Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Chuyện về bạn Lê Viễn Chiến

Hà Chí Quang
Học viên Vô tuyến khóa 5
Tôi về Bộ tư lệnh TTLL chừng vài năm thì Chiến “thộn” (cũng lính khóa 5 Quân sự) chuyển về, cùng ở đơn vị “Thiết kế - Lắp ráp”. Gã ít nói, lì lợm (cái lì lợm của dân sơn cước) làm các thủ trưởng hơi “ngại”. Đặc biệt từ vụ chiến tranh biên giới phía bắc thì “các anh” bỗng “khiếp” anh em người sơn cước. “Các anh” xếp tôi và gã vào một “kíp tác chiến” (không rõ do ngẫu nhiên hay là kế “lấy độc trị độc”). Trong công việc, tôi được mặc sức la trên nạt dưới, bởi gã không hề mở miệng.


Một lần, Bộ tư lệnh thành lập đoàn tháo gỡ trạm ICS (“Viễn thông quân sự kết hợp” của QĐ Mỹ) ở phía nam để đưa ra bắc lắp đặt, phục vụ cho hệ thông tin chiến lược. Trước đó, bên Bưu điện đã tháo gỡ một trạm ICS đưa ra bắc. Bên họ toàn dân kì cựu, lí thuyết thì siêu, lắp ráp thì chuẩn và từng khối máy đều “chạy” đúng tiêu chuẩn, nhưng lạ thay, cả hệ thống lại “không ra gì”. Sau gần 3 năm, họ cay đắng nhận thất bại.

Anh em đoàn tôi (phó tiến sĩ, kĩ sư, trung cấp đủ cả, nhiều anh là lính gốc ICS) bàn bạc cãi vã cả tháng trời, tuôn ra không biết bao nhiêu nước miếng, giấy mực mà vẫn không tìm ra lối thoát. Riêng gã, gã không can thiệp.

Hết cách, anh em đành quay sang “vời” gã, cũng chẳng hi vọng là bao. Ngắc ngứ hồi lâu, gã nói: “Hệ thống ICS tuyệt vời ở chỗ nó dùng các “kĩ thuật thông thường” nhưng báo hiệu được 128 sự cố (hơn máy Nga, máy Tàu). Các vị trí có “kĩ thuật thông thường” được canh chỉnh theo từng tình huống cụ thể, cho nên tháo rời ra rồi lắp lại máy sẽ “mất đồng bộ” trên hệ thống…”. “Cái đó biết rồi, có gì khác nói mẹ nó đi” – cả đoàn cáu um. Gã vẫn thản nhiên: “… Nghĩa là ta không được tháo rời chúng… - rồi lắp bắp -… Ở giai đoạn tháo gỡ… ta phải “chụp hình” tất tần tật, trong đó:

1/ Phải tháo nguyên khối, giữ nguyên tất cả cáp, dây, phụ kiện, trừ dây “mát”, dây nguồn;

2/ Với máy có cáp, dây, phụ kiện liên hệ tới một hay vài máy khác thì “để yên” một đầu, đánh dấu thật chi tiết đầu kia, “vô sổ, vô thẻ” xong mới tháo gỡ; cấm cắt bớt cáp;

3/ Chia mỗi người chịu trách nhiệm một ô, riêng dàn “kiểm liên” (kiểm soát, thiết trí) giao cho dân nguyên là lính kiểm liên”.

Gã còn ề à: “Ở giai đoạn lắp đặt, ta thuần túy lặp lại theo các “hình chụp”. Lắp nguội xong, mở máy là nó “chạy” tuốt. Còn nếu máy nào không “chạy” thì chỉ là pan thông thường”. Gã tiếp: “Khi toàn hệ thống đã “chạy” đúng chỉ tiêu kĩ thuật rồi thì ta “tà tà” thiết trí theo nhu cầu của tác chiến. Và cũng sẽ chỉ gặp các pan thông thường”.

Gánh nặng đã được giải phóng. Cả đoàn hể hả bá vai nhau đi ăn thịt chó, uống “rượu Vân”. (Đi gặp anh em khóa 3 thì được xác nhận rằng, xưa nay gã là như vậy, lúc thì rù rờ lúc thì thông minh vượt trội. Chả hiểu nên xếp gã vào diện nào).

Rồi chúng tôi đi “B2” với hành trang là “phương châm hành động” của gã và quyết tâm sắt đá của lãnh đạo. Trưởng đoàn phân công mỗi người mỗi việc, riêng gã được ở vị trí "sẵn sàng xử lí các phát sinh".

Kết quả, đoàn chúng tôi lắp đặt thành công mỹ mãn “đài ICS chiến lược” nằm trong Trung tâm Thông tin toàn quân “đời đa phương tiện kết hợp” (Trung tâm T-579 ở Hà nội) và đài ICS “nối dài” cho biên giới phía bắc (Trạm bắc sông Hồng).

Ngày khánh thành Trung tâm “đa phương tiện”, gã và chúng tôi, áo quần xộc xệch, ngồi quán trà lắng nghe tiếng loa người ta khen lẫn nhau đang vọng ra (nghe nói Trung tâm được gắn huân chương Chiến công!?).

Chuyện ngoài lề: Nghe tin chúng tôi thành công, bên Bưu điện gọi điện chúc mừng và xin sang học hỏi. Nhưng khi nghe anh em nói qua loa về “phương châm hành động” thì họ bèn “Rõ rồi!”. (Thật là đơn giản!) và, tất nhiên, chẳng sang nữa.

Trong cuộc sống có những chuyện đơn giản nhưng người ta lại cứ phức tạp hóa nó. Còn gã, gã nói rằng: “Anh có thể rất giỏi nhưng đừng quên rằng, mỗi tình huống đều có cái riêng của nó và anh không đủ thời gian để hiểu tất cả. Vì thế, muốn khai thác một tình huống phức tạp, anh hãy đơn giản hóa nó, “mô đun hóa” nó để mà… khai thác”.

Xin thắp cho Lê Viễn Chiến một nén nhang!

H.C.Q


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.