Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

"Ngôi Sao Ban Chiều - Đinh Tiến Hậu" (FB: Nguyễn Quốc Bình, giáo viên HVKTQS)

Hơn 1 tháng trước, chú Tuấn béo Hải Phòng tổ chức đám cưới cho con gái, anh em bạn bè của forumnuocnga.net (NNN) từ khắp các miền của Tổ quốc về Hải Phòng dự cưới khá đông, nhân thể gặp mặt thường niên. Ta bận đi làm và dạy nên không về HP dự đám cưới con nhà hàng xóm cũ được, chỉ gặp được mọi người khi cả đoàn về miền Trung, miền Nam qua Hà Nội. Trong đống ảnh anh chị em post lên FB thấy mọi người ngồi chung với cả tác giả của Ngôi Sao Ban Chiều, nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu, một người Hải Phòng ngày trước.


Đấy là bài hát một thời người ta đinh ninh là nhạc Nga, bởi giai điệu buồn, dịu dàng, pha rất rõ âm hưởng dân ca Nga. Mãi về sau này, có lẽ từ chừng 10 năm nay, người ta mới vỡ nhẽ ra tác giả là người Việt mũi tẹt da vàng chính cống và cũng chỉ nhờ có Internet, điều ấy mới truyền rộng ra được.

Một bài hát mà cả người viết ra lẫn người hát ít nhiều đều gặp rắc rối, vào cái thời mà cả nước hầu như chỉ còn nghe thấy trên đài phát thanh những bài hát thế này 'Không cho chúng nó thoát! Không cho chúng nó thoát! Chúng bay vào sẽ không có đường ra', hay 'Nhà máy là nhà máy của ta, nhà máy là Thủy điện Thác Bà, đã truyền điện đi khắp mọi nơi' (hình như sau câu đó là hết bài thì phải!)... Là bởi giai điệu dịu dàng của nó - xanh mướt chứ không đỏ rực. Nhạc sĩ thì sinh ra trong một gia đình 'có vấn đề về lý lịch' - là người ta nói vậy - nên không được vào trường nhạc học. Viết bài hát ra mà phải âm thầm chịu chuyện nó 'được nhận nhầm' là bài hát Nga, để nó có thể phổ biến rộng rãi được. Còn với người hát, trong quân đội thì hơi rắc rối. Chí ít chắc sẽ có những ông chính trị viên, những người từ đầu đến cuối năm, lần họp đại đội nào cũng chỉ nhay đi nhay lại một câu 'Lích-xơn là tên bạo chúa và hung lô của thời đại!', khi nghe thấy lính túm tụm nhau sau buổi tập chiều và hát 'Ngôi sao ban chiều' chứ không hát 'Kết đoàn, chúng ta là sức mạnh! Kết đoàn chúng ta là thép gang!'... thì cứ giờ thần hồn, nhẹ thì trong sổ tay thế nào mà chả có bút lục ghi chú 'Đ/c X. có biểu hiện lệch lạc về tư tưởng'. Ta thì có thể tin chắc vào điều ấy, bởi mãi nhiều năm sau đó, tận đến khi ta đã là sĩ quan, từ mặt trận chống Tàu về đúng dịp đi lao động Lũng Mây trên Tuyên Quang, ban đêm trong lán không sao ngủ được vì giường chỉ là những cọc tre đóng vội xuống nền dất, trên gác những tay gỗ còn queo, còn nguyên cả mấu, anh em nằm nói đủ mọi thứ chuyện. Khi ấy ta tham gia bình luận, nói về nhạc của Trịnh Công Sơn, và nằm hát cho mọi người nghe những bài hát thuộc được từ băng Sơn Ca 7. Sáng ra đi lên nương làm rẫy, một anh ghé tai ta bảo lúc sáng sớm dậy đi đánh răng, nghe anh Trần Hữu Trì, thiếu tá chính ủy Khoa (sau chuyển sang làm trưởng ban Cán bộ HV trước khi nghỉ hưu) lầu bầu 'Tao mà có thằng con như thằng Bình thì tao bóp chết ngay từ lúc mới đẻ'. Cả một thời đã từng như thế. Các anh ấy đều là những cán bộ rất tốt cả. Ta sẽ không bao giờ dám quên ngày nhận quyết định không thi NCS đường quân đội mà phải ra thi ngoài Bộ Đại học. Thi NCS theo đường Bộ ĐH thì rất khó, 2 chọn 1 mà người thi cùng cặp với ta năm ấy còn rất trẻ, cùng khoa, suốt từ lúc ra trường đến khi đi thi cậu ấy được cắt tải giảng dạy cho đi ôn dưới HN, cả 4-5 năm trời, ta thì suốt ngày cắm mặt đi dạy trên Vĩnh Yên, thua có thể nói là cầm chắc (thực sự như vậy, cậu ấy đỗ thứ nhì toàn quốc mà người nhất thì - tất nhiên - không phải là ta). Ta bảo anh Nhượng, trưởng ban cán bộ, rằng 'Các anh đúng là dồn em vào chỗ chết đây, bởi thua là cầm chắc. Rồi thì lại liên quan đến quân hàm, bởi em sắp đến niên hạn lên thiếu tá'. Anh Nhượng bảo 'Cậu cứ yên tâm mà đi thi, miễn là thi đủ điểm đỗ là đã hoàn thành nhiệm vụ, không ai giam quân hàm của cậu cả. Còn nếu thua (2 phải có thua 1 chứ, làm gì có cả 2 đều thắng!) thì sang năm, suất thực tập sinh đầu tiên của HV sẽ là của cậu. Anh Trì trước khi nghỉ hưu, bàn giao công việc lại cho tớ đã dặn tớ rất kỹ về trường hợp của cậu. Anh ấy bảo "Thằng ấy năng lực chuyên môn tốt, rất cần và dù thế nào cũng nên cho nó đi học nước ngoài, về xây dựng đội ngũ", vì vậy, cậu cứ yên tâm mà đi ôn và thi cho tốt'. Tận đến bây giờ ta cũng không bao giờ dám quên điều này. Chỉ tiếc, về nước chỉ gặp được anh Trì đúng mỗi một lần, rồi thì anh ấy ốm mà mất. Tận bây giờ ta vẫn còn rất ân hận vì đã không hiểu hết được tấm lòng của các thủ trưởng cũ, những anh Trì, Trình, Độ, những người anh lớn nhận nhiệm vụ của quân đội dìu dắt bọn chúng ta từ những tên mặt bấm ra sữa, non nớt toàn diện, để trở nên những sĩ quan có năng lực, thành người có ích.

Nhưng những ngày ấy là thế đấy. Cả một dạo, cả đơn vị giấm giấm giúi giúi đọc truyện chưởng Kim Dung, đọc 'Exodus' của Leon Uris, 'Bóng tối ở cuối đường' (sau này in lại, lấy đúng tên 'Đêm Lisbon') của Eric Maria Remarque..., những sách in trước 1975 trong Sài Gòn. Ta nhớ một lần, hỏi anh Tạ Vinh (con bác Tạ Quang Bửu) 'Anh xem xong Sông Đông êm đềm tập 12 chưa, cho em mượn đọc với'. Là Tiếu ngạo giang hồ, tập 12 ạ (ngày ấy in thành 13 tập, Hàn Giang Nhạn dịch), phải 'mã' ra thế. Sảy, anh Trình trưởng khoa nghe thấy, anh hỏi 'Ố, Sông Đông êm đềm làm gì có tập 12, chỉ 8 tập thôi chứ'. Ta mặt tỉnh bơ, nói 'Là mới in lại, mười mấy tập lận mà thủ trưởng!". Hô hô, được mấy hôm, một hôm thấy anh Trình xộc vào buồng ta bảo 'Thằng Bình, cu đọc xong Sông đông êm đềm tập 13 chưa, đưa cho tao đọc với!'. Rồi thì ai ai cũng đọc chưởng cả, mê như điếu đổ. Cả một 'Thời xa vắng' ấu trĩ và buồn cười, mà đáng nhớ xiết bao.

Trở lại với 'Ngôi sao ban chiều'. Ta biết hát bài này từ năm còn học lớp 10. Bởi Đinh Tiến Hậu là người Hải Phòng nên nó phổ biến đầu tiên trong các học sinh HP dạo đầu những năm 1970s. Là nghe bọn Tâm ốc, Hòa vịt bầu trong lớp nghêu ngao. Những buổi không học, đá bóng chán, cả bọn mò về nhà Tâm ốc ở phố Trung Quốc, mua kem về ăn rồi đàn địch hát hò với nhau. Ta thì mù nhạc, 1/2 nốt son không biết nó nằm lỗ mô, tận đến bây giờ, dù cũng đã từng có thời trai trẻ ôm mấy cuốn 'Nhạc lý' hay 'Tự học guitar' gặm - không vào, dứt khoát không vào. Cái tai trâu và cái đầu bổ ra toàn shit của ta dứt khoát không sao hấp thu nổi những điều tuyệt diệu đến thế, có lấy rìu bổ sọ ra nhồi vào thì rồi cũng phòi ra mất tiêu thôi. Một lần, cũng từng sờ đến cây guitar của Hòa vịt bầu và rụt rè hỏi 'Này mày, cái dấu sắc của cái đàn này nó nằm đâu?'. Cả bọn há hốc mồm ra cười sằng sặc khi nghe ta hỏi vậy. Rồi thì chỉ dẫn, nhé. Hm, chúng làm như ta là Wolfgang Amadeus Mozart không bằng, đứa thì cầm tay, bẻ ngón, đứa thì thuyết giảng nhạc lý thao thao vào tai. Sau lần ấy ta cạch hẳn, suýt nữa thì tẩu hỏa nhập ma. Nhưng mà vẫn thích nghe hát và thích hát. Được cái chỉ nghe qua vài lần là đã ư ử hát theo được, nói chung không sai nhạc, sau này đến cả những bài hát Hung xa lạ và uốn éo cách mấy, đã thích là thế nào cũng nhập tâm được. Ta biết hát 'Ngôi sao ban chiều' như thế, và hay hát, như tất cả những gã trai trẻ mơ mộng ngày ấy, còn chưa có tí râu ria lún phún nào mà đã tập tọng yêu, và nhìn đời chỉ bằng nửa con mắt, những tưởng cả vũ trụ kia thảy có thể cuốn vào vạt áo được. Sau này nghe Mai Khôi hát bài này, lại hát nhanh và bỏ béng cả luyến láy, ta ghét lắm. Cái bài ấy có hát, hãy hát lúc chiều đang buông, sương đang dần phủ xuống thung lũng, và hát chậm, thật chậm, mới thấy hết cái dịu dàng, da diết của không gian cách xa vời vợi giữa những đôi đang yêu của một thời bom đạn.

Ngày mới vào bộ đội ở thôn Chùa Tiếng, buổi chiều, hội Lê Nam Thắng, Đoàn Bình, Hòa lỉu..., cả chục tên, vẫn thường ngồi giúi vào một chỗ tán chuyện, chia nhau quà gia đình. Một lần ta lạc vào chỗ đám ấy, Lê Nam Thắng mang kẹo chocolat (ngày ấy, có lẽ chỉ có tiêu chuẩn mua ở cửa hàng phố Tôn Đản mới có) ra mời, và đề nghị ta hát 'Ngôi sao ban chiều' (đứa nào khi đó mà chả tưởng đấy là bài Nga - và cái chứng thời thượng, sính Tây thì như bệnh dịch ngấm cả vào máu của từng đứa ạ). Phải nói thật ra là lúc đó ta mặc cảm giữa 1 lô con cái TWUV, UVBCT nên từ chối và bỏ đi - cái sĩ diện của thời 16-17 (25 năm sau, gặp mặt nhau nhân anh em K7 gặp gỡ tai quán cà-phê trên đường Điện Biên Phủ của Hoàng Sùng, con tướng Hoàng Sâm, Lê Nam Thắng - lúc đó vẫn còn là Vụ trưởng vụ chính sách Bộ BCVT chứ chưa lên thứ trưởng - vẫn còn lôi chuyện ấy ra trách ta đã không thể hòa đồng với tất cả mọi người). Nhưng mà bình thường thì ta vẫn hát, thế này này 'Màn chiều dần buông xuống/Gió ngàn vi vu/Lấp ló đầu thôn/Ngôi sao ban chiều/Gợi, lòng ta nhớ, tới người yêu ở chốn trời xa...', lòng thì tơ tưởng tới nàng Đuyn-xi-nê xứ Tô-bô-zô là sư tử nhà ta ngày nay. Hứ, lời bài hát thì 'Như ngôi sao Hôm, tháng ngày mong chờ...' (Sao ban chiều thì tất là sao Hôm chứ), cơ mà ta ngày ấy thì nhất quyết hát 'Như ngôi sao Mai...', bởi đó là tên của 'y thị' ạ, lại còn biện rằng Hôm với Mai thì cũng cùng là 1 ngôi sao thôi chứ gì! Ngố hết chỗ nói và sến toàn tập. Tận bây giờ ngồi gõ phím, nhớ lại cái thủa ngây ngô ấy, ta vẫn còn phì cả cười.

Bài Ngôi sao ban chiều này, Mạnh hùng hát tạm được.

http://www.youtube.com/watch?v=NLimrJ-YGJ4"
Ngôi Sao Ban Chiều- Đinh Tiến Hậu
www.youtube.com
Tác giả ca khúc này là NS :Đinh Tiến Hậu cư trú số nhà 35b. ngõ 738 Đường Bạch Đằng quận Hai Bà Trưng Hà Nội ĐT :0936217627. Ca khúc này NS Đinh Tiến Hậu sán...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.