Nguyễn Thắng
Học viên Vô tuyến khóa 3
Quét tầu là tên gọi
của công việc dọn vệ sinh cả một đoàn tầu, dài vài chục toa, sau khi
về ga cuối (Depot). Công việc này được thực hiện không phải ở Việt
Nam mà ở tận trời Tây xa xôi và thực hiện bởi các sĩ quan ta sang
học tập tại CHDC Đức những năm cuối 1980. Chuyện thế này...
Đi học
Tháng 10 năm 1986, sau 5 tháng ròng “mài đít quần” học tiếng Đức
ở Đội 9 (Đông Anh) thuộc Đoàn 871, dưới cái nắng nóng khủng khiếp, sau
kì thi sát hạch rồi học chính trị ở Gia Lâm, sau những “thanh lọc” thì
tôi - Nguyễn Thắng (khóa 3, công tác tại BTTM) cùng Võ Quốc Tấn (khóa 3, Bộ
tư lệnh TTLL), Nguyễn Anh Tường (khóa 2, Cục Bảo vệ), Trần Kiến Quốc (Học
viện KTQS) và Nguyễn Văn Hòe (Viện KTQS) có tên trong danh sách đi thực
tập tại Viện Tự động hóa chỉ huy IMAT (Institut fur Mechanisierung und
Automatisierung der Truppenfurung) của QĐ quốc gia Đức ở Dresden. Cũng
phải “đi đêm” với đại uý trợ lí Nguyễn Văn Bẩm (Cục Cán bộ) mới moi
sớm được những thông tin về chuyến đi.
Sau năm học tiếng ở Naumburg, Halle , cuối
hè năm 1987 chúng tôi về Dresden .
Trung tá Hải quân Dobrig, phụ trách học viên sĩ quan Việt Nam tại IMAT, xuống đón. Chiếc xe
Robour màu xanh rêu đưa chúng tôi theo đường cao tốc Autobahn về Dresden .
Trước đoàn chúng tôi đã có một vài khóa sang thực tập từ giữa những năm
1970, trong đó có Nguyễn Quang Bắc (khóa 5), Nguyễn Anh Minh (khóa 3), Lê Tự
Thành và Hoàng Minh Nghĩa (khóa 4). Tại đây còn có Học viện quân sự
Frideriech Engels, ở đó đợt này Quang Bắc sang làm Doktor B (Tiến sĩ KHKT) và
Minh “cận” (Học viện KTQS) làm Doktor A.
“Tin học hóa” đang là mốt. Lúc bấy giờ, QĐ quốc gia Đức mới có vài chiếc computer
16 bit dùng ở BTTM trên Berlin .
Viện IMAT tuy là nơi dạy về tự động hóa cho toàn quân nhưng vẫn chỉ có những
máy tính lớn, to như cái bàn làm việc (nhưng so với MINSK32 đã nhỏ hơn hàng
chục lần!).
Viện IMAT nằm trong khu nhà cổ 4 tầng, qua một con đường là tới tòa nhà
của Viện Kiểm sát quân sự Dresden .
Trên tầng 5 là kí túc xá dành cho sĩ quan Đức về tập huấn và sĩ quan Việt Nam .
Vợ chồng bà Koeler là người chăm lo đời sống, dọn dẹp nhà cửa cho chúng tôi.
Sáng sáng, chúng tôi đi tắt qua đường, vòng qua Bảo tàng sang nơi làm
việc. Trong Bảo tàng lưu giữ nhiều kỷ vật về lịch sử QĐ Đức. Mặt tường ngoài
còn lỗ chỗ những vết đạn từ năm 1945.
Vui nhất là những ngày đông, tuyết trắng phủ dày, dân Đức thấy mấy chú sĩ
quan châu Á mặt non chọet, khoác áo ca-pot với đầy đủ quân hàm, quân hiệu, hiên
ngang bước qua đường.
Và đi… cày
Sang Đức thấy đời sống vật chất của dân quá dư thừa, (chúng tôi coi DDR
là “thiên đường” của CNXH!); còn nước ta “vừa trong gian khó chui ra” với 10
năm “bao cấp” cực kì vất vả. Cuộc sống là những gì hết sức cụ thể; nên anh nào
cũng ý thức được phải tiêu pha tiết kiệm, nhịn ăn nhịn mặc, giành giụm để “có
cái” mang về nuôi vợ nuôi con. Chuyện đi Tây buôn thuốc, mua phim, giấy ảnh,
nồi áp suất, bàn là, xe đạp… gửi về bán ở Việt Nam đã được biết và lần này là
cơ hội để nghĩ ra “mẹo” kiếm tiền.
Nghe anh em đi trước bày kinh nghiệm: ở Depot xe lửa Dresden có một việc làm ra tiền vào ngày nghỉ
là “quét tầu” vì những ngày đó dân Đức không đi làm. Lính Cộng “đếm cua trong
lỗ” với phép tính: mỗi năm có 12 tháng, mỗi tháng có 8 ngày Wochendende (thứ
bảy, chủ nhật) và tiền công 30 Mark/ngày, nếu chịu khó “cầy” hết (không đi chơi
đâu cả) thì cũng “gặt” được 2880 Mark – mua được “con Kic” (xe máy Mokic) mà
không phải bỏ tiền ăn sáng và ăn trưa (vì hôm đó đã được Depot “bao”).
Chúng tôi hớn hở mò ra ga ngay sau tuần đầu tiên. Đăng kí đơn giản, lính
cũ dẫn lính mới đến gặp đốc công trình Student Ausweiss (thẻ sinh viên) là
xong. Có mấy ai làm việc này trừ mấy chú châu Á. (Ở dây gặp cả mấy cậu Bắc Triều
Tiên mang theo sâm Cao ly chào bán). Riêng cánh quân sự phải mượn thẻ sinh viên
vì chỉ được cấp thẻ nhà binh. (Lúc này cánh nghiên cứu sinh đã tìm ra “cửa
mới’, cứ thứ bảy lại ngược tầu lên Berlin lấy lại hàng của nhân viên Sứ quán
mua ở Intershop (rượu Napoleon, xà phòng Camay, thuốc lá Malboro…) về “luộc
lại” cho anh em lao động xuất khẩu. Việc đó “mầu” hơn và ra dáng “doanh nhân”
nên anh em bỏ việc quét tầu. Không những vậy, họ còn cho mượn luôn thẻ sinh
viên mà không ra bất cứ điều kiện gì). Còn mặt mũi dân châu Á ta ai cũng giống
ai, tóc đen mũi tẹt, bố thằng Tây cũng không phân biệt được. Và chỉ phải trình
thẻ lần đầu (bên đó không có chuyện lừa đảo như ở ta).
Đồ nghề đi làm (xô chậu, chổi, giẻ lau…) có sẵn ở Depot, chỉ phải mang
theo quần áo lao động. Cánh IMAT mặc luôn bộ “svet-tô-măng” thể thao quân sự
bên trong, đến nơi thì cởi quần áo ngòai ra và đi làm. (Đốc công nhìn thấy phát
hiện ra anh em bộ đội nhưng cũng bỏ qua vì đang thiếu lao động!). Trước khi làm
cũng được phổ biến phải tuyệt đối chấp hành an toàn lao động vì tầu ra vào
thường xuyên, rất nguy hiểm, nhất là “các bọ” lại là dân ngọai quốc.
Theo anh em, tôi cũng xách xô, lấy nước xà phòng, cầm giẻ lau, nhảy lên
tầu. Không như ngoài sân ga khẽ bước chân là tới đất, còn ở Depot thì phải nhảy
lên nắm lấy tay cầm kéo toàn thân lên. Tối về ê ẩm khắp người. Một đoàn tầu
giao cho bốn “thợ”. Cứ lên là thoăn thoắt làm để nhanh giải phóng cho tầu xuất
bến rồi chuyển ngay sang đoàn tầu khác mới về. Việc đầu tiên là lấy túi thu hết
rác trong thùng rác và trong gạt tàn thuốc lá, gom ra đầu toa. Mùi thuốc lá
dính vào quần áo thì hôi khủng khiếp. Sau đó là kì cọ nhà vệ sinh Toilette, mà
đã là chỗ ấy thì đâu cũng bẩn (tất nhiên dân Tây có văn minh hơn ta nên việc “ị
cho đúng lỗ…” là việc nhỏ!) rồi quét toa, lau sàn.
Sáng thứ bảy dọn chuyến tầu về chiều tối thứ 6 thì còn đỡ, chứ sáng chủ nhật
mà dọn chuyến tàu về đêm thứ bảy, chở cánh cổ động viên bóng đá về, thì thôi
rồi! (Dân Đức thường đi ủng hộ câu lạc bộ của mình bằng tầu hỏa). Các Hooligan
dù thắng hay thua cũng phải nốc cho đầy bụng bia rượu rồi hò hét, thậm chí còn
phang nhau đến tóe máu mặt. Các chú uống say rồi nôn ọe cả ra sàn tầu, khi đi
giầy lên cứ dính lép nhép. Cả toa nồng nặc một mùi hôi khó tả. Khẩu trang phải
bịt thường xuyên. Chỉ có nước lau sàn đặc chủng mới làm sạch được. Xong việc
thô là tiếp tục lau ướt cửa kính, bàn ghế. Làm xong toa này không kịp nghỉ phải
vượt qua toa kề bên của “đồng nghiệp” để vệ sinh toa tiếp, theo kiểu cuốn
chiếu. Trên vai xách bao tải “chiến lợi phẩm” - vỏ chai bia và nước ngọt do
khách vứt lại trong thùng rác. (Dân Đức vốn tiết kiệm nên thường cho vỏ chai
của mình vào túi mang về bán lại cho các của hàng, vì tiền chai đã tính cả vào
tiền bia). Nhưng bọn đã say thì vô tư, quăng hết những gì có thể quăng được.
Vậy là ta có thêm khoản thu nhập “ngoài lương”(!). Khi kết một đoàn tầu thì
xách bao tải rác vứt vào thùng và địu theo bao tải “chiến lợi phẩm” lên đoàn
tầu mới.
Cả sáng, bốn chiến sĩ cũng “đi” được hai đoàn tầu. Nhìn đồng hồ thấy 12
giờ là tự giác kéo về căng-tin ăn trưa. Một đĩa súp, một miếng sườn với ít
khoai tây nghiền là xong bữa. Nước ngọt uống phải trả tiền. Ngửa cổ đón những
giọt Cocacola có ga hay nước chanh chai đầu tiên mới thấy hạnh phúc làm sao!
Sau đó ngả lưng ra ghế chợp mắt 15 phút. Đúng 1 giờ chiều, tiếp tục công việc đến 4 giờ 30 thì
nghỉ. Anh em lếch thếch kéo nhau ra bến tầu về nhà. Chiều chủ nhật tầu điện
vắng khách nên mấy “chú Cộng” mang theo bao tải chai lọ cũng chẳng gây chú ý.
Hơn nữa ở bên đó việc ai người nấy làm chứ không có “xăm xoi” như ở ta. Vả lại
lao động là vinh quang mà ta lại đi làm cho tụi Tây được nghỉ ngơi ở nhà thì
quá là “quốc tế vô sản”!
Chiều về sau khi tắm nước nóng cho hết mệt và hết mùi hôi thối của đường
tầu, liền phi ra bếp, mở tủ lạnh lấy ra chai bia Pilsner, ngửa cổ tu ừng ực.
Tôi, Kiến Quốc, Võ Quốc Tấn “ăn chung một bếp”, thay nhau cắt cử đi chợ nấu
cơm. Cổ cánh, mề gà vịt, móng giò heo (những thứ mà dân Đức “cá chê”, ngoài cửa
hàng bán rẻ như bèo) mua sẵn được cho vào nồi luộc chín, mang ra nhâm nhi. Anh
Tường tửu lượng kém nhưng cũng cố tập uống. Anh mua thêm một “nút” chai để stop
khi đã đỏ mặt. Bia lạnh theo công nghệ Plzen
của Tiệp rót ra ly sánh vàng, tu liền một hơi, bọt bia dính quanh mép. Cuộc đời
sướng đến thế là cùng!
Cuối tháng cộng sổ, mỗi anh cũng “ẵm” gần 200 Mark. Cầm trên tay chừng ấy
tiền, sung sướng! Tiền tiêu vặt của sĩ quan Việt Nam được 350 Mark/tháng, cộng thêm
khỏan này cũng là thu nhập không nhỏ. Vậy phải tìm cách tăng thêm ngày giờ lao
động để tăng thu nhập cho anh em!
Mẹo vặt có lý
Năm 1988, “bức tường Berlin ”
chưa đập bỏ. Các sĩ quan Đức chỉ được nghỉ trọn hai ngày thứ bảy mỗi tháng, hai
ngày còn lại phải làm việc buổi sáng. Nghĩa là lính ta cũng phải đi làm như họ.
Vậy phải làm sao để anh em đi làm cả 4 ngày thứ bảy trong tháng?
Sau năm học tiếng, Kiến Quốc và Võ Tấn về ngôn ngữ có phần “dài” hơn.
Ngày ấy, Tùy viên quân sự chỉ định Tấn làm bí thư chi bộ còn Quốc là trưởng
đoàn sĩ quan tại IMAT (nhưng lương thì vẫn rứa!). Hai tên bàn nhau (có thể coi
đây là “nghị quyết chi bộ”) xin phép cho đoàn mỗi sáng thứ bảy được sang Học
viện Engels đi thư viện đọc sách và gặp anh em nghiên cứu sinh học hỏi thêm.
Khi đó Doktor B Quang Bắc danh nổi như cồn, nhất là đang làm đề tài về “Robot
quân sự thông minh”. Vừa nghe đề nghị, Thiếu tướng Viện trưởng Henkel (tiếng
Đức là “cái quai”) “OK” ngay. Vậy là có thêm hai ngày thứ bảy đi “cày”. Thỉnh
thoảng, hai “sếp” cử nhau “gác gôn” để bạn vào thấy vắng, có hỏi thì còn có
người trả lời.
Chuyện chúng tôi đi quét tầu là vậy.
Hoàng Quang cùng Việt Thắng (Trỗi khóa 4, lính BTTM) và anh Hỗ Sĩ Hậu
từng cùng tập trung học tiếng Đức để đi học “quản lí kinh tế” nhưng lớp không
mở. Hè năm 1988, có đợt cử cán bộ QĐ đi quản lí lao động, Quang đăng kí sang
Đức. Gặp nhau ở trời Tây, mỗi lần chén chú chén anh, được nghe kể chuyện lính
Trỗi quét tầu, Quang cười chảy cả nước mắt vì thương bạn. Và dù bỏ học đi quét
tầu nhưng cả năm anh em đều bảo vệ tốt đề tài của mình.
Mãn khóa, đóng thùng về nước. Năm thùng hàng to tới 3 - 4 khối phơi ngay
sân Viện Kiểm sát quân sự. Cứ chiều tối chúng tôi mới đem hàng từ trên tầng 5
xuống đóng. Bà Koeler và cánh sĩ quan Đức đi qua có nhìn thấy cũng tỏ ra thông
cảm “nước chúng mày còn nghèo!”. Trong mỗi thùng cũng có ít nhất dăm xe máy,
chưa kể xe đạp Diamant cùng xích líp, sơn nước, đường kính v.v… Đó là những gì
sau đó biến thành tiền của, vật chất để nuôi dưỡng con cái chúng ta lớn khôn,
trưởng thành như ngày hôm nay.
Sau này nhờ vợ chồng cô em gái mà chúng tôi có một nghề mới - lắp ráp ốc
vít cho các bảng điện điều khiển điện tử. Nhưng chuyện “quét tầu” mới thực sự
là “công việc làm ăn đầu tiên” không thể quên! Việc này không ít người đã
trải qua, và có người trải qua nhưng không phải ai cũng dám kể. (Sĩ mà!).
Nay viết lại cho mọi người cùng biết và cũng là “lời tạ tội muộn màng” với các
sĩ quan Đức thân thiết. Vì, chúng tôi - đã có - một thời - nói dối - các bạn!...
Song, nghĩ cho cùng thì đó cũng chỉ vì cuộc sống!
Chuyện nhớ lại sau 20 năm
N.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.