Học viên Trạm nguồn khóa 4
Ai đó từng
nói: “Hãy nói cho tôi nghe bạn anh là người thế nào, tôi sẽ nói anh là ai!”. Những người bạn của tôi ư? Chỉ có thể nói bằng
hai chữ: Tuyệt vời!
Đó là
những cựu học viên Đại học Kỹ thuật quân sự. Chúng tôi gắn bó với nhau không
chỉ bằng những năm tháng học viên quân sự đầy mộng mơ, rất hiếu động mà bằng cả
những ngày kề vai sát cánh bên nhau trong quân ngũ; cùng sẻ chia khó khăn gian
khổ, cùng niềm vui khi hoàn thành nhiệm vụ và cùng làm ngơ trước những hào
quang giả tạo trên đời.
Còn nhớ tháng 2 năm 1985, tôi
được đề bạt làm Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 kỹ thuật – Lữ đoàn thông tin 596.
Không rõ trong các quân binh chủng khác ra sao chứ ở binh chủng Thông tin liên
lạc chắc chắn sẽ không có một đơn vị nào như tiểu đoàn tôi: Một tiểu đoàn
mà bộ khung lãnh đạo toàn “lính Quân sự”!
Này nhé: Tiểu đoàn phó – đại úy Lê Quốc Anh, học viên khóa
4. Quản đốc Phân xưởng Viễn thông – thượng úy Hà Huy Dũng và Quản đốc Phân
xưởng Quy chuẩn máy đo – thượng úy Phạm Kháng Trường, đều là học viên khóa 5.
Có thể nói: Đó là bộ khung lãnh đạo rất “hoàn hảo”! Nó “hoàn hảo” vì trong công
tác với nhau, tôi chưa nói hết ý, họ đã hiểu cả câu (sống với nhau cả một quãng
đời, chúng tôi còn lạ gì nhau nữa).
Ngày đó, sau khi được đề bạt làm
Tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn tôi được giao ngay một trọng trách: Làm tiểu đoàn
chủ công trong việc tháo dỡ, khôi phục và lắp đặt hệ thống thông tin viễn thông
từ Hà Nội vào Vinh (trong đó có một kênh truyền hình) để phục vụ Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ VI. Là cán bộ có thâm niên phục vụ hơn 10 năm trong binh
chủng thì tôi có đến 10 năm gắn bó với hệ thống thông tin viễn thông quân sự mà
ta thu được của Mỹ – ngụy tại miền Nam sau ngày giải phóng. Nhưng
trong suốt 10 năm đó, với bằng cấp “kỹ sư trạm nguồn”, tôi luôn ở cương vị một
cán bộ “kỹ thuật điện lạnh”, chứ không
rành về lĩnh vực viễn thông. Hơn nữa trong suốt cả thời gian đó, tôi chưa bao
giờ nhìn thấy việc truyền tín hiệu truyền hình qua hệ thống viễn thông, mặc dù
theo thiết kế là có trong hệ thống. Nói như vậy để các bạn hiểu: Nếu không có
bộ khung chỉ huy tiểu đoàn toàn “dân Quân sự” thì tôi sẽ gặp khó khăn đến mức
nào trong khi thực thi nhiệm vụ?
Trong
suốt hai năm trời, tiểu đoàn đã phải tháo dỡ, khôi phục và lắp đặt hàng trăm
tấn thiết bị, tháo và dựng tám cột anten cho
tám đài viễn thông mới từ Hà Nội vào Vinh (trong đó có bốn đài ở vị trí
có cao độ từ 150m đến 200m). Bất chấp nắng hè, mưa đông, gió Lào, bão biển,
chúng tôi đã làm việc với một lòng tự trọng luôn có trong người: Chúng tôi là
“lính Quân sự”!
Cho đến tận ngày hôm nay, tôi
vẫn không thể nào quên được cái cảm giác vừa sung sướng vừa tự hào của chúng
tôi trong buổi sáng ngày 10 tháng 12 năm 1986. Ngày chúng tôi đã thông tuyến
thành công hệ thống viễn thông Hà Nội - Vinh để phục vụ Đại hội Đảng.
Vào đúng 10 giờ 5 phút, tại vị trí đài viễn thông ở thành
phố Vinh, tôi và Hà Huy Dũng đã lên máy gọi cho Quốc Anh (ở đầu Hà Nội), Kháng
Trường (ở đầu Thanh Hóa). Chúng tôi đã hét to vào máy:
-
Quốc Anh ơi! Kháng Trường ơi! Nhận được tín hiệu rồi. Hình đẹp lắm! Âm thanh
rõ!
Và tôi nghe rất rõ tiếng cười của họ, tiếng cười như trút
đi bao nhiêu sự lo lắng, mệt nhọc, tiếng cười chiến thắng!
Thời
gian trôi đi thật nhanh. Chúng tôi bây giờ không còn được chung sống với nhau
trong một bộ “khung tiểu đoàn toàn lính Quân sự”. Lê Quốc Anh bây giờ đã là đại tá, Phó tổng
giám đốc Cty Điện tử viễn thông quân đội. Tôi, Hà Huy Dũng và Phạm Kháng Trường
đều chuyển sang công tác ở các đơn vị kinh tế. Tuy ít có điều kiện gặp nhau
nhưng mỗi khi nhớ về nhau, chúng tôi vẫn luôn tự hào về cái “khung tiểu đoàn
toàn Quân sự” ngày xưa!
Vũng
Tàu, 20-3-2003
T.X.L
Mấy đ/c này tòan là Trỗi.
Trả lờiXóa