Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Số phận người em

Trần Đình Ngân
Giáo viên bộ môn Đạn (1968-88)

Tôi quen biết Bùi Nam khi anh em gặp nhau ở Đại học KTQS. Nam là học viên C213, khoa Trang bị Cơ điện, cùng khóa với Nguyễn Đình Thắng, Nguyễn Khánh Tiệp, Nghiêm Sỹ Chúng, Nguyễn Ngọc Chương, Trần Thắng Lợi... Trường Đại học KTQS vừa tách ra từ Phân hiệu 2 Đại học Bách khoa mà khóa cuả Nam là khóa đào tạo chuyên ngành quân sự chính quy đầu tiên  (gọi tắt là ĐT1).


 Tuy là thầy trò, nhưng do cùng có một thời Thiếu sinh quân, môt thời Quế Lâm, nên giữa chúng tôi (Đoàn Mạnh Giao, Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Kim Khôi, Khúc Văn Nghi...) với các em ĐT1 rất thân thiết. Hình ảnh dễ nhớ của Bùi Nam là vóc dáng thư sinh, trắng trẻo và ấn tượng nhất là đường lừa bóng ngoạn mục (khi lắc lưng sang phải thì bóng sang trái và ngược lại) trong đội hình đội Sao Đỏ của khoa Cơ điện.

   Bùi Nam tốt nghiệp Đại học KTQS trong hoàn cảnh khác các bạn. Ông gìa Nam, một cán bộ cao cấp của Cục Tình báo QĐ - dù được một Ủy viên Bộ Chính trị cho xe đi đón trong đợt trao trả tù binh ở Lộc Ninh - nhưng sau khi về tới hậu phương đã không được tin dùng. Nam đang có người yêu là một cô bạn cùng trường, nhưng bố bạn  đang là “trung uỷ” nên mối tình “khó tiếp tục”(!). Việc phân công công tác cho Nam trở nên khó khăn và giải pháp cuối là “nhận công tác ở một xưởng quân giới nằm sâu trong rừng Việt Bắc”, để tránh xa khả năng bị lung lạc tư tưởng nếu ở gần Thủ đô, gần phía Nam.

Sau 10 năm tốt nghiệp, tôi gặp lại Bùi Nam trong đội hình đội TCKT ở Giải Bóng đá toàn quân. Nam được về Hà Nội do TCKT cần một trung phong tài ba, bảo đảm cho đội tuyển có một suất trong trận chung kết.  

... Tháng 8 năm 1997, tại Thüringen (CHLB Đức). Khi tôi đã yên ổn sau vài năm phiêu du, vào lúc nửa đêm, bất ngờ nhận được cú điện thoại của Nguyễn Trọng Lượng. Một thoáng lưỡng lự, Lượng nói: "Em gọi từ một nhà hàng ở thị trấn Wurzen (Leipzig)... Anh tiếp chuyện với một "ông em rất gần gũi và qúi mến  anh"!”. Rồi một giọng trầm trầm, chậm rãi hỏi thăm sức khỏe rồi im lặng. Nam nghẹn lời, dặn:  "Gọi tên em bây giờ là Bùi Bắc. Chỉ có anh biết tên em là Nam thôi đấy!".

Ở Leipzig, tôi còn có Quang “xèng”, Qúy “nhẽo”, Võ Hùng... Anh em coi nhau như ruột thịt nên, tất nhiên bằng nhiều cách, chúng tôi trao đổi với nhau việc  gặp Bùi Bắc và những chuyện có thể. Cả Quang và Qúy cho đến bây giờ vẫn áy náy vì chưa trực diện gặp được Nam. Đã sáu, bảy năm sống cô độc ở Đức, dù biết và ở rất gần các bạn Trỗi nhưng Nam mặc cảm về những khó khăn của bản thân nên ngại quảng giao.

Một thời gian sau lần điện thoại với Nam, nhân có ngày nghỉ, tôi và vợ con lặn lội đến thăm Nam tại Trại tị nạn Lübben. Đã 10 năm (kể cả thời gian phiêu bạt ở Tiệp) lần đầu tiên nơi đất khách quê người có người thân đến thăm, Nam rất cảm động và giãi bày nhiều. Những tình cảnh tôi đã kể lại là do Nam tâm sự trong dịp này.  

*
             Hè năm 2002, biết tin tôi bị bệnh tim mạch, lần thứ hai Nam dành hẳn chục ngày tới thăm. Qùa cho người ốm là một gói tam thất, một chai rượu tỏi. (Nam còn có qùa cho cả con gái tôi).

Tình Quế Lâm, tình Trỗi, tình thầy trò Đại học KTQS làm hai anh em thêm gắn bó. Tôi cố gắng động viên chia sẻ với Nam  những bất hạnh về gia đình, vợ con. Tôi kể chuyện về sự lạc quan vượt qua hoàn cảnh của một người bạn mà Nam rất biết. Từ chuyện của T.V., Nam cũng nhận ra sự mặc cảm của mình với bạn bè là thái qúa. Bạn bè Trỗi có sức mạnh rất lớn, giúp đỡ nhau về tinh thần, thổi vào nhau luồng gió nghị lực. Cả tôi và Nam cùng hẹn dịp hội ngộ bạn Trỗi ở LeipzigBerlin

Tháng 8 năm 2005, choáng váng khi được tin Nam bị tai nạn. Cô bạn gái lái chiếc xe bị nạn, sau khi đưa Nam vào cấp cứu, phải vội trở về Việt Nam chịu tang chồng. Sự vắng mặt của người gây tai nạn làm chúng tôi lúng túng trong việc tìm nơi điều trị của  Nam. Quang, Qúy và tôi gọi điện đến nhiều bệnh viện nhưng không có tin tức.

Tôi sống ở Berlin. Trong lần giao tiếp cộng đồng, tình cờ được một luật sư thông báo: chị được Sở Di trú giao đại diện quyền lợi cho một bệnh nhân người Việt sống độc thân, không người quen biết, bị tai nạn giao thông, cấm khẩu do vết thương sọ não rất nặng. Linh tính mách bảo, tôi vội lái xe đến Bệnh viện Cấp cứu ngoại ô Berlin.

Nam nằm bất động, gầy xanh xao, không nói được. Hai anh  em nước mắt chảy dài. Thương thằng em, tôi bế Nam đặt lên xe lăn, đẩy đi dọc hành lang. Làm các thủ tục nhận là “người đại diện gần nhất” của Bùi Bắc, tôi báo tin cho bạn hữu. An ủi Nam mà lòng không yên vì được các bác sỹ thông báo vết thương rất hiểm nghèo. 

Hàng tháng, một hai lần cả gia đình tôi đến thăm Nam. Cô bạn gái của Nam sau khi đoạn việc nhà đã vội vã trở sang chăm sóc, tạ lỗi với Nam. Gặp chị ra vào bệnh viện thường xuyên với tâm nguyện sẽ chăm sóc anh Bắc suốt đời. Bệnh nặng diễn biến ngày một xấu. Nam nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Trên cái tủ đầu giường thấy có tấm ảnh Xuân (vợ Nam) và ảnh cháu gái Hồng Anh đã 16 tuổi.

Biết Nam không còn đọc được nhưng tôi cứ đặt trên bàn nhỏ quyển "Sinh ra trong khói lửa" mà Trần Kiến Quốc gửi sang. Quyển sách giúp bạn bè đến thăm nhận biết nhiều hơn về anh Bắc của họ.

Ngày 14 tháng 8 năm 2007, vợ chồng tôi và chị Huệ vào Viện Điều dưỡng Königs Wusterhausen. Cửa buồng bệnh treo tấm biển với “ba chấm đỏ”. Khách đến thăm phải mặc thêm quần áo vô trùng. Chúng tôi và Huệ vừa thay quần áo cho Nam vừa khóc. Chụp cho Nam mấy tấm ảnh, quay một đoạn video với ý định sẽ giữ cho cháu Hồng Anh làm kỷ niệm .

Tuần sau, Nam ra đi.

Năm ngày sau tại nghĩa trang Tin lành của quận Königs Wusterhausen, chúng tôi - gần một trăm anh chị em người Việt ở Berlin và các vùng lân cận - đã làm lễ vĩnh biệt em. Đọc lời tiễn biệt Bùi Bắc mà lòng tôi nghẹn ngào nghĩ tới cái tên Bùi Nam thân thương. Tôi đọc to hơn lời chú giải tên thật là Bùi Nam, để ở trên cao xa kia, thằng em chính danh được siêu thoát khỏi cái số phận trần đời mà nó gánh chịu, long đong suốt ba chục năm ròng.

Trên vòng hoa, chúng tôi cố ý viết Bùi Bắc (mở ngoặc Bùi Nam) để sau đó còn có điều kiện làm các thủ tục báo tử cho Nam ở cả hai phía Việt Nam  và Đức. 

Xin kể về một bạn lính quân sự.  Xin thắp cho Bùi Nam thêm một nén nhang!

                                                Berlin, ngày 8/6/2009 

T.Đ.N


2 nhận xét:

  1. Bài viết của anh Ngân cảm động quá.Mỗi người sinh ra trong hoàn cảnh khác nhau,có số phận khác nhau.Đáng quý nhất là mục đích hướng thiện, luôn làm điều tốt cho mọi người.

    Hạnh Phúc

    Trả lờiXóa
  2. Xin các bạn lưu ý, rất nhiều người hiểu lầm rằng Trường Đại học Kỹ thuật quân sự (Học viện KTQS) ngày nay được tách ra từ một phân hiệu của Trường Đại học bách khoa Hà Nội. Thực ra "Phân hiệu II Đại học bách khoa" chỉ là tên gọi của trường khi mới thành lập, về mặt quản lý nhà nước lúc đó thuộc Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp. Nó không hề có dính dáng gì về mặt tổ chức với Trường ĐHBK Hà Nội, mặc dù trường đóng quân ngay trong Trường Đại học bách khoa và được sự cưu mang giúp đỡ về mọi mặt của trường này. Năm 1968, Phân hiệu II ĐHBK chuyển thành Trường Đại học Ký thuật quân sự trực thuộc Bộ Quốc phòng.
    Riêng về Bùi Nam, mặc dù không quen biết, nhưng tôi rất nhớ nhờ nước da trắng trẻo của anh mà tôi được thấy mỗi khi xem đội Sao Đỏ thi đấu ở Vĩnh Yên. Hôm nay mới được đọc tin này, xin chia buồn cùng gia đình Nam và các bạn của anh.
    Nguyễn Văn Luận (một người có mặt ở Phân hiệu II Đại học bách khoa từ những ngày đầu).
    Email: luanbkqs@yahoo.com

    Trả lờiXóa

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.