TRẦN
KIẾN QUỐC
Học viên Vô tuyến khóa 5 (1970-75)
Những ngày tháng 4/1975 lịch sử sẽ
không bao giờ phai mờ trong tâm trí chúng tôi. Cả nước theo dõi Chiến dịch Hồ
Chí Minh, theo dõi những cuộc hành quân thần tốc của các binh đoàn chủ lực tấn
công vào sào huyệt cuối cùng của địch. Mỗi ngày, trên tấm bản đồ chiến dịch
treo ở Ban chỉ huy C153 những lá cờ đỏ được cắm lên chi chít hướng về Nam .
Ngày đó, tôi mới 23 tuổi.
Khóa
5 vừa nhận đồ án, chỉ còn 3 tháng nữa là tốt nghiệp. Nhưng không đứa nào tập
trung viết lách, chỉ muốn được tham gia vào Chiến dịch. Cha mẹ chúng tôi, những
người đã tham gia vào Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 giành độc lập dân tộc và
Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử giành lại hoà bình cho nửa nước. Đến thế hệ
chúng tôi, Chiến dịch Hồ Chí Minh có lẽ là cơ hội duy nhất được tham gia để
mang lại thống nhất cho Tổ quốc. Có gì tự hào hơn khi được gắn với lời ca “đấu
tranh này là trận cuối cùng”!
Giữa
tháng 4, 119 học viên khoá 5 được đặc cách tốt nghiệp, tăng cường ngay cho các
đơn vị. Bọn tôi vội xếp bút sách, tạm biệt thầy cô và bạn bè. Trần Chí Thọ về
quân chủng Hải quân, Bồ Quang Vinh về binh chủng Tăng thiết giáp; Viễn Chiến,
Quốc Khải, Chí Quang, Huy Dũng, Kháng Trường cùng anh Nguyễn Văn Tam về Thông
tin… Riêng Lê Chí Hoà và tôi cùng các anh Nguyễn Văn Kỉnh, Đỗ Ngọc Khôi, Trần Hay
được giữ lại trường.
Vinh
dự hơn, hai đứa được tham gia vào đoàn khảo sát, tiếp quản các trung tâm viễn
thông do Mỹ-ngụy để lại. Trưởng đoàn là thầy Lê Khôi, phó là thầy Ngô Hai. Đoàn
gồm các thầy giáo khoa Trang bị Vô tuyến điện tử, trong số đó có anh Hà Trọng
Tuyên (khóa 1). Không có thời gian chuẩn bị, tôi nhét vào ba-lô cuốn tự điển
Anh - Việt, cuốn nhật ký và tài liệu về Thông tin đối lưu mới được giáo viên
Bách khoa lên lớp. Cả đoàn về ngay binh trạm Phú Xuyên.
Binh
trạm những ngày này thật tấp nập, có đến hàng ngàn xe tải, xe khách tập trung
về. Bộ đội mặc quân phục mới cứng, súng ống các kiểu, bên hông cán bộ nào cũng
có khẩu K54 cùng bi-đông nước, vai đeo xà cột tài liệu. Nhận tiêu chuẩn xăng
dầu, lương thực, thực phẩm là lên đường.
Sớm
26/4, đúng 4 giờ khởi hành. Trời buổi sớm mát lạnh, không khí trong lành. Còn
tối chưa rõ mặt người nhưng hàng trăm xe bật pha sáng trưng, phóng dọc quốc lộ
1A. Háo hức, hồ hởi… Đi thế này mới hiểu hết lời ca “Có những ngày vui sao,
cả nước lên đường...…”! Chiều đến Binh trạm Vinh. Cái nóng đã tạm nhường
cho gió mát thổi vào từ Cửa Lò. Bữa cơm binh trạm “lạo xạo”, thức ăn và cơm lẫn
với cát, cố mà nuốt. Tối mắc võng đầu hè ngủ ngon lành.
Ngày
27/4. Xếp hàng qua phà Bến Thuỷ. Từ bờ nam xe cộ tấp nập, cờ đỏ sao vàng, cờ
giải phóng cắm trên nóc ca-bin phần phật trước gió. Có xe sau vượt lên thì cố
nhìn sang xem có ai quen. Trên đường, bọn tôi gặp một loạt anh em trường ta: Đồng
Tiến, Khắc Linh (khóa 3) và Bá “de” (khóa 4)… Anh em í ơí gọi nhau, hẹn gặp ở
Huế, Đà Nẵng… Mở đài nghe tin chiến sự, quân ta đã giải phóng Xuân Lộc, Long
Khánh…
Trưa
28/4, qua cầu Hiền Lương, vượt sông Bến Hải. Thật cảm động! Cố nhớ lại những
thước phim tư liệu hay “Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm” đã xem để hình dung ra Vĩ
tuyến 17 ngày xưa. Ở đây mới ngưng tiếng súng được hai, ba năm, mà cảnh vật đã
thay đổi nhiều. Riêng Cột cờ Hiền Lương vẫn sừng sững từ năm 1954 - một vật
chứng lịch sử chứng kiến bao đổi thay suốt 21 năm qua… Hít một hơi thật dài nén
xúc động. Cái ngày mà hàng chục triệu dân Việt mong đợi hơn 20 năm qua đã đến!
Để có được cái giờ phút này thì bao người đã phải nằm xuống!
Đêm
28/4 dừng chân ở Huế, nghỉ ngay đầu cầu Bạch Hổ.
Sáng
29, khi nghe tin quân ta đã tiến sát Sài Gòn,
chúng tôi lên đường. Xe ì ạch vượt đèo Hải Vân dài hơn 20 km, với hàng
chục “cua tay áo”. Từ đỉnh đèo nhìn
xuống thấy bán đảo Sơn Trà và thành phố Đà Nẵng - một căn cứ quân sự khổng lồ.
Quãng
12 giờ trưa ngày 30/4, dừng xe ở cổng sân bay Đà Nẵng, bắt đài Giải phóng nghe
giọng phát thanh viên thật trịnh trọng: ”Đây là tiếng nói của Uỷ ban cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia
Định. Yêu cầu tất cả đồng bào, anh chị em công nhân, nhất là nhân viên các nhà
đèn, các nhà máy nước và tất cả sinh viên, học sinh tụ họp lại chờ điều động
của Uỷ ban nhân dân cách mạng… Chúng tôi xin long trọng tuyên bố thành phố Sài
Gòn đã được giải phóng hoàn toàn!”. Thế là cả xe ôm nhau hét lên: ”Sài Gòn giải
phóng rồi! Giải phóng rồi!”. Vui nhất có lẽ là thầy Ngô Hai và anh Kỉnh - những
người con tập kết, nay đang quay về.
Cả
Đà Nẵng trong một rừng cờ, hoa. Dân chúng uà ra đường, từng đoàn người, đoàn xe
tiến về trung tâm… Có còn vui nào vui hơn!
Ở
Đà Nẵng, chúng tôi hợp quân với cánh Viện Kỹ thuật quân sự và Bộ Tư lệnh Thông
tin khai thác hệ thống thông tin viễn thông. Như vậy cánh phối thuộc có Đỗ
Trung Việt, Hoàng Sơn, Hữu Dũng đều là lính quân sự khóa 3. Sau khi thăm trạm
cáp đại dương ở biển Mỹ Khê, đoàn được tách đôi. Nhóm hữu tuyến do thầy Lê Khôi
phụ trách sẽ nghiên cứu hệ thống cáp ngầm đại dương, hệ thống vi ba và mạng
điện thoại tự động; còn nhóm vô tuyến của
thầy Ngô Hai khảo sát hệ thống thông tin đối lưu.
Tôi
và Chí Hoà cùng anh Kỉnh, anh Đỗ Khôi lên đài thông tin đối lưu Sơn Trà. Bán
đảo Sơn Trà cách thành phố đến hơn 10km được bọn Mỹ gọi là Monkey Mountain ,
vì trên đảo có nhiều khỉ. Dọc đường ra quân cảng thấy quần áo lính ngụy, ba-lô,
súng đạn… vứt bừa bãi. Trên Sơn Trà có ba đơn vị kĩ thuật: đài kiểm soát không
lưu, đài viễn thông Tropo và tháp truyền hình. Từ thành phố nhìn ra Sơn Trà sẽ
thấy rõ những ăng-ten parabol của đài đối lưu, trông như những cánh buồm lớn
đang hứng gió biển.
Khi
tiếp quản mới thấy Mỹ chi phí cho quân sự với một ngân sách khổng lồ. Tất cả
các trạm kỹ thuật được thiết kế không sử dụng điện cấp từ mạng thành phố vì sợ
bị tấn công. Các trạm chỉ dùng máy phát điện tại chỗ. Hàng ngày, từng đoàn xe
bồn từ dưới thành phố lừ lừ chở hàng ngàn ga-lông dầu cung cấp lên đài.
Thông
tin đường trục của Mỹ được tổ chức theo hai đường thông tin đối lưu và thông
tin cáp đại dương. Thiết bị đầu cuối gồm các thuê bao được nối với nhau thông
qua tổng đài và nối lên đài đối lưu qua đường vi ba. Trên đường trục có thể
thông một lúc 956 kênh thoại.
Chúng
tôi bắt tay vào khai thác từ các khối ghép kênh đến các bộ lọc siêu cao tần,
các đèn sóng chạy Klistron, rồi các ống dẫn sóng siêu cao, ăng-ten parabol thu
phát… Tài liệu toàn tiếng Anh mà ở trường lại toàn sử dụng tiếng Nga. Thế là cứ
vừa làm vừa học. Chuyên viên kĩ thuật của ngụy được đào tạo ở trường Truyền tin
Vũng Tàu khai thác máy rất thành thạo, nhưng không mấy hiểu về lý thuyết. Không
biết thì hỏi họ hoặc ngược lại chúng tôi giảng cho họ về lý thuyết. Từ chỗ e
dè, sợ mấy ông sĩ quan Việt công, họ dần chuyển sang kính nể khả năng khai thác
thiết bị của cánh ta. Họ thấy không bị phân biệt đối xử, thậm chí được ăn cùng
mâm với cán bộ.
Trên
Sơn Trà có nhiều khỉ. Sau mỗi cơn mưa, khỉ con, khỉ mẹ kéo nhau ra đường hàn đàn.
Gần đài có cây vả, mấy chú vọc (dân ở đây gọi là “dộc”) to 15-20 kí hay ra ăn
quả. Chúng tôi từng phục dưới gốc, dùng súng các-bin bắn vọc về cải thiện. (Ngày
ấy không ai quản lí, chứ cứ như bây giờ thì…).
Thịt vọc đỏ như thịt bò. Mỗi chiều khi màn đêm buông xuống, cóc ở đâu ra
nhiều như sỏi. Đây cũng là một nguồn thực phẩm. Cánh lính ngụy sau cũng được ăn
cơm cùng mâm với “cán bộ”. Họ phục bộ đội lắm.
Là
kỹ sư mới ra trường, kinh nghiệm thực tế còn yếu, hai đứa tôi được lớp đi trước
Hoàng Sơn, Hữu Dũng và các thầy tận tình chỉ bảo. Khi có những mắc mớ không có
lời giải, tụi tôi phôn thẳng xuống trạm cáp đại dương dưới Mỹ Khê cho Trung
Việt, hắn là một tay khá vững về lý thuyết. Mọi việc thông suốt.
Ngày
nối thử liên lạc với Sài Gòn, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu là một ngày hạnh
phúc. Toàn tuyến thông thoại, nghe rõ mồn một như đang đứng nói chuyện trước
mặt.
Đêm
trên bán đảo Sơn Trà mát lạnh, gió biển lồng lộng. Nhìn xuống thành phố Đà Nẵng
thấy nhấp nháy hàng vạn ngọn đèn như hàng vạn vì sao. Cả không gian yên ắng. Nằm
hứng gió biển trên phiến đá lớn dưới chân anten parabol, thiu thiu vào giấc ngủ.
Trong mơ hiện lên phố phường Hà Nội, căn nhà thân yêu, rồi Hương Canh, Vĩnh Yên
cùng những gương mặt thầy, bạn và cả em yêu…
Thật
tự hào vì cùng những cán bộ kỹ thuật trong quân đội, anh em lính quân sự trẻ cũng
đã có những đóng góp khai thác và sớm đưa hệ thống thông tin viễn thông hiện
đại thời bấy giờ vào hoạt động phục vụ đất nước!
Trích
ký “Những ngày tiếp quản kỹ thuật 1975”
T.K.Q
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.