Trần
Kháng Chiến
Học
viên Cao đẳng Phòng không Odessa
(1967-1973)
Trong ký ức của tôi có nhiều kỷ niệm vui với Nguyễn Đức Tú, cựu học viên
trường Cao đẳng PK Odessa (1967 – 1973), sau là giáo viên bộ môn Tên lửa của Học
viện KTQS.
Từ chơi bời...
Tú đá bóng khá hay, giữ chân hậu vệ. Hè 1972 có Giải bóng
đá sinh viên quốc tế tại Odessa .
Đội chiến tướng của trường PK được Thành hội Sinh viên Việt Nam mời tham dự với danh nghĩa là Tuyển Sinh
viên Viêt Nam .
Thành phần có Tăng Cường, Việt “đen”, Hoàng Nam, Kỳ Trung, Phạm Ngọc Nguyên, Nguyễn
Đức Tú "kẽm", Thắng "tụt", Văn Tiến Trình...
Đội Việt Nam
vào chung kết với đội Sinh viên Hy Lạp. Trận đấu diễn ra quyết liệt, căng thẳng
không phân thắng bại. Vào hiệp phụ vài phút, đội Hy Lạp được hưởng quả Penalty.
Anh chị em sinh viên ta lo lắng ra mặt. Thủ môn Nguyễn Văn Ngạch (một tay
lì lợm có tiếng) đã phá được quả sút hiểm hóc từ chân sút đối phương. Thoát
hiểm.
Bóng được đưa lên giữa sân. Trong một cú phá bóng, hậu vệ Tú co chân
sút thẳng như trời giáng. Từ cự li cách xa khung thành đối phương đến 40m, bóng
bay như kẻ chỉ vào đúng góc xa. Thủ môn bạn bó tay. Bóng nằm gọn trong lưới.
Toàn thể sinh viên Việt Nam
cùng các bạn Nga nhảy lên reo hò. Còn đội Hy Lạp thì bàng hoàng, không hiểu
chuyện gì đã xảy ra. Một sự thần kỳ!
Sau trận đấu, bạn bè vây quanh Tú đặt nhiều câu hỏi. Tú chỉ cười “Đó là
cú đá ăn may, chó ngáp phải ruồi ấy mà!”. Sau này gặp lại Tú, tôi hỏi: “Đã
lần nào có cú sút phạt mạnh, chính xác như thế?”. Tú
thành thực trả lời: “Chưa bao giờ!”. (Chỉ đến khi đã già, đùa nhau về vụ này,
Tú cười: “Thấy nó đang đứng lệch về bên phải nên tao đá vào góc trái”. May mà
không có ai đánh thuế kẻ nói khoác!!!).
(Khi về trường, cứ ngày Nhà giáo 20/11 là giáo viên hai ngành Radar-Tên
lửa và Thông tin lại tổ chức đá giao hữu. Anh em còn nói chại ra là “ngày hiến
chân các nhà giáo” vì đá căng thẳng quá, va chạm liên tục, lắm ông sau đó phải
chống nạng(!).
Trận đó, đến phút 89 vẫn không phân thắng bại. May thay, Hoàng Nam cướp
được bóng, co chân sút trong vòng 16m50. Bay một đường như kẻ chỉ, bóng qua tay
thủ môn Hà Trọng Tuyên, vào lưới. Cánh Radar-Tên lửa reo hò.
Tú nhà ta sướng quá, nhảy san-tô mấy vòng rồi làm động tác “trồng cây
chuối”. Nhưng thế quái nào lại quên không chống tay. Và… đầu anh ta cắm thẳng
xuống đất. Bất tỉnh. Anh em phải hô hấp nhân tạo. (Hình như “cù” cả vào “chỗ ấy”).
Tú bị nhột, mở mắt ra, thì thào: “Thắng rồi à?”…).
... đến học hành, thi cử
Tú còn gây chấn động trước Hội đồng quốc gia trong kì bảo vệ đồ án tốt
nghiệp. Hội đồng được Bộ Quốc phòng Liên Xô chỉ định thành lập, có nhiều sỹ
quan cao cấp, do một thiếu tướng làm Chủ tịch. Các thầy dày dạn kinh nghiệm
luôn nhắc chúng tôi phải bình tĩnh khi bảo vệ trước Hội đồng.
Người giữ được cái đầu lạnh, rất tự tin khi bảo vệ là Nguyễn Đức Tú.
Thầy hướng dẫn của Tú là trung tá Krivychenko, một sỹ quan cao lớn, tóc luôn
cắt ngắn, có giọng rất trầm, hay đọc thơ Maiakovxki (phải nói ông đọc rất hay!)
trong các buổi sinh hoạt văn nghệ của trường. Trong hướng dẫn tốt nghiệp thầy
rất nhàn vì Tú học giỏi, không mấy khi làm phiền đến thầy.
Đứng trước Hội đồng, Tú hoàn thành khá tốt phần bảo vệ. Khi sơ đồ được
cuốn lại chuẩn bị kết thúc lượt bảo vệ, Chủ tịch Hội đồng chỉ vào mô hình quả
tên lửa, ra câu hỏi: "Đồng chí cho biết bốn bánh lái nhỏ phía trước của
quả đạn có tác dụng gì?". (Đó là các bánh lái phụ, có tác dụng góp phần
khắc phục các vấn đề có liên quan đến quán tính trong quá trình điều khiển tên
lửa theo quỹ đạo). Bình thường câu hỏi này có thể trả lời như vậy.
Nhưng hãy nghe Tú trả lời: “Thưa Thiếu tướng, đồng chí thử đẩy
"Mujik" ngồi bên cạnh! (Đó là một đại tá ủy viên Hội đồng có thân
hình to lớn, trông thô như một gã nông dân). Có lẽ nếu dùng hết sức thì
lực đẩy của Thiếu tướng cũng khó làm cho đồng chí đại tá dịch chuyển, do
sức ì rất lớn. Quả đạn khi bay trong không trung quán tính của nó cũng rất lớn,
các bánh lái phụ có tác dụng hỗ trợ các lệnh điều khiển, giảm quán tính của quả
tên lửa trong quá trình điều khiển để nó bay theo đúng quỹ đạo”.
Mọi người trong Hội đồng ngạc nhiên. Cả phòng im phăng phắc.
Thiếu tướng Chủ tịch Hội đồng cất tiếng:
- Ai là người hướng dẫn học viên Nguyễn Đức Tú?
Với tác phong nhà binh trung tá Krivychenko từ hàng ghế dưới đứng bật
dậy:
- Báo cáo, tôi - trung tá Krivychenko, giáo viên hướng dẫn học viên
Nguyễn Đức Tú. Tôi xin nhận trách nhiệm...
Thiếu tướng nhìn trung tá, rồi quay sang nhìn người học viên Việt Nam :
- Trung tá có một học trò rất thông minh, rất xuất sắc. Tôi và các
thành viên Hội đồng hài lòng về kết quả bảo vệ của học viên Nguyễn Đức Tú. Xin
chúc mừng trung tá!.
Cả phòng bảo vệ rào rào tiếng vỗ tay.
Bảo vệ xong, Tú rủ tôi ra cám ơn thầy. Trung tá Krivychenko vui
mừng tiếp chúng tôi tại căn hộ của ông. Trung tá kể lại, khi đó ông rất lo vì
không lường được tình huống Tú sẽ trả lời như thế. Thầy Krivychenko nói, ông
rất tự hào được hướng dẫn một học trò như Tú.
Để trả lời được một câu "để đời" như vậy, ngoài sự thông
minh, tính hài hước, Nguyễn Đức Tú còn phải là người có trình độ tiếng Nga
loại "ghê khủng".
Về già…
Tú luôn là người “có máu” say mê đưa những phát minh khoa học ứng dụng
vào cuộc sống. Ai cũng cảm thấy tay này liều mạng nhưng rất thực tiễn. Hết thi
công mô hình mục tiêu cho tên lửa tập bắn đến rồng bay chào mừng lễ hội…
Mấy năm gần đây, anh cùng anh em Học viện làm đề tài “Chế tạo khinh khí
cầu bay vòng quanh Hồ Tây, phục vụ du lịch”. Chả hiểu đọc, học từ bao giờ mà
trong đầu anh ta đã có sẵn kiến thức về động lực học, về mô phỏng bay, về khí đốt,
về động cơ… Cứ cần mẫn kì cụi chế thử.
Phải nói Tú “kẽm” luôn là con nguời năng động và vui tính. Chúc anh thành
công!
T.K.C
Không biết cái danh " Kẽm" của ông bạn này từ đâu ra? Cao Kỳ "kẽm" vì râu, Tú kẽm từ ngày chưa để râu cơ! ( TĐ)
Trả lờiXóa