Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Cây mít nhà ông Khôi (hay "Chuyện tình K2 - K3") (Trần Đình Ngân)

Tên chuyện ở trên, nghe na ná „Chuyện cây táo  ông Lành“ thời những năm 70. Hồi đó, tác giả là nhà văn nổi tiếng  họ Hoàng. Ông  bị nghi  là bóng gió đá xỏ ai đó khi cho đăng câu chuyện phiếm về cây táo trên báo văn nghệ. Ông Hoàng  khốn khổ vì vạ chuyện văn chương, ông bị  kiểm điểm, giam lỏng rồi cấm viết đến 14-15 năm!  Bạn bè xì xầm bảo nhau: Tội lão  Hoàng là tội sờ dái ngựa! 
Chuyện cây táo thì chẳng quan hệ gì, nhưng khổ nỗi, Lành lại là tên cúng cơm của ông quan to nhất khối Văn nghệ, mà ở Hà nội thời đó, ai chả biết chỉ có nhà ông Lành có cây táo lớn, mọc thò ra ngoài đường.  Những năm 60-70, câu thơ „Cành táo đầu hè, rung rinh quả ngọt…“ là  câu thơ hay được nhiều người thuộc nên cái kiểu liên hệ dây mơ, rễ má, bóng gió làm ông nhà văn  bị thù ghét, nghi ngờ !
Xin nhấn mạnh với bạn đọc, chuyện kể dưới đây chỉ là có cái tên  giống với chuyện ông nhà văn họ Hoàng viết thôi, chứ họ Trần tôi kể chuyện cây mít này, không hề có ý xấu gì nói về  các ông bà là chủ nhân của cây mít trong câu chuyện này.   
   
Lấy tên chuyện na ná,  là ý tôi muốn nhắc lại những kỷ niệm đã qua  từ 3-4 mươi năm trước,  thời những năm đầu 70 của thế kỷ 20  để bạn bè, anh em đồng nghiệp ở Học viện Kỹ thuật Quân sự có dịp nhớ lại. 
Khu gia đình  của cán bộ giáo viên Học viện  khi mới chuyển từ nơi sơ tán về Vĩnh Yên, được dựng bằng tre nứa lá ở xóm Bảo Sơn (Vĩnh Yên) ngay bên rìa Quốc lộ 2.  Khu  nhà lá nằm sâu bên trong một chút so với mấy gian chiêu đãi sở xập xệ ở phía ngoài. Đi ngang quán nước nhà chị Thiện, vào ngõ, qua nhà „Đại tá„ Lữ, thì bên tay phải là ba dãy nứa lá. Một dãy hai nhà, mỗi nhà 4-5 gian.  20-25 gia đình  chung nhau  một cái giếng nước  do quân Trung quốc bỏ lại  từ thời  giúp làm đường giao thông.  Dãy nhà đầu,  gian đầu trái là thoáng rộng hơn cả (có thêm vài mét  đất để  cải tạo thành vườn)  ban đầu phân cho bác sỹ chủ nhiệm quân y Học viện  là bà Hồng thị Phương. Khi bà Phương chuyển về Hà nội thì phân lại cho gia đình  anh chị Khôi-Huyền thuộc khoa Vô tuyến điện tử K3. Nhà ông Khôi chuyển đi, thì Việt Huệ thuộc bộ môn xe của K2 chuyển đến.
Nhà Huyền- Khôi thời đó có hai cháu con gái là  Ngọc Quyên,  Anh Đào còn hạt na hạt mít nên được xem là căn hộ rộng rãi! Chủ nhà rất mến khách và thảo tâm nên căn hộ trái nhà cũng được xem là nơi hội tụ của nhiều giáo viên bộ môn, khoa và cả ở trường. 
Anh Lê Khôi là bậc đàn anh khả kính của bọn tôi. Thời tôi có hàm thiếu úy giáo viên thì anh đã là Thượng úy cán bộ Khoa.  Kiến Quốc với anh Khôi còn có nghĩa thầy trò. Hai thằng em họ Trần lên đến tá thì Trung tá Lê-Khôi là chủ nhiệm Phòng đảm bảo kỹ thuật của Học viện. Hơn hai mươi năm gắn bó,  nhiều kỷ niệm anh em, thấy trò rất thắm đậm tình nghĩa (đấy là chưa kể đến mối quan hệ cùng lò Quế Lâm giữa tôi với chị Huyền, anh Khôi và Kiến Quốc).
Chuyện cây mít nhà ông Khôi cũng là  chuyện khó quên một thời đối với bọn tôi.

***

… Đầu năm 1969. Khoa Trang bị Cơ điện chuyển từ Đính xá ( Yên lạc) ra Vĩnh yên,  tiếp quản khu 125. Khu công trính 125 là tên gọi ký hiệu của công trình xây dựng trường sỹ quan kỹ thuật do Liên xô giúp xây cho Bộ Quốc phòng. Do chiến tranh  phá hoại của không quân Mỹ mà việc xây dựng bị bỏ dở dang. Nhà 4 tầng không có nóc, tường chưa bao vữa nên phòng nọ nhìn sang phóng kia qua lỗ thông gió của viên gạch. Cửa chính, cửa sổ đều trống trơn không có cánh. Do bỏ hoang mà tầng dưới được dùng để nuôi bò.
Đường xá chưa quy hoạch nên để quy định nơi đặt cổng ra vào doanh trại,  K2 huy động thầy trò vần những thùng phuy nhựa đường vứt ngổn ngang, xếp thành hai dãy.  Đầu ngoài phía Quốc lộ 2, đặt vọng gác có vệ binh kiểm tra. Người ra vào doanh trại, khách đến liên hệ công tác trình giấy tờ xong đi giữa hai dãy thùng phuy như đi dọc hàng tiêu binh danh dự  vào thẳng  phòng trực ban.

Sau Tết Nguyên Đán, cả Khoa rầm rộ vào Tết trồng cây. Chỉ thị chung (chắc là của các ông như  ông Hà, ông Toàn, ông Trang gì đó trên ban giám hiệu nhưng thời đó, nhất nhất  lệnh trên xuống đều bảo là „lệnh ông Bảo“)  cả khu trồng xà cừ và bạch đàn.   Trong bó cây giống mấy trăm cây, không hiểu sao lại lọt  lẫn  6 cây mít.  Cây giống non rất tươi khỏe, dễ cây xum xuê và theo ai đấy  thạo về giống  thì trong cả bó mít, chỉ có một cây là mít mật!
Ban chỉ huy K2 (Khoa Trang bị cơ điện) thời đó anh em gọi sau lưng là „Bộ chỉ huy tứ tật“. Chẳng ai dám chê xấu các cụ,  nhưng tứ tật thì là chuyện có  thật. Trưởng khoa, ông Cảo thì điếc rất nặng!  Anh em giáo viên quý cụ nên hay  chuyện trò tâm sự.  Đứng xa, nói nhỏ  một tý là cụ khum bàn tay lên vành tai hỏi: Hở?. (Thiếu úy Khúc văn Nghi hay tán chuyện bậy, mỗi lần cụ „Hở„ thì Nghi chột dạ bảo: lộ hết!).                                                                       
Ông Thiếu tá Trần Đan là thương binh cụt một tay khi chiến đấu giữa các phản thịt chợ Đồng Xuân mấy ngày đầu Toàn quốc kháng chiến cuối 1946. Ông  nguyên là trưởng ban bảo vệ của Học viện Chính trị cao cấp. Về Khoa Cơ điện,  ông là bí thư Đảng ủy nhưng tự  nói là về làm Chính ủy (cũng không rõ là giữa bí thư Đảng ủy và Chính ủy thì khác nhau thế nào!). Ông Đan có tiếng là bạo miệng và có cách phân xử sòng phẳng nên rất được cấp dưới nể. 
Có lần hai ông Cảo, Đan không thống nhất với nhau một chuyện nhỏ gì đó về việc xây cái lò bánh mì cho hậu cần Khoa,  ông Cảo vặn lại ông Đan: „Sao khi họp giao ban có ông Bảo, anh không phát biểu, giờ về Khoa lại mạnh miệng?“. Ông Đan đứng dưới cầu thang khua cái tay cụt lên cao, to giọng: „Lúc tôi cãi, anh điếc có nghe thấy đ. đâu mà bảo tôi không dám bảo vệ ý kiến cho Khoa!“.  
Đại úy Phan Viết Huyền, vốn là chiến  sỹ nổi tiếng đánh mìn  Quốc lộ 5 thời chống Pháp.  Sau đi B chiến đấu  rồi ra Bắc an dưỡng, ông này có mấy hộp huân, huy chương nhưng lại chẳng có chứng chỉ bằng cấp nào. Đại úy Huyền về  làm Phó khoa phụ trách hành chính, hậu cần. Ông Huyền thấy hai ông Cảo Đan to giọng nên góp lời: „Ý tôi là ta xây được thì tốt, bánh ra lò nóng ròn lại chủ động, sáng sáng  không phải cử người sang lĩnh bên Hậu cần Hiệu bộ. (Nói thật, xếp hàng cứ như đi xin!) nhưng… tôi sợ không có người làm!“. (Ý ông Huyền không hợp ý với hai ông Cảo, Đan). (Hai ông này cho rằng, lấy người đâu mà làm, rồi lại phải  cử học viên xuống giúp thì học hành thế nào, học viên về trường đâu phải là nước sông công lính!).
Do biết ông Cảo đã thống nhất chủ trương „chống lệnh“ với mình  nên ông Đan vui vẻ đùa, cũng để nói rõ cho ông Cảo ở trên nghe, ông cao giọng: „Anh chỉ được cái chỉ tay bốn ngón! Cái gì cũng chung chung!". (Ông Huyền từ thời 9 năm, đã bị thương mất ngón tay trỏ bên  phải, nên mỗi khi cần chỉ trỏ cụ thể, ông đưa cả bàn tay khum khum về hướng trước).  

Thượng úy Chính trị viên Dương Ái Hiểu sau thời bổ túc văn hóa tự học, chưa có điều kiện trường lớp  gì, cũng chưa qua Tây, Tầu bao giờ,  nhưng ông lại là chiến sỹ quân báo từ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Tính ông Hiểu quê mùa nhưng rất chân thành. Có cô con gái đang là thợ cơ khí của xưởng trường, ông sốt ruột  treo thưởng một cái xe đạp cho chàng rể tương lai nhưng chưa thấy động tĩnh gì vì cô gái bị chê hơi kém về nhan sắc. Cái tật để trêu đùa ông kiểu „bố bố, con con“ của mấy cậu lái xe, công vụ  trong khoa là vin vào cái khuyết tật của cô con gái.

(Còn tiếp)

4 nhận xét:

  1. Bộ tứ: Cảo, Đan, Huyền, Hiểu gắn bó với nhiều giáo viên và học viên K2 những năm 70s.

    Trả lờiXóa
  2. Thầy Trần Đình ngân của K2 HVKTQS quý mến và kính trọng, gần giũ với nhiều học viên chúng tôi. Gần đây được đọc những bài viết của thầy về giáo dục trên Vn.net, Dân trí hoặc Báo Giáo dục...càng quy trọng những hiểu biết mà thầy dành cho việc giáo dục thế hệ mới. Những hồi ký của Thầy về Học viện gần gũi và rất chân tình. Kính chúc Thấy và các Thầy cô giáo xưa của HV nhiều sức khỏe, Hạnh phúc trong cuộc sống và xin thay mặt các Trò, cảm ơn các Thầy cô. ( Học viên HVKTQS K8 )

    Trả lờiXóa
  3. Anh Khôi phát hiện ra 1 số lỗi. Cây mít ấy anh xuống Hương Canh xin về chứ???

    Trả lờiXóa

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.