"Và tôi thiết nghĩ, cách tốt
nhất để một con người để nói lời thương tiếc với một nhân cách lớn là viết ra
những gì mình học được từ nhân cách đó. Đừng đơn thuần chỉ là nói thương
tiếc". Một bạn trẻ với biệt danh Raguel Trung đã suy nghĩ như vậy trước sự
kiện ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
1. Tuổi trẻ phải chăm chỉ học hành
Thời tuổi trẻ, đại tướng học rất
giỏi. Đại tướng được giải đầu tốt nghiệp Sơ học (certificat d’étudé
primaires) ở tỉnh Quảng Bình. Mùa hè năm 1925, Đại tướng thi đỗ vào Quốc
học Huế. Đại tướng thi đỗ thứ nhì, loại khá. Nhập học, tháng nào Đại tướng cũng
đứng đầu lớp, có tên hàng đầu trên bảng danh dự, được cấp học bổng. Ngoài ra
Đại tướng chăm đọc sách từ thuở bé, thấy đâu có sách lại sà vào mượn đọc. Sau
này khi làm đến Đại tướng, ngài vẫn chăm đọc sách và cùng mọi người thảo luận
về sách.
Việc học hành khi còn trẻ rất quan
trọng do khi còn trẻ, trí não của các bạn thông suốt, tiếp thu kiến thức nhanh,
nhạy, trí nhớ tốt, học dễ vào. Việc học này sẽ tạo nền tảng kiến thức cho bạn
về sau áp dụng vào công việc và cuộc sống của mình.
Về sau, trong những trận đánh của
mình, Đại tướng đã vận dụng rất nhiều chiến thuật của Napoleon mà ngày xưa ông
đã học trong môn lịch sử và giành thắng lợi vẻ vang. Trong đó rõ ràng nhất là
chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh.
Do đó, khi còn trẻ, nhất định phải
chăm học hành. Chuyện gì cũng phải để sau. Nhất là các bạn sinh viên, đừng ham
đi làm thêm kiếm bạc lẻ mà xao lãng việc học.
2. Dùng lượng bù chất, lấy cần cù bù
thông minh.
Trong cuộc đời, không phải ai sinh
ra cũng có điểm khởi đầu như nhau. Có người sinh ra đã giàu, có người sinh ra
đã thông minh, sáng dạ, có người sinh ra trong gia đình nghèo, có người sinh ra
đã học lâu hiểu, lâu nhớ. Tuy nhiên làm cách nào để một con người chịu nhiều
thua thiệt, yếu kém lại có thể vươn lên thành một vĩ nhân?
Không có nhiều điều kiện học tập,
bản thân Đại Tướng cũng đã từng thi trượt vào Quốc Học Huế. Tuy nhiên, trong
suốt 1 năm sau đó, ngài đã học tập liên tục và cần mẫn để sau đó, đậu vào với
số điểm cao nhì trường ( mọi người nên biết là khi đó, Quốc Học Huế mỗi năm chỉ
tuyển 90 học sinh cho 12 tỉnh miền Trung).
Điều này nói rất rõ quan điểm của
Đại tướng về việc chiến thắng: nếu ta không có chất lượng thì ta có thể lấy số
lượng để bù, nếu không có thông minh thì lấy siêng năng bù đắp.
Đại tướng từng phát biểu: Nghệ thuật
quân sự của chúng tôi, là lấy tinh thần chế ngự vật chất, lấy yếu chế ngự mạnh,
lấy thô sơ chế ngự hiện đại.
Ở Trận Điên Biên Phủ, để chiến thắng
quân địch có chất lượng hơn hẳn, ngài đã vận động một số lượng chiến sỹ và
lương thực khổng lồ để có thể chiến thắng địch. Quân dân ta cũng đã kiên trì
vừa đánh vừa đào hầm theo kiểu lấn đất vào căn cứ địch. Giữa trận địa pháo,
ngài cho tạo rất nhiều ụ pháo giả để đánh lừa không quân và pháo quân địch về
số lượng pháo của quân ta. Đó chính là tinh hoa của “Lấy lượng, bù chất, lấy
siêng năng bù cho thông minh”.
Với các bạn trẻ, nếu thật sự thấy
mình thua thiệt bạn bè về nhiều điều, thì hãy ráng làm sao có thể làm được
nhiều việc hơn, ráng làm sao siêng năng hơn, ráng làm sao cho mình trải nghiệm
nhiều hơn, như vậy may ra sau này mới có thể nở mày nở mặt, vinh hiển cùng mọi
người.
3. Vị đại tướng tự học:
Báo chí nước ngoài thường xuyên gọi
tướng Giáp là vị tướng tự học, vì vốn dĩ, ngài là người tốt nghiệp Đại học
ngành Kinh tế Luật, chưa học qua bất cứ trường lớp nào về quân sự, chiến tranh.
Tất cả kiến thức cầm quân của Đại Tướng đều là học qua lịch sử, sách vở và kinh
nghiệm chiến trường.
Những người thân bên cạnh thường kể
về hình ảnh ngài như một người rất chăm học, và chăm đọc. Vào năm 2004, kỷ niệm
40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, khi vào thăm lại lều chỉ huy của mình ngày
xưa, đại tướng hỏi ngay: “Tủ sách của tôi đâu?”. Trong nhà ngài, cả khi về già,
vẫn có rất nhiều sách báo và những vị khách viếng thăm thường thấy hình ảnh
ngài đọc sách ngay cả khi số tuổi đã vượt quá 90.
Báo chí và các sử gia nước ngoài còn
đánh giá rất cao khả năng học ngay từ sai lầm của vị tướng này. Họ đánh giá:
“Ông ta có thể phạm sai lầm ngay đó nhưng sẽ sữa chữa những sai lầm đó rất
nhanh. Ông ta học ngay từ những sai lầm của chính mình ngay trên chiến trường
và biến nó thành chiến thắng”.
Như chúng ta đều biết, dù già hay
trẻ đều phải tự học. Và tự học là con đường duy nhất dẫn đến thành công và vĩ
đại. Điều đó đúng với mọi người, kể cả vị đại tướng vĩ đại.
4. Luôn sáng tạo và gây bất ngờ cho
mọi người
Trong tất cả những cuộc chiến của
mình, Đại tướng luôn làm cho mọi người xung quanh bất ngờ vì sự sáng tạo của
mình. Chính sự sáng tạo đó của ngài khiến cho kẻ thù không kịp trở tay và luôn
thất bại.
Ở Chiến dịch Điện Biên Phủ, giặc
Pháp không bao giờ nghĩ rằng chúng ta có thể đưa những cỗ pháo khổng lồ lên
Điện Biên để tấn công. Chúng không bao giờ nghĩ rằng chúng ta có thể tháo gỡ và
chia nhỏ những cỗ pháo đó ra, rồi dùng xe đạp, xe bò, xe kéo vận chuyển lên.
Chúng cũng không bao giờ nghĩ được chúng ta có thể vận chuyển lượng lương thực
khổng lồ để có thể phục vụ cho trận đánh lớn. Chúng đã sai lầm và Đại tướng đã
làm được những chuyện tưởng chừng như không thể đó.
Trong chiến dịch mùa xuân 1975, khi
toàn bộ cố vấn Mỹ và chiến lược gia của Việt Nam Cộng Hòa đều tin rằng quân ta
sẽ đánh thẳng vào chiếm Huế và Đà Nẵng thì một lần nữa, Đại tướng lại gây bất
ngờ khi tập trung quân lực thật sự vào đánh chiếm Tây Nguyên. Việc quân đội
nhân dân Việt Nam chiếm giữ Tây Nguyên đã hoàn toàn phá vỡ mọi kế hoạch phòng
thủ của quân lực Viện Nam Cộng Hòa dẫn đến thắng lợi 30/4/1975 thống nhất đất
nước.
Đánh khi địch nghĩ rằng ta đang
nghỉ, rút khi địch nghĩ rằng ta sẽ đánh, đánh vào nơi địch không bao giờ ngờ ta
sẽ đến. Đó chính là cách Đại tướng giành chiến thắng trong những cuộc chiến của
mình. Tuy rằng những điều này nghe như cách dùng binh của Tôn Tử ( Binh bất yếm
trá) nhưng thật ra thuật dùng binh của Đại tướng có rất nhiều sáng tạo. Thuật
dùng binh của Tôn tử chủ yếu dựa trên câu: Dùng điểm mạnh của mình đánh vào
điểm yếu của đối phương cho nên thật ra cũng có thể đoán được. Còn trong binh
pháp của Tướng Giáp, đôi khi đó lại là việc đánh thẳng vào điểm mạnh nhất của
địch, gây hoang mang và biến điểm mạnh của địch thành điểm yếu của chúng. Chiến
dịch Tây Nguyên là một ví dụ rất rõ. Quân đội Cộng Hòa không nghĩ rằng Quân đội
ta đánh vào Tây Nguyên vì đây là vùng núi hiểm trở, dễ thủ khó công, nếu thua
cũng dễ rút lui. Đại tướng đã cho quân đánh chiếm Tây Nguyên trước khiến cho
toàn bộ hàng rào phòng thủ của địch hoang mang, bỏ chạy, thiệt hại đến hơn 75%
quân lực. Đó chính là sự sáng tạo của Đại tướng mà ngay cả Tôn Tử cũng không
nói đến.
Trong làm việc cũng như học tập, rất
cần sự sáng tạo. Không sáng tạo, gò bó vào những điều được coi là kinh điển, là
sách vở, là tiêu chuẩn, là quy ước rất nguy hiểm. Trong nhiều trường hợp, việc
bảo thủ dẫn đến sự thất bại toàn diện, thậm chí mất mạng. Do đó, tuổi trẻ nhất
định phải sáng tạo, phải dám nói những điều không ai nói, dám làm những điều
không ai làm, dám nghĩ những điều chưa ai nghĩ. Chỉ có vậy mới có thể trở thành
vĩ nhân, mới có thể đạt được những điều to lớn trong cuộc đời
5. Quyết đoán nhưng phải nhẫn nại
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người
cực kỳ quyết đoán. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, ngài đã xin với Hồ Chủ
Tịch cho mình quyền tự quyết định cách đánh và chiến lược. Sau đó, dù bất đồng
ý kiến với các cố vấn Trung Quốc, ngài vẫn quyết định cho kéo pháo ra, chuyển
từ Đánh Nhanh Thắng Nhanh sang Đánh Chắc Thắng Chắc, đem lại
chiến thắng toàn diện cho chiến dịch.
Vào những năm cuối cùng của cuộc
chiến Nam – Bắc, mặc dù gặp rất nhiều trở ngại, Đại tướng vẫn quyết định đánh,
không những vậy còn triển khai nhanh chiến dịch, đánh vỗ mặt, đánh cấp tập.
Quyết đoán là thế nhưng khi thời
bình, nhiều lần Đại tướng bị chính các đồng đội của mình dồn đến đường cùng,
nhiều học trò, người thân cận của đại tướng bị chết hoặc bị mất chức một cách
rất khó hiểu nhưng ông vẫn nhận nại, nhịn và chấp nhận mọi điều tiếng. Có thời
gian, ông bị gièm pha, thậm chí là vu cho tội liên kết giặc Pháp nhưng ông vẫn
từ tốn, kiên nhẫn, tìm thời cơ thích hợp để thanh minh, để khiếu nại một cách
hòa bình, không gây điều tiếng, tổn hại cho sự đoàn kết nội bộ Đảng, không để
dân mất lòng tin vào lãnh đạo.
Không dưới một lần ông đã tâm sự với
những người xung quanh: Mình đấu tranh làm gì, toàn anh em đồng đội mình ngày
xưa. Họ hiểu lầm thì mình giải thích cho họ rõ. Mình có bị gì cũng không sao,
còn anh em, đồng chí của mình thì đừng để họ bị vạ lây.
|
Học sinh Trường THCS- THPT Phạm
Ngũ Lão (quận Gò Vấp, TP.HCM) đeo băng tang viếng Đại tướng ngay tại trường
ngày 12/10. Ảnh: Lê Huyền
|
Suy nghĩ cặn kẽ, chi tiết đó không
phải người thường ai cũng có thể có được. Chỉ có một đại tướng thông minh, đủ
cả trí, tài lẫn cái tâm lớn mới có thể nghĩ vậy. Đấu đá nhau làm chi khi tất cả
đều là người Việt, đều muốn cho đất nước giàu mạnh. Ngài đã chọn cách đấu tranh
hòa bình, cách lên tiếng phản biện ôn hòa để giữ cho đất nước khỏi xào xáo.
Ngài làm vậy hoàn toàn để bảo vệ những người lính, những người anh em, những
người đồng đội của mình khỏi cảnh nồi da xáo thịt. Còn gì vĩ đại hơn? Hoàn toàn
không như những lời xuyên tạc về hình ảnh ngài đại tướng hèn nhát, nhẫn nhục
như những kẻ cố tình bôi nhọ thanh danh của ngài.
Tuổi trẻ bao giờ cũng ngập tràn năng
lượng, cũng nông nổi, làm gì cũng muốn xông vào làm ngay rồi rút nhanh. Đó
chính là lý do khiến cho các bạn trẻ nhanh thất bại. Và ngài Đại tướng cũng là
một tấm gương để lại cho các bạn một bài học: có chuyện cần quyết đoán, cũng có
chuyện cần kiên nhẫn. Với kẻ thù phải kiên quyết, nhưng với bạn bè phải nhẫn
nại. Khi địch hơn ta thì phải kiên trì chuẩn bị, rèn luyện. Khi ta hơn địch thì
phải nhanh chóng chớp lấy thời cơ.
6. Luôn luôn nghiêm túc và chỉnh chu
Nói không ngoa, người viết bài này
cũng đã từng được thấy Đại tướng ở cự ly gần khi tham gia đội bảo vệ vòng ngoài
cho hội nghị ASEM 5 năm 2004 tại Hà Nội. Đại tướng luôn mặc quân phục rất
nghiêm chỉnh, tóc được để gọn trên mái đầu một cách có trật tự, đi đứng rất
thẳng thớm, gọn gàng dù tuổi đã rất cao.
Nhiều người sau khi gặp đại tướng về
cũng thường chia sẽ về một vị tướng luôn luôn nghiêm túc và chỉnh chu trong mọi
việc. Khi tiếp khách, đại tướng luôn mặc quân phục rất gọn gàng, đeo đủ quân
hàm, sao mũ. Khi trò chuyện, đại tướng luôn trả lời thẳng vào trọng tâm vấn đề
của người đặt câu hỏi, không ngại ngùng né tránh. Khi có thắc mắc, đại tướng
cũng hỏi ngay vấn đề mà không cần lòng vòng, loay hoay.
Tiếp xúc đại tướng vài lần, mọi
người sẽ dễ dàng nhận ra phong cách giao tiếp của Đại Tướng. Đại tướng luôn
lắng nghe rất chăm chú, thường mất nhiều giây suy nghĩ rồi mới trả lời. Ngài
nói chuyện rất chậm nhưng rõ từ, âm thanh đủ nghe và giọng rất chắc chắn. Những
cuộc hội thoại với ngài thường rất ngắn do sức khỏe đại tướng không tốt nhưng
lúc nào cũng thỏa mãn người tham dự do luôn đủ ý, rõ nghĩa. Tôi luôn tin đó là
một đức tính tốt mà ai cũng nên học.
Tôi từng nghe một thượng tướng kể
lại rằng: Đại tướng luôn dặn dò ngài ăn mặc nghiêm chỉnh bất cứ nơi nào xuất
hiện dù nhà riêng hay tại cơ quan. Đại tướng dặn rằng: việc ăn mặc nghiêm chỉnh
không chỉ để khách của mình tôn trọng mình, dễ dàng tập trung vào công việc
thay vì dòm ngó đánh giá linh tinh mà còn để tự nhắc nhở mình vì vị trí, vai
trò, trách nhiệm của mình. Thân mình làm tướng, là đại diện của Quân đội, của Nhân
dân, không thể để người ta đánh giá mình không nghiêm chỉnh rồi ảnh hưởng đến
mọi người.
Tôi cũng chính mắt thấy tại hội nghị
ASEM 5, một vị lãnh đạo đã nhờ đại tướng ký tặng sách cho mình. Đại tướng đã
hỏi người trợ lý đi theo một tờ giấy để ngài ký nháp trước khi ký thẳng vào
sách. Chỉ một việc nhỏ như vậy mà Đại tướng đã kỹ đến như vậy thì thật đáng học
hỏi.
7. Không bao giờ ngừng đấu tranh
Cuộc đời của Đại tướng là một chuỗi
dài các cuộc chiến. Đại tướng đã chống giặc Pháp ở Tây Bắc, ở Điện Biên, chiến
đấu với Anh, Mỹ ở miền Nam, ngài đã chiến đấu với giặc Trung Quốc khi chúng
tràn vào tấn công biên giới. Ngài cũng đã chiến đấu với chính những đồng đội
mình vào thời bình để bảo vệ nhân dân, bảo vệ học trò, bảo vệ uy tín của Đảng.
Và cuối cùng, khi đã bước qua tuổi 90, ngài vẫn tham gia trận chiến cuối cùng
của đời mình khi nhiều lần can ngăn, kiến nghị đòi hủy bỏ việc sáp nhập Hà Tây
vào Hà Nội, ngăn cản việc triển khai xây mỏ boxit tại Tây Nguyên, ngăn cản việc
xây dự án tàu cao tốc. Ngài đã dành cả cuộc đời mình vào những cuộc chiến để
bảo vệ dân, bảo vệ nước, bảo vệ những giá trị mà ngài tin tưởng. Ngài cũng tham
gia vào vận động xây dựng Luật biển đảo, bảo vệ vùng biển Việt Nam. Ngài kêu
gọi cải cách giáo dục và mong thế hệ trẻ hãy ham học hỏi, yêu kiến thức.
Cả đời Đại tướng là một tấm gương
không thể sáng hơn về sự kiên cường, sự bất khuất, sự kiên nhẫn không bao giờ
nản lòng. Chưa bao giờ Đại tướng chấp nhận thua cuộc hay bỏ cuộc trong những
cuộc chiến của ngài. Và đó là lý do, Đại tướng mãi mãi là huyền thoại và mãi
mãi được nhớ đến.
Tấm gương của Đại tướng để lại một
bài học mà các bạn trẻ phải luôn ghi nhớ: Không bao giờ ngừng đấu tranh và đừng
bao giờ bỏ cuộc.
********************
Tôi viết bài viết này trong niềm
thương tiếc vô hạn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lịch sử nước nhà vẫn còn rất
khoảng tối, nhiều khoảng đen trắng lẫn lộn mà nhiều khi, sự thật về công lao và
tội lỗi của những cá nhân không thể nào xác định rõ ràng. Tuy nhiên, dù sự thật
thế nào, bãn lĩnh và nhân cách của một con người không bao giờ có thể lầm lẫn
được. Tôi đã từng được gặp Đại tướng dù chỉ trong khoảng khắc 1 phút mấy mươi
giây, chỉ nói được đúng 1 câu thoại “Đại tướng ơi, con chúc bác mãi mạnh khỏe”
nhưng cũng đủ để tôi xác định đó là một nhân cách lớn, một tài năng vĩ đại.
Và tôi thiết nghĩ, cách tốt nhất để
một con người để nói lời thương tiếc với một nhân cách lớn là viết ra những gì
mình học được từ nhân cách đó. Đừng đơn thuần chỉ là nói thương tiếc.
- Raguel Trung
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác
giả)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.