Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Chuyện một học viên già

Nguyễn Duy Đảo
Học viên Vô tuyến khóa 8

Anh em quen nhau khi tập trung về Đại học KTQS ôn thi, rồi khi vào học thì kết thân.  Anh quê Quảng Xương, Thanh Hoá. Hết lớp 10 đi bộ đội, là lính pháo bảo vệ đảo Hòn Mê. Anh lớn tuổi nhất trong tiểu đội.

Ngày đầu sơ tán ở  mấy nhà dân ở đầu làng Yên Lãng, Yên Lạc, Vĩnh Phú. Anh ở nhà bà cụ có nghề làm bún. Cụ có con gái là chị Tươi, ít hơn anh vài tuổi. Chị đính hôn với một anh bộ đội cùng làng nhưng anh vào Nam đã mấy năm. Chị làm điều dưỡng viên Trại An dưỡng của tỉnh ở Đầm Vạc, trên thị xã Vĩnh Yên.


Anh vui tính và hay "dân vận". Sáng sáng thường dậy sớm, giúp gia đình giã bột, vắt bún,  chuẩn bị cho phiên chợ sớm. Những ngày nghỉ, chị Tươi về thăm nhà. Những sớm như hôm ấy thường chỉ có hai anh chị thậm thịch bên cối bột.

Thi đại học xong, chúng tôi về Vĩnh Yên, lại gần ngay cơ quan chị Tươi. Mỗi lần về nhà lên, chị hay nhắn anh ra chơi, có khi cả ngày chủ nhật. Thỉnh thoảng có mặt chúng tôi, rồi sau này chỉ còn mình anh. Mãi sau, bọn tôi mới biết chị rất quý anh, có khi còn hơn thế, nhưng có lẽ chị không dám bước qua "lời nguyền" với người ngoài mặt trận.

Những ngày ấy đói kém lắm, tranh thủ về Hà Nội thăm nhà, lên thuờng mang can tương ớt mua ở phố Nguyễn Truờng Tộ, gần nhà Thanh Hải, làm quà. Cứ thế chan vào cơm độn ngô, độn sắn mà nuốt. Ỉa đến rát cả đít mà vẫn cứ thích ăn. Anh nói với tôi “Cái anh tương ớt Hà Nội này là bố anh ở quê thích lắm. Cụ viết thư bảo, Tết về qua Hà Nội nhớ mua cho bố can tương ớt để ăn. Với lại, đợt này có phát quân trang cho bố xin đôi giầy cao cổ…”.

Về nghỉ tết lên, anh kể: Xuống ga Thanh Hoá, vai đeo ba lô,  tay xách can tương ớt 5 lít. Tàu chạy chậm chậm chưa dừng hẳn, anh đã bước xuống đường ke. Khi chân tiếp đất, anh vẫn nắm chặt tay nắm nơi cửa toa. Cứ thế tàu lôi sềnh sệch. Tới gần chục mét,  mới buông được tay ra. Cả người và can tương ớt đổ sập xuống mặt đường. Can tương ớt bật nắp, văng tung toé, đỏ ối cả khoảng đường. Bà con trên tàu la thất thanh "Ối Giời ôi! Tàu kẹp chết anh bộ đội rồi, máu me lênh láng thế kia thì còn sống làm sao được nữa hả Giời?". Tàu dừng hẳn, bà con lao đến… Hết hồn!!!

Về đến nhà, bố đã đón ở đầu ngõ. Kể lại sự việc, cụ an ủi: "Thôi, của đi thay người, con ạ. Không sao là may rồi!". Rồi anh nói ngay để bố vui: "Con có đem về cho bố đôi giầy cao cổ đây này. Chả biết bố đi có vừa?". Chưa biết mặt mũi đôi giày ra sao, cụ đã lườm anh, mắng yêu: "Không vừa là không vừa thế nào! Rộng quá thì đi nó thoải mái, còn nếu chật thì nó ôm lấy chân mình, mùa đông càng ấm chứ sao? Sao lại không vừa! Anh chỉ được cái khéo...".

Rồi anh lấy vợ. Chị làm ở nhà máy Quân khí dưới Đông Anh. Có lần chị lên thăm, anh mời chúng tôi ra chơi. Cơm xong chúng tôi kéo ra chiêu đãi sở. Tìm đúng số phòng, cứ thế gõ cửa mà chả thấy động tĩnh gì. Càng gõ tợn. Bỗng nghe tiếng anh luống cuống ở phía trong: "Ấy ấy, đợi anh mặc quần cái đã". Ngồi chơi chả thấy chị nhà đâu. Anh nói chị bị mệt, xin lỗi đi nằm. Sau tấm rèm hoa chắc chị ngượng vì câu nói quá "chân thành" của anh?

Cuối hè 1978 đi thực tập ở Thái Nguyên rẽ qua Đông Anh chơi. Anh chị lúc đó đã có hai thằng con khoảng 3-4 tuổi. Hai đứa ra chào tôi. Tôi cứ ôm bụng cười, không làm sao hiểu được thứ tiếng Thanh Hoá nặng chịch do con trẻ phát âm. Anh đỡ lời: “Có ba tháng hè vứt chúng về quê cho ông bà mà khi đón lên chúng nó đã nói đặc giọng Thanh. Thế có chết không cơ chứ! Đến anh chị nhiều câu chúng nó phải nói luận mãi mới ra”.

Sáng sau, hai anh em rủ nhau đi chợ Tó. Mua được mớ cá rô đồng rẻ, ít rau sống, cà chua; định làm bữa tươi thết thằng em. Lúc về đang cong đít chở nhau lên dốc cầu bê tông vắt qua con mương giữa cánh đồng, bỗng nghe tiếng vịt kêu. Quaí, sao có tiếng vịt nhỉ? Dừng xe nhìn quanh quất anh nói: “Giữ xe cho anh!”. Vừa nhìn xuống gầm cầu thấy một chú vịt cỏ, chân bị trói, đang nằm. Thì ra con vịt của ai đó đi chợ buộc sau pooc-ba-ga bị rơi mà không biết. Thế là bữa trưa hôm ấy có thêm món vịt luộc chấm mắm tỏi và đĩa tiết canh ngoài kế hoạch. Chả hiểu vợ anh còn kiếm ở đâu cho chúng tôi được "cút" rượu. Vừa gắp thịt cho hai anh em, chị vừa mắng "Hai anh em sao hôm nay hoang thế!?".

Một lần về Thư viện quốc gia tìm tài liệu cho đồ án tốt nghiệp. Từ Hà Nội lên thế quái nào anh quen được một em học trường Trung cấp Cơ khí, ngay đường vào Tam Dương. Tiện có xe đạp, trời lại khuya, thế là anh đèo em về trường. Chia tay bịn rịn trên đồi bạch đàn. Trời xui đất khiến thế quái nào hai anh chị tự dưng ôm chặt lấy nhau cả tiếng sau mới dứt được ra.

Đêm  khuya lắm anh mới mò về tới trường. Cả bọn nhao nhao hỏi tàu Hà Nội hôm nay lên muộn thế? Anh ậm ừ rồi kể hết sự tình cho bọn tôi nghe, cả bọn dỏng tai nghe, quên bố nó cả ngủ nghê.

Tôi còn nhớ cũng trong những đêm như thế, trước khi ngủ chúng tôi thường hay  phỏng vấn anh "Thế anh đã thấy “cái ấy” của phụ nữ bao giờ chưa?". Anh thú thực có hai mặt con rồi mà chưa biết nó tròn méo ra làm sao. Bọn tôi kích “Anh kém thật, trước khi cưới phải kiểm tra chứ lỡ nó không có thì sao?”.

Thế rồi kỳ nghỉ hè năm ấy anh kiểm tra thật. Sẵn có đèn 3 pin Trung Quốc mới mua khi đi thực tập ở biên giới, anh cẩn thận đặt dưới gối trước khi ngủ. Nửa đêm lừa cho vợ ngủ say, anh mới len lén lôi đèn pin ra hí hoáy soi. Đang ngủ thấy nhồn nhột dưới chân, theo phản xạ chị co chân đạp, cái đèn pin văng xuống sàn nhà, vỡ toi cái pha. Thế là chị tỉnh, rồi chửi um lên: "Có con rồi mà còn đổ đốn. Nếu nó xinh, nó đẹp thì đã phô cho anh xem từ lâu rồi chứ còn phải để đến bây giờ?". Anh ngượng quá cứ thế quay mông lại, im thin thít ngủ tới tận sáng.

Hết hè lên, anh chửi chúng tôi như hát hay “Lớn đầu mà tự dưng đi nghe bọn mày xui dại, làm tao mất hết cả uy tín với vợ!”.

Chuyện về anh học viên già cùng lớp có hay không?

N.D.Đ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.