, giáo viên già từ thời kỳ đầu của Học viện KTQS cùng công tác với anh Hà tụ hội tại nhà anh Quốc Hùng khá đầy đủ. Anh Hà và “phu nhân” chuyện trò sôi nổi. Ai cũng muốn nói về những kỷ niệm của một thời; nào chuyện năm 1969, các anh Quốc Hùng, Mạnh Kính, Lưu Văn Bồng đạp xe đạp từ Vĩnh Yên xuống Nam Định dự cưới anh Hà; rồi chuyện đang dự đám cưới anh Hà thì anh Bồng cuống lên vì vợ lúc đó cũng đang ở Nam Định và sắp “vỡ đê”; nào là chuyện làm nhà ở Hàm Yên, Tuyên Quang; chuyện cấy, chuyện gặt, chuyện trồng rau cần, rau muống ở Đinh Xá, Yên Lạc, Vĩnh Phú; chuyện đói, chuyện rét, chuyện chiến trường, chuyện công tác… Đủ thứ chuyện của lính thời gian khổ.



Chuyện cái đồng hồ POLJOT mạ vàng

Tôi bỗng phát hiện ra trên tay anh Hà đeo một chiếc đồng hồ (nói như ngôn ngữ bây giờ là “chẳng giống ai”). Đang định kéo tay anh để xem, thì anh tháo chiếc đồng hồ, đưa cho tôi. Đúng thật! Đó là chiếc đồng hồ POLJOT của Liên Xô cũ. Loại dày, mạ vàng, nước mạ còn khá tốt, đang chạy đúng giờ. Tôi thắc mắc:

-         Sao anh vẫn còn giữ được đồ cổ này?

-         Đó là nhờ ông Quốc Hùng đấy. -  Anh trả lời.

Thế là câu chuyện về chiếc đồng hồ được anh Hà kể lại.  

… Vào một ngày đẹp trời năm 1976, anh Hà gặp anh Hùng trên đường phố Hà Nội. Sau một hồi hàn huyên, anh Hà được biết anh Hùng chuẩn bị đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Anh Hà mừng ra mặt vì anh em bè bạn tiến bộ. Nhưng anh còn mừng hơn, “mừng như bắt được vàng”, vì chiếc đồng hồ POLJOT mạ vàng mà anh mua năm 1966 khi học ở Liên Xô đã hỏng. Mấy năm nay đem đi sửa nhưng các cửa hàng ở Hà Nội đều nói: không có phụ tùng. Vậy là anh vẫn phải đeo đồng hồ hỏng nhưng không bao giờ muốn bỏ nó đi, dù cho khi đó trào lưu xã hội thi nhau xài đồng hồ SEIKO, SK, TITONI, ROLEX…

Lí do cũng đơn giản, chiếc POLJOT này anh mua nó vào một ngày sau khi dạo chơi Matxcova với một cô gái xứ Bạch dương. Chiếc đồng hồ này được mua vào thời kỳ mà người ta thường nhắc đến câu thơ: “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy sĩ/ Trăng nước Nga tròn hơn trăng nước Mỹ”, nó là kỷ niệm đời sinh viên đẹp đẽ của anh ở Liên Xô - thành trì của CNXH, miền “đất mơ” của nhiều thanh niên Việt Nam thế hệ anh. Không thể bỏ đi một chiếc đồng hồ này!

Anh vội vàng tháo ngay chiếc đồng hồ hỏng đang đeo trên tay và giao nhiệm vụ cho anh Hùng: “Ông mang sang bên ấy sửa giúp tôi”. Rõ ràng, ngắn gọn thế thôi. Rồi hai người chia tay, người đi Liên Xô, kẻ vào Nam công tác. “Nhiệm vụ đặc biệt” giao cho anh Hùng, anh Hà chẳng nói chuyện với ai, ngay cả với vợ anh! (Mà đồng hồ ngày đó cũng là một tài sản!).



Và số phận của nó…

Phần tiếp theo câu chuyện chiếc đồng hồ được anh Vũ Quốc Hùng kể.

… Anh Hùng nhận “nhiệm vụ” anh Hà giao. Sang Leningrat suốt mấy năm, anh Hùng đem chiếc đồng hồ này đi sửa nhưng không có nơi nào nhận. Trở về nước, anh Hùng mang chiếc đồng hồ của anh Hà về theo. Chuyện này anh Hùng chẳng kể  với ai, ngay cả với vợ anh. Vậy là chỉ có hai ông biết với nhau.

Giống như anh em trong bộ môn, hơn 30 năm ấy, anh Hùng cũng không hề biết anh Hà ở đâu. Không liên lạc, không tin tức. “Nhiệm vụ” thì chưa hoàn thành nên anh Quốc Hùng buộc phải giữ gìn cẩn thận, đi đâu thì mang “nhiệm vụ” ấy đi theo.

Anh Quốc Hùng cho biết, suốt từ khi anh Hùng về nước, đã chuyển công tác nhiều nơi, từ Đại học KTQS về Trung ương Đoàn, về Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng, rồi về nghỉ hưu. Ngay khi còn ở Đại học KTQS cũng đã phải thay đổi chỗ ở không dưới 3-4 lần, khi về Trung ương Đoàn, công tác của anh cũng không cố định; ngay cả khi ở Ủy Ban Kiểm tra cũng chuyển phòng làm việc đôi lần. Còn nhà ở thì đã phải chuyển 2-3 lần.

Cuộc sống cứ thế trôi đi, mọi chuyện cứ thế nằm im đâu đó, “nhiệm vụ” cũng nằm im, cho tới lúc anh Hùng về nghỉ hưu. Tranh thủ lúc rỗi rãi, anh Hùng lang thang đến mấy hiệu sửa đồng hồ. Rất may có một ông thợ già nhận sửa nhưng phải chờ sau tháng mới xong (vì còn phải đi “sưu tầm”  phụ tùng!).

Lấy đồng hồ về rồi, theo dõi thấy nó dừng, anh Hùng mang ra “bắt đền”. Ông thợ già sửa đi sửa lại, cho đến khi hoạt động bình thường, anh Hùng mới yên tâm cất đi.

Và, bỗng nhiên không thể ngờ, một sáng tháng 10/2010, anh Hà tìm đến thăm anh Hùng và bắt liên lạc lại với bộ môn sau hơn 30 năm “bặt vô âm tín”. Anh Hùng quá mừng rỡ, ngạc nhiên.

Chuyện trò hồi lâu, anh Hùng đứng dậy đi lên nhà, lấy chiếc đồng hồ trao cho anh Hà. Người ngạc nhiên nhất khi đó không phải là anh Hùng mà lại là anh Hà. Anh Hà rể rả với kiểu nói của dân Nam bộ:

-   Trời ơi! Tôi thất kinh luôn nghe. Tôi cũng đã quên mất tiêu cái đồng hồ ấy rồi. Nếu có nhớ thì tôi cũng cho rằng ổng vụt đi rồi. Ai dè ổng vẫn giữ nó, chữa nó cho tôi. Nhận lại chiếc đồng hồ tôi thật chẳng biết nói sao, chỉ biết sướng quá mà thôi!!!

x

… Sau cuộc hội ngộ chân tình, cảm động, vui vẻ, ra về tôi cứ nghĩ mãi về câu chuyện chiếc đồng hồ - một vật rất nhỏ bé, cho đến nay thì giá trị chả là bao nhưng nó được gìn giữ cẩn thận hàng chục năm. Cái đồng hồ bé nhỏ ấy được sống trong cái tình đồng đội quá lớn của những người lính - xưa là lính trẻ, nay là lính già. Đúng là sự vật và sự việc rất nhỏ nhưng tôi có những người anh rất lớn! Đáng trân trọng!



N.V.T














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.