Tôi và Nguyễn Nam
Điện (khóa 6) có mối thân tình, nhất là qua những lần “làm sách” chung và
riêng. Cũng phải có gần chục đầu sách làm tại nhà máy của Điện. Lần này, vào
Sài Gòn, cũng tạt qua “làm việc” với Điện về in ấn.
Ngồi chờ ở phòng khách, lang thang ngắm nhìn tranh ảnh trên tường rồi
đứng trước tủ sách. Xúc động thấy Tập II “Sinh ra trong khói lửa” được đặt trân
trọng ở ngăn giữa. Nghĩ bụng “Ấy cũng là sản phẩm của nhà máy và cũng là niềm
tự hào của ông giám đốc về mái trường mình đã học”!
Được cử đi học in ấn ở Leipzig (CHDC Đức) từ 1972, rồi được cử vào công
tác ở Nhà máy in báo QĐ 2, nơi thầy Bùi Khắc Quỳnh Chính ủy ngày ở truờng Trỗi từng
tiếp quản sau 30 tháng 4 năm 1975. Đây là niềm tự hào của Điện. Làm việc đúng
nghề, Điện tận tụy, say mê, ham học hỏi.
Gánh trách nhiệm giám đốc gần hai chục năm nay nhưng giai đoạn gian truân nhất là năm 1991,
một mình chèo lái cái nhà máy in èo ọt, chả khác gì cái kho vật tư phế thải.
Công nhân thiếu việc làm, trông chờ vào ban giám đốc chỉ là một anh giám đốc
trẻ măng và chi ủy chỉ có một ủy viên duy nhất kiêm bí thư (cũng lại là Điện).
Bắt đầu từng việc một, bạn đã lấy được niềm tin trong anh chị em.
“Vào tay” Điện, nhà máy có những thay đổi đáng nể; đặc biệt về quản lí,
con người và công nghệ. Điện quay lại Đức, trung tâm công nghệ in ấn của thế
giới, mua dàn máy in hiện đại. Ai cũng sợ sẽ thất bại vì giá quá đắt và sợ
không có đầu ra. Vậy mà không. Khi đi thăm xưởng, Điện chỉ vào hai dàn máy in
offset của Đức và Nhật mua hồi đó “em đã khấu hao hết từ lâu”.
Có kỉ niệm vui, cách đây dăm năm, ông bạn không có khái niệm “dùng” máy
tính. “Làm sếp chỉ tay năm ngón là chính, việc cụ thể đã có lính tráng…”, Điện
tâm sự rồi thực thà hỏi, học tin học có khó? Tôi động viên “Máy tính cũng như
những chữ cái A, B, C ấy, cứ học đi sẽ biết. Nhưng không hiểu biết về tin học
thì sẽ không tự mình (nhớ là “không tự mình”) tiếp cận được với thị trường và
công nghệ mới”. Vậy là “xoẹt” Điện đã tự học và nay thành thạo các tác nghiệp
cần thiết cho công việc. Khi cần chúng tôi vẫn gửi email cho nhau. Điện còn kể
“Em và lính em vẫn lên mạng đọc blog của trường ta”.
Đã lâu không vào thăm xưởng, lần này thấy những dàn máy đóng sách giáo
khoa hiện đại, năng suất cao. Đầu vào là từng tay sách… xạch xạch, chạy một
vòng thì đầu ra là những cuốn sách cứng cáp, bền đẹp. Đưa tôi những cuốn tạp
chí Tiêu dùng, Mode Thời trang, Tuổi trẻ Chủ
nhật… bìa màu, xịn, đắt tiền, Điện tự hào khoe: “Tạp chí, sách vở của em đạt
tiêu chuẩn quốc tế… Trong anh em Trỗi, nhà máy em được anh Bùi Quang Vinh (khi
đó là Cục trưởng Cục Kế hoạch – Đầu tư) nhiệt tình giúp triển khai dự án vay
vốn đầu tư, hiện đại hóa nhà máy. Có mấy năm mà mấy chục tỷ đã khấu hao tương
đối… Mới đây, nhà máy lại nhập một dây chuyền hiện đại nhất, mới nhất của Đức.
Dàn công nhân đang lắp ráp máy là đối tác của em...”. Thầm nghĩ, cái tinh thần
dũng cảm, dám áp dụng công nghệ tiên tiến nhất vào sản xuất, mang lại hiệu quả
kinh tế luôn trực chờ trong ông bạn mình; chỉ chờ có cơ hội là... “xoẹt”. Hay
thật, hay thật!
Rời xưởng in thơm mùi mực, tôi được dẫn
vào thăm hệ thống chế bản điện tử. Hàng chục đầu máy tính liên kết qua mạng.
Đại úy Phước và tổ trưởng Điệp (người từng trực tiếp theo dõi đầu vào in ấn)
khoe: “Giờ khác xưa rồi anh, ảnh cho bài không mất công làm phim mà chúng em có
thể làm trực tiếp trên chế bản laser. Tiện, nhanh, hiệu quả lắm. Đọc morrat giờ
chỉ cần một người…”.
Không phải nói để nịnh mà khi tiếp xúc với
cán bộ, công nhân trong nhà máy, thấy họ kính trọng (xin dùng hai từ này!) anh
giám đốc Điện. “Kính” vì Điện là sếp mà đơn vị lại là doanh nghiệp nhà binh;
còn “trọng” vì anh giám đốc “là một con người”
đúng với nghĩa của nó. Nói thế này, con người ta ai cũng phải ăn, mặc,
ở… Muốn có ăn thì phải làm để mà có ăn. Việc đầy ra đấy, khách hàng đầy ra đấy,
máy móc lại hiện đại; còn lại là phải làm việc, làm việc trách nhiệm, nghiêm
túc, chất lượng.
Còn ở ư? Vừa ra đến cổng, thấy bên cạnh có
chung cư 5 tầng mới đưa vào sử dụng, các cháu bé đang đùa rỡn trên sân. Hỏi anh
bảo vệ thì được trả lời “Của nhà máy đấy, anh ạ. Mỗi căn hộ 25m2, có 60 căn.
Công nhân được thuê với giá hợp lí. Ở ngay bên cạnh nhà máy, đi làm đêm hôm rất
tiện”. Hay thế đấy, giữa cái lúc chỉ lo công ăn, việc làm cho chừng ấy công
nhân đã vỡ mặt; vậy mà Nam
Điện ta còn lo cả chỗ ở cho anh chị em. Thế thì họ không trọng sao được!
Được biết cứ đến ngày Thương binh liệt sĩ
hay ngày Nhà giáo, Điện luôn trực tiếp xuống tận nhà bạn bè là liệt sĩ thăm
viếng hay có quà cho thầy cô.
Trước khi chia tay, Điện tâm sự: “Anh cứ
yên tâm! Nếu sách đã in ở đơn vị em thì chỉ có đẹp, chất lượng trở lên”.
Nguyễn Nam Điện đúng là một giám đốc dũng
cảm và tận tuỵ với nghề!
K.Q
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.