Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Có anh Ba Hưng…

Hà Huy Dũng
Học viên Vô tuyến khóa 5

Từ đơn vị về, anh vào học khóa 4 Đại học KTQS. Ngày ấy truờng ở Vĩnh Yên.
Năm 1970, khi lên truờng thì chúng tôi gặp anh. Biết anh là em trai anh Đoàn Mạnh Giao (giáo viên Khoa Cơ điện) và anh trai của Đoàn Mạnh Thanh, Đoàn Mạnh Tuyên và Đoàn Quốc Khánh (học sinh truờng Trỗi). Thân nhau từ đấy.


Chúng tôi là học viên khóa 5 (C153) nhưng cùng C143 của anh ở góc đồi khu vực Bảo Sơn, gần sân bóng. Anh đã là thuợng sĩ. Phụ cấp kha khá. Còn chúng tôi suốt 4 năm liền đeo lon binh nhì. Phụ cấp ba cọc ba đồng (5 đồng/tháng). Biết các em nghèo, anh hay rủ đi quán. Mà các em của anh lại đông mới chết anh(!).

Ngày ấy còn trẻ nên “liều”. Ngồi quán bà Bệt (nay gần trụ sở Sở CA Vĩnh Phúc) ăn chuối lạc, uống nuớc chè chén, sang thì bóc mấy quả trứng vịt luộc (đi tranh thủ về nhà, mẹ thương cho tiền). Vào khi cuối tháng cạn túi, ra “ăn cắm” (bà Bệt luôn tin tuởng cho “ăn chịu” vì các chú học viên này lĩnh luơng là ra thanh toán sòng phẳng). Thấy bà lơ đãng, ăn chuối thì vứt vỏ ra thật xa (quy định “ăn chuối đếm vỏ” mà). Khi thì tôi, lúc Chí Quang, Minh Nghĩa còn “nhét” chuối, trứng vào ống tay áo, mang về “làm quà” cho ông anh. (Sau 40 năm, xin có lời tạ tội, dưới suối vàng bà chị đừng quở trách chúng em!).

Lên học chuyên ngành, mấy lớp khóa 5 nhập vào C343 của Khoa Vô tuyến điện tử. Anh lớn tuổi nhưng học chăm và kết quả luôn cao. Bố này lại lắm tài, nào là đá bóng (anh từng là thủ môn của đội Sao Đỏ dưới thời thầy Bùi Đức), nào đánh bóng chuyền (cây “chuyền hai” cứng của anh Lê Khôi), viết vẽ lại đẹp nên hay tham gia làm báo tường đại đội. Hỏi thì anh cười: “Mấy anh em tao có “gen” của ông già. Cụ lắm tài, thề mới cưa đuợc bà già đang là nữ sinh Đồng Khánh, Huế”.

Ra truờng, anh đuợc giữ lại Ban Cán bộ, phụ trách học viên, tuyển sinh... Trên cũng nhìn thấy khả năng của anh, nhất là vì “xuất thân từ gia đình cán bộ”. Vì thế bằng tốt nghiệp của lứa học viên từ khoá 5 trở đi  đuợc viết bằng nét bút đẹp của anh.

Đuợc vài năm, ta mở Phân hiệu 2 tại TPHCM, anh vào nhận nhiệm vụ. Giúp việc cho các thủ truởng Nguyễn Bỉnh Chân, Trần Thiện Quang rồi đảm nhận Trưởng đại diện phía Nam của Học viện từ đó đến năm 2008.

Chuyện quản lí không muốn nói mà chỉ xin ghi lại một dấu ấn.

Đầu những năm 1990, cán bộ quân đội đuợc “chia” đất. Cả đời mặc áo lính, như các cụ nói “không một tấc đất cắm dùi”, nay đuợc trăm mét đất thì quá là lộc. Để sơm có “lộc lá”, quyền lợi, để sớm có chủ quyền ai cũng sẵn sàng “bắn”. Chuyện nhận tiền để chia đất cho cán bộ xảy ra không ít ở các đơn vị. Lắm kẻ trở nên giàu có, lắm kẻ vì thế mà vào trại giam.

Có khó gì, chỉ cần nghĩ ra vài khó khăn, cản trở ở đâu đấy là “in” ra tiền. Nhưng  anh Ba đã giúp mọi người vô tư, hết mình (bất kể là cán bộ hay lính lác) và không nhận cho mình một cắc. Nếu gia chủ có lòng thì chỉ cần mời cả nhóm đi làm chầu bia. Vậy là xong.

Anh quan hệ rộng, chân thực, làm việc không phải vòng vo nên đơn vị có khó khăn gì mà anh nhúng tay là xong. Các đơn vị trong và ngoài quân đội ở phía Nam đều quý “anh Ba Hưng Học viện”. Vì vậy khi đã quá tuổi, Ban giám đốc còn “delay” thêm mấy năm, chờ chọn người thay thế.

Anh còn là “cái hồn” của hoạt động truyền thống. Chỉ cần nhận nhắn tin của anh hay một cú điện thoại, ngót nghét ngàn thầy, trò các thế hệ (từ chuyển tiếp 1, 2 đến các khoá đào tạo chính quy - từ 1 đến 40) tập trung ngay để họp mặt truyền thống.

Trong họp mặt hàng năm, anh em vẫn không quên hát mấy câu: “Có anh Ba Hưng, vốn thiệt nông dân, đi lính mấy năm trường mà…”.

H.H.D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.