Một dịp tình cờ mà những người đồng đội cũ lớp
1980 của HVKTQS gặp lại nhau tay bắt mặt mừng. Sáu anh chị em, không ai cùng bộ
phận, cùng cương vị ở Học viện nhưng sau gần 30 năm gặp lại sự thân quen vẫn
như thủa nào. Chuyện kể về những vui buồn kỷ niệm xưa, cái thời trai trẻ
20-30 giữa các cụ ông, cụ bà đang ở tuổi
55-70 qua nửa đêm vẫn râm ran tiếng cười, tiếng nói.
Bác Ngân và ba bố con Đỗ Quốc Vượng (Karlsruhe 8-15) |
Bức ảnh chụp chung gửi về, không biết các bạn
bè đồng đội xưa có ai còn nhớ đến nhưng gương mặt này không?
-Chị Bùi Bích Hà, nhân viên của thư viện . Cô
gái xóm Bala-Bông đỏ Hà Đông, 18 tuổi
nhập ngũ làm nhân viên phòng Huấn luyện rồi đi học lớp thủ thư và trở
thành cán bộ thư viện mẫn cán. Các anh
học viên từ khóa 5 đến khóa 14 của các Khoa chắc khó quên cô em ngoan hiền và
nói năng lễ phép nhỏ nhẹ này. Nhưng những anh chị nào còn nợ sách Thư viện sau
ngày ra trường, giờ Hà bảo lâu rồi nhưng cô vẫn nhớ rất rõ! Hà sang Đức năm
1987, hiện chị sống ở thành phố Sangerhausen
với hai cậu con trai lộc ngộc, cháu lớn 22 tuổi, cao 1m80 đang là sinh viên chế
tạo máy, còn cháu nhỏ đang học lớp 10.
- Chị Nguyển thị Huê là nhân viên Phòng 6. Chị
Huê hiện sống định cư tại Berlin và đã ở tuổi 61. Năm 2014 may mắn gặp lại thủ
trưởng Lê Phương Cảo, Bác Cảo ôm vai cháu Phương Hiền, biết cháu đang học IBM
Bác dặn: Gắng học giỏi như mẹ cháu nhé, hồi ở VN mẹ cháu là tay thợ khéo của
Học viện đấy!
-Chị Nguyễn thị Tuyết là người gốc xóm Bảo Sơn. Tuyết nhập ngũ
vào Không quân, 2 năm làm nhân viên Tiêu đồ với ba cây chì
màu kẹp giữa các ngón tay, vẽ sa bàn
mica dõi theo đường bay của mục tiêu ta-địch. Hết hạn nghĩa vụ, Tuyết xin
chuyển về làm nhân viên quân lương của Phòng hậu cần Học viên cho gần nhà. Tuyết
cưới Nghiêm Xuân Đắc (phó ban quân lương ), năm 1997, hai mẹ con sang Đức theo
Đắc và sống ở Karlsruhe cho đến nay. Chị Tuyết hiện là công nhân một hãng thực
phẩm lớn có công việc làm và lương tháng ổn định. Hai vợ chồng cùng có nghề
„Hậu cần“ nên Tuyết tranh thủ các ngày nghỉ để tăng thu nhập. Thương hiệu bánh
cuốn-bánh chưng-xôi vò-giò chả của Đắc Tuyết ở Karlsruhe rất nổi tiếng trong
cộng đồng bà con Việt nam, thậm chí cả người Đức ăn quen cũng thường xuyên đặt
mua.
- Đỗ Quốc Vượng người thị xã Vĩnh Yên. Vượng là
nhân viên Ban tuyên huấn thuộc phòng chính trị. Nhiều anh chị quen còn nhớ tới
cảnh ngày ngày thấy Vượng và cô Mai „kèn“
leo thang bắc loa hoặc chỉnh loa cho các dịp toàn Học viện tập trung
nghe thời sự!
Vượng sang Đức năm 1988, chuyện xa cách làm tình
cảm gia đình đổ vỡ, Vượng buồn và trở
nên khép kín. Gặp lại anh em bạn bè xưa, ai cũng chia sẻ, thông cảm nên dịp này
Vượng rất vui. Gặp Bác Ngân, hai cháu con của Vượng-Hà rất mến bác. Bác Ngân
ngạc nhiên khi thấy 2 cháu Vương và Hương Lan học giỏi, sinh trưởng ở Đức nhưng
nói rất thạo và rõ tiếng Việt.
-Nghiêm Xuân Đắc là bếp trưởng bếp ăn cán bộ
giáo viên hiệu bộ rồi về làm phó ban quân lương. Đắc khó ai không nhớ vì ở
cương vị nào anh cũng rất xông xáo và năng động. Chắc các chị ở khu gia đình
hay anh em giáo viên trước ngày đi xe tuyến, ai cũng nhớ cách Đắc bò toài trên
cái phản gỗ để trước cửa kho cô Tạ, pha thịt phát trả tiêu chuẩn hàng tháng.
Ngân tôi còn nhớ, có lần chị Huyền (Khôi) phải kêu trời vì xếp hàng từ sáng
chưa đến lượt, còn „Thằng“ Ngân, „Thằng“ Quốc không thấy mặt đâu mà đã thấy cái
lão Đắc pha thịt để riêng cho chúng nó lại còn quát tướng: Hai ông giáo viên
này đến lượt từ sớm mà giờ chưa tới nhận
!!!?
Anh Đắc đi hợp tác lao động ở Đông Đức, khi
bức tường Berlin đổ, là một trong những người Việt có mặt sớm tại phần lãnh thổ
phía Tây, ổn định công ăn việc làm tại Karlsruhe, rồi kéo Vượng cùng sang và
sau đó thì về Vĩnh yên đón vợ con. Cháu Hùng con của Đắc Tuyết đã ngoài 30
tuổi, sắp cưới vợ. Hùng học xong đại học
và là chuyên viên máy tính thạo nghề.
Sắp tới ngày lễ thành lập Học viện Kỹ thuật
Quân sự, những người đồng đội xưa nay đã xa trường giờ gặp lại nhau, nhắc đến
những vui buồn đã qua, âu cũng là để mà nhớ lại những kỷ niệm một thời khó
quên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.