Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Tâm sự của kẻ tha hương: Đi một ngày đàng học một sàng khôn



Tôn Gia Quý
Học viên Đài điều khiển khoá  4[1]

Tôi sang Đức để làm một người lao động theo diện hợp tác lao động giữa hai nhà nước. Sau khi nước Đức thống nhất thì chuyển sang làm một người lao động tự do. Vì thế hàng ngày, trước đây khi mới sang cũng như bây giờ, sau 22 năm, tôi chủ yếu tiếp xúc với những người lao động, người dân bình thường.
Đất khách quê người, lại là nơi quá xa xôi với người thân, đất nước, ai cũng vậy, để tồn tại được thì phải học hỏi và lao động nhiều hơn một chút. Để đến trường lớp thì không có điều kiện. Thôi thì mình thấy người ta làm thế nào thì bắt chước, học theo những cái hay. Không làm theo những cái mà mình thấy chưa hay. Tuy nhiên có những cái lúc đầu mình thấy chưa hay nhưng sau này mình thấy hay thì lại làm theo. Có những cái thì là hành động cụ thể, có những cái là lối suy nghĩ, có những cái là tác phong. Có những cái thì mình thấy nó rất to tát, mình có học cũng chả để làm gì thì mình “bóp” cho nhỏ lại “vừa” với mình, theo cách suy nghĩ đơn giản của một người lao động như tôi.



Mẩu bánh mì thừa
Tôi sang đến Đức vào mùa đông. Ngày nghỉ bên ngoài toàn tuyết trắng, đường lại trơn trượt. Chẳng muốn đi đâu.
Ngày chủ nhật nhìn ra cửa sổ không thấy một bóng người, chỉ thấy bà cụ già ở tòa nhà đối diện cầm túi rác đi rất chậm rãi ra khỏi nhà, về phía thùng rác. Vứt rác xong bà lại chậm rãi quay về.
Đường rất trơn nên mãi bà cụ mới đi đến trước cửa nhà. Khi thò tay vào túi áo khoác (chắc là để lấy chìa khóa) thì như chợt nhớ ra điều gì, cụ đưa tay lên vỗ mạnh vào trán rồi quay trở lại. Tôi nghĩ chắc cụ lại quên, vất luôn cả chùm chìa khóa vào thùng rác rồi?
Thùng rác thì rất to và cao. Loay hoay một lúc tôi mới thấy cụ lấy lại được cái túi rác nhỏ vừa vứt của mình. Mở túi rác, cụ lục lọi rồi lấy ra một mẩu bánh mì thừa, nhỏ xíu. Cụ vứt túi rác trở lại, còn mẩu bánh mì thì cụ tiến thêm mấy bước đến thùng rác BIO (chuyên chỉ để vứt thức ăn thừa) vứt vào.
Té ra cụ chẳng quên chìa khóa mà chỉ là quên không vứt một mẩu bánh mì bé tí xíu vào đúng chỗ. Bây giờ những chuyện thế này đối với tôi đã trở thành bình thường. Nhưng cách đây 22 năm khi mới từ VN đặt chân đến đây, chuyện ấy đã gây ấn tượng rất lớn cho tôi.
Năm 1997 nước Đức tham gia vào việc ký kết Nghị định thư Kyoto và nghị định này có hiệu lực vào năm 2005. Đến năm 2008, họ đã tuyên bố hoàn thành các chỉ tiêu về giảm thiểu khí thải (do nghị định này quy định phải hoàn thành vào năm 2012).
Tôi không thể hiểu được cặn kẽ chính phủ đã có những chính sách khôn ngoan thế nào để làm được điều kỳ diệu đó. Nhưng không biết tôi có hồ đồ không khi nghĩ rằng họ sẽ không thể làm được điều kỳ diệu; nếu vào cái ngày tôi vừa kể, cụ già kia không quay lại thùng rác tìm mẩu bánh mì?
Một người nhỏ nhoi như tôi làm sao hiểu được cặn kẽ Nghị định thư Kyoto do LHQ chủ trì và có những 175 nước tham gia và làm sao biết được mình phải làm gì? Nhưng cụ già kia đã dạy cho tôi cách “bóp” những chuyện to lớn để cho nó nhỏ lại chỉ bằng một mẩu bánh mì tí xíu.

Rác ai người ấy dọn
Có một lần tôi muốn khoan một cái lỗ trên tường để treo một bức tranh. Hồi ấy mới sang nên trong tay chả có dụng cụ gì. Tôi ngỏ ý với một đồng nghiệp người Đức. Anh vui vẻ nhận lời và mang ngay máy khoan đến phòng tôi.
Khi lắp mũi khoan xong, anh bảo tôi mang máy hút bụi đến, tháo đầu ra, chỉ còn mỗi cái vòi dài. Sau đó anh bảo tôi dí vòi vào sát lỗ khoan và khi anh mở máy khoan thì tôi cũng mở máy hút bụi. Khi anh khoan xong thì tôi cũng tắt máy. Nhà không vương một hạt bụi. Tôi thấy thích thú vô cùng. Thế mà cứ nghĩ bụi sẽ tung mù.
Đây cũng chỉ là chuyện nhỏ thôi nhưng từ đấy nó lại làm tôi để ý đến một tác phong rất đáng quý của họ: Ai xả rác thì người ấy dọn và dọn ngay. Trong nhà máy, trên công trường, trong từng công việc hàng ngày của người dân thường, nguyên tắc này bao giờ cũng được thể hiện rõ nét.
Bố mẹ vợ tôi sang thăm ba tháng. Đúng vào thời gian thành phố cải tạo lại toàn bộ con đường trước cửa nhà: thay đường tàu điện, thay ống nước, gas, làm lại vỉa hè.
Từ cửa sổ nhà tôi hàng ngày ba tôi nhìn cảnh những công nhân làm đường. Khối lựơng đất đá khủng khiếp đến thế nhưng các tốp thợ khi rút đi thay ca hoặc bàn giao cho tốp khác đã không để lại một viên sỏi nào. Công trường lúc nào cũng sạch sẽ. Ba tôi ấn tượng cho đến bây giờ. Người đi trước luôn tạo điều kiện cho người đến sau.
Tác phong này không phải chỉ có ở những người lao động bình thường mà còn cả ở những nhà chính trị. Ở đây nếu ta quan niệm các skandal của các chính khách là rác thì ta thấy họ dọn rác cũng rất nhanh. Tuy nhiên cách dọn rác của họ hơi khác thường một chút: từ chức!
Ai gây ra hậu quả thì người đó phải giải quyết, không đùn đẩy.

Làm bạn
Có một lần tôi thử nghe một bài diễn văn của một vị lãnh đạo phát biểu trong ngày khai trường ở Hà Nội. Nghe xong tôi thấy hoang mang: có bao nhiêu điều khó hiểu trong bài phát biểu ấy. Chẳng lẽ các em học sinh lại hiểu được?
Ngày khai trường bên này, tôi mang con đến trường, trong lòng cảm thấy vô cùng lo lắng. Theo tục lệ mỗi một học sinh đều có một túi quà to mà ông bà, cha mẹ, họ hàng, hàng xóm, chuẩn bị trước cả hàng tháng, diễn ra bí mật, không cho đứa trẻ biết. Tất nhiên chúng biết sau lễ khai giảng chúng sẽ được quà, nhưng túi quà to, nhỏ thế nào, bên trong có những gì thì chúng hoàn toàn không biết và chỉ có háo hức đợi chờ ngày khai giảng.
Cô giáo trông rất vui vẻ và hòa nhã, đợi sẵn ở cổng trường. Cô bắt tay con gái tôi, rồi nói nhỏ vào tai hứơng dẫn tôi cách đi đến phòng „bí mật“. (Lát nữa tôi sẽ trở ra xe của bạn tôi lấy túi quà cất vào phòng đó, đợi đến khi lễ kết thúc thì mới được trao cho con). Và cô cũng chào tạm biệt tôi luôn, không hề xuất hiện trở lại.
Khai giảng ở đây không làm chung toàn trường mà làm theo từng lớp một. Ví dụ, các em học sinh lớp 1A sẽ làm lễ khai giảng tại lớp 1A nhưng do các em sẽ là học sinh lớp 2A điều khiển. Vì thế các em học sinh lớp 1A mới cảm thấy hầu như không có gì cách biệt.
Tôi thực sự kinh ngạc khi các em học sinh mới chỉ vừa mới học xong lớp 1 (chưa một ngày học lớp 2) nhưng rất tự tin, nhanh nhẹn và hoạt bát chủ trì chuơng trình. Chương trình kéo dài gần hai tiếng, không một phút dừng. Các em nhỏ lúc nào cũng rộn ràng vui vẻ.
Nhìn sang các phụ huynh thấy nhiều người, nhất là các ông bà, ai cũng rơm rớm nước mắt. Con tôi mặt đỏ hồng, mắt bừng lên phấn khích, chơi tất cả các trò do các anh chị lớp 2 hướng dẫn.
Đến cuối chương trình là màn biểu diễn một bài hát mà các anh chị vừa hướng dẫn chớp nhoáng. Thế là một bài hát do cả chủ và khách được hát rất to để tiễn ông bà cha mẹ ra về.
Những năm đầu hình phạt mà cháu sợ nhất là dọa không cho đi học.
Một buổi lễ rất đơn giản về hình thức nhưng để lại cho tôi bao nhiêu xúc động. Đến nỗi nó buộc tôi phải suy nghĩ lại cách mình đối xử với con. Hình như trước đó mình chưa bao giờ thật sự tìm cách để hiểu con? Là một người cha nhưng tôi chưa bao giờ dùng khả năng của mình để kéo những mục đích lơ lửng ở trên trời đặt trước mặt con? Và tôi nghĩ, muốn làm được như thế mình phải là bạn của con.
Đến nay thì tôi hiểu , làm cha là một đặc ân mà ông Trời ban cho mình. Đặc ân này ông ấy ban ra và không thu lại.
Làm bạn với con cũng là một đặc ân. Nhưng đặc ân này ông ấy sẽ thu lại khi nào mình không chịu tìm cách để hiểu được con.

Thử bàn chuyện lớn
Bình sinh, như đã nói, tôi là một người lao động. (Chưa khi nào tôi làm quan chức). Bây giờ lại bàn đến “chuyện lớn” thì chắc là buồn cười lắm!
Số là trước khi sang Đức tôi chỉ học tiếng Đức có đúng 19 ngày (mà chủ yếu là do vợ dạy). Sang đây chỉ một thời gian thì vợ con tôi sang đoàn tụ. Thế là tự nhiên có cây Đa (vợ tôi), và cây Đề ( con tôi) về tiếng Đức ở trong nhà. Thành ra việc học tiếng của mình có phần sao nhãng (vì việc gì về tiếng Đức cũng có vợ con lo cho rồi!).
Vì tiếng của mình “ngắn” nên khi nói tiếng Đức tôi hay nói theo kiểu tiếng Việt. Nghĩa là tiếng Việt thế nào thì mình cứ lắp y như thế khi nói tiếng Đức. Cho nên mới có chuyện một lần một đồng nghiệp phấn khởi khoe, con anh vừa mới tốt nghiệp trung học và điểm rất tốt. Tôi bèn hỏi, vậy thì sắp tới con anh sẽ học (đại học) ở đâu? Anh bạn lập tức nói từ “không” rất nhanh rồi lại chậm rãi nói: “Con tôi sẽ nghiên cứu về Hóa tại Đại học Tổng hợp Leipzig”.
Sau này mới biết, nếu chúng ta nói “học phổ thông, học đại học” thì người Đức nói “học phổ thông” và “nghiên cứu (gì đấy) ở đại học.
Khi con gái tôi nhận bằng Diplom, vợ chồng tôi sang thăm cháu (cháu học ở tiểu bang khác). Đó cũng là lần đầu tiên tôi được biết đến khuôn viên mênh mông của trường Đại học Tổng hợp.
Cháu chỉ vào thư viện và nói “đây là nhà thứ hai của con”. Giọng và khuôn mặt cháu rất buồn như là sắp phải xa một ngôi nhà thực sự. Cháu bảo, cháu ở thư viện nhiều hơn ở nhà.
Vì hàng ngày hai cha con hay “nấu cháo” với nhau về đủ mọi chuyện ở trên đời, nên tôi hiểu quá trình đào tạo một sinh viên thực chất là một quá trình nghiên cứu có hướng dẫn và định hướng.
Vừa rồi biết ở ta có cuộc vận động bỏ chuyện đọc ghi ở bậc đại học. Thiết nghĩ đầu tiên ta nên thay đổi cách nói. Bỏ cách nói “học đại học” bằng một cách nói khác. Thay đổi cách nói sẽ thay đổi được cách nghĩ và từ đó thay đổi được cách làm.
Đoạn viết này chỉ là để cho vui. Chứ một cuộc vận động lớn như thế mà lại dùng một biện pháp đơn giản như thế thì làm sao mà xin được tiền ngân sách?
xxx
Các cụ nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn“. Cái sàng của tôi chỉ có toàn những chuyện lặt vặt đại loại như thế. Tuy nhiên tôi cứ mạnh dạn viết ra.
Tôi nghĩ, nếu tất cả chúng ta - những công dân bình thường - được phép “lục lọi” các cái sàng của nhau, để tìm được một cái gì to tát vĩ đại là điều không dễ. Nhưng rất có thể sau khi “lục lọi” xong, trong lòng mỗi chúng ta lại có thêm một niềm vui nho nhỏ.
T.G.Q




[1] Hiện sinh sống tại Leipzig, BRD. Email: tongiaquy@yahoo.de.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.