Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Một vị tướng đáng kính (Giang Mèo)

GM FB – Mình biết Thiếu tướng Hoàng Kiền đã khá lâu và cũng có dịp đi công tác cùng ông một đôi chuyến. Nói thật là trong số các tướng lĩnh đương "tại ngũ" thì ông là một người nổi tiếng. Báo chí, sách vở đã viết về ông không ít, dù quân hàm của ông chí có 1 sao với 3 viền vàng. Người cựu sĩ quan của Trung đoàn công binh hải quân 83 ấy có cái tên ngắn gọn nhưng như gắn cả với số phận của một tướng quân lúc nào cũng quyết liệt, sôi nổi, tâm huyết và hết lòng vì binh nghiệp vì Tổ quốc. Người ta nhắc đến ông là Tư lệnh Binh chủng Công binh, là vị tướng lên rừng xuống biển, là tổng công trình sư của các pháo đài, công sự ở Trường Sa, là người đi kê cao thềm lục địa quốc gia, thủ lĩnh tuyến đầu trong sự nghiệp xây dựng "con đường trù phương lược"... Và hiện tại ông vẫn đang là Tư lệnh của Ban 47 tổ chức làm đường tuần tra biên giới đất liền viền quanh dải đất thiêng hình S của Tổ quốc từ Móng Cái đến Hà Tiên... Con đường đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, một tuyến đường lịch sử đang dần được hình thành. Con đường bê tông ấy sẽ dài nhất thế giới với chiều rộng 3,5m, nền đường 5,5m vắt qua 25 tỉnh, thành phố với chiều dài hơn 10.000 km... Thậm chí ông còn nổi danh là người đầu tiên, duy nhất ở Việt Nam đầu tư tâm huyết, tiền của, sức lực để xây dựng Bảo tàng Đồng quê tại quê hương Giao Thủy, Nam Định để bảo tồn, gìn giữ những tinh hoa, giá trị truyền thống, cốt lõi nhất của một nền văn minh lúa nước ngàn đời... 

Dịp mình về Làng Bỉnh Di, Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Định dự tiệc cưới nhà Tư lệnh Hoàng Kiền, xúc động vì một Tư lệnh lừng danh nhưng dân dã và thân mật vô cùng. Nhưng xúc động hơn bội phần là ngồi uống rượu ở một làng quê mà có hàng ngàn lượt người đã, đang và tiếp tục đi xây Trường Sa. Có lẽ đây là nơi có nhiều công dân cống hiến cho TS nhất Việt Nam. Câu chuyện bữa rượu ở làng đau đáu và thiêng liêng hết sức. Từ bậc cao niên, cánh nông phu, dân cày hay thanh niên, phụ nữ đều có thể kể chuyện TS. Họ kể về nơi đó với máu, nước mắt, mồ hôi của những ông, cha, chú, chồng, Anh, con... của họ đã cống hiến cho TS. Cả làng biết TS, yêu TS, mong nhớ TS và sẵn sàng chết cho TT. Họ nói về TS lớn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Đá Lớn, Sơn Ca, Phan Vinh, Thuyền Chài... thân thương như ao nhà ruộng họ! Tình yêu phải đánh đổi bằng hy sinh, mất mát của nhiều thế hệ nhưng càng sâu nặng và son sắc vô cùng! Trường Sa là máu, là mồ hôi, là nước mắt của nhiều thế hệ dân làn Bình Di và sẽ mãi là như vậy ! Ở làng, tướng Hoàng Kiền thực là một con người đặc biệt. Ông là người ông, người cha, người chú, người anh, người thủ trưởng, người đồng đội, người cầm tay chỉ việc, dẫn đường đưa lối cho nhiều lớp thanh niên Bỉnh Di đi theo con đường binh nghiệp, nhất là gắn bó với Trường Sa. Nhưng ông cũng nổi tiếng khắp vùng và có khi cả Việt Nam vì cùng với vợ xây dựng lên một Bảo tàng Đồng quê tư nhân độc đáo bậc nhất. Ở đây tái hiện một không gian đa dạng, thuần nông của đồng bằng bắc bộ, đặc trưng của một quốc gia văn minh lúa nước ngàn đời. Đồng thời cũng trưng bày rất nhiều kỷ vật, đồ dùng gắn bó với cuộc đời quân ngũ đi mười mấy năm đi xây Trường Sa và nhiều năm làm Tư lệnh “Con đường nam quốc sơn hà”… Người sĩ quan tại ngũ “già nhất nhì” quân đội hiện thời có một mong muốn giản đơn là được hiến tặng tâm huyết cuộc đời mình và gia đình là Bảo tàng Đồng quê cho tỉnh Nam Định quản lý và sử dụng, để mọi người dân được thoải mái đến thăm nom… 

Có quá nhiều điều để nói về Tướng Hoàng Kiền, "Vị tướng cầm dao xây" nhưng mình rất trân trọng và thích thú sự dân dã, thân thiện và rất đời thường của ông. Một vị tướng, một tư lệnh lừng danh nhưng vô cùng điềm đạm, gần gũi trong cuộc rượu với cánh đàn em, đàn cháu. Ông tự đọc thơ mình làm về cuộc sống đời thường cho chúng tôi nghe, chủ động gắp thức ăn, hay quay sang mời rượu… Ông tự tay viết những dòng thân ái, ký tặng sách Thượng úy trẻ vốn hâm mộ ông từ lâu và còn thêm lời dặn dò: "Chú còn trẻ, ăn khỏe vào còn có sức làm việc và cống hiến, cuộc đời còn nhiều việc phải làm lắm đấy...

Thực lòng ông là một vị tướng đáng kính !"

1 nhận xét:

  1. Hoàng Kiền là cựu học viên Học viện KTQS. Không cùng khóa nhưng tôi thấy anh em khen anh.

    Trả lờiXóa

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.