Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

NHỚ THỦ TRUỞNG NGUYỄN VĂN TIÊN

Trần Kiến Quốc
      

Sớm ngày 18/2/2003, nhận được tin thủ trưởng Nguyễn Văn Tiên vừa mất đêm qua tại Bệnh viện Trung ương quân đội 175, tôi sững sờ, không tin ở chính mình!

Mới sáng 27 Tết rồi, cùng thủ truởng Nguyễn Bỉnh Chân, anh Đoàn Mạnh Hưng đến chúc Tết chú. (Tôi vẫn xưng hô như vậy vì thủ truởng là phụ huynh một anh bạn). Thấy có khách vào, chú vui vẻ bắt tay và nhắc đúng tên từng cán bộ, chiến sĩ dưới quyền. Trông chú có yếu hơn mọi năm nhưng da dẻ vẫn hồng hào, dáng người vạm vỡ, tác phong nhanh nhẹn và minh mẫn. Chú vui vẻ kể về cuốn sách “Chiến thắng B52” mới xuất bản, về những kỷ niệm chiến tranh của 30 năm trước…

Trông tấm ảnh lớn treo giữa phòng khách hình 2 CCB - Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Nguyễn Văn Tiên - vui vẻ bắt tay nhau. Trộm nghĩ chú sẽ sống lâu như bác Văn. Thế mà…

            Giữa gia đình tôi và gia đình chú Tiên từ lâu đã có một mối quan hệ thân thiết. Em tôi Trần Thành Công chơi thân với Tuấn “En-nơ” nhà chú – cùng là lính tên lửa năm 1972. Sau này khi gặp chú, chú nhắc lại kỷ niệm lần đến thăm mẹ tôi ở 99 Trần Hưng Đạo, khi còn chiến tranh. Sau 1975, chú Trần Đình Cửu, sau đó chú Tiên về công tác tại truờng. Rồi khi về nghỉ hưu ở thành phố, năm nào chú và chú Cửu cũng đến dự sinh hoạt truyền thống của Học viện.

Mới đây, ngày 28/10/2001 tại Dinh Thống Nhất, nhân kỉ niệm 35 năm Học viện KTQS và đón nhận huân chương Độc lập hạng Nhất, chú thay mặt thủ trưởng các thế hệ lên phát biểu; sau đó cùng các NSƯT Minh Đức, Thanh Vinh, Quang Lý hát vang ca khúc “Tiểu đoàn 307”.

Có lẽ vì có 2 thủ trưởng nguyên là Chính trị viên và Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn 307 mà bài hát của tiểu đoàn đã được lính quân sự yêu quý, tếu táo phóng tác thành “bài hát truyền thống” của Học viện. Sau này cũng có nhạc sĩ chuyên nghiệp sáng tác những hành khúc cho Học viện nhưng không làm sao thay được “bài chế” này.

            Tháng 12/2002 nghe tin chú phải vào bệnh viện. Vậy mà xem truyền hình trực tiếp buổi giao lưu của thế hệ trẻ của thành phố với những cán bộ, chiến sĩ đã từng trực tiếp tham gia “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 1972”, vẫn thấy  chú có mặt. Bị nhồi máu cơ tim cấp, phải nằm theo dõi ở Bệnh viện 175, nhưng vì trách nhiệm với thế hệ trẻ, đúng dịp kỷ niệm “30 năm mới có một lần”, với tác phong của người lính chú đã đề đạt với giám đốc, xin phép được ra ngoài dự giao lưu.

Trên sân khấu Nhà Văn hóa thanh niên, chú vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn trả lời những câu hỏi thú vị của giới trẻ. Không ngờ, chú còn là người đạo diễn cho buổi giao lưu. Hôm đó, chú cùng những cựu sĩ quan của quân chủng đã làm cho thế hệ trẻ sống lại những ngày tháng hào hùng của quân dân ta nói chung và bộ đội phòng không-không quân nói riêng cách đây 30 năm. Chiến thắng đó đã góp phần quyết định cho Tổ quốc ta mau đến ngày thống nhất.

            Hình như chú Trần Đình Cửu và chú Nguyễn Văn Tiên - 2 cán bộ chỉ huy đầu tiên của Tiểu đoàn 307,  2 thủ trưởng của Học viện KTQS – sau khi đã làm xong việc với đời đã cùng rủ nhau ra đi?! 

Thay mặt cho anh em lính tráng Học viện, tôi đã ghi lại “bài hát truyền thống” và thả vào quan tài chú. Trong đó có ghi chú “để khi xuống đó có gặp nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí và nhà thơ Nguyễn Bính thì chú không quên thông báo rằng, con cháu nhà binh đã tếu táo sửa lại lời của bài “Tiểu đoàn 307” và bài này đã được hát gần 30 năm nay:



Ai đã từng đi qua dãy núi cao cao, núi cao cao đây miền Tam Đáo.

(Núi cao cao đây miền Tam Đảo).

            Ai đã từng nghe tiếng Học viền, tiếng Học viền Ky thuật quân sư

Buổi xuất quân Học viền năm ấy, cả Học viện thề dưới sao vàng:

- Người học viên tiếc gì máu rơi!

            Buổi xuất quân Học viện năm ấy nguyện một lòng gìn giữ non sông

            Đã cống hiến cho quân đội, cống hiến biết bao đồng chí kỹ sư

            Kỹ sư mìn, kỹ sư pháo, kỹ sư đạn, kỹ sư thông tin…

            Bút vung lên với cánh tay sắt, đầu giặc rụng, nổ súng đồng đồn giặc vỡ tan

Quân sự! Học viện quân sự, Học viện của ta, Học viện đầu tiên

Đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy,

Với dạ sắt, gan vàng tiến lên lòng son chẳng nao

Tiếng Học viện bao nhiêu đế quốc run rẩy sợ hãi

Vang lừng danh tiếng Học viện quân sự.

Quân sư, Quân sư, Quân sư!!”



Ai rồi cũng trở về với cát bụi. Nhưng không phải ai cũng để lại niềm tiếc thương, kính trọng và nhớ nhung cho người còn sống. Riêng chú Nguyễn Văn Tiên, phụ huynh của trường Trỗi, thủ trưởng của Học viện mãi là người trọn vẹn với đời!

T.K.Q

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.