Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

CHUYỆN VUI ĐẠI ĐỘI: Tiếng kẻng trong đêm

Nguyễn Viết Tiến
Bộ môn Cơ gia công và Xe Quân sự (1969-1979)
 Tháng 3/1968, chúng tôi - những sinh viên khóa 9 (nhập học năm 1964) Khoa Động lực, trường Đại học Bách khoa Hà Nội - được chuyển sang học ở trường Đại học KTQS (nay là Học viện KTQS) với tên khóa - “Chuyển tiếp 2”.

Là sinh viên mới nhập ngũ, chúng tôi còn nhiều bỡ ngỡ với những điều lệnh nội vụ, quân phong, quân kỷ. Nhưng ngày ấy, tâm lý chung được đứng vào quân ngũ là một điều hãnh diện, nhất là khi đất nước đang có chiến tranh và hình ảnh người lính Cụ Hồ của cha anh đi trước là ước muốn mà chúng tôi noi theo. Nhất nhất chúng tôi cố gắng làm tốt nhiệm vụ tới mức khó tin. Và có những kỉ niệm khó quên.

Chuyện là thế này… Đại đội tôi ngày đó đóng quân ở một thung lũng nhỏ có địa hình rất đẹp, xung quanh là những sườn đồi lúp xúp thoai thoải. Mùa xuân tới, cả sườn đồi và thung lũng là một thảm cỏ non xanh mượt mà.


Chúng tôi tự tay đi đẵn gỗ, chặt vầu, chặt nứa làm thành một khu doanh trại xinh xắn. Trên sườn đồi là lán trại của hai trung đội, nhà của Ban chỉ huy đại đội. Ở khoảng bằng phẳng khá rộng của thung lũng là sân bóng, nhà bếp, nhà ăn; và có hẳn một ngôi nhà nho nhỏ làm nhà khách (với ý đồ sẽ là “nhà hạnh phúc”, vì ở đại đội đa phần là các đồng chí lớn tuổi, có đồng chí đi bộ đội từ hồi kháng Pháp, hơn chục đồng chí bộ đội biệt phái Đoàn 16 học ở Nga về  giữa chừng, nên việc chuẩn bị “phòng ốc” cho “các chị lên thăm” là cần thiết).

Quả nhiên, vợ anh Nguyễn Văn Hư… lên thăm chồng. Hai anh chị ở “nhà hạnh phúc” đã được vài ngày.

Chiều hôm đó Lê văn Ch. nhận giao ban. Với chúng tôi, trực ban là một nhiệm vụ quan trọng, vì phải điều hành giờ giấc cho cả đơn vị. Ai nhận giao ban cũng lo, tâm tâm niệm niệm làm tốt nhiệm vụ của mình. Ch. không có đồng hồ, đơn vị cũng không có đồng hồ báo thức. Thế là Ch. đi mượn bằng được một chiếc đồng hồ đeo tay. Khổ một nỗi, chiếc đồng hồ mà Ch. mượn được không in số trên mặt mà chỉ có những chấm tròn; hai chiếc kim chỉ giờ và chỉ phút thì lại to và dài gần bằng nhau. Từ bé đến giờ chưa khi nào dùng dồng hồ đeo tay, nhưng có đồng hồ là Ch. yên tâm rồi! Từ việc gõ kẻng ăn cơm chiều, đọc báo, đi ngủ, Ch. đều gõ kẻng rất chuẩn; còn lại chỉ lo mỗi việc làm sao sáng sớm mai phải gõ kẻng tập thể dục đúng 5 giờ!

Cũng như chúng tôi, Ch. đang ở độ tuổi mới lớn. Cả ngày học tập,  rèn luyện, chạy đi chạy lại tất bật, đến đêm quay ra ngủ như chết, nên sự lo lắng đó không thừa. Đêm hôm đó là một đêm cuối tháng 12 âm lịch (khoảng ngày 22, 23). Tiết trời đầu xuân ở vùng núi khá lạnh. Ch. đi ngủ nhưng thỉnh thoảng lại thức giấc. Đang tuổi ăn tuổi ngủ nên không thể cưỡng lại giấc ngủ sầm sập đến. Ngủ say tít.

Kẻng báo thức bỗng nhiên khua vang. Chúng tôi mắt nhắm mắt mở vội mặc quần áo,   xỏ giầy ra sân tập thể dục. Cả đại đội tập thể dục xong mà vẫn thấy  trời đất im ắng. Trăng cuối tháng cùng làn sương trắng tạo thành một bầu trời sáng như lúc 5 giờ. Nhưng nhìn lên vẫn còn thấy mặt trăng khuyết khá rõ. Có cái gì đấy không ổn?!

Một số anh có đồng hồ trên tay vội vàng giở ra xem! Trời ơi,  mới có 3 giờ kém 10 phút! Ch. vội vàng vén cổ tay, xem lại. Ừ, đồng hồ cũng chỉ như các đồng hồ khác: 3 giờ kém 10! Sao lúc nãy lại nhìn là 5 giờ 10? Đang lo là đã báo thức chậm 10 phút!

Ôi, hóa ra đồng hồ mới chỉ 2 giờ 25 nhưng lại đọc thành 5 giờ 10 phút!!!

Lại lục tục kéo nhau về, ngủ “nướng” đến 5 giờ sáng. Chỉ thương mỗi vợ chồng anh Hư. đang yên ấm trong chăn thì bị kéo dậy. Không biết có còn… tiếp tục… được nữa hay không?

Đúng là cười ra nước mắt, cười đến vỡ bụng chỉ vì cái nhà “ông Ch.”!


(Xin có lời xin lỗi đến tất cả đồng đội của tôi ở Đại đội 2, nếu câu chuyện có gì sai sót về địa điểm, thời gian. Nhưng đây vẫn là một câu chuyện vui có thật. Những nhân vật như anh Hư., ông Ch. cũng đều là có thật. Ch. sau này trưởng thành, từng là Chủ nhiệm Kỹ thuật một quân đoàn chủ lực).


Nguyễn Viết Tiến (biệt danh “Tiến gù”)
Nguyên học viên Đại đội 2, Chuyển tiếp 2, Khoa Cơ điện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.