Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Một kì thực tập



Nguyễn Duy Đảo
  Học viên Vô tuyến khóa 8

  Vào đại học, tôi với hắn cùng lớp nhưng khi ở trường Trỗi thì tôi học trên hắn hai khoá. Hắn là khoá chót của trường. Hè năm 1978, trước khi nhận đồ án, chúng tôi đi thực tập ở Quân khu 1, trên Thái Nguyên. Hôm tập trung ở ga Vĩnh Yên trước khi lên tầu, bà con nhốn nháo chỉ trỏ khi thấy một tay quân hàm trung uý - trẻ măng, mũ cối đội lệch, lưng đeo ba lô, vai vác cây ghi ta - đang  oang oang giao nhiệm vụ, phổ biến kế hoạch hành quân. Người thầy, người anh phụ trách chúng tôi trong chuyến thực tập hơn 30 năm về trước ấy là đông chí Trần Kiến Quốc.

  Tôi biết anh từ hồi ở An Mỹ, Đại Từ. Ngày ấy tôi học lớp 6. Trong một buổi tối xem phim ở gốc đa Hiệu bộ. Trước buổi xem thường có tổng kết và tuyên dương một số học sinh xuất sắc trong học tập. Trong số ít những  cái tên các anh, các chị, các bạn được biểu dương hôm ấy tôi nhớ tên anh. Sau này chơi thân với Trần Thành Công, em anh  học cùng lớp và nhất là khi về Đại học KTQS lại cùng nhau tham gia trong đội bóng trường rồi thầy giảng trực tiếp chuyên ngành tôi học nên tình cảm anh em cứ thế tự nhiên càng gắn bó.      
Biết tin anh phụ trách đi thực tập, tôi và hắn sướng rơn. Tôi thích nhất khi anh tuyên bố:  “Tất cả chúng ta bây giờ đều là sỹ quan nên  anh em ta tự giác, tự chủ, nhiệm vụ được giao cứ thế làm và tự chịu tránh nhiệm, sẽ không có ai quản lý các đồng chí”.  Quan điểm “cải cách”  này đối với cánh học viên chúng tôi là  “tiên” vì từ trước tới nay có bao giờ được tự chủ cái quái gì.
  Chả hiểu sao ngày ấy lằng nhằng và phức tạp thế. Tất cả tiêu chuẩn thực phẩm  trong thời gian đi thực tập phải lĩnh tại nhà bếp của trường. Thực phẩm thì quy ra thịt hộp và nước mắm, còn gạo thì đem theo  “tem” tới đơn vị sở tại nhập cho bếp ăn.
  Tôi và hắn có nhiệm vụ quản lý xô nước mắm. Thời buổi cái gì cũng thiếu. Nước mắm bỏ vào can đậy chặt nắp lại thì vô tư. Đằng này nước mắm đựng bằng xô nhôm (mặc dù đã thả một đống lá chuối để tránh  “rung xóc”); vậy mà khi tới đơn vị xô nước mắm chỉ còn phân nửa. Ngoài ra hai thằng còn bị mấy em sinh viên đại học Cơ điện chửi như “phản biện đồ án” vì nước mắm bắn vào quần áo khi chen với chúng tôi trên tàu.
Tới chiêu đãi sở quân khu thì trời đã khuya, bụng đói cồn cào.  Tôi và hắn bàn nhau  lấy cắp một hộp thịt nấu cháo. Nửa đêm thấy chúng tôi xì xụp tay phụ trách hậu cần (cũng là học viên, “chức vỗ vai” ấy mà!) mở ba lô đếm lại, thấy thiếu một hộp. Thế là chửi nhau, suýt nữa thì ẩu đả nhưng nhớ lời anh “phải tự chủ bản thân…” nên kìm được.
Gần chiêu đãi sở có một dãy phố nhỏ, nằm trải dài hai bên đường quốc lộ. Con phố có cái tiệm may của một em trông cũng xinh xinh, vài quán nước, hiệu tạp hoá và một quán thịt chó của ông thương binh cụt chân.
Tôi với hắn thường la cà ra tiệm may, ngồi tán gẫu với cô chủ. Gần tháng  “lả lơi rơi rụng” mới biết là em đã có chồng. Hết hồn! May mà thằng chồng  lái xe đường dài ít khi có nhà. (Sao mắt mũi ngày ấy tậm tịt thế không biết!???). Tiếc công thì ít, tiếc thời gian vàng ngọc và sợ thì nhiều. Thế là đánh bài lảng sau khi đã bán cho em được mớ kim may của Ý với giá cao mà hắn  “thủ” được  của bà già chủ nhật tuần trước về thăm nhà.
Có tiền, thế là hai thằng sinh tật. Bắt đầu lê la sang quán thịt chó của ông thương binh. Và phát hiện ngay ra ông thương binh có cô con gái nhan sắc cũng khá, đang ôn thi vào đại học Sư phạm Thái Nguyên. Thấy mấy chú sinh viên đại học lại là  bộ đội tử tế, đàng hoàng, ông nhờ chúng tôi phụ đạo cho em nhà. Một công đôi việc, vừa được ăn thịt chó lại vừa có người đẹp tán chuyện thì còn gì bằng, chúng tôi nhận lời ngay. Tôi phân công hắn phụ đạo em, còn khi nào xơi thịt chó thì mới cần sự có mặt của tôi.
Hắn là thằng thông minh nhưng lười.  Trong giờ học chỉ thấy hắn ngủ gà ngủ gật chả ghi chép  gì. Thời gian ngồi ngoài quán nhiều hơn trên lớp. Thế mà khi thi bao giờ điểm cũng cao.
Hắn cũng còn là thằng rất có trách nhiệm. Ngay chủ nhật ấy, hắn mò về Hà Nội. Khi lên đem theo một tập các bộ đề thi đại học. Trong vòng hơn một tháng, chả biết hắn phụ đạo cho em được những gì mà cách vài ngày là lại lôi tôi ra nhà em xơi “thịt chó chùa” (do bố em chiêu đãi  “trả công”).
Thời gian qua nhanh, kỳ thực tập kết thúc. Lúc chia tay ở ga Đồng Quang thấy hai anh chị có vẻ bịn rịn lắm. Rồi chúng tôi cũng quên tịt cái chuyện gia sư phụ đạo ấy.
Một hôm đang chổng mông vẽ sơ đồ mạch của đồ án  thì thằng bạn gí cho lá thư của em gửi từ Thái Nguyên. Trong thư em thông báo đã đỗ đại học, thừa những 5 điểm và lời tri ân: “Không có các anh thì chắc em chết, đời em rồi chả biết sẽ ra sao”.
Lại có cả thư của bố em gửi kèm giải thích cặn kẽ: “Trong 5 cái điểm thừa ấy có 3 điểm là vì cái chân cụt thương binh của chú, và hai điểm kia là 2 điểm ưu tiên vùng cao, còn lại là công lao của các đồng chí. (Nghĩ bụng, té ra em nó chả có tí gì à?!). Tựu chung lại em nó đỗ loại khá, được chọn ngành học.
Khi nào rảnh rỗi mời hai em và đồng chí trung úy chỉ huy về lại Thái Nguyên chơi,  tôi sẽ chọn con cầy thật tơ và nấu món ngon nhất để chiêu đãi cảm ơn các đồng chí và mừng cho em nó”. 
N.D.Đ



3 nhận xét:

  1. Đọc đến đoạn chia tay, về trường làm đồ án, đang vẽ sơ đồ mạng...nhận được thư...thấy lo lo cho thầy trò ông Quốc. May mà em nó báo thi đỗ chứ nó bào...thì cái công "Tự quản", mấy bữa thịt chó thành vạ!
    Lính quân sự oai là ở chỗ "VUI" nhưng " NGHIÊM"
    Thầy trò Kiến Quốc nhiều chuyện để đời! (Trần Đình)

    Trả lờiXóa
  2. Đến hết bài mà vẫn chẳng nêu tên "hắn" là ai? Đâu có "bầu bì" gì đâu mà phải dấu tên!!

    HMK6

    Trả lờiXóa
  3. Đó là thằng cu Bình k8 Trỗi, hay ngủ trên lớp, ít học nhưng thi thì toàn khá trở lên. Bình hay cạ với Hoàng Sùng.

    Trả lờiXóa

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.