Phạm Tiến Duật. “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”
Tốt nghiệp ra trường tôi còn được
học thêm một khóa đào tạo lái xe 3 tháng ở Trường 255 (Sơn Tây) rồi mới về Khoa Xăng-Xe, Học Viện Hậu Cần làm công
tác giảng dạy. Cùng về Học viện Hậu Cần còn có Đức Cường lớp súng-pháo được
phân công về Khoa Khoa học cơ bản và Kỹ
thuật cơ sở.
Khoa Xăng-Xe đào tạo sĩ quan kĩ
thuật cho 2 chuyên ngành xăng dầu và xe máy (xe bánh hơi, bánh xích và cả máy
nổ) nên đã được tách thành hai khoa riêng biệt: Khoa Xăng dầu (thường gọi tắt
là K10) và Khoa Xe-Máy – K9. Tôi ở lại K9, và được coi là giáo viên trẻ trong
khoa mặc dù tuổi đời cũng gần “băm”.
Tính là trẻ cũng phải vì giáo
viên trong khoa không có ai ít tuổi hơn tôi. Theo nghĩa bóng thì tôi cũng chưa
từng cầm phấn đứng trên bục giảng ở cương vị giáo viên. Học viên của Học viện
Hậu Cần, về mặt chuyên môn kĩ thuật chỉ ở mức “cao đẳng”, khi ra trường sẽ làm
công tác chỉ huy tham mưu kĩ thuật ở đơn vị. Cũng là môi trường đào tạo sĩ quan
kĩ thuật nhưng có lẽ, kiến thức mà chúng tôi – những học viên khóa I của Học
Viện Kỹ Thuật Quân Sự (HVKTQS) được trang bị còn nhiều khác biệt với nội dung,
chương trình đào tạo ở đây – Học viện Hậu Cần (tôi chỉ nói “khác” ở tiêu chuẩn
“chuyên” trong “hồng và chuyên”). Chính
vì vậy mà tôi càng “trẻ”.
Chúng tôi được đào tạo có vẻ “hàn
lâm” hơn. Tính tích phân hai lớp, ba lớp; lấy đạo hàm “đê thẳng, đê còng” nhoay
nhoáy; giải các bài toán cơ vèo vèo nhưng chỉ một việc đơn giản là dùng tuôc-nơ-vít để kiểm tra xem chiếc máy phát
điện một chiều của ô tô có phát điện hay không cũng chịu. Cả 5 năm học ở trường
chỉ một lần duy nhất lớp ô tô chúng tôi
được đứng vây quanh đầu chiếc xe GAZ-51 tại khu 125 để xem giáo viên giới thiệu
cách đặt lửa cho xe! Thực ra, học các thao tác để kiểm tra, đánh giá tình trạng
kĩ thuật và bảo dưỡng ô tô không khó. Bằng chứng là các giáo viên trong tổ Bộ
môn “Bảo dưỡng và sửa chữa” của K9 thời đó mới chỉ học hết lớp 7; có một vài
người đang học bổ túc buổi tối chương trình cấp III ban đêm nhưng kĩ năng dạy
về bảo dưỡng ô tô thì rất thành thạo. Tôi là kĩ sư duy nhất của tổ này nhưng
giai đoạn đầu cũng chỉ là học trò của các anh trong tổ. Biên chế của K9 còn một
tổ Bộ môn nữa là tổ “Cần vụ, Nghiệp vụ”- tổ bộ môn rất quan trọng của Khoa
(giáo án của giáo viên trong bộ môn phải được duyệt, thông qua ở cấp Nhà
Trường) nhưng cái tên của nó cũng làm tôi bỡ ngỡ: Nghiệp vụ thì còn có thể hiểu; nhưng Cần vụ? Ở HVKTQS lúc đó chưa dạy môn này (Cần vụ) mà sau này được gọi là Công tác
đảm bảo kĩ thuật cho các đơn vị trong chiến đấu của ngành xe.
Một kỉ niệm về sự bỡ ngỡ, non nớt
khi mới ra trường về làm việc ở K9 mà sau này tôi không thể nào quên. Về sau,
mỗi khi có dịp, tôi vẫn kể lại chuyện này với mọi người, thậm chí, cả cho sinh
viên của tôi để làm bài học.
Lúc mới về K9 tôi chưa có việc gì
chính thức nên anh Vũ Văn Phụ, Chủ nhiệm Khoa giao cho tôi vẽ một số cụm chi
tiết để có cơ sở trình xin vật tư về làm học cụ. Tôi cặm cụi vẽ rất cẩn thận,
nét khuất, mặt cắt, nét đậm nét mảnh, khung tên…bằng bút chì đúng như đã được
học ở trường. Đi ngang qua thấy tôi vẽ mấy ngày vẫn chưa xong anh ấy chê. Cũng
được. Muốn nhanh, tôi vẽ bằng tay! Chỉ chưa đầy nửa ngày tôi đã vẽ xong tất cả
và đưa trình chủ nhiệm khoa. Lại bị chê là bẩn. Không thể nộp một bản vẽ nguệch
ngoạc như thế cho Phòng Vật tư được. Chỉ cần sử dụng giấy “năm hào hai”, bút mực và thước kẻ vẽ
cho ngay ngắn là được. Anh Phụ hướng dẫn như vậy. Tôi vẫn cho là mình đúng bèn
giở sách Vẽ kĩ thuật, lật tìm trang có điều quy định: “Kĩ sư được vẽ bằng tay”
để thanh minh, liền bị anh mắng cho một trận. “…Vứt m…nó cái kĩ sư của cậu
đi!”. Chắc lúc đó anh giận tôi lắm. Còn tôi thì mất mấy ngày sau vẫn tìm cách
tránh mặt anh. Nhưng khổ cho tôi, thật khó tránh vì lúc đó cả Khoa chỉ ở chung
trong có vài nhà kiểu lán trại, cách nhau mấy bước chân, ăn cơm chung ở bếp tập
thể. Giờ kể lại cho anh chuyện này chắc
anh đã quên nó từ lâu. Với tôi thì đó là bài học nhớ đời, bài học về sự ngây
thơ và cứng nhắc.
Anh Phụ là người nóng tính, thẳng
thắng nhưng không để bụng. Sau này, chính anh là người đã cử tôi đi học để thi nghiên cứu sinh. Tôi còn
được biết, lúc tôi sắp tốt nghiệp về nước anh đã nhiều lần lên Cục Cán bộ để
xin cho tôi về Trường Trung Cấp Ô tô, nơi anh đang là Hiệu Trưởng.
Đầu năm 1972 ta đang đánh mạnh ở
mặt trận phía Nam. Để công tác giảng dạy
trong nhà trường theo kịp được với thực
tiễn chiến trường, Học Viện Hậu Cần đã cử nhiều đoàn cán bộ, giáo viên đi thực
tế chiến trường. Khoa Xe-Máy cũng cử anh Lê Văn Tiến, một giáo viên kì cựu của
tổ Bộ môn “Cần vụ, nghiệp vụ”, chuyên
dạy môn Cần vụ vào mặt trận B5 công tác.
Tôi được cử đi cùng anh vào làm trợ lí Phòng Xe, Cục Hậu Cần Bộ Tư Lệnh B5 với tinh thần là đi thực tế
chiến trường để rèn luyện, sau này có đủ bản lĩnh khi đứng trên bục giảng.
Tôi được cử đi B có thể còn
nguyên do khác. Một tối, tổ đảng bộ môn Bảo dưỡng sửa chữa họp có sự tham dự
của bí thư đảng ủy Khoa, thiếu tá Nguyễn văn Lý, người Khu 5 tập kết. Bí thư
hỏi tôi:
-
Đồng chí Nước có thuộc bẩy nhiệm vụ của đảng viên không?
-
Báo cáo, tôi không thuộc.
-
Nhớ ý thôi cũng được. Hoặc nhớ được ý nào, nói ý ấy.
-
Thưa, ý tôi cũng không nhớ.
Tan họp, anh Lân, trưởng bộ môn
kiêm tổ trưởng Đảng ra ngoài vỗ vai tôi: “Sao lại nói thế! Không thuộc thì cũng
cứ nói bừa đi mấy câu, có sao đâu. Cậu nói thế là chết rồi!”. Quả nhiên, danh
sách đi B cùng với anh Tiến là anh Nguyễn Văn An – chuyên tu I của Học viện, về trường trước tôi
1 năm được thay bằng tên tôi. Chưa hết.
Khi vừa gặp tôi từ B5 trở về trường, bí thư Lý còn hỏi thử tôi: “Đồng chí Nước
có giấy ở ngoài này gọi ra đấy à?(!)”
Quay lại chuyện đi rèn luyện
chiến trường. Một lần, tình cờ vào lúc nhá nhem tối, khi đang ngồi làm việc tại
bộ phận tiền phương của Phòng Quản lí xe B5 đặt trên một sườn đồi tại Khe Lương
thì Nguyễn Đình Thắng xuất hiện, vào liên hệ vật tư cho đơn vị mình. Thì ra số các
bạn C213 được giữ lại trường (HVKTQS) làm giáo viên cũng được đi “thử lửa”
trong dịp này. Khe Lương nằm cách không xa
ngã ba Cổ Kiềng, nơi được mệnh danh là “Tọa độ lửa”, mục tiêu hủy diệt số 1 của
không quân Mĩ ở khu vực Vĩnh Linh-Cửa Tùng.
Chúng tôi ra trường vào cuối năm
1971 và rất nhiều người đã được đưa thẳng vào Miền Nam và vào Bộ Tư Lệnh 559 bổ
xung cho các đơn vị chiến đấu, như Công Sơn, Chí Hùng, Nguyễn Văn Nhự, Tùng
Sơn, Thanh Sơn, Kháng Chiến…Số còn lại được phân công công tác về các đơn vị có
địa điểm đóng quân ở Miền Bắc nhưng cuối cùng, hầu hết hơn 150 kĩ sư –sĩ quan
lớp C213 chúng tôi đều có mặt ở Miền Nam “đau thương và anh dũng” trong cuộc
kháng chiến thần kì giải phóng đất nước. Có nhiều người trong số đó đã ngã xuống,
vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường, Bùi Hữu Thích, Nguyễn Văn Vọng, Phạm Quang
Khâm…
Chiến trường là vô cùng khốc
liệt, chúng tôi đều hiểu điều đó. Nhưng thực ra phần nhiều mới chỉ là nghe từ
lời kể, qua sách báo, phim ảnh. Bây giờ thì chúng tôi nếm trải thực sự. Nguyễn
Thanh Sơn (Binh trạm 32) trong hồi ức của mình có viết: “ Đầu tôi tóc lưa thưa, mắt trắng dã, người gầy xác xơ, da thâm tái”
khi cậu ấy bị sốt rét quật xuống. Và “Mới
chỉ một năm trước, tốt nghiệp Đại học Kĩ thuật Quân sự (tên đầu tiên của
HVKTQS), tôi khỏe đẹp như một hoàng tử.
Vậy mà chỉ một năm sau tôi đã như một con mèo hen, yếu đuối, rụt rè…”. Cùng
nằm bệnh xá một đợt với Sơn khi bị sốt rét còn có Nguyễn Duy Chung (kĩ sư ra
đa, C313) và Nguyễn Văn Vị_Vị “lùn”, mà lúc còn đang học ở trường được bố mẹ và
các em Công Sơn rất quý. “…Ba đứa chúng
tôi dìu nhau ra suối tắm, Sơn kể tiếp, thật
khốn khổ, nước suối chỉ gần tới đầu gối, chảy chậm. Vậy mà ba chúng tôi phải
nắm chặt tay nhau dò dẫm bước trên những tảng đá, cứ như là buông tay nhau ra
thì bị suối cuốn đi mất tăm mất tích”.
Ra trường, chúng tôi chia tay
nhau ở Miền Bắc nhưng rồi lại gặp nhau ở Miền Nam. Ngoài Đình Thắng tôi còn gặp
Quang Khâm, lớp Pháo mặt đất trong một đợt tổng kết chiến dịch. Do khác chuyên
ngành nên lúc ở trường chúng tôi cũng không phải là những người chơi thân với
nhau, thậm chí có lúc tôi còn đứng về “phe” những người hay trêu chọc Quang Khâm
theo câu vè:
Quang học quang hình quang lượng tử,
Quang thừng quang chão với Quang Khâm
Vậy mà khi gặp nhau chúng tôi
mừng ơi là mừng. Nghỉ trưa, hai đứa mắc võng dưới tán cây rừng già rủ rỉ kể với
nhau đủ thứ chuyện. Đã hơn 40 năm rồi nên tôi cũng không còn nhớ rõ đã kể cho
nhau những gì nhưng chuyện không dứt. Những tia nắng buổi trưa xuyên qua tán lá
rừng già rọi thẳng lên võng, lên người chúng tôi. Xung quanh bốc mùi nồng nồng
của lá cây mục. Không có gió. Rừng im phăng phắc. Chỉ có tiếng chúng tôi rì rầm
với nhau…Tôi và Quang Khâm thổ lộ với nhau cả về sự sống và cái chết, nơi chiến
trường chúng cách nhau chỉ trong gang tấc. Và tự hỏi: “Chúng mình có sợ chết
không?” Tâm sự rồi cũng lan man đến cả vấn đề chính trị,…. Quang Khâm có nhận xét: “Những chuyện này thì
ở trường không bao giờ chúng mình dám nói với nhau cả”. Tôi gặp Quang Khâm chỉ lần
đó. Ít lâu sau nghe tin anh đã hi sinh. Anh người xương xương, hơi cao, da
trắng, dáng thư sinh.
Khi được giao nhiệm vụ đi B, tôi
và anh Tiến bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị. Trong khi chờ ngày tập trung
lên đường, để rèn sức bền chúng tôi nặn
mỗi người hai thỏi đất nặng cỡ chừng 20kG bỏ trong ba lô con cóc, chiều chiều
khoác lên lưng đi một vòng từ Học Viện, lên đê Gia Thượng, quanh Gia Lâm, tới
Cầu Đuống rồi lại dọc theo bờ đê trở về trường. Quãng đường chừng khoảng 5-6
cây số. Đã đi bộ lại còn khoác ba lô nặng nên tôi thấy ngại, vì trước đây khi
ngày đầu mới vào bộ đội tôi cũng đã từng ba lô quần áo, chiếu chăn đủ cả đi bộ
suốt từ Thanh Hóa vào Hưng Nguyên-Nghệ An mà chả tập tành một ngày nào cả cũng có
sao đâu. Anh Tiến không đồng ý, bắt phải tập như thật. Không những thế, mấy
ngày sau anh còn mở rộng cung đường, ra đến Cầu Chui không vòng ngay ra Cầu
Đuống mà còn phải quành ra đường Năm về phía Hải Phòng, tới tận xưởng May 10
rồi mới quay lại đoạn Cầu Đuống. Hai thỏi đất trong ba lô vừa cứng vừa nặng cứ
kéo siết quai ba lô vào vai, nặng trĩu. Tôi cứ phải móc hai ngón tay cái vào
quai ba lô dùng tay để nâng đỡ cho đôi vai. Lưng vã mồ hôi, ướt đầm. Cũng may,
lúc đó là những buổi chiều cuối tháng 2 đầu tháng 3 trời còn mát. Hai anh em
vừa đi vừa nói chuyện cho quên mệt mỏi. Khoảng bốn năm cây số lại ngồi nghỉ bên
vệ đường một lần.
Tập luyện được mấy ngày chân tôi
bị rộp lên. Những chỗ bị quai dép cao su cứa vào đau rát. Chiều về người mệt rã
rời nhưng vẫn phải tranh thủ ngâm chân nước nóng pha chút muối để hôm sau có thể đi tập tiếp
được. Tập như vậy mà đến khi đi vào thực tế vẫn chưa đủ. Trên đường hành quân
vào Nam, nhiều đoạn tôi mệt muốn đứt hơi. Có lần, khi đã đi được một chặng
đường quá dài rồi lại gặp ngay một bãi trống rất rộng, phải vượt qua nhanh để tránh nguy hiểm. Máy
bay địch trên cao có thể phát hiện ra chúng tôi bất kì lúc nào. Anh giao liên
luôn thúc chúng tôi phải gắng lên. (Tôi quên chưa nói, lúc này chúng tôi đã
tách ra đi riêng, chỉ còn hai anh em và người dẫn đường). Anh Tiến vẫn sải chân về phía trước, còn tôi
đi thêm một đoạn nữa thì mệt quá, quăng ba lô ngồi phịch xuống đất. Mặc! Mấy
ngày qua chúng tôi toàn đi đêm hoặc đi vào lúc xế chiều nên chưa gặp một trận
bom nào, cũng chưa một đợt máy bay quần thảo trên đầu. Có lẽ vì thế mà tôi chưa
biết sợ. Hai anh luôn động viên tôi cố lên nhưng tôi cũng chỉ cố thêm được vài
bước. Đã ba lô nặng lại thêm bi đông nước và khẩu K54 kéo xệ bên hông. Ngày ấy
đeo quân hàm sĩ quan đỏ chói với ngôi sao bạc một gạch trên ve cổ áo mà đi giữa
phố phường Hà Nội thì có vẻ oách lắm. Một cô bạn gái đã có lần nói với tôi rằng
các anh (bộ đội) trông đáng yêu lắm. Chả
thế mà lúc lớp chúng tôi sơ tán ở Tuyên Quang, mỗi tiểu đội được phát mấy khẩu
K54 không đạn để tập bắn súng, có bạn đã bắt chước các nhân vật trinh thám
trong phim, tập những động tác rất …chẳng giống ai: đang lò dò leo lên đồi bỗng
dưng quay ngoắt lại, nằm phục xuống đất, lăn một vòng sang bên và rút súng ra
chĩa về phía trước! Trông thấy thế, Đỗ Thành Hưng đã nói với mấy người trong
tiểu đội: “Thế kia mà miệng ngậm thêm con dao găm nữa thì đúng là tên biệt
kích”.
Khẩu K54 với tôi bây giờ là thêm
cái nợ. Vài lần đứng lên, được mấy bước lại ngồi xuống, nghỉ đã. Cuối cùng hai
người cũng phải chịu một người, ngồi nghỉ giữa bãi trống một lúc rồi mới đi
tiếp. Đấy cũng là những chặng cuối cùng
để đến trạm đón tiếp T75, trước khi vào phòng Xe B5.
Đường hành quân từ Bắc vào Nam
(chính xác hơn là từ ga Hàng Cỏ đến trạm giao liên T75) chúng tôi được “thưởng
thức” đủ các phương tiện giao thông thủy-sắt-bộ. Đoàn chúng tôi nhập trạm giao
liên tại ga Hàng Cỏ sau cái lần máy bay Mỹ bắn rốc két xuống quán bia ở đầu phố
Ngọc Hà-Đội Cấn vài ngày. Cũng gọi là “đoàn”, một đầu mối làm việc trực tiếp
với Giao liên nhưng chúng tôi chỉ có 2 người, anh Tiến mang quân hàm trung úy
là Trưởng đoàn và tôi. Một anh bạn ăn mặc dân sự tầm tuổi tôi, đi độc lập nên
cũng được ghép chung với chúng tôi từ Hà Nội, đến trạm giao liên Cự Nẫm thì
tách ra, đi theo tuyến Tây Trường Sơn. Anh bạn biết tiếng Thái Lan nên được Bộ
Tổng Tham Mưu cử vào làm phiên dịch cho các tù binh là người Thái Lan.
Cùng trên chuyến tầu vào Nam hôm
đó còn một đoàn khoảng sáu bảy chục các bạn trẻ vừa tốt nghiệp ở các trường Đại
học được bổ xung vào Nam, có lẽ để bổ xung cho các cơ quan dân chính hoặc chuẩn
bị cho Miền Nam sau này. Họ không mặc quân phục. Nữ thì quần áo bà ba sẫm mầu,
nam thì tôi không nhớ rõ họ được trang bị thế nào. Có điều, dép cao su đúc, ba
lô và mũ tai bèo là đồng loạt như nhau. Qua chuyện trò được biết đoàn này có đủ
các thành phần: kĩ sư các ngành, thày cô giáo,... Đông nhất có thể là các nam
nữ bác sĩ, vì họ khoe rằng “chúng tôi cứ hai người lại có một bác sĩ đi kèm”.
Tôi biết họ còn trẻ nên “nổ” thôi. Khi
biết chúng tôi ở Học Viện Hậu Cần (thời gian đó còn là Trường Sĩ quan Hầu cần),
họ còn hỏi: vào trong đó làm cần vụ à!
Đông nhất là đoàn lính bộ binh.
Toàn chiến sĩ trẻ măng mũ tai bèo, quần áo Tô Châu còn mới coóng, óng ánh, sột
soạt. Ồn ào nhất, náo nhiệt nhất và vô tư nhất cũng là đoàn này. Các chú lính
trẻ thích nói to, gọi nhau ý ới. Trêu chọc nhau rồi phá lên cười. Khi tầu chạy
họ là những người gây chú ý nhất đối với người đi đường. Như muốn nhắn nhủ với
mọi người, chào nhé, chúng tôi đi đây, vào Nam đánh Mỹ đây.
Tầu lăn bánh xuất phát từ ga Hàng
Cỏ vào quãng hơn 12 giờ trưa nhưng chúng tôi phải có mặt, lên tầu từ 10 giờ sáng.
Bố mẹ tôi thời gian này đang sống ở 35 Khâm Thiên nên tôi được về đó thăm nhà vài
hôm trước khi lên đường. Tôi tưởng 10 giờ là thời điểm khởi hành nên hôm trước
đã ra bưu điện Bờ Hồ gọi điện về cơ quan cho người yêu, hẹn khoảng hai giờ
chiều ra đón tôi ở ga Nam Định, hi vọng sẽ được gặp nhau mấy phút khi tầu dừng
bánh. Ngày đó đã có dịch vụ gọi điện bằng tiền xu. Tiếng là vậy nhưng Hà Nội cũng
chỉ có một điểm duy nhất đặt ở bưu điện Bờ Hồ. Bỏ đồng năm xu vào hộp kết nối
rồi quay số liên lạc. Tôi thao tác đến bốn năm lượt vẫn không thành công. Công
nghệ thông tin thời 70 mà! Nói khó với chị nhân viên bưu điện, cuối cùng tôi
cũng nhắn được tin bằng điện thoại nghiệp vụ của bưu điện.
Chúng tôi ngồi chung một toa với
đoàn dân chính. Khi đoàn tầu lăn bánh rời ga Hàng Cỏ thì họ thò đầu, thò tay
qua cửa sổ vẫy chào từ biệt những người không quen biết đứng ở barrier chắn tầu
đầu phố Khâm Thiên, dọc đường Nam Bộ…Lúc sau thì chuyển sang hát. Hát tập thể.
Hát những bài thời thượng lúc bấy giờ của
sinh viên các trường đại học như Thời
thanh niên sôi nổi, Chiều Maxcơva,
Ánh đèn…Cũng đây đó có người tư lự nhìn qua cửa sổ con tầu mơ màng theo
những cánh đồng, làng quê Hà Nam Phủ Lí; vài cô chụm đầu vào nhau tâm sự.
Tầu chạy rất nhanh không dừng lại
ở bất cứ ga nào, kể cả ga Phủ Lí - ga chính mà những chuyến tầu nhanh xưa nay vẫn
thường dừng vài phút. Qua Cầu Sắt, địa phận huyện Bình Lục đoàn tầu vẫn lao vun
vút thẳng tiến nhưng tôi cũng kịp chỉ cho anh Tiến ngôi đình làng Vị Hạ, quê hương
cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Chỉ còn chừng mươi lăm cây số nữa là tới ga Nam Định.
Tôi ra đứng ở đầu toa ngóng xuống con đường nhựa chạy song hành cùng đường sắt.
Đứng ở đây thì người ở dưới đường dễ trông thấy hơn, tôi hi vọng thế. Tầu vẫn
chạy nhanh và dường như không có ý định dừng lại. Lúc này khoảng 4 giờ chiều,
trời mát nhưng là thời chiến nên trên đường ít người đi lại. Tôi tập trung quan
sát lòng đường, dường như không bỏ sót bất kì một ai. Tầu đã đến Nam Định, vào
ga phụ, nơi tầu thường đỗ ở phía ngoài ga chính khoảng một hai cây số để tránh
máy bay đánh phá, không đỗ. Qua ga chính, vẫn không dừng lại! Giờ thì tôi chỉ
còn hi vọng được trông thấy cô ấy, dù chỉ là thoáng qua để hét gọi tên cô ấy lên_tôi định sẵn thế. Vẫn bặt tăm! Tầu
ra khỏi ga, tôi buồn rầu quay lại ghế ngồi. Anh Tiến cũng muốn chia sẻ với tôi:
“cô ấy không ra à?”. Đến lúc tầu dừng bánh ở một đoạn vệ đê gần Ninh Bình để
chuẩn bị vượt cầu Hàm Rồng thì tôi chắc hẳn sẽ chẳng còn gặp được người yêu
nữa. Mãi sau này tôi mới biết là cô ấy có ra đón tôi, nhưng theo lịch trình xuất phát là 10 giờ sáng từ
Hà Nội nên đã ra ga quá sớm. Cứ đạp xe từ ga chính lại vòng về ga phụ rồi lại
ga chính để hỏi xem có tầu nào sẽ qua đây
không. Là tầu quân sự, đời nào nhà ga dám nói là có. Đợi chán, cô ta bỏ về và
nghĩ rằng tôi đã dựng lên chuyện đi B để “cắt”. Thế là cô ấy cũng không đợi tôi
nữa.
Chúng tôi vượt cầu Hàm Rồng vào
lúc nửa đêm. Gọi là “vượt” vì cây cầu chỉ vừa được bắc lại sơ sài sau trận bom,
toàn bộ người phải xuống đi bộ thật nhanh trên những tấm gỗ ghép tạm sang đón
tầu ở phía đầu cầu bên kia. Còn con tầu thì chỉ dám bò qua thật chậm vì sợ sập
cầu.
Kết thúc ngày hành quân đầu tiên
chúng tôi dừng chân ở trạm giao liên, một làng nào đó mà tôi chỉ đoán là nó nằm
phía sau thành phố Vinh. Có điều thú vị là chiều tối hôm sau, khi vượt sông Lam
sang bên Đức Thọ để di chuyển bằng ô tô tôi lại được đi trên chính con đê mà
đúng 10 năm về trước (năm 1962) mình đã từng cùng đồng đội hành quân qua. Đó là
con đê, tính từ thành phố Vinh về đến chợ Tràng xã Hưng Khánh (Hưng Nguyên) dài
cỡ mười cây số. Hưng Khánh là nơi tôi đã đóng quân khi mới nhập ngũ có mặt bằng
nằm thấp dưới chân đê sông Lam. Đình Vua Lê là hội trường học tập cho cả tiểu
đoàn tân binh, còn sân đình là bãi tập thể dục buổi sáng của trung đôi 3, c1,
d2 căn cứ II Hải quân chúng tôi. Tôi bồi hồi xúc động khi đến ngã ba, lối rẽ
xuống chợ Tràng và lối rẽ vào Hưng Khánh, chỉ dăm chục mét. Vào sâu chút nữa theo con đê là nhà máy đường
Sông Lam nằm dưới chân Rú Thành, một địa danh gắn liền với tên tuổi nghĩa sĩ
đại vương Nguyễn Biểu và Bình Ngô Thành, với câu chuyện huyền thoại 3 lần đánh
Rú Thành của vua Lê Lợi.
Chợ Tràng không lớn, chỉ là lối
lên xuống của bến đò đi qua bên Đức Thọ. Năm chúng tôi đóng quân ở đây chợ chỉ
lèo tèo mấy túp lều bán các thứ lặt vặt. Đặc sản của chợ là bánh khoai và kẹo
lạc (cu đơ). Bánh khoai làm từ bột khoai lang xay nhuyễn gói bằng lá chuối khô
trong bỏ nhân đỗ đen, ăn bùi và rất ngon mà lại hợp với túi tiền 5 đồng của
lính tân binh bấy giờ. (Đặc sản của chợ là kẹo lạc (cu đơ) và bánh khoai, thứ
bánh đậm chất quê hương xứ Nghệ mà lại hợp với túi tiền phụ cấp 5 đồng của lính
tân binh bấy giờ.)? Đã có lần tôi và hai
anh bạn thân cùng tiểu đội ra đây xách mấy xâu bánh, leo lên đỉnh Rú Thành vừa
ăn vừa ngắm bức tường thành bằng đá có bề mặt rộng ước chừng 2 mét kéo từ chân
rú lên tận đỉnh. Nơi đây vẫn ghi lại dấu tích của một thành lũy thời xưa: mặt
thành phía Bắc dựng đứng, cao; phía trong tường thành thoai thoải và có những
vạt đất bằng phẳng, vuông vắn- dấu tích các điểm tụ quân. Từ ngã ba chợ Tràng
nhìn lên Rú ta vẫn có thể thấy một vệt đậm kéo dài của bức tường thành.
Thật hạnh phúc khi lần nữa lại
được xuống bến đò chợ Tràng trên đường hành quân. Tôi cảm thấy mình là một
trong những người có may mắn lớn được trải nghiệm cảm xúc của các nhà thơ, nhạc
sĩ với lời ca “còn gì vui hơn đường ra
trận mùa xuân”, hay “…có những vì sao
thức cùng ta đêm nay”…Với tôi, chuyến hành quân vào mặt trận “dẫu có nhiều
gian khổ” nhưng đầy ắp những kỷ niệm đẹp, lãng mạn. Không có “đèo dốc, sên vắt và những cơn mưa
rừng tầm tã” như nhiều người miêu tả. Chỉ sau một đêm hành quân trên những chiếc ГАЗ-63 mui bạt, gần sáng
chúng tôi đã tới Cự Nẫm. Tới đây toàn đoàn được tách thành 2 hướng: Tây Trường
Sơn và Đông Trường Sơn. Chúng tôi đi theo hướng Đông, trực chỉ Quảng Trị bằng
đường thủy.
Cự Nẫm là làng chiến đấu kiểu mẫu
đầu tiên trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, địa danh lịch sử đã
được nhắc đến trong “Bình Trị Thiên khói lửa”, ca khúc trường tồn với thời gian
của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Chống Mĩ xâm lược, Cự Nẫm lại một lần nữa là
tuyến đầu, nơi xuất phát của những đoàn quân ra trận. Nhưng với tôi, cái tên làng Cự Nẫm lúc đó chỉ thoáng qua như
địa danh của bao làng quê Việt Nam khác. Dừng chân nghỉ ngơi một đêm, lĩnh bổ
xung lương thực, thực phẩm rồi lại tiếp tục lên đường, theo đường thủy.
Nhưng tôi đã bị bất ngờ với Cự
Nẫm khi vừa xuống ca nô, xuôi theo dòng nước. Sông không rộng, hai bên bờ cây
cối mọc dày, um tùm. Nước sông xanh biếc, trong vắt như có thể nhìn được tới
đáy. Hình như con sông, người ta bảo đây là nhánh sông Son, đi xen vào chân núi
của Trường Sơn bạt ngàn nên bờ tả ngạn chốc chốc lại hiện ra những vách đá trắng,
dựng đứng, chân như chạm xuống mặt nước hoặc để lại những hõm sâu vào lòng đất,
cửa ngõ của một hang động nào đó? Đoàn thuyền xuôi dòng. Chiều tà. Yên tĩnh. Không
máy bay quần thảo trên đầu, chỉ có tiếng động cơ ca nô “gõ” đều đều. Trên
thuyền cũng không ai nói chuyện với ai. Cảnh nước non sơn thủy dường như là một
khoảng lặng trong lòng những người ra trận. “Ôi, đẹp quá!”_tôi khẽ thốt lên.
Lúc đó chưa có khái niệm du lịch,
nhưng những “tour” du lịch ngày nay chắc gì đã hơn được.
Trước khi vào đến B5 chúng tôi
còn đi bộ mấy chặng nữa. Thường đi vào buổi chiều tối để tránh máy bay và cũng
để cho mát nữa. Đất Quảng Trị về đêm có vẻ rộng ra. Sáng trăng, chi có ba người
đi trên con đường đất làm tạm rộng thênh thang. Mà sao lắm đường thế! Đi một
quãng lại thấy lối rẽ, ngã ba, ngã tư. Nếu không có giao liên chắc chúng tôi bó
tay. Anh giao liên giải thích rằng, đó là các đường tránh dành cho ô tô. Bom
đánh phá đường này thì ô tô đi vòng đường khác. Thực ra cũng chỉ có một hướng
thẳng tiến vào Nam thôi.
Đi bộ vào ban đêm dưới ánh trăng,
bầu trời đầy sao giữa vùng đồi lúp xúp, lại chỉ có ba người cũng có vẻ lãng mạn
lắm. Nếu không có chiếc ba lô nặng trĩu với khẩu súng ngắn, bi đông lỉnh kỉnh
(trừ anh giao liên đeo mỗi cái túi xách nhẹ tênh) thì đó ắt là cuộc dạo chơi
của những người nhàn rỗi. Điều thú vị hơn cả là trên bầu trời không thấy tiếng
máy bay địch nhưng thỉnh thoảng lại có bốn năm quả tên lửa của ta đâu từ nông
trường cao su Phú Quý phóng vút lên, bay thẳng vào phía Nam theo hướng chúng
tôi hành quân, rổi mất hút trong màn đêm. Mọi người đoán với nhau rằng đó là
cách thị uy của ta với kẻ địch đang hoang mang và để vững tâm thêm cho những
đoàn quân ra trận. Về sau này, tôi biết khi địch đã nống ra thành Quảng Trị và
máy bay địch quần phá ác liệt ở khu vực Vĩnh Linh, Đông Hà…thì để bắn được một
quả tên lửa không dễ. Cũng phải mất vài tuần. Một sĩ quan kĩ thuật của f367 khi
đến Khe Lương thăm chúng tôi có kể rằng các anh đã chuyển cách đánh tên lửa
theo kiểu du kích để hạ pháo đài bay B52: chọn được địa điểm thích hợp, chuẩn
bị khí tài, bệ phóng và ngụy trang chờ thời cơ và, bắn! Sau đó lại nhanh chóng
tháo dỡ và di chuyển đi nơi khác ngay trong đêm. Máy bay B52 cháy trên bầu trời
đêm như một cục lửa vo tròn lộn vài vòng rồi lao thẳng xuống đất.
Trong chuyến hành quân đầy ắp
những kỉ niệm lãng mạn không thể nào quên trong đời lính của tôi này tôi không
thể không nhắc đến một con người bình dị mà với tôi, anh là tấm gương sáng, là
những bài học đầu tiên mà tôi đúc rút được khi đi B: anh Lê Văn Tiến, trưởng
đoàn mà thành viên duy nhất trong đoàn là tôi.
Anh Tiến người tỉnh Thanh, lớn
hơn tôi phải vài chục tuổi. Anh trông dáng người khắc khổ, da sạm đen, tóc đã muối
tiêu, đôi môi thâm xì, mấy ngón tay vàng khè vì nghiện thuốc lá. Anh là người
ít cởi mở nên khi mới về khoa tôi cũng chỉ biết anh là giáo viên dạy cần vụ, suốt ngày ngồi cạnh cửa sổ bên
bàn làm việc. Anh em trong khoa cho biết, anh ngồi thế nhưng không phải chỉ là
làm việc đâu, đang học đại học đấy! Học tại chức ở trường Đại Học Giao thông
Vận tải sáu bảy năm rồi mà vẫn chưa lấy được bằng tốt nghiệp. Già rồi, học làm
gì không biết. Nghỉ cho khỏe người. Thân với anh từ lúc hai anh em nhận nhiệm
vụ đi B tôi mới biết anh có cuộc sống
nội tâm cũng không xuôi chèo mát mái cho lắm. Đeo đôi quân hàm trung úy bạc
thếch đã hơn bảy tám năm vẫn chưa được nâng cấp. Anh tâm sự rằng học để cho nó
vui, cho khuây khỏa và cũng là để giết thời gian chứ bây giờ mình già rồi, bằng
cấp, đua chen mà làm gì. Rệu rã hết cả rồi, nhiều cái đọc mãi vẫn không vào
được trong đầu, lắm lúc cứ nghĩ vẩn vơ đâu đâu. Tôi cũng đôi lần giúp anh làm
một vài việc gì đó để anh có thể nộp “quyển”, đỡ mắc nợ thêm. Ít tuổi hơn anh
là vậy nhưng khi nói chuyện với tôi và một vài người, anh rất nhã nhặn, không
bao giờ dùng đại từ cậu, em, kể cả suồng sã mày, mà chỉ là anh Nước, anh Nước ạ.
Trên đường hành quân anh hết sức
chu đáo, và đặc biệt nghiêm túc theo tính cách của một người lính già. Như tôi
đã nói ở trên, nhận nhiệm vụ đi B, anh liền bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị.
Tự tổ chức cho hai anh em rèn luyện, tự mở rộng cung đường đi bộ để “tự làm khổ
mình”. Trên đường hành quân, dù ít hay nhiều thì chúng tôi vẫn là một đầu mối
trực thuộc của Ban Chỉ huy Hành quân. Anh là trưởng đoàn nên bận rộn vất vả hơn
tôi rất nhiều. Khi đến địa điểm dừng chân, tôi chỉ việc lo tìm cách mắc võng
căng tăng cho mình xong là có thể ngả lưng rồi. Còn anh, mặc dù suốt đêm đi đường đã quá mệt mỏi rồi nhưng vẫn
phải vội vã lên ngay Ban Chỉ huy họp, nghe phổ biến tình hình và nhận kế hoạch
cho ngày mai. Hôm sau cũng chính anh là người thức giấc trước để đợi, đôn đốc
tôi và anh bạn phiên dịch tiếng Thái làm công tác chuẩn bị để tiếp tục lên
đường. Giờ giấc của anh hay trừ hao nên chúng tôi thường xong xuôi đâu đấy vẫn
còn phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ mới đến lúc cần tập trung theo đoàn. Anh bảo
thà mình dậy sớm một chút còn hơn để cả đoàn phải đợi. Mấy ngày đi chung với
chúng tôi, các bạn trong đoàn dân chính rất mến anh, coi anh là người anh cả “biết tuốt” nên hay hỏi chuyện chiến
trường ra sao, sinh hoạt ở rừng vất vả thế nào, anh đi B lần này là lần thứ mấy,
kinh nghiệm tránh máy bay, thám báo…Những mẩu chuyện dọc đường với anh cũng vì
thế mà vơi bớt mệt mỏi đôi vai.
Tới trạm T75 chúng tôi còn phải
đợi thêm mấy ngày nữa mới có người của Phòng Xe ra đón. Tới đây thì hai anh em
phải tự đi lĩnh thực phẩm ở kho, tự nấu lấy cơm mà ăn, không còn giao liên phục
vụ nữa. Việc cung cấp lương thực thực phẩm ở đây cũng khá dễ dãi: chỉ cần khai
báo, kí nợ là xong. Ai sẽ là người trả nợ và bao giờ trả, không biết. Dụng cụ
nấu nướng tất tần tật chỉ là hai cái hăng-gô (cà mèn quân dụng) mang theo. Anh
em kiếm một gốc cây khoét bếp kiểu Hoàng Cầm để nấu nướng. Có một lần trong khi
đang nấu cơm, củi ướt nên khói bốc cao. Tôi đang tìm cách khơi cho ngọn lửa
bùng lên nhưng anh Tiến đã cuống lên hất cả cà mèn đầy nước lẫn gạo vào bếp dập
lửa và cho tôi một bài học về quy tắc bảo vệ căn cứ.
Hình như ngoài Học Viện đã có chỉ
đạo gì đó với anh Tiến nên anh rất muốn tôi luôn cùng anh song hành trong
chuyến đi công tác này, anh đã đề đạt với các anh phụ trách Phòng Xe như vậy
ngay từ khi chúng tôi vừa đặt chân tới nơi. Nhưng ở chiến trường thì đâu có được
phép lãng phí người. Buổi sáng vào đến phòng Xe (thuộc Cục Hậu Cần mặt trận B5)
thì chiều tối tôi đã được cử đi cùng một tổ thợ sửa chữa của trạm T3 đi sửa
chữa lưu động cho một đơn vị vận tải. Hết đợt công tác, trở về hậu cứ thì anh
Tiến đã đi sâu vào trong vùng Cồn Tiên, Dốc Miếu. Từ đó hai anh em không liên
lạc được với nhau nữa và chỉ gặp lại nhau khi đã ra đến Hà Nội, trở về trường.
Thành phố Hồ Chí Minh
26 tháng 8 năm 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.