Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Những bài hát tự biên

TG: Đỗ Quang Việt
Giáo viên bộ môn Điều khiển hoả lực (1974-78)


Vào giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, tôi công tác tại khoa Trang bị Cơ điện. Ngoài công tác chuyên môn, dù chẳng tài cán gì, tôi cũng thường được triệu tập vào đội văn nghệ nhà trường (có cả Duơng Minh Đức) để tham gia các lần hội diễn toàn quân, hội diễn tỉnh Vĩnh Phú…

Hồi đó phong trào văn nghệ quần chúng rất sôi nổi và thực chất hơn bây giờ (chưa có chuyện thuê sáng tác, thuê diễn viên…). Các tiết mục tự biên bao giờ cũng được đánh giá rất cao.


Trong các tác giả có các bài hát tự biên hồi đó, ngoài anh Trịnh Nguyên Huân (tác giả bài “Trong mỗi trái tim ta có Bác Hồ” mà đã có lần tôi giới thiệu trên blog) còn có anh Vũ Huy Túc – giáo viên bộ môn Động lực.

Anh Vũ Huy Túc là cựu học sinh Quế Lâm (cánh Quế Lâm thật lắm nhân tài!). Anh viết một số bài hát về trường ta, trong số đó tôi còn nhớ bài “Lên đường” từng được đưa đi hội diễn toàn quân cùng đợt với bài hát của anh Huân.

Tác phẩm của anh Huy Túc được tốp ca nam trình bày với phần đệm arcodéon của Trịnh Hồng Hà (học viên khoá 8). Giai điệu hào hùng, sâu lắng với ca từ thiết tha, thôi thúc đã mang lại giải B trong Hội diễn toàn quân năm 1974.

Tôi vẫn nhớ lời bài hát:
         
Núi sông vang lệnh tiến công, đoàn ta xốc tới.
Phương Nam vẫy gọi chúng ta cầm súng lên đường.
(Đoạn 2:
Những năm chung học đã qua, là bao ghi nhớ,
Chung tay ta chặt nứa tre dựng lấy mái trường.)
Bao nhiêu năm rồi lòng ta luôn mơ ước
Nay ra đi, rời trường thân yêu bao nhớ.
Nào bay lên, cánh chim,
Về phương Nam mến thương
Bao căm hờn giục ta lên đường chiến đấu.
Trường sơn ơi có nghe, nhịp chân đi chúng tôi,
Qua gian lao, thẳng hướng tới chiến trường.

      

          Anh Huy Túc còn có  bài “Hành khúc Gíao viên Đại học KTQS” và một số bài khác. Có một kỷ niệm vui về bài hát này.

Trong một lần tốp ca khoa Cơ điện (có Vũ Tự Cường, Vũ Huy Túc, Nguyễn Tiến Vĩnh, Nguyễn Hữu Thành, Cát Huy Hoàng…) biểu diễn bài hát trên. Anh Huy Túc được phân công “sô-lô” mấy câu đầu.

Anh vừa hát xong câu “Từ bốn phương về đây chung sức xây trường, đội ngũ ta ngày thêm lớn lên” thì tôi thấy anh lấy tay bịt micro, quay lại hỏi: “Thế nào nữa mày?”. Đứng ngay cạnh, tôi nhắc: “Như cánh chim tung trời mây…” thế là anh quay ra, buông micro và hát tiếp. Hồi hộp quá nên chính tác giả cũng chợt quên cả lời bài hát của chính mình. Bây giờ mỗi lần anh em gặp nhau lại nhắc lại kỹ niệm ấy để cười.

          Cái thời “thanh niên sôi nổi” ấy khó khăn đấy, nhưng mà thật là vui. Dù thiếu, dù đói, người ta vần rất hưng phấn với cuộc sống để viết ra những bài hát thật hay, làm say đắm lòng người.

Bây giờ hình như cái hưng phấn ấy không còn được là bao. Những năm gần đây chẳng thấy có được mấy bài hát mới cho ra hồn. Mỗi khi cần ca ngợi Tổ quốc thì lại phải “Việt nam - quê hương tôi” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận (sáng tác năm 1962). Vẫn chưa thấy ca khúc nào của thế hệ bây giờ vượt qua được những “Tình ca”, “Bài ca hy vọng”, “Xa khơi”…

Hay là tại mình già rồi, không còn có khả năng cảm thụ được cái hay của thế hệ @???

         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.