Trần Đình Ngân
Bộ môn Vũ khí
– Đạn
Gần đây, báo viết và báo mạng Việt
Nam ồn ào về chuyện hy hữu xảy ra trong cuộc thi hát quần chúng:
Thành viên ban giám khảo - một nữ ca sĩ có tiếng thật thà, mộc mạc sau khi cho
điểm loại thí sinh dự thi theo tiêu chuẩn chất lượng, chị đã đến gần thí sinh
và biểu thị lòng mến phục, thương cảm... Thí sinh - một người khuyết tật,
chịu di chứng của chất độc da cam, người chỉ cao hơn nửa mét - tỏ ra bất bình
về câu nói: Giá như đây là cuộc thi của người khuyết tật, chị tin
em sẽ thành công.
Chuyện làm ồn ào dư luận. Nhân ngày 27-7, xin
kể câu chuyện về một người khuyết tật - một thương binh khả kính. Người
đời xin nghĩ về cách ứmg xử. Người có khuyết tật hãy xét về hoàn cảnh, vị
trí của mình.
Thủ truởng Đan “cụt”
Năm 1968, khoa Trang bị Cơ điện
(K2 ) được bổ sung một chính trị viên.
Ông tên là Trần Đan, thiếu tá. So với các giáo viên và cán bộ trong khoa thì
ông thuộc lớp đàn anh, so với học viên thì là bậc cha chú. Tính cách và
trình độ của ông, chưa tiếp xúc nhiều nên anh em chưa dám bình luận. Uy tín của
chính trị viên mới, nghe đồn cũng thấy đáng nể: Thành phần giai cấp “Công nhân”.
Nhập ngũ 1945. Chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô.
Thành tích của ông được ghi
trong Lịch sử Trung đoàn với chiến tích phụ trách một tổ chiến đấu bảo
vệ phía nam chân cầu Long Biên. Để bảo vệ an toàn cho đường rút
quân, tổ chiến đấu chốt trên nóc chợ Đồng Xuân, ngăn chặn địch bằng lựu
đạn. Không may, một quả lựu đạn đã nổ trên tay và cướp đi của ông Đan cánh tay
phải, để lại sau khuỷu tay một mỏm cụt ngắn. Cái tên “Đan Cụt” gắn với ông suốt
những năm tháng sau này.
Trong quân ngũ, ông là thương
binh; so với đồng đội, ông là người khuyết tật. Người đời bảo: Trời thương nên
có đền đáp cho người khuyết tật! (Riêng trong trường hợp ông Đan, không thể bỏ
qua yếu tố phải có bản lĩnh và nghị lực phi thường).
Trong khuôn khổ đời lính, ông
Đan là một “chiến đấu viên” thật sự. Bắn
AK theo cách giữ băng đạn bằng
khuỷu cụt, bóp cò bằng tay trái, ba viên bắn loạt. 24 điểm! Kết quả bắn
K54 tay trái đối với ông Đan đạt xuất sắc là quá bình thường!
Trong đời sống hàng ngày, ông
Đan tự mình làm tất cả mọi việc. Những khi phải làm những việc chạm vào hoàn
cảnh khuyết tật, ông không muốn có ai nhìn mình theo cách ái ngại hoặc chia sẻ.
Câu chuyện kể ra như huyền
thoại: Thời bao cấp khó khăn, ông Đan với khối thép hợp kim đã được tiện
các kích cỡ tròn, tự đo vẽ, kẹp khối thép giữa hai đầu gối, tì vào mép bàn, mỏm
cụt giữ một bên, với bộ dũa thập cẩm ở tay trái... ông đã dũa thành công một
vòng líp xe đạp 16 răng, có đầy đủ các khấc may-ơ bên trong!...Chiếc líp xe
chạy ro ro, làm các thợ cơ khí bậc cao của trường phục xanh mắt!
Câu chuyện xảy ra giữa Chính trị
viên khoa với người viết bài này là một chuyện cảm động, nhớ đời.
Giếng tắm của Khoa bộ K2 (ở khu bốn tầng 125) sâu 7-8m từ thành tới mặt
nước. Chiều chiều, hàng chục người đổ ra quanh bờ giếng quăng gầu kín nước thùm
thùm. Giếng sâu. Một nắm thừng và chiếc gầu tôn quăng xuống, chẳng dễ
dàng gì để miệng gầu lật úp kín đầy nước, phải cúi mặt nhìn xuống,
lật ngược lật xuôi vài lần mới mong có được gầu nước đầy; cuốn dây để không bị
rối, kéo được gầu nước lên... Ai ai cũng thấy vất vả và khó nhọc.
Sâm sẩm tối đó, Chính trị viên
mới ra giếng. Ngoài việc tắm, hôm nay thủ trưởng còn cắp theo một chậu quần áo
đầy. Chào lính trước, ông Đan hỏi lý do tôi tắm muộn hơn ngày thường? Lâu không
có dịp tiếp xúc riêng, lại là lần đầu gặp ông ở giếng nước, tôi vui vẻ trò
chuyện và tò mò nhìn cách tắm táp của ông. Câu chuyện ban đầu thân tình vì tôi
vốn quí mến và kính nể thủ trưởng. Bản thân ông Đan cũng bày tỏ có cảm tình với
tôi và anh em trong bộ môn. Hai anh em tắm muộn. Nước cạn. Giếng sâu.
Phải nối thêm dây gầu. Tôi giật phải, giật trái hai lấn mới kéo được nước
lên. Giội một gầu, nước chưa ướt hết người.
Còn ông Đan giậm một chân lên
đầu dây, quăng gầu xuống giếng một cách điệu nghệ. Bụp! Gầu nước đầy. Tay trái kéo, mỏm cụt phải đè chặt dây ngang bụng; dưới
chân, dây gầu từng vòng, từng vòng được quận đều trên mặt sân giếng!
Gầu nước thứ ba gần tràn chậu
giặt. Câu chuyện đang vui bỗng lặng tanh! Tôi nhìn thủ trưởng của mình vặn vẹo
thân hình, uyển chuyển kéo nước, lòng trùng xuống vì cảm phục và thương xót.
Nước rân rấn khóe mắt. Ông Đan dừng câu nói nửa chừng, xéo mắt nhìn qua và xoay
lưng lại.
Không biết tôi khôn hay dại, nể
phục hay xót thương, muốn chia sẻ hay cứu giúp... kéo một gầu đầy nước, đổ tràn
thêm vào chậu giặt của thủ trưởng! Ông Đan quay ngoắt, sắc lạnh, chân trái đạp
đổ chậu nước, cánh tay cụt chỉ thẳng mặt tôi: “Xéo! Đồ ngạo mạn, giả
tạo!".
Định bụng nấn ná tắm giặt cùng
ông, nhưng choáng váng vì câu mắng, bất ngờ vì bị đuổi cổ, vội vã , sượng sùng,
lúng túng ra về.
... Khi tôi đeo hàm thiếu
tá, thì thượng tá Trần Đan không còn là thủ trưởng trực tiếp nhưng vẫn là cấp
trên của tôi ở Học viện. 15-16 năm chúng tôi lên 5-6 cấp, ông chỉ được đề bạt
hai lần. Đối với riêng tôi, cho mãi về sau, thủ trưởng Trần Đan luôn quí
mến, thân thiện và nâng đỡ.
Có dịp đến thăm nhà ông, bao giờ
tôi cũng được ông dành thời gian kể về những chuyện vui của Khoa Cơ điện thời
chiến tranh. (Duy chỉ có câu chuyện giữa tôi và ông bên giếng nước thì
không lần nào ông nhắc lại!).
... Bác Đan nghỉ hưu tại Hà Nội
và bây giờ đã về nơi cực lạc. Câu chuyện về người thủ trưởng, người chính trị
viên, một thương binh, một quân nhân lão thành để lại nhiều thương nhớ,
cảm phục cho các cán bộ, sỹ quan, giáo viên, học viên Đại học KTQS .
Nhân ngày thương binh liệt sỹ,
nhân câu chuyện về chữ “Thương”, nhân chuyện ồn ào của một người khuyết tật
được thương cảm, chia sẻ nhưng lại nghĩ mình bị thương hại... có vài dòng
nhớ vế bác Trần Đan. Âu cũng qua câu chuyện mà cho ta bài học về cách ứng
xử ở đời.
T.Đ.N
Học viện KTQS quá mạnh về mọi mặt. Báo mạng " Phía Nam" số đầu đã ra được gần hai năm vậy mà, lực lương cộng tác viên , biên tập bài vở đợi mãi: những ông Ba, ông Thai, Hải, Trần Hảo,... bao nhiêu các khóa học viên có chân rết nằm vùng ở thành phố ( cuộc hội ngộ nào cũng đông vui, tưng bừng, bia bọt và đầy ắp tình nghĩa, kỷ niệm...) vậy mà rất ít những bài viết, những lưu bút của các cây bút. Xem mãi TĐN, TKQ...cũng hay và quý lắm rồi nhưng có khí nhàm! mong sao các số sau có thêm những giọng văn, tiếng nói mới. Chắc là ý kiến của tôi được TBT ủng hộ?
Trả lờiXóaQuá ủng hộ ý kiến của bạn. Cần người đọc nhưng rất cần người viết nữa. Bài vở toàn lấy từ Tuyển tập 45 năm HV hầu anh em.
Trả lờiXóa