TRẦN KIẾN QUỐC
Tháng 4 năm 1975, khóa 5 đặc cách tốt
nghịêp. Tôi và Lê Chí Hoà được giữ lại làm giáo viên. Thử thách đầu tiên của một
sĩ quan kỹ thuật trẻ, mới ra trường, là được tham gia đoàn khai thác kỹ thuật hệ
thống thông tin viễn thông do Mỹ-ngụy để lại. Nhưng đây cũng là một vinh dự.
Sau đó, chúng tôi trở về trường làm nhiệm vụ giảng dạy cho đến giữa năm 1990. Những
năm tháng ở trường, sinh hoạt trong đội hình bộ môn, đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp.
NHỮNG NGÀY ĐẦU
Tháng
9-1975, tôi được phân về nhóm Xe công suất trung bình do thầy Nguyễn Ngọc Lân (chuyển tiếp 2 Bách khoa) phụ
trách. Bộ môn Vô tuyến ngày đó ở trong một dãy lán, mái tranh, vách đất, cửa sổ
và cửa ra vào bằng phên tre, ọp ẹp. Tôi xin về ở cùng phòng đầu hồi với Ngô
Phúc Chiến. Không hiểu sao mùa đông năm 1975 lạnh thế. Sương đêm lùa vào tận
trong phòng, chăn trùm kín đầu mà vẫn thấy lạnh.
Thầy
Ngô Hai là tổ trưởng, anh Bình là tổ phó, bí thư chi bộ là anh Lê Tấn Phương.
Thầy trò, anh em rất quý nhau. Tuy mới ra trường nhưng tôi được giao ngay việc
triển khai đề tài nghiên cứu tầng điện li. Vậy là sử dụng luôn máy công suất
trung bình để thí nghiệm. Những buổi xuống đài Phủ Liễn, tôi không phải lên trường
mà tự phóng xe đi liên hệ lấy số liệu. Những chuyến đi đó làm bản thân thêm tự
tin và say mê nghiên cứu.
Hè
năm 1976, tôi được phân công phụ giảng và đưa khoá 6 đi thực tập dã ngoại xe điện
đài công suất trung bình. Những đợt triển khai dã ngoại tạo cho cả thầy và trò
thêm bản lĩnh, cọ sát với thực tế. Sau này khi về đơn vị, các sĩ quan trẻ có đầy
đủ kinh nghiệm có thể tổ chức hành quân chiến đấu.
Sau
đó ít lâu, các thầy Ngô Hai, Ngô Vũ Thuận chuyển vào cơ sở II ở Sài Gòn, Phúc
Chiến chuyển về Huế.
BẾP ĂN
Ngày
tôi mới lên làm giáo viên, sĩ quan vẫn phải ăn bếp tập thể và chỉ tiêu rau xanh
cũng quy theo đầu người. Vốn giảng dạy đã mệt, hết giờ lại tham gia hoạt động
thể thao, bóng đá, bóng chuyền thì lấy đâu ra thời gian tăng gia. Thật ra đó
cũng chẳng khác gì “nhục hình” với anh em trí thức. Có biết cầy cuốc, phân tro
là thế nào nên hầu như chỉ tiêu tăng gia không đạt. Thậm chí có anh ra chợ mua
rau về nộp nhà bếp. Chúng tôi phản ứng quyết liệt quy định này. Những năm cuối
thập kỷ 1970, trong quân đội đã dân chủ hơn, nhà trường cũng chịu lắng nghe ý
kiến anh em. Và quy định này được huỷ bỏ. Thậm chí sau đó sĩ quan sống trong
doanh trại có thể tự nấu ăn mà không ăn ở bếp tập thể. Vậy là căn phòng của
tôi, ở đầu dãy nhà bộ môn Tên lửa, trở thành bếp ăn của anh em. Tham gia bếp có
tôi và Vũ Thanh Hải (Vô tuyến, nay là thiếu tướng Phó giám đốc Học viện), Tạ Vinh (Cơ sở II), Quang Tuệ (Khoa Công trình).
Thỉnh thoảng Tú "kẽm" (Tên lửa), Chí Hoà (Hữu tuyến) hay Giang "mù", anh Ngân (Khoa
Cơ điện) cũng tụt lại ăn ké.
Hết
giờ làm việc là “nổi lửa lên em”. Bếp nấu dùng bếp điện (vì điện dùng thoải
mái, còn mai-xo Liên xô thì bán đầy chợ). Chủ nhật về nhà anh nào cũng nhặt nhạnh
xoong nồi, bát đũa mang lên. Mỗi lần về tranh thủ, theo phân công, đứa thì mang
lên thịt rang mắm, đứa tranh thủ mang thịt gà kho, ruốc… Ở phố Nguyễn Trường Tộ,
gần nhà Thanh Hải, có cửa hàng bán tương ớt rất ngon, thơm. Vậy là mỗi lần lên
xe là xách theo một chai, chúng tôi có thêm gia vị cho bữa ăn. Thậm chí chỉ cần
tí nước mắm và tương ớt là có thể xong bữa một cách ngon lành. Rau thịt cá tươi
thì mua ở chợ cóc, ngay cổng Bảo Sơn. Lỡ đi dạy về nhưng không mang tiền (hoặc
chưa đến kì phát lương) thì đã có chị Thiện (bà chị kết nghĩa) cho mua trả chậm.
Bí quá thì chạy xuống chân đồi hay ra ngay sát hố tiểu hái rau rền cơm(!) về nấu
canh.
Những
ngày sơ tán tránh máy bay Mỹ, đầu những năm 1970 khi về Đại Tự, tôi đã học được
bài làm thịt cóc của mấy lão tướng học viên. Vậy là sở trường này được phát
huy. Ngay chân đồi là nương sắn, ruộng lúa, cóc nhiều vô kể. Chiều chiều cứ
lang thang một lúc là xách về một túi cóc. Ra ngay đầu nhà đặt thớt gỗ nghiến
(mang từ trại tăng gia Tuyên Quang về) để làm thịt cóc. Chặt phăng đầu cóc, để
đống rồi dùng dao lam rạch một đường từ chân xuống bẹn. Cứ như vậy dùng ba ngón
tay bóc toàn bộ da xù xì khỏi thân cóc. Tiện tay chặt những đầu ngón chân của
cóc, trông đỡ ghê. Con cóc xù xì thế, nay trắng nõn, được vứt vào ngâm trong
bát nước muối. (Chả vì tỷ trọng của nước muối nặng hơn nên đã đẩy nhựa cóc còn
dính trên thân lên khỏi mặt nước).
Thịt
cóc có thể chế biến thành nhiều món: cuốn chả lá lốt, xương xông, đùi chua ngọt
hay tẩm bột rán. Riêng Chí Hoà lấy thịt làm ruốc, riêng mình cóc thì rang lên rồi
giã nhỏ làm bột cam cho con. Hai cháu nhờ có bột cóc mà sau này đều cao lớn.
Canh cải mà nấu thịt cóc thì tuyệt vời, ngọt vô cùng! (Nhớ ngày sơ tán, cả nhà
dân nơi tiểu đội sinh sống đều theo các chú bộ đội ăn thịt cóc ngon lành, riêng
bác chủ nhà thì rất sợ. Lần đó chúng tôi nấu nồi canh cải, vừa thử một thìa,
bác chủ đã nói: “Các chú cho nhiều mì chính quá!”. Thật ra đó là nồi canh cải nấu
thịt cóc, không có thìa mì chính nào).
Chiều
nào, anh em có gia đình ở khu tập thể hay ngoài thị xã “có việc” thì cả mâm “rồng
rắn lên mây” đi ăn cỗ. Vui đáo để!
Ngay
dốc lên Khoa 3 là cái ao lớn thả cá. Cứ mỗi đầu hè, sau những trận mưa rào đầu
tiên, cá rô phi lại ngược dòng lên đẻ trên đồi. Vậy là chúng tôi í ới gọi nhau,
đội mưa, đi bắt cá. Lần nào cũng mang về một thau cá, con nào con nấy căng bụng
trứng. Lại được bữa cải thiện.
... Còn nữa!
... Còn nữa!
" rẻ sang ăn ké" thời đó gọi là "Đánh giậm". Xin xác nhận là có ké nhưng thịt cóc thì không!
Trả lờiXóaĐi day bên 125 về qua chợ cóc ngã ba Bảo sơn, chị Thiện te tái gọi: Ng.ơi,Q.ơi chị hôm nay mông tươi và nạc lắm, có ăn chị xẻo cho mấy lạng ! Sao thời đó ,tươi tươi một tý là thấy ngon,thêm thắt được một tý là hả hê vui sướng lắm. Khổ,thiếu thốn nhưng mà vui!
Trả lờiXóaCó kể vụ đi "trinh thám bằng mũi" xem ai ăn trộm tương ớt không anh KQ.?
Trả lờiXóaCả bọn bán tín bán nghi mang "radar mũi" sang phòng "đối tượng" thám thính. Không có, các trinh sát viên về khẳng định là không có mùi vị gì na ná. Tối đó mất điện, cả bọn ăn xong ngồi phòng anh KQ chơi và nói phét. Một lúc thì thấy anh KQ rống lên: "Mẹ thằng nào khạc đờm vào chăn tao nhé!". Bật lửa lên soi thì ôi thôi, hóa ra là chai tương ớt để ở đầu giường lên men, sinh khí phụt cả nút chai, phun tóe lên chăn KQ. Thảo nào vơi hẳn đi.
Thật là "một mất mười ngờ!".
ND nhớ chi tiết này, hay quá! ND tên gì vậy? Đồng bộ môn à?
Trả lờiXóaNghe giọng như Bình "dị"?
Trả lờiXóa