PHÍ LÀM QUEN
Vào học năm thứ ba, đại đội 213 chúng tôi về
đóng quân ở xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc. Tôi đang ở độ tuổi hai mươi, cái tuổi
đã thích yêu và muốn được yêu nhưng còn nhút nhát lắm. Vả lại cũng sĩ sĩ vì mùa
đông có giày đen, áo bốn túi, nhìn ngoài ra dáng sỹ quan thứ thiệt, lại đang học
đại học, đâu dễ gì ai cũng làm quen được! Thời đó, tôi cũng ý thức được rằng
sinh viên đại học Kỹ thuật quân sự bọn tôi đắt giá lắm bởi "trai thời loạn",
mà "gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân"! Nên cũng có chút kiêu kiêu
với các em!
Tôi và Ngô Gia Hồi không phải là bạn thân vì
khác lớp nhưng cùng lứa với nhau. Tôi biết Hồi có người yêu tên Phương, học năm
thứ nhất đại học Bưu điện, cách xã Văn Tiến chừng 5-7km, nhưng tôi chưa có dịp được
gặp người yêu của Hồi.
Vào một sáng chủ nhật đầu đông se lạnh, buồn
buồn tôi đạp xe đi lòng vòng tận hưởng cái khí lạnh đầu mùa. Thấy hai cô gái
đèo (chở) nhau trên chiếc xe đạp đi từ hướng trường Bưu điện về phía huyện, tôi
quay xe theo hướng hai cô. Một mình một xe, lại ở tuổi "bẻ gãy sừng trâu”,
chỉ vài phút tôi đã đuổi kịp. Liếc nhìn nhanh và thấy cô ngồi sau xinh xinh, có
một nốt ruồi to bên má rất duyên… Nhưng "sỹ quan" phải đứng đắn! “đâu
dễ làm quen”. Tôi lạnh lùng vượt lên trước, chừng hai, ba trăm mét lại thấy
tiêng tiếc… Tới một ngã ba tôi dừng lại, vẫn ngồi trên xe, tay vịn cây phi lao
ven đường và quay đầu lại nhìn phía sau như dáng chờ ai. Khi hai em gần tới,
tôi kéo tay áo bốn túi xem giờ, như khoe khéo với các em “anh có áo bốn túi, có
cả đồng hồ Polzot (chính xác Poljot – nghĩa là chuyến bay) đây này!”, rồi nghĩ
cách bắt chuyện làm quen.
Giả bộ không biết đường tôi hỏi:
-
Đi thẳng có phải đường về huyện
không cô ơi!
-
Dạ phải, anh cứ đi theo bọn em!
“Được lời như cởi tấm lòng”, tôi vội đạp xe
theo hai em, có cớ đi cùng mà không sợ các em cười anh "sỹ quan" này
sỗ sàng quá! Không dám nhận là thổ địa, nhưng đường ở huyện này tôi thuộc như
lòng bàn tay, hỏi đường chỉ là kiếm cớ.
-
Đây về huyện còn xa không cô?
-
Dạ chừng 5-6 cây số thôi anh!
Thấy hai em vui vẻ bắt chuyện, tôi tỏ ra ga
lăng và hào hiệp, rồi chuyển sang xưng hô ngọt lịm:
-
Còn xa, em sang tôi đèo cho một
quãng!
Các em đồng ý ngay. Thế là em xinh xinh ngồi
phía sau sang xe tôi. “Mục tiêu đã vào điểm ngắm!”. Lần đầu tiên được đèo người
đẹp đi chơi vào ngày chủ nhật giữa tiết trời se lạnh, chú lính binh nhì thấy phấn
chấn lạ thường! Đạp xe đèo em mà thấy nhẹ tênh, nhẹ hơn đi một mình mới lạ chứ!
Một cảm giác lâng lâng như ngồi trên gió, trên mây!
Rồi sự thân mật lại gần, tôi biết em tên Hảo,
cô bạn tên Lan, học năm thứ nhất trường đại học Bưu điện, tôi liền nói dối tỉnh
bơ:
-
Anh cũng có em gái họ tên
Phương học năm thứ nhất trường Bưu điện, người yêu của nó là Ngô Gia Hồi.
Tôi nói rõ như vậy để các em biết Phương nào
nếu khóa của các em có nhiều Phương, vì tôi không biết họ tên đầy đủ của
Phương. Cũng là để tăng sự tin tưởng cho các em ở lời nói dối của mình.
Hảo nói như reo lên:
-
A. Thế ạ! Chị Phương học lớp
em. Chị ấy nói người yêu là anh Hồi đang học ở đại học Kỹ thuật quân sự, đóng
quân ở gần đâu đây.
Nghe Hảo nói, tôi thấy vui vui. Vậy là các
em đã tin sái cổ tôi là anh họ của Phương rồi!
Tôi không dám nhận là bạn học của Hồi vì như
vậy em sẽ phát hiện đơn vị tôi ở quanh đây, việc hỏi đường ban nãy là giả vờ trắng
trợn! Rồi suy ra tôi nhận bừa chứ không phải anh họ của Phương thì bể mánh. Thế
rồi tôi cố ý đạp xe nhanh hơn để em và tôi tách hẳn với người bạn cùng đi, tạo cơ
hội nói chuyện riêng. Không nhớ hồi đó tôi tán những gì mà có lúc em cười như nắc
nẻ. Có vài lần em phải tì nhẹ vào lưng tôi để ngồi cho vững! Tay lái của tôi
sáng nay sao tệ quá, cứ thấy ổ gà là không tránh được! Đã mấy lần làm em chao đảo,
phải ôm nhẹ eo tôi! Chưa hết những điều muốn tìm hiểu về em thì đã tới huyện rồi.
Năm, sáu cây số sao hôm nay ngắn quá! Hảo nói tôi đi chậm lại chờ người bạn đi
cùng.
Qua cửa hàng ăn, hai em rủ tôi vào ăn tạm
cái gì đã. Í... Chết cha rồi! Bảy cái túi "sỹ quan" của tôi (bốn túi áo,
ba túi quần) chỉ có năm hào bạc - tiền phòng hờ vá xe đạp, lấy gì đãi hai em?
Dù là bát phở bốn hào hay bánh rán một hào ba cái. Tôi nhanh trí nói dối để
đánh bài chuồn:
-
Ấy chết! Anh có cuộc hẹn làm việc
với Huyện đội mất rồi!
Tôi lại
kéo tay áo "khoe đồng hồ":
-
Anh chỉ còn mười phút thôi, các
em cứ vào trước, xong việc anh ra ngay!
-
Ơ, hôm nay là chủ nhật cơ mà
anh? - Lan nói có vẻ nài nỉ.
-
Thời chiến, bộ đội bọn anh đâu
có chủ nhật như các em!
Nói xong tôi chào hai em, rồi "sỹ
quan" lủi mất! Đạp xe loanh quanh ở huyện đội chừng mười lăm phút, lại thấy
tiêng tiếc, bụng bảo dạ "không thể bỏ lỡ thời cơ!", tôi liền quay lại
cửa hàng ăn. Thấy hai em đang ngồi ăn phở, tôi đi lại chào hai em và ngồi xuống
ghế. Tôi bịa ra người cần làm việc với tôi bận, hẹn nửa giờ nữa mới về.
-
Anh ăn phở nhé! - Em Hảo xinh
xinh nói và định đứng lên.
Không bỏ lỡ cơ hội vàng...! Tôi nhẹ nhàng nắm
bàn tay mềm mại, nhỏ nhắn của em... không biết để giữ em lại hay kéo em ngồi xuống...
hay là gì nữa...? Tôi nghĩ chắc em trả công đèo em năm sáu cây số đây? Nhưng ai
lại để em đãi mình, phải ga-lăng chứ!
Giật mình vì cầm tay em hơi lố... tôi đành rời
nhẹ tay em... Rất ngọt ngào:
-
Anh ăn sáng rồi, để anh xem có
món gì ngon nhất đãi hai em!
Ấy là nói cho sang, chứ chả lẽ nói thật:
Sáng anh đã nhá cục bột mì luộc, nhân mọt ở nhà bếp rồi thì ngượng chết!
Nói rồi tôi ra quầy, đứng khuất sau quầy
hàng, sờ hết túi áo rồi túi quần, mãi mới tìm thấy tờ năm hào. Tôi hào phóng
mua liền chín cái bánh rán mất ba hào mang lại mời các em cùng ăn, còn hai hào
để phòng vá xe vậy! Gọi là bánh rán cho oai, chứ chỉ là bột mỳ rán, không có
nhân, mỗi cái to bằng trôn bát ăn cơm!
Thời đó ở cửa hàng ăn, mua cái gì là
"tiền trao cháo múc" và tự phục vụ nên tôi biết hai bát phở của hai
em ăn, các em đã trả tiền rồi. Đi ngoài đường đã nhìn thấy cái bảng đen thực
đơn của cửa hàng với dòng chữ nguệch ngoạc bằng phấn trắng to tướng trước cửa:
"Có:
Phở - bốn hào,
Bánh rán – một hào ba cái."
Cửa hàng cũng chỉ có hai món đó nên tôi mới
dám mạnh mồm "xin đãi" hai em món ngon nhất!
Vừa ăn, tôi vừa tìm hiểu tiếp lý lịch trích
ngang của hai em. Hai em nhà ở Văn Điển, cùng học cấp ba trường Việt Ba (trường
PT Việt Nam Ba Lan hữu nghị)
Ăn đến cái bánh thứ hai thì một anh thanh
niên khá lịch lãm xuất hiện. Em Lan nói như reo:
-
Anh Hiền! Anh ra đón bọn em hả?
Anh ta cười rất tươi, gật đầu. Thấy tôi ngồi
cùng bàn với hai em, nụ cười tươi trên đôi môi anh ta vụt tắt. Đôi mắt nhìn tôi
như muốn hỏi: "Mày là thằng nào vậy?".
Lan vui vẻ giới thiệu với tôi:
-
Đây là anh Hiền! Anh trai em,
phụ trách Bưu điện huyện, là người...!
Lan bỏ lửng, liếc nhìn Hảo và giấu nụ cười...
tế nhị... Hảo có vẻ bẽn lẽn nhìn tôi. Thấy em gái xởi lởi, nét mặt anh ta tươi
trở lại.
Lan không giới thiệu tôi với anh của Lan, chắc
Lan không quen nói dối như tôi, vả lại có Hảo ngồi đây, nói dối làm sao được!
Chẳng lẽ Lan lại nói thật:
-
"Con bò lạc" dễ
thương này em vừa bắt được ở dọc đường!
Lan không giới thiệu tôi với anh của Lan là
phải, để anh ta tự hiểu...
Tôi thất vọng và hơi ngường ngượng... Một
làn gió lạnh đầu mùa phả qua mặt làm tôi chợt tỉnh. Tôi bắt tay anh ta và nói
vài câu xã giao cho phải phép. Bỏ giở chiếc bánh đang ăn, tôi viện lý do phải
đi làm việc và chào ba người rồi đứng dậy. Lan nhìn tôi ánh mắt như muốn nói điều
gì...
Đạp xe thật nhanh, tôi về thẳng nhà. Thế là
mất toi ba hào bánh rán! Lại phải còng lưng đạp xe mấy cây số đèo em. Đúng là
"dã tràng xe cát"!
Tôi tự an ủi: "Thôi, thế cũng còn may!
Chứ đúng dịp được về nhà mới lên, "sỹ quan" lần túi áo mẹ xin được một,
hai đồng thì hôm nay còn mất thêm tám hào - hai bát phở cho các em, chắc gọi là
"phí làm quen"! Mà tôi chưa bao giờ có ý thức và sẵn sàng cho loại
phí này ngoài phí vá xe đạp của mình!
Mất ba hào nhưng học được bài "phí làm
quen" cũng hay hay! Học phí bài này có khi là quá rẻ! Cởi áo "sỹ
quan" treo ngay ngắn trên mắc, chú lính binh nhì ngồi ngắm áo rồi tủm tỉm
cười một mình, thì ra... "tuy một mà hai!".
Sài Gòn, 30/08/2013
Đỗ
Thành Hưng, B5-C213
Sdt: 0908106399
(Học sinh trường Trỗi chúng tôi ba năm đầu binh
nhì; hai năm cuối binh nhất; ra trường không đủ một tuổi quân trước khi vào học
nên đồng loạt nhận chuẩn uý và một năm sau mới lên thiếu uý).
TRUY
TÌM "ÔNG ANH HỌ"
Mải miết ôn bài để kiểm tra mấy môn học giữa
kỳ. Tôi đã quên dần chuyện "phí làm quen" của hai tuần trước.
Sáng chủ nhật, tôi mang xe đạp ra lau chùi rồi
để ngoài sân cho khô ráo. Ngồi bệt ở ngoài hiên, tôi ngắm xe xem còn chỗ nào
chưa vừa ý. Trời đã bắt đầu lành lạnh, từng cơn gió bấc nhè nhẹ tràn về làm xào
xạc hàng cau trước sân nhà. Bất giác tôi nhìn lên, mấy tàu cau non vươn thẳng
như đùa giỡn mỗi khi làn gió bấc tràn qua. Có tiếng chân đi từ ngoài ngõ vào,
nhìn ra tôi thấy Ngô Gia Hồi tới. Hồi lên tiếng:
- Hiền thế? Chủ nhật không đi chơi đâu hả
Hưng?
- Lớp tớ đang ôn thi hết môn, tuần sau mới rảnh
ông ạ!
Hồi ngồi xuống cạnh tôi, hai thằng nói chuyện
tầm phào một lúc. Hồi khen xe tôi đẹp rồi đứng dậy ra cầm ghi đông lắc lắc,
búng búng mấy cái vào khung xe.
- Xe thống nhất loại một có khác, tiếng kêu
nghe trong ghê, xe chắc chắn thật. Xe của Hưng đăng ký ở Hà Nội à? Q-067 này!
- Ừ! Xe của ông "Khốt" để lại đấy.
Ông ở Tổng cục chính trị mà! Thế xe của Hồi đâu mà đi bộ?
- Xe tớ hỏng líp chưa sửa được, cho tớ mượn
xe chạy ra chợ tí nhé?
- Ừ, đi đi!
Hồi nháy mắt chào tôi rồi dắt xe đi. Tôi vào
nhà lấy sách vở ôn bài. Mãi đầu giờ chiều Hồi mới mang xe trả. Hồi nói:
- Về lâu rồi, lúc sáng ra chợ Lồ mua con cá
mấy thằng tớ cải thiện bữa chủ nhật. Ăn rồi nghỉ trưa, bây giờ mới trả xe ông
đây.
- Trả lúc nào chả được, mình có đi đâu đâu,
đang ôn thi mà!
- À, Hưng ơi! Sáng chủ nhật tuần sau bọn
mình đi xuống trại cá giống xem cá chép đỏ, chép vàng cực đẹp. Có con hơn hai
ký lô ông ạ.
- Ông nói sao chứ làm gì có cá chép màu đỏ,
màu vàng? Từ bé tới giờ tớ chỉ thấy cá chép đen trắng, chưa thấy cá chép màu
bao giờ.
- Ở Trung Quốc tớ thấy đầy! Trại cá mới mang
giống về đấy.
Rồi Hồi khích tôi:
- Phải "đi một ngày đàng mới học được một
sàng khôn", ông ạ!
- Ừ! Đi thì đi, có xa không?
- Đạp xe không quá nửa tiếng.
- Đồng ý! - Tôi trả lời quả quyết.
Hồi chào tôi rồi ra về.
Đúng hẹn, Hồi đạp xe tới rủ tôi đi. Mỗi thằng
một xe, chúng tôi đi về phía cuối xã rồi lên đê sông Cà Lồ, cứ đi dọc theo đê,
tôi và Hồi đi song đôi, vừa đi Hồi vừa kể về mối tình của Hồi và Phương.
Bây giờ tôi mới biết bố của Hồi và Phương là
bạn chiến đấu thời chống Pháp. Hai cụ là bạn tù, đã mấy lần vào tù, ra khám. Sống
chết có nhau, tình đồng chí, đồng đội đã gắn kết hai cụ còn hơn anh em ruột thịt.
Hai cụ đã hứa với nhau sẽ là thông gia nếu còn sống trở về. Tình yêu của Phương
và Hồi là kết tinh của tình đồng chí, đồng đội thuỷ chung, son sắt, của những
con người quả cảm, một lòng vì cách mạng. Một mối tình quá đẹp và đáng trân trọng
biết bao.
Vừa tò mò, vừa cảm động khi nghe Hồi kể về
tình yêu của mình. Tôi thầm cầu chúc cho tình yêu và hạnh phúc của hai bạn sẽ
đơm hoa kết trái, mãi mãi dài lâu, thuỷ chung như tình đồng chí, anh em của hai
cụ.
Mải nghe chuyện của Hồi, hai chúng tôi tới một
làng ven đê mà tôi không biết là đâu. Tôi hỏi Hồi:
- Đi đâu nữa? Còn xa không Hồi?
- Đến rồi! Chỗ hàng cây dâm bụt đó.
Hồi nói rồi chỉ tay về phía trước và tủm tỉm
cười. Tôi chột dạ:
- Mày đưa tao đến chỗ Phương phải không?
- Ừ! Chủ nhật đi chơi một tí cho thoải mái,
chứ mày cứ ru rú xó nhà học suốt nó mụ đầu ra đấy.
- Nhưng chiều mai lớp tao phải thi môn Nguyên
lý máy, tao ôn chưa xong.
- Vào chơi một chốc, chừng một tiếng là về,
được không? Thôi vào đi!
Hồi đẩy tôi đi trước. Thế là tôi rơi vào thế
"chẳng đặng đừng" không thể thoái lui. Tôi linh cảm thấy có gì đó
không bình thường. Tôi nghĩ thầm "vào thì vào, sinh viên đại học Kỹ thuật
quân sự có ngán gì! Cần thì giở bài "cuội" là xong!". Hai chúng
tôi dắt xe vào, dựa xe bên gốc cây cau trước sân. Trong nhà, hai em chạy ra, em
ra trước có vẻ lễ phép:
- Em chào anh Hồi!
Rồi khẽ gật đầu, lý nhí chào tôi. Cô bạn ra
sau tươi cười, niềm nở:
- Em chào anh Hưng!
Em không chào Hồi mà chỉ nhìn âu yếm rồi đon
đả mời hai anh vào nhà. Thấy thái độ hai em khác nhau, tôi nhận ra ngay em ra
sau là Phương. Cái cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp Phương: Phương là một người
con gái đẹp, một cái đẹp rất thánh thiện. Từ phong thái, lời nói và con người
Phương toát ra một sự đài các, kiêu sa nhưng kín đáo, thông minh và lanh lợi.
Tôi mừng cho Hồi có người yêu là một cô gái "tài sắc vẹn toàn".
- Anh Hồi pha nước cho em đi! - Phương giục
Hồi.
Tôi tìm cách chủ động cho lần gặp gỡ đầu
tiên:
- Phương ở đây có hai chị em thôi à? Bác chủ
nhà không có nhà hả Phương?
- Vâng! Mỗi nhà chúng em ở có hai đứa. Hai
bác chủ nhà ra đồng cả rồi. Mà sao anh Hồi chưa giới thiệu, anh đã biết em là
Phương?
Tôi lên giọng kẻ cả, tỏ ra người sành sỏi
ngoại giao:
- Nhìn thái độ là biết chứ cần gì phải giới
thiệu!
- Các anh tinh thật đấy. Sinh viên đại học kỹ
thuật quân sự có khác!
Tôi thấy vui vui trước lời khen có vẻ thán
phục của Phương và thầm nghĩ: đấy là em chưa biết tài bẩm sinh của tôi là
"nói như cuội". Em mà biết thì phải phục lăn chứ chẳng chơi!
Hồi mang nước ra bàn và chúng tôi ngồi uống
nước. Tôi và Hồi ngồi một bên, Phương và bạn ngồi một bên. Phương giới thiệu bạn
của mình rồi giới thiệu tôi với cô bạn của Phương. Qua mấy câu chuyện tầm phào,
nửa thân mật, nửa xã giao, Phương nhìn Hồi và tôi rồi nói:
- Bọn bạn em đứa nào cũng ngưỡng mộ sinh
viên đại học kỹ thuật quân sự lắm đấy. Chúng nó cứ tị với em "Phương may mắn
có anh Hồi", cậu nhớ giới thiệu cho bọn này làm quen với bạn anh Hồi nhá.
Nghe Phương nói, sự kiêu hãnh dâng tràn
trong tôi. Còn Hồi không nói gì, chỉ cắn hạt dưa và tủm tỉm cười. Phương nói tiếp:
- Mấy tuần trước em có hai đứa bạn đi chơi về
khoe: bọn tớ xuýt "tóm" được một anh bộ đội "sỹ quan" hẳn
hoi, trẻ, đẹp trai, da trắng, cao cao, môi đỏ tươi như môi con gái, nói chuyện
dẻo như kẹo. Nhưng chưa đâu vào đâu thì anh ta chạy mất. Tiếc ơi là tiếc!
Nghe vậy tôi hơi giật mình, chả lẽ là chuyện
của mình...? Tôi trấn tĩnh để đáp lại lời Phương.
- Bộ đội thì đầy, sinh viên bưu điện nhặt
đâu chẳng được!
- Ứ!... Không dễ đâu anh, phải là bộ đội đại
học như các anh cơ. Em nghe anh Hồi em kể về anh và mấy anh nữa, em kể lại cho
chúng nó nghe, chúng nó khoái lắm, cứ đòi được làm quen với các anh đấy.
Tôi giả bộ khiêm tốn:
- Bọn anh toàn những đứa dở hơi thôi em ạ,
quen làm gì!
Nói rồi chúng tôi cùng cười. Phương bảo bạn:
- Loan ơi! Cậu lấy bánh mời anh Hồi và anh
Hưng ăn đi, quên mất!
Phương lấy kéo, vừa nói chuyện vừa cắt đôi từng
chiếc bánh rán ở trong đĩa. Thấy đĩa bán rán tôi đã nhột nhột... Phương tiếp:
- Bánh rán bột nếp nhân đậu xanh hẳn hoi. Em
và Loan vừa làm sáng nay để đãi hai anh đấy!
Nhìn những chiếc bánh rán vàng ươm, nhân đậu
xanh vàng tươi mà tôi đã thấy thèm quá, cố giấu nước miếng bằng cách uống ngụm
trà để khoả lấp. Tôi nghĩ: "Ước gì được ăn rồi nói chuyện gì hãy nói thì
tuyệt biết bao nhiêu". Phương lại tiếp:
- Em nghe anh Hồi nói anh Hồi và anh Hưng
thân nhau lắm?
Chả nhẽ lại trả lời Phương là: "Không
thân lắm đâu vì khác lớp". Tôi ừ đại cho xong:
- Ừ! Bạn học với nhau thì phải thân rồi!
- Đã vậy anh đồng ý cho em coi anh như người
anh trong nhà nhé?
Tôi chưa biết trả lời ra sao, thôi thì cứ ừ
bừa đi để chóng được ăn bánh đã, có gì tính sau.
- Sợ em chê, chứ được anh Hồi đồng ý thì anh
giơ cả hai tay!
Phương hỏi Hồi:
- Anh Hồi đồng ý nhé?
Hồi cười rồi gật đầu.
- Đấy nhá! Anh Hồi đồng ý rồi. Em coi anh
Hưng như người anh em họ được không?
Nghe vậy tôi thấy có gì đó không ổn rồi, chắc
tôi đang bị giăng bẫy? Chưa biết nói sao thì Phương đã cắt xong bánh, Phương đặt
đĩa bánh giữa bàn, tươi cười nhìn hai chúng tôi:
- Em mời anh Hồi, em mời "anh họ"
của em ăn bánh! Bánh rán bột nếp chắc chắn ngon hơn bánh rán của cửa hàng đấy!
Tôi nghe mà ngỡ ngàng, sững người! Chết tôi
rồi! Phương đã biết hết mọi chuyện của tôi mấy tuần trước nên Phương đã chủ động
làm bánh rán đãi tôi. Vậy là tôi đã bị Hồi và Phương cho vào bẫy mất rồi! Cầm
miếng bánh Phương đưa mà tôi không biết làm gì, chỉ còn thấy mùi thơm của bánh
rán toả ra. Tôi đỏ mặt vì xấu hổ. Nghĩ tới câu chuyện "cuội" của tôi
mấy tuần trước, nay Phương đã biết tỏng rồi! Thấy tôi ngồi ngây ra, Phương giục:
- Kìa anh Hưng, ăn bánh đi anh!
Tôi ngượng ngùng cắn một tí, chẳng còn thấy
cái thơm, cái ngậy, cái ngọt của bánh rán nếp là gì.
Tôi trở nên đần độn, vụng về, chưa biết cách
gì đối phó. Cái kiêu hãnh của tôi tan biến đâu rồi? Tài bẩm sinh "cuội"
của tôi cũng không kịp chỉ đường mách lối. Phương và Hồi thấy tôi ngồi ngây ra,
hết đường chống đỡ. Chắc không nhịn cười được nữa, Phương và Hồi cùng phá lên
cười làm tôi càng xấu hổ và lúng túng. Hồi ôm lấy tôi vừa cười vừa nói:
- Bọn tớ đùa tí thôi, tuổi trẻ mà, phải thế
mới vui, đời sinh viên đang đẹp ông ạ!
Tôi xấu hổ nhưng không biết chống chế thế
nào nên cũng phải cười theo. Em Loan cũng cười chúm chím. Rồi chúng tôi ăn
bánh, hỏi chuyện học hành của nhau. Thấy đã lâu lâu, tôi bấm Hồi, Hồi nói:
- Thôi! Bọn anh về đây! Mai có kiểm tra phải
về ôn bài, lần khác tới chơi lâu hơn nhá!
Phương vẫn chưa tha cho tôi, vừa tủm tỉm cười, Phương vừa hỏi:
- Anh Hưng ơi! Mấy giờ rồi anh?
Trong khi trên tay Phương cũng có đồng hồ.
Tôi không dám kéo tay áo bốn túi xem giờ như mọi khi mà trả lời phỏng chừng để
đối phó:
- Chắc gần mười giờ rồi còn gì! Bọn anh về
nhá!
Phương tiễn hai chúng tôi lên tận bờ đê mới
chia tay. Phương còn lèo thêm một câu như cảnh cáo:
- Anh Hưng biết trường Việt-Ba không? Tiếc
quá! Hôm nay hội trường, Lan và Hảo về dự rồi, không tới chào anh được. Hẹn lần
sau anh Hưng nhé! Đường khó đi, hai anh đi cẩn thận, không rơi xuống ổ gà là
ngã đấy!
Nói xong, Phương cười rất tươi, vẻ đắc thắng,
rồi giơ tay vẫy vẫy và gật gật đầu tạm biệt, nửa như chọc tôi, nửa như khuyến
khích...
Tôi đỏ mặt, cười trừ rồi chào Phương.
Trên đường về tôi trách Hồi:
- Ông chơi tôi ác quá! Làm tôi chết đứng,
không biết ứng phó, xoay sở làm sao!
Hồi lại cười phá lên và nói:
- Chuyện vui, đời sinh viên mà! Có gì đâu!
Có khi lại là một kỷ niệm đẹp đấy ông ạ!
- Thế sao Phương biết chuyện này của tớ? Tớ
đã kể cho ai nghe đâu?
- À... Thế này: Lan và Hảo hỏi Phương có anh
họ là bộ đội không? Phương không có anh họ nào là bộ đội ở độ tuổi hai mươi,
hai mốt như các em tả. Tụi sinh viên nữ nó tinh lắm. Nó nói với Phương: nhìn
anh ta bọn mình đoán ngay là bộ đội học trò rồi! Dù khoác cái áo bốn túi nhưng
không che được cái mặt búng ra sữa! Da dẻ thì trắng, môi đỏ tươi,... chắc chắn
là bộ đội trong nhà chứ không phải là bộ đội ngoài trận địa dãi nắng, dầm mưa.
Bọn mình đang nghĩ cách làm quen thì anh ta lại làm quen trước. Nhận là anh họ
của Phương, lại không nói đủ họ tên em gái nhưng biết rõ người yêu của nó là
Ngô Gia Hồi, thì chắc chắn là cùng học với anh Hồi rồi! Chúng tớ biết thừa anh
ta hỏi đường là kiếm cớ làm quen. Chứ bộ đội "sỹ quan" gì thời chiến
mà lại không biết đường từ nơi đóng quân về huyện? Quần áo thì sạch sẽ, mới
toanh, giầy đen bóng loáng! Chủ nhật chắc đi chơi đây! Được cái nói năng lưu
loát, dễ thương! Lúc anh ta từ chối vào ăn là tớ biết anh ta kiếm cớ chạy làng.
Cơ quan huyện chả ai làm việc ngày chủ nhật, trừ người trực. Mà trực để giải
quyết việc quân sự thời chiến. Anh ta thì đi tay không, ăn mặc tươm tất như đi
dạo phố! Cái mặt thì non choẹt, nhìn là biết không phải lính trận mạc rồi!
Nhưng anh ta cũng khôn, biết để ngỏ cửa còn quay lại: " xong việc anh ra
ngay"!
Vào cửa hàng ăn, tớ và Hảo bảo nhau:
"chỉ tí nữa thôi là anh ta quay lại đấy!" thì y như rằng...!
Lúc anh ta ra quầy, lại đứng khuất sau quầy
hàng, mình lén ra coi thấy anh ta đang lục túi tìm tiền, nhìn mà buồn cười quá!
Về bàn ngồi, mình nói với Hảo:
- Mình sắp được ăn bánh rán mì rồi!
Một lúc sau anh ta hồ hởi mang mấy cái bánh
rán vào. Bọn mình cứ để yên xem anh ta diễn tới đâu... Thì ra sinh viên đại học
kỹ thuật quân sự cũng ngù ngờ, nhút nhát thật, Phương ạ! Thấy anh ta có vẻ có cảm
tình với Hảo, khi anh Hiền mình tới, mình nói bỏ lửng một câu thăm dò bản lĩnh
anh ta, thế là "thần hồn nát thần tính", anh ta tìm cớ thối lui. Mình
định nói là đùa để anh ta khỏi sợ, chưa kịp nói thì anh ta đã đứng dậy bỏ chạy
mất tăm! Anh Hiền đã gần bốn mươi rồi mà anh ta không biết suy luận gì cả, là
người... anh cả hay anh hai, anh ba của tớ thì sao? Nhưng anh ta quên mất rằng
cái xe đạp thống nhất, biển số Q-067 là "dấu lông ngỗng" của
"chàng Mỵ Châu" còn để lại! Cậu nói anh Hồi tìm bằng được "ông
anh họ" của cậu cho chúng tớ nhé!
- À...! Ra thế! Nên chủ nhật trước ông xăm
soi biển số xe rồi mượn xe tôi phải không? Nói dối là đi chợ!
Hồi cười to:
- Chứ gì nữa! Tớ đạp xe xuống chỗ Phương,
hai em Hảo và Lan thấy xe ông là cười ngất vì tớ tóm được "cuội" rồi!
Tôi lại trách Hồi:
- Biết được rồi thì thôi! Sao hôm nay ông lại
"giải" tôi đi gặp Phương mà không nói trước? Để chịu thất thủ ngay từ
cú ra đòn đầu tiên của Phương, mình không nói gì được!
- Nói trước để ông từ chối à! Phương nhất định
bắt tớ phải tìm cách "dẫn giải" ông tới để Phương xem mặt "ông
anh họ" đẹp trai cỡ nào mà Lan và Hảo nó khen nức nở! Nhân tiện xem
"tài" ứng phó của "cuội" ra sao đấy!
Thế mà bấy lâu nay tôi cứ tưởng bọn sinh
viên đại học kỹ thuật quân sự chúng tôi là nhất! Các em chỉ là những cô "cừu
non". Dù nói thật hay "cuội" thì các em cũng tin sái cổ! Thì ra
bọn tôi mới là những "chú cừu" ngù ngờ nhất! Bấy lâu nay chỉ toàn tự
huyễn hoặc mình, tự kiêu, tự đại trước các em. Tôi hỏi Hồi:
- Sao các em mới học năm thứ nhất mà tinh
ranh, sắc sảo vậy Hồi? Họ phân tích và nhận định về chỗ sơ hở của tớ là quá
đúng! Mình không thể ngờ được mình sơ hở như vậy!
- Ông ơi! Va chạm cuộc sống thì các em là
năm thứ ba, thứ tư đấy. Bọn mình mới là năm thứ nhất thì có! Đây nhá: bốn, năm
năm nay, bọn mình ở trường quân đội, toàn ở rừng, ở rú, có được thường xuyên tiếp
xúc với cuộc sống đâu. Nghỉ phép một tháng, chưa kịp hết nhớ mẹ thì lại về trường
rồi. Những bài diễn của ông hôm trước là xưa rồi! Đó là bài của mấy cậu học
sinh đang tập toẹ! Bọn con gái nó tinh ranh hơn bọn con trai tụi mình nhiều!
"Nhìn mặt" là họ "đặt được hình dong" ngay. Không "cuội"
được đâu!
Tôi gãi đầu và tiếp lời Hồi:
- Ừ! Thảo nào bây giờ tớ mới biết có cả
"phí làm quen"! Đúng là mình khù khờ, ngớ ngẩn thật!
Nói rồi hai chúng tôi cùng cười.
Ngày tháng trôi qua, vào năm thứ tư chúng
tôi lại chuyển đi nơi khác. Mải mê vào học những năm cuối, rồi thi tốt nghiệp, ra
trường mỗi đứa một nơi, chiến tranh, khó khăn trong cuộc sống, lại khác ngành
nghề, rồi lo công, lo việc, lo gia đình… nên tôi và Hồi, Phương không có điều
kiện liên lạc gì với nhau nữa.
Bốn mươi lăm năm sau, viết lại kỷ niệm này,
tôi nhớ tới họ và liên lạc qua điện thoại.
Gặp Phương. Nghe tôi tự giới thiệu về mình,
Phương nhận ra ngay. Kỷ niệm cũ ùa về, vẫn với giọng cười hồn nhiên và tinh
quái, dù đã ở cái tuổi lưng còng, tóc bạc, răng long cả rồi! Chúng tôi ôn lại kỷ
niệm thời sinh viên hồn nhiên, ngây ngô và ấu trĩ... nhưng thật đáng yêu, đáng
nhớ! Phương hứa sẽ chuyển lời hỏi thăm của viên "sỹ quan binh nhì"
"thích ăn bánh rán"năm xưa tới Hảo và Lan ở lần họp lớp tới. Nói lời
tạm biệt, dù giọng nói không còn trong trẻo, tròn trịa như xưa, nhưng Phương vẫn
không quên chọc tôi: “Phem phào "phông phanh phọ" phủa phem!” (tạm dịch
là: Em chào "ông anh họ" của
em).
Sài Gòn, 18/09/2013
Đỗ Thành Hưng, B5-C213
Sdt: 0908106399
Phương đã giữ đúng lời hứa
với tôi, hôm 17/08/2014 lớp Phương họp mặt. Phương đã trao cho Hảo và Lan bài tự
thú của tôi và tôi đã được gặp họ qua điện thoại.
Vậy là ông lão 68 đã gặp lại
bà lão 65 để nghe lại điệu cười như nắc nẻ ngày xưa...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.