Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Hai lần được gặp Đại tướng

Đỗ Quang Việt
Giáo viên bộ môn Vũ khí (1974-78)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng ta là một vĩ nhân tầm cỡ thế giới. Là một người lính, thế mà đã hai lần có diễm phúc được gặp Người. Những lần gặp gỡ đó là những kỷ niệm sâu sắc trong đời, không bao giờ quên.

Lần đầu gặp Đại tướng

Đó là vào tháng 2 năm 1980. Tiết trời se lạnh, cái lạnh ngọt ngào cuối đông. Lúc đó, tôi là học viên đội 9 Đoàn 871, đang chuẩn bị đề cương để bảo vệ trước khi đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài.

Sáng đó, như thường lệ, tôi đến đọc sách ở Thư viện KHKT trên đường Lý Thường Kiệt. Phòng đọc khá đông. Mọi người chăm chú vào công việc của mình. Cả gian phòng im lặng, chỉ nghe thấy tiếng lật trang sột soạt. Thi thoảng có đôi lời thì thầm trao đổi, rồi lại trở lại cái không khí im lặng của sự tập trung vào công việc.


Bỗng có tiếng lao xao phía cửa phòng, rồi Đại tướng xuất hiện cùng một số cán bộ. Người giản dị trong bộ quân phục ga-ba-đin, tươi cười nhưng nghiêm nghị ra hiệu mọi người cứ tiếp tục công việc. Ai nấy ngồi nguyên vị trí, nhưng đều quay về phía Đại tướng, dõi theo từng bước đi. Người đi qua dãy bàn ngoài, vào đến dãy tôi ngồi. Hồi hộp nghĩ bụng, không biết Đại tướng có đến chỗ mình?

Trời, Phật đã chiều tôi. Đại tướng nhanh nhẹn bước đến đúng chỗ tôi thì dừng lại. Tôi vội đứng lên: “Cháu chào bác!”. Đại tướng bắt tay tôi rồi hỏi: “Cháu đang làm gì ở đây?”. Tôi thưa: “Thưa bác, cháu đang chuẩn bị đề cương nghiên cứu sinh ạ”. “Cháu học ở trường nào ra?”. “Dạ, cháu học ở Học viện Giu-cốp-xki, Liên Xô ạ”. Nghe vậy, Người bảo: “À, cùng trường thằng Điện Biên nhà bác hả?”. Tôi thưa: “Vâng ạ!”. Đại tướng cầm quyển sách tôi đang đọc lên xem rồi đặt xuống bàn, bắt tay tôi và bảo: “Cố gắng nhé! Chúc cháu thành công!”. Nói rồi, Người quay lại giơ tay vẫy chào mọi người và đi tiếp.

Tôi bồi hồi sung sướng, trong bụng nghĩ thầm: “Sao mình may mắn thế? Trong phòng có bao nhiêu người mà Đại tướng dừng lại đúng chỗ mình và còn nói chuyện với mình”. Suốt những ngày sau đó, cảm giác lâng lâng khó tả ấy cứ âm ỉ trong tôi.

Lời căn dặn của Đại tướng đã là nguồn động viên đối với tôi, làm tôi hưng phấn hơn trong học tập và trong cuộc sống.

Lần gặp thứ hai

Đó là vào năm 2002, khi tôi đang công tác tại Khoa Kỹ thuật hàng không - Học viện KQ. Trong khoa có đồng chí Nguyễn Minh Xuân là cháu gọi các bác Nguyễn Thị Minh Khai  và Nguyễn Thị Minh Thái (phu nhân Đại tướng) là bác ruột. Với mối quan hệ đó, Xuân có thể đến gia đình Đại tướng bất kỳ lúc nào. Vì thế tôi nảy ra ý định tổ chức cho cả khoa được gặp Đại tướng một lần. Tôi mang ý tưởng đó bàn với Xuân rồi hai đứa quyết định “trinh sát” một lần xem sao.

Hôm đó là buổi sáng mùa thu đẹp trời, chúng tôi tới khu biệt thự của Đại tướng trên đường Hoàng Diệu. Đồng chí cảnh vệ đã quen mặt Xuân nên cho vào ngay. Chúng tôi được mời vào phòng khách của Văn phòng Đại tướng. Một căn phòng rộng chừng 30 mét vuông, tường  quét ve xanh. Giữa phòng là một bộ sa lông nan bằng gỗ thường, chắc dùng đã lâu nên trông đã cũ. Quanh phòng đặt tủ kính với nhiều quà lưu niệm của các cơ quan, đoàn thể và bạn bè quốc tế tặng Đại tướng nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Người. Nhìn căn phòng tôi nghĩ bụng, sao Đại tướng giản dị đến thế!?

Trên tường treo nhiều trướng mừng thọ Đại tướng. Tôi đặc biệt thích bức trướng do Hội CCB ở một địa phương tặng với hai câu đối:

                                    Thập tướng thượng tôn duy nhất hoạt

                                    Nhất tiến quân hàm độc khởi giai     

Vừa đọc xong thì đại tá Nguyễn Huyên, thư ký riêng của Đại tướng, bước vào. Chúng tôi trình bày nguyện vọng của mình. Ông lắc đầu: “Lịch của Đại tướng kín hết rồi. Các đồng chí cứ về, có gì tôi sẽ thông báo sau”. Kỳ kèo mãi cũng chẳng được, chúng tôi đành xin phép ra về.

Ra khỏi phòng, Xuân bảo: “Anh theo em, đi đường này!”. Xuân kéo tôi đi vòng ra phía kia của biệt thự, mở cửa ngách và chúng tôi bước vào phòng ăn của gia đình. Vào được mấy bước, thì thấy Đại tướng từ phòng bên bước sang. Đại tá Huyên cùng đi theo, ông trố mắt nhìn chúng tôi. Còn Đại tướng thì tươi cười bắt tay hai đứa: “Các cháu đi đâu đấy?”. Chúng tôi thưa: “Chúng cháu đến thăm bác ạ”. Người đưa chúng tôi vào phòng trong, gọi bác gái từ trên gác xuống cùng nói chuyện. Người hỏi chuyện công tác, học hành của chúng tôi rồi bảo: “Thôi, các cháu cứ ngồi với bác gái, bác có chút việc bận”.  Chúng tôi kính chúc sức khỏe Người. Người bắt tay chúng tôi rồi sang phòng khách. Nói chuyện với bác gái một lúc, chúng tôi xin phép ra về.

***

Đó là hai trong số những kỷ niệm sâu sắc nhất của đời tôi.

Nhân ngày sinh lần thứ 100 của Người, cầu Trời khấn Phật cho Người sức khỏe, sống thật lâu với con cháu, để toàn dân được chúc mừng sinh nhật Người nhiều nhiều năm nữa. 

Đ.Q.V


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.