Hoàng
Minh Thái
Học
viên Đại học Quân y 1969
… Một buổi chiều cách đây đã hơn hai chục năm. Hắn
chở vợ ra chợ Hôm. Cả cuộc đời nhà binh, hắn cũng tậu được cho mình được cái xe
Honda-67, màu đen, thân có dáng khẩu súng lục. Cũng là phương tiện đi lại và
xăng không ăn là bao.
Ngồi trên xe chờ vợ, đang phì phèo điếu thuốc trên
môi thì thấy bà cụ áo nâu sồng, chân xỏ đôi dép tông gan gà đã mòn vẹt gót,
trên tay xách cái ba lô lính, mếu máo: “Thế này có khổ tôi không, hả Giời! Trời
tối đến nơi rồi, làm sao mà biết đường về nhà bây giờ?...”. Thấy tội nghiệp, Hùng
ra hỏi thăm thì biết bà cụ vừa vào Nam, tìm được mộ phần con trai hy sinh thời
chống Mỹ rồi mang hài cốt anh ra Bắc. Xuống tầu, ra cửa ga thì thấy có cái xe
tải, hỏi thăm bác tài thì biết sẽ về Trung Hà. “Vậy ra bác về gần nhà tôi. Bác
cho tôi đi nhờ, có được không?”. Thấy cụ già phúc hậu, bác tài đồng ý ngay
nhưng bảo còn phải qua chợ Hôm lấy ít hàng. Chợ Hôm ở đâu không quan trọng với
cụ, miễn là tối nay về đến nhà. Cả nhà đang mong.
Trên đường, thấy bác tài dễ tính, thế là bà cụ kể
hết về chuyến đi của mình. Tới chợ, bác tài quay ngoắt: “Cụ thông cảm tìm xe
khác. Con còn nhiều việc nên chưa về ngay”. (Cụ đâu có biết tài xế đường dài
kiêng kị mang theo hài cốt).
Nghe cụ kể mà nhói lòng. Nhanh chóng nảy ra ý định,
hắn bảo vợ: “Thôi, em chịu khó đi bộ về nhà. Hoàn cảnh bà cụ như thế không nỡ
tâm để cụ lang thang đêm nay. Anh đưa bà cụ với ba lô hài cốt con trai là liệt
sĩ về Trung Hà. Mà Trung Hà đâu có xa. Xong việc về ngay”. Là vợ lính, rất hiểu tình huống này; không
chần chừ, vợ Hùng giục: “Anh đi đi cho sớm!”. Hắn quay sang bà cụ:
- Sắp
tối rồi, cụ không lang thang ở đây được. Con sẽ đưa cụ về.
- Thật
thế, hả bác? – Bà cụ không tin ở tai mình.
Cái ba lô được buộc gọn phía sau. Xe nổ máy. Lên
đường. Ngoái lại thấy vợ đã đi tới cuối phố, hắn yên lòng. Con đường 32 với hắn
chả có gì lạ. Là kĩ sư ô tô ở Cục Quản lí xe máy, đã đi mãi tuyến đường này. Từ
Đan Phượng lên, trời đổ tối. Hai bà, cháu cứ thế phi xe xuyên màn đêm. Lên đến
bến phà Trung Hà còn rẽ phải theo đường đê, đi thêm 2km nữa. Cả nhà mong bà cả
tuần nay, thấy mẹ được chú bộ đội chở về tận nhà, ai cũng mừng. Bà cụ khen chú
bộ đội rối rít rồi giục con mang tiền ra trả.
- Bà
ơi, con giúp bà thôi mà. Con coi bà như mẹ ở nhà. Không tiền nong gì hết.
- Chết,
ai lại thế. Đêm hôm khuya khoắt, chú chả ngại, rồi đường sá xa xôi, rồi xăng
dầu tốn kém… Chú đưa mẹ con tôi về đến nhà là phúc lắm rồi. Chú phải cầm tiền
cho tôi yên lòng!
- Không,
con không lấy gì đâu. Con là bộ đội cũng như con bà, may hơn là còn được sống
đến ngày hôm nay. Bà cho con được giúp bà không công như một trách nhiệm với
đồng đội của mình. Thôi, con phải về ngay, kẻo vợ con ở nhà mong.
Biết Vân Hùng cương quyết không lấy tiền, cô con dâu
nhớ tới nồi khoai lang luộc còn để trên bếp, vội đổ hết ra túi, móc vào tay
lái: “Thế thì anh cầm tạm túi khoai luộc
về Hà Nội, gọi là chúng em có chút quà quê. Mong anh hiểu cho tấm lòng dân quê
chúng em. Chúng em biết ơn anh nhiều lắm!”. “Được rồi, cho anh xin!”. Chào tạm
biệt cả nhà, hắn nổ máy lên đường. Ánh đèn pha rẽ màn đêm, lao về phía Hà Nội.
… Đêm ấy về tới nhà, vừa cười toe toét vừa giở túi
khoai ra khoe với vợ thì… ôi thôi, khoai trong túi đã nát bét tự bao giờ. “Túi
khoai treo ở tay lái, đung đưa, làm khoai nát nhừ”, hắn nghĩ bụng “nhưng dù thế
nào thì mình cũng đã làm được một việc có ích cho đời. Thế là sướng rồi!”.
Còn tôi thì nghĩ, ấy cũng là một “đặc tính lính quân
sự”!
H.M.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.