Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

CÓ NHỮNG BÀI CA KHÔNG BAO GIỜ QUÊN!

                                                                                             DƯƠNG MINH ĐỨC
                                                                                      Học viên Xe quân sự khóa 5
Những kỉ niệm vui, cái hay trong đời nhớ rất lâu; nhưng những kỉ niệm buồn, cái dở của lính quân sự cũng thật khó quên! Nhất là kỉ niệm gắn với những bài hát thì sống mãi!

Là lính quân sự, anh em (cả thầy lẫn trò) biết và thuộc nhiều bài hát truyền thống. Do ảnh hưởng của cha mẹ một thời đã tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp, sau đó lại là lớp người kế tục, được sống trong không khí hào hùng của sự nghiệp chống Mỹ. Những bài ca cách mạng là nguồn động viên tinh thần vô cùng to lớn cho chiến sĩ ta lao vào cuộc chiến.


Với đặc điểm “hơi bị” nghịch ngợm của lính quân sự, khi hát các ca khúc cách mạng, có một vài anh đã tếu táo sửa lại lời để hát tập thể cho vui. (Cũng vô thưởng vô phạt hoặc chí ít thì cũng là góp công “phổ biến giai điệu” cho tác phẩm! Nói vậy cũng có lời xin lỗi các nhạc sĩ và tin chắc các cụ cũng sẵn lòng bỏ qua!).

Chẳng hạn lời bài “Giải phóng quân” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thì sửa thành “Ngày Tết năm nay con về thăm cha/ Vai khoác ba-lô với đầy áo quần/ Con đi ôtô tiến về Thành đô/ Con đi xích-lô về với ông bô...…”; hay “Tiểu đoàn 307” (thơ: Nguyễn Bính, nhạc: Nguyễn Hữu Trí) thì sửa là “Ai đã từng đi qua núi cao cao, núi cao cao đây miền Tam Đảo... Đã cống hiến cho quân đội biết bao đồng chí kĩ sư/ Kĩ sư mìn, kĩ sư pháo, kĩ sư đạn, kĩ sư linh tinh…”, v.v và v.v…

Tóm lại bài nào “chế” được là làm tuốt!

Như chuyện thi cử… Mỗi lần ôn thi, thấy thầy xuống “phù đạo chốt” (có giảm vài chục câu hỏi) thì cả lớp mừng ra mặt. Đỡ phải học nhiều. Vậy là có lời “chế” từ “Chiều Matxcơva”:

Nhìn thầy giáo ngồi đây, em cảm thấy yên lòng
Dù ngày mai thi khó, chắc sẽ xong
Thầy ơi, cám ơn thầy, xin đừng cho hỏi khó
Lớp chúng em xin đuợc cảm ơn thầy!
Thầy ơi, cám ơn thầy, xin đừng cho điểm kém
Lớp chúng em toàn là cán bộ nguồn

Chả thế, đầu năm 2011 về lại Học viện, khi lên sân khấu hát bài này, thầy Lê Phương Cảo vui quá đã lên hát cùng.
*
Cuối những năm 1960, khi lên Đại học quân sự trên Thậm Thình (Việt Trì), rồi ngày về đóng quân ở thị xã Vĩnh Yên, mỗi lần gặp nhau hay nhắc lại kỉ niệm những lần vô kỉ luật, trốn đơn vị (nay thành thật xin nhận khuyết điểm!), tranh thủ đạp xe về Hà Nội thăm bố mẹ. Cánh học viên ở Khoa Trang bị Cơ Điện đã phóng tác bài hát “Bước chân trên dải Trường Sơn” (nhạc sĩ Vũ Trọng Hối) như sau:

Ta là con của bố ta mẹ ta
Nhớ nhà là ta “phắn” ta về
Ta không cần ba-lô, không cần ôtô, chỉ cần...… lương khô(!)
Ta về ăn Tết xong ta lại vô
Ta không cần ba-lô, không cần ôtô, chỉ cần...…lương khô
Ta đi theo lối nhỏ là lối an toàn!

Khi hát tập thể, quản ca bắt nhịp cho anh em hát hai lời đầu đúng nguyên tác. Sau đó nhìn quản ca giơ ba ngón tay lên, anh em đồng loạt chuyển sang “đoạn ba”: “Ta là con của bố ta mẹ ta...” Đến phần kết, không ai bảo ai, anh em cùng hát “Ta đi theo lối nhỏ là lối an toàn! Ta đi theo...” ba lần nhỏ dần, diễn tả đoàn quân đang tiếp tục hành quân… Xa dần, xa dần…

Cho đến giờ, mỗi khi họp mặt truyền thống, anh em quân sự vẫn hát tập thể bài “Ta đi theo lối nhỏ” với một tình cảm tha thiết và một khí thế hào hùng. Không tin, mời bạn thử đến dự những cuộc họp mặt truyền thống!

D.M.Đ




1 nhận xét:

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.