Bộ môn Vô tuyến (1975-1990)
Tối qua, chị Lan vợ anh Bính từ HN gọi
vào, báo tin thứ tư tới giỗ anh Bính. Nhanh quá, đã một năm! Kỉ niệm với anh
lần lượt hiện về…
Năm 1973 tốt nghiệp ở Học viện Thông
tin Leningrad, đến 1974 anh về bộ môn Vô tuyến, cũng là lúc chúng tôi thực tập
ra trường. Trước ngày giải phóng 1975, tôi theo các thầy đi tiếp quản kĩ thuật các
đài Tropo viễn thông (thuộc ICS), còn anh sau đó ít ngày đưa học viên khoá 6 đi
tiếp quản Ba Son. Cả hai sau đó cùng về lại bộ môn. Anh em gắn bó với nhau từ
đó.
Ngày ấy cụ Khái, bố vợ anh, làm ở Uỷ
ban Phát thanh Truyền hình. Do có quan hệ của cụ mà chúng tôi mua được nhiều
tăng âm, ti-vi, trang thiết bị... đúng giá. Vậy là tổ chức đi “đánh Pắc”, lắp
đặt các hệ thống truyền thanh, truyền hình cho các HTX chăn nuôi, kiếm thêm gà,
lợn cải thiện cho anh em. Đầu những năm 1980 như thế cũng là “chủ động phá rào”.
Vui từ đó. Rồi anh Ngân, Giang “mù” (Khoa Cơ điện) cũng vì thế mà kết thân
với anh Bính.
Hay qua lại nhà anh (ngày đó tá túc ở
nhà vợ tại số 3 phố cổ Đinh Liệt). Cũng chỉ là cái gác xép, chui vào chui ra
không chạm đầu. Như vậy đã là quý lắm thời bao cấp. Bố vợ anh quý bạn con rể nên
hay mời qua uống rượu. (Cụ chả chơi thân với các cụ Đông Sơn, Lê Nghĩa (Sở CA ),
Chu Thực (Tổng cục Hải quan…).
Khi nghe Bính kể về gia đình tôi, cụ
mừng lắm: “Bố cháu đã cứu sống chú, ông như sinh ra tao lần thứ 2…”. Rồi ông kể
thời kì Sửa sai (1956-57), đang là bí thư chi bộ Nông trường Đông Hiếu, Tây
Hiếu thì bị quy là đảng viên Quốc dân đảng (vì “ngày nhỏ được đi học”!). Vậy là
“đội” quyết định tử hình.
Đúng hôm thi hành án, ông đang dựa cột
(còn anh vợ Bính thì đang trèo lên cây cao, nhìn xuống, thấy bố bị trói mà chả
hiểu gì), thì thấy có xe con phóng về. Cha tôi khi đó là Phó tổng Thanh tra
Chính phủ, nghe tin có án oan, đã phi ngay trong đêm từ HN về Nghệ An. (Mà ông
có biết ông Khái là ai). Làm xong, ông lại lên đường. Ông Khái sau này ân hận:
“Cứ tiếc là chả bao giờ tao được gặp lại ông Bình. Giá mà đêm đó bố cháu
"vui" với mẹ cháu,sáng sau mới đi, thì chắc tao cũng đi
rồi…”.
Chú cháu quý nhau, có vụ gì, ông lại
alô. Qua ông mà tôi thân cả với chú Đông Sơn, rồi bố Tuấn “câm”... cánh
ngoại tuyến Sở CA. Ông Khái ngày đó có chiếc mô-tô Vaxkhot 350cm3. To đùng,
phải đạp nổ. (Lắm lúc đạp không dứt khoát, cần đạp trả về, quật sưng ống chân. Ống
chân tôi từng có sẹo vì nó). Ban đầu cụ cho con rể mượn đề lên
trường, sau thì bán rẻ. Tôi cùng anh Bính đã nhiều lần vi vu bằng xe này lên
Vĩnh Yên, rồi trên đường tạt qua sân bay Nội Bài uống bia với cánh hải quan và
hàng không trên đó. Xe này cũng từng cùng Công em tôi chở hàng lậu đánh từ sân
bay về.
Hai tên từng phi xe sang Gia Lâm
"cày" máy phay chép hình. Cái nóc số 3 ngõ Phan Chu Trinh từng là nơi
nhen nhúm chuyện "làm ăn" của bộ môn. Anh em có nhiều kỉ niệm vui,
buồn. Tôi từng về quê anh ở tận Xuân
Thủy , Nam
Định viếng ông bố đẻ anh.
Lần mẹ chú em Chinh (nay là Truởng bộ
môn) mất, hai anh em đã phá khóa và dùng (không xin phép!) chiếc Honda-67 của
anh Ngân (anh đi tranh thủ về Nam Định, sợ mất mà gửi lại), phi từ Vĩnh
Yên về Bắc Giang viếng cụ. Chiều đó từ Bắc Giang trở về, đến dốc đầu cầu Đuống,
chẳng hiểu sao phanh không ăn. Cứ thế xe lao đi điên xuống dốc. "Bóp phanh
tay!", tôi hô. "Phanh tay còn đ. đâu mà bóp?". (Mà "xuống
dốc không phanh" thì biết rồi đấy!). Tôi liều mạng nhảy xuống, chạy theo
xe, cố giằng lại. Cuối cùng thì xe dừng. (Chắc vì đi làm việc nghĩa mà
được bà phù hộ). Mẹ ơi, thoát toi!
Anh em lấy địa chỉ nhà Bính là nơi tụt
tạt. Quốc, Ngân, Giang, Thanh Hải, Tạ Vinh... không ít lần ngồi nhậu với lòng
lợn, chân gà. Đầu gần chạm sàn gác xép của hộ trên mà vẫn cứ vui.
Thân nhau đến mức, có hai ả Tố Nga đầu
lòng, không chịu được vì "chưa có thằng chống gậy", anh quyết “cày”
thêm. Và may sao có thêm cháu trai. (Nay cháu đã ra trường và công tác ở
Viettel).
Ngày đón cháu về, có ý hỏi bác Ngân,
nên đặt tên gì? Chẳng cần suy nghĩ, bác bảo: “Đặt là Sửu vì đang năm con trâu”.
Bố hỏi ông ngọại và đặt là thằng cu Đạt (bố mày chả chịu thua ai!)
nhưng ở nhà có thêm cái tên Sửu (mà anh em hay gọi chại ra là Xỉu!
Riêng bác Ngân “ý tao nói là thằng Bình chưa bị xỉu!”).
Đầu 1990, tôi xin đi khỏi trường. Là
tổ trưởng anh ủng hộ: “Có thời cơ thì đi đi, vì chả phải ai cũng vậy. Quyết là
làm, đừng chần chừ”. (Đến này vừa tròn 20 năm). Dù ra trường nhưng có điều kiện
lại gặp nhau bù khú, nhất là mỗi lần từ SG ra HN. Hễ lên đến phòng “kế hoạch 3”
của bộ môn trên "nóc số 3" là anh, sau cú rít điếu thuốc lào, phả
khói lên nóc, lại với tay ra sau lấy ra chai rượu quê: “Nào, uống đi! Mấy khi
ra đây”. Đến trưa lại rủ đi ăn cơm bụi ở đầu Phan Chu Trinh hay sang uống bia
Sửu (cũng lại Xỉu!).
Cái xưởng của anh nuôi sống được nhiều
bạn cũ đã nghỉ hưu. Sản phẩm "liên lạc nội bộ" của nhóm đã đăng kí
bản quyền và được sử dụng rộng rãi trong Hải quân, Hàng hải, Biên phòng,
Xe tăng… Học trò đứa nào được làm đề tài với thầy thì khỏi phải nói.
Đầu 2008, nghe tin Tạ Vinh từ Đức mới
hồi hương, anh mời vợ chồng tôi cùng vợ chồng Châu-Vinh đi ăn cơm cùng bộ
môn. Quán cuối Lò Đúc, hình như có tên Xưa nên hơi "bỉn".
Món ăn nhà quê, dân dã. Ngon miệng. Trời lành lạnh, được uống rượu nút lá
chuối, thấy thơm cả miệng, ấm cả người. Anh lúc nào cũng chu đáo với bạn bè.
Ngày anh ốm, tôi và anh Ngân, Giang
“mù” từng vào Viện 108 thăm. Ho lụ khụ nhưng nghe anh em tếu táo vẫn cười móm
mém: “Khỏi bệnh, thế nào anh em ta phải cùng uống”. Lên Vĩnh Yên, bác Thắng
“tụt” còn xin chị Thiện cho chai mật gấu ngâm mật ong rừng về cho anh.
Vẫn cái dáng ấy, con người ấy, vẫn gần
gũi, tri kỉ… vậy mà mệnh ngắn. Anh lặng lẽ ra đi. Chúng tôi – Ngân, Giang, Quốc
– cùng bạn bè ở bộ môn, khoa, trường đã đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng ở Bình
Đà. Anh nằm không xa chân cột anten thu phát của bọn Viettel. Anh Ngân bảo “Với
thằng Binh, có lẽ “Sinh nghề tử nghiệp” là thế?”.
Anh Bính ạ, với đời anh chả còn gì ân
hận. Anh đã hoàn thành trách nhiệm của người con, người cha và luôn là người
bạn tốt!
T.K.Q
Tôi đọc bài viết của KQ, nhớ đến Phạm Văn Bính, nước mắt dân dấn. Chẳng bi ai nhưng sâu xa tình bạn ,tình anh em, cái tình thủa vui buồn ,khốn khó làm cho mình thương nhớ vế bạn, thương nhớ cái thời trai trẻ quá nhiều kỹ niệm đẹp với Phạmvăn Bính. Anh em chia nhau củ khoai, chén rượu đã là thân, đặt cả tên cho con bạn thì sự thân đủ biết rồi đấy. Xin từ nơi xa xôi , anh thắp cho mày thêm một nén nhang. Người như mày siêu thóat là đương nhiên nhưng đừng quên, phù hộ cho vợ con, bè bạn vượt qua những hoạn nạn trần thế. ( Trần Đình Ngân)
Trả lờiXóaBạn tử tế sống với nhau bao giờ cũng có kỉ niệm đạp.
Trả lờiXóa