Nguyễn Tấn Lộc
Học viên Radar khóa 7
Quán nước
nhỏ nằm cạnh đường Quốc lộ 2, phía tay trái theo chiều từ Phúc
Yên lên Vĩnh Yên. Quán cách khu học viên khoa tôi khoảng non 1 km.
Chỉ cần đi qua xưởng in, tắt qua sân bóng đá, theo một con đường
nhỏ ngoằn nghoèo dọc bờ muơng, dẫn ra quán. Hàng ngày, quán mở cửa từ sáng
đến khuya. Chủ quán là một người đàn bà khá đầy đặn nhưng chỉ còn một chân, cái
chân kia không rõ vì lý do gì không còn gắn với cơ thể của bà nữa. Quán nước là
một phần phía trước của nhà, một cái bàn gỗ đã cũ, vài cái ghế dài cũng bằng gỗ
đơn sơ. Trên bàn bày các loại hàng hóa như vô vàn các quán nước khác: vài cái
lọ thủy tinh miệng rộng đựng lạc rang, kẹo lạc, kẹo dồi, và kẹo vừng; hơn chục
cái chén uống nước chè đủ các loại màu nâu, trắng, hoa hồng...; vài nải chuối
chín, dăm ba chục chiếc bánh đa vừng, vài bao thuốc lá các loại, khoảng mươi
quả trứng gà và vịt đã luộc chín. Thế thôi và bà chủ quán một chân ngồi sau cái
bàn đơn sơ ấy. Học viên chúng tôi từ khóa nào chả biết đã gọi đó là quán Bà Bệt (vì lúc nào bà cũng ngồi bệt!).
Ở phía
dốc Láp có nhiều quán hơn nhưng học viên khoa tôi thường ra đây vì gần hơn, lại dễ qua mắt của cán bộ và cảnh vệ. Nhất là
vào ngày chủ nhật, quán Bà Bệt thường không đủ hàng bán vì cánh lính chúng tôi
được nghỉ. Có việc gì đâu ngoài ra sân bóng và đi quán.
Món khoái khẩu ngày ấy là nước
chè kẹo lạc, kẹo dồi và kẹo vừng; món thứ hai là chuối tiêu ăn với lạc rang mà
cánh lính gọi tắt là “chuối lạc”. Với riêng nhóm tôi thì hai món này thường
được sử dụng theo từng lần ra quán, lần này món này thì lần sau món kia, nhưng
cũng có một thói quen: Nếu là ra quán nói chuyện, giải trí bình thường thì dùng
nước chè và kẹo, thuốc lá; còn nếu có chuyện vui gì đó (tỷ như khao nhau vì mới
cắt tóc hay có đôi dép nhựa Tiền phong mới mua hoặc có bạn gái đến thăm)... thì
dùng món chuối lạc. Món chuối lạc còn giúp cho những anh chàng mải mê thể thao,
xuống nhà ăn muộn bị hết phần cơm, "đói thì chữ nó không chui vô đầu
được" - Q. "cháy" lớp tôi thường ca cẩm vậy.
*
Một chiều mùa
hè, sân bóng đá dần thưa người khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Mọi
người đã thôi chơi thể thao, đi tắm và ăn cơm tối. Nhưng trên sân vẫn còn hai
đội "gôn tôm" mải miết quần thảo. Trời tối thui khoảng mươi anh chàng
ham mê "gôn tôm" mới chịu nghỉ. Tôi là một trong số đó. Chỉ kịp tắm
vội tắm vàng, lao xuống nhà ăn như tia chớp mà cả nhà ăn chỉ còn đúng một mâm
cơm, mười lính chia nhau một mâm cơm 6 người, sức ăn sức lớn nên mặt cha nào
cũng buồn thiu nhăn nhó. Anh Khải "bô đa" và anh Chiến
"thộn" hét lên: “Bà Bệt thôi, chúng mày ơi!”. Thế là cả bọn luồn bóng
tối ra quán. Lúc đó tôi học năm thứ 3, hai anh Khải và Chiến học năm
cuối. Ra đến quán chỉ có năm anh em, mấy cha kia chắc sợ chui rào bị bắt? Khải
"bô đa" to giọng: “Chuối lạc nhé!”.
- Chúng mày ra sớm
thế, trốn học bài hả ? - Giọng bà Bệt oang oang.
- Dạ không. Bọn cháu
hết cơm nên ra làm tí chuối lạc rồi về học mà.
- Hết rồi. Còn ba
quả chuối thôi, thằng nào ăn thằng nào nhịn tùy chúng mày. Bà đẩy ba quả chuối
tiêu và đĩa lạc rang ra mép bàn.
- Bà cho thêm mấy
cái bánh đa.
- Hết rồi.
- Thế thì cho mấy
chén nước chè nóng với lại hũ kẹo lạc vậy.
- Hết kẹo lạc rồi,
còn năm cái kẹo dồi thôi.
- Sao hôm nay hẻo
thế, cái gì cũng hết. Thế có trứng luộc không ạ ?
- Hôm nay vỡ chợ hay
sao mà chiều nay bọn chúng mày kéo ra đông thế, hết từ chập tối cơ, sáng mai
tao mới lấy hàng - Bà Bệt vừa nói vừa ngoái người nhìn vào cái rổ bên cạnh -
còn hơn chục quả trứng nhưng chưa luộc.
- Ôi, hay quá rồi
- Chiến "thộn" reo lên - Thế là ổn, luộc đi bà, luộc hết,
luộc hết!
- Chả luộc hết thì
để lại à - Khải "bô đa" vừa châm thuốc lá vừa cằn nhằn - Cả cái bàn
này mình tao chưa đủ no.
- Cái gì - Chiến
nheo mắt - Bốc vừa thôi.
- Hai anh đừng cãi
nhau nữa, nhâm nhi mấy thứ này dần đi chờ trứng luộc! - Tôi đấu dịu.
- Thằng này nó hay
hoắng - Chiến "thộn" vẫn thủng thẳng - Người thì bằng cái ngón
tay tao, nặng có 42 cân mà đòi ăn hết chừng này thứ. Cỡ ông bây giờ chỉ ba quả
trứng luộc là ợ lên mũi.
- Thế mày có thách
tao ăn hết rổ trứng luộc kia không? - Khải hắng giọng rồi rít một hơi thuốc
dài.
- Bao nhiêu quả, bà
ơi? - Tôi hỏi bà BệTuấn
- 16 quả. Tao đã đếm
trước khi luộc.
- Nhằm nhò gì, mình
tao hết bay - Khải mặt tỉnh khô, rít thuốc lá.
- Thật không? Cá nhé!
- Chiến "thộn" cay mũi - Nếu mày ăn hết 16 quả trứng vịt luộc
kia ngay bây giờ thì tao xin phục vụ mày một tháng liền lấy nước cho mày đánh
răng, rửa mặt ngay tại giường. Nếu ăn không hết thì ngược lại mày phải phục vụ
tao.
- Hà hà, chúng mày
nghe rõ nhé, thằng Chiến" nói đấy nhé. Nhưng mà tao thêm điều kiện
nữa mày chịu không? Đó là một tháng vừa lấy nước đánh răng, rửa mặt vừa lấy cơm
sáng về tại giường cho tao. Nếu tao thua thì tao sẵn sàng phục vụ mày như thế.
Được chưa?
- Được, tao đồng ý
- Chiến "thộn" chém tay trong gió - Tao cũng ra điều kiện,
mày phải ăn liên tục không được nghỉ giải lao và mỗi quả chỉ được cắn làm đôi
cho vào mồm đúng hai lần, chấm với muối ớt hay cái gì kệ mày.
- Đồng ý với đồng
chí Chiến "thộn" anh em - Khải cười hà hà - Thằng Lộc bóc
cho anh nhé! Mày không được nếm đâu đấy, thèm cũng phải cố nhịn.
- Thôi đi các anh,
bọn em đói lắm, để hôm khác có được không? - Tôi và hai thằng nữa nài nỉ - Bọn
em mà đói là học không vào, ngày mai anh Lợi lại cho “nốc ao” thì chếTuấn
- Không được, chúng
mày chịu khó, “quân tử nhất ngôn” không thay đổi - Chiến "thộn"
quả quyết - Yên trí đi, chỉ dăm quả là nó ợ lên thôi mà, khi đó chúng mình chia
nhau chỗ còn lại. Yên trí đi!
16
quả trứng vịt mới luộc chín nóng hôi hổi, tôi vừa bóc vừa thổi
phù phù. Dưới ánh đèn dầu hỏa, nét mặt của anh Khải vẫn thản nhiên, tay
không rời điếu thuốc lá. Tợp một ngụm nước chè mạn, anh bắt đầu quả thứ nhất,
chấm vào đĩa muối ớt, cắn một miếng đúng nửa quả trứng, nhai tỏm tẻm rồi nuốt
gọn. Ngon thế, lại còn chép miệng. Bọn tôi nhâm nhi chén nước chè mạn, mỗi đứa
một quả chuối, nhìn anh bắt đầu cuộc cá cược. Cho nốt miếng trứng còn lại vào
miệng anh cười: “Ê, Tấn Lộc cho quả thứ hai nào!”. Tôi đưa anh quả trứng thứ
hai vừa bóc vỏ… quả thứ ba, thứ tư rồi thứ... Cho đến quả thứ 9 anh vẫn điềm
nhiên cắn làm hai miếng sau khi quệt qua đĩa muối ớt, nhai tỏm tẻm rồi nuốt
gọn. Ngon thế.
Quả
thứ 12 đã chui tọt vào bụng anh Khải. Anh Chiến "thộn"
nghe chừng cũng chột dạ nhưng giọng vẫn cứng: "Sắp ợ chưa em? Nếu không
chịu được nữa thì thôi nhé, đừng cố mà hại đời. Sắp thua chưa?". Thực lòng
tôi cũng lo cho anh Khải vì người anh nhỏ bé, cao chưa đến 1m60, nặng có 45 kg,
ăn làm sao hết 16 quả trứng đây. Thế mà anh vẫn thản nhiên cười: “Thằng Lộc
bóc nhanh lên nào, anh đang “vào phom” đây”.
Anh Chiến "thộn" sốt ruột
thực sự khi quả trứng thứ 14 chui tọt vào bụng anh Khải "bô đa". Anh
với tay sang chụp lấy quả trứng thứ 15 tôi vừa bóc, còn cầm trên tay rồi quay
cái mặt buồn rầu sang anh Khải:
- Thôi, tao chịu
thua mày, còn hai quả mày để lại cho tao ăn nốt, tao đói lắm rồi.
- Chịu thua thật
chưa? Có mấy thằng em làm chứng nhé.
- Tao chịu thua thật rồi -
Chiến "thộn" tay cầm quả trứng dứ dứ.
Cả bọn
vỗ tay rồi cười vang cả quán: “Bái phục sư phụ, bái phục!”.
Bà Bệt cười nghiêng ngả, suýt tuột người ra khỏi cái
ghế gỗ ba nan: “Thằng này cả ngày mai không cần ăn cơm
nữa đâu, chúng mày ạ”.
Tôi chạy sang
ngồi cạnh anh Khải: “Anh ơi, bình thường chứ, có sao không?”. Anh Khải tỉnh bơ:
“Tao làm sao? Còn hai quả nữa mà nó không để tao ăn nốt, đang
thèm đây”. Mặt anh vênh lên: “Lần sau chừa cái mặt thằng này ra nhé, em
ơi. Sướng quá một tháng được "phục vụ sáng toàn phần” tại giường. Ôi,
sướng quá!”. Anh cười khà khà làm chúng tôi cũng phá lên cười theo, trong khi
bụng đói cồn cào. Riêng tôi ngồi cạnh anh Chiến "thộn" nên
được anh đút cho nửa quả trứng vì có công ngồi bóc vỏ.
Ngày hôm sau
và tiếp theo nhiều ngày nữa, câu chuyện trên được truyền
khẩu đến tất cả học viên khoa tôi, trên sân bóng đá các buổi chiều
sau đó râm ran câu chuyện mang tên Khải "bô đa" ăn trứng vịt luộc.
*
Lúc này
là 20 giờ. Mới vào giờ tự học được gần tiếng đồng
hồ mà thằng Tuấn "con" đã thập thò ngoài cửa
số nháy mắt với tôi rồi hất mặt về phía sân bóng. Thế là hiểu, tôi chuồn
lẹ ra ngoài và nhập bọn với ba thằng em khóa dưới, ra quán làm chầu nước chè,
kẹo lạc. Mùa đông ập về mang khí lạnh từ phương bắc lan tỏa khắp nơi. Mấy anh
em mò mẫm trong đêm giá buốt, lầm lũi vượt rào ra quán Bà BệTuấn
Trên
đường đi, Tuấn "con" bảo: “Tí nữa anh ngồi cạnh em nhé!”.
Tôi “ừ” nhưng chưa biết có chuyện gì. Quán Bà Bệt hôm nay
vắng hoe, chỉ có bốn anh em tôi là khách nên chỗ ngồi thoải
mái. Mỗi người một chén nước chè mạn nóng, điếu thuốc lá thơm, một
thanh kẹo lạc giòn tan, nhâm nhi thả hồn lâng lâng theo khói thuốc trong tiết
trời lạnh giá.
Tuấn
"con" bỗng nhiên lên cơn ho khù khụ, hai tay ôm lấy mồm vừa ho vừa
ngồi sát vào tôi, hắn nói giữa hai cơn ho: "Mở túi áo đại cán ra!".
Tôi chưa kịp hiểu ý gì nhưng cũng thò tay mở nắp túi áo dưới của chiếc đại cán
đang mặc. Tuấn "con" ho tiếp mấy tiếng, tay ôm mặt gục xuống chiếc
bàn gỗ. Sau vài giây, hắn ngẩng đầu lên, cùng lúc thấy tay hắn luồn xuống cho
vào túi đại cán của tôi một thứ gì đó. Tôi hơi né người, hắn nói
rất nhỏ: "Anh ngồi yên!" rồi rít thuốc như không có chuyện gì xảy ra.
Thằng Th.
"lé" lên tiếng: “Ho thế thì thôi, đừng hút thuốc nữa,
mai lại rên hừ hừ làm khổ anh mày phải hầu cơm sáng”. Tuấn
"con" cười rất hiền: “Ừ, thì ho qua loa ấy mà”.
Nói
xong hắn lại ho và hai tay ôm mặt, gục xuống mặt bàn gỗ. Sau vài giây, hắn lại ngẩng
đầu lên, cùng lúc tay hắn luồn xuống cho vào túi đại cán của tôi một thứ gì đó.
Tuấn "con" lặp lại kiểu ho như vậy khoảng dăm lần. Túi áo đại cán
phía dưới của tôi đã căng phồng. Hắn đứng lên với tay cầm bao thuốc lá trên bàn
còn mấy điếu: “Bà ơi, thanh toán cho bọn cháu để còn về học bài tiếp. Còn bốn
điếu trong bao này cháu lấy nốt nhé!”. Th. "lé" lầu bầu: “Vừa mới
được một hiệp đã về?”. Tuấn "con" gạt đi: “Về đã, tao có việc, tao sẽ
bù cho mày lo gì”.
Bà Bệt
nhẩm rất nhanh số tiền của cả bọn. Xong xuôi, cả bọn nhanh chóng rời
quán, quay về sân bóng. Trên đường
đi thọc tay vào túi áo mà không nhịn được cười. Đủ các thứ: kẹo
lạc, kẹo dồi, kẹo vừng, lạc rang và cả mấy điếu thuốc lá nữa.
-
Tuấn "con" ơi là Tuấn "con", hóa ra
mấy cơn ho của mày là thế này đây. Tao thua mày rồi, không hiểu mày học được ớ
đâu ra cái mánh này cơ chứ. Bà Bệt mà biết là toi, em ạ, cảnh cáo toàn trường
là còn nhẹ.
Hắn thì cười khùng khục:
- Em nghĩ ra chiêu này trên
đường ra quán đấy, em thao tác thế bà ấy biết thế nào được, hơi chờn là lúc nãy
chỉ có mấy anh em mình bà ấy mà kiểm hàng thì dễ lộ, không biết hồi chập tối và
lúc nữa có ai ra quán không, nếu có đông khách thì yên tâm hơn.
Về sân bóng đá, mấy anh em
được một chầu kẹo và thuốc lá “xum xuê” nhưng không có nước chè, đành phải chui
vào nhà ăn làm mỗi thằng nửa ca nước giếng, còn hào phóng tặng em Yên "chị
nuôi" đang ủ than 4 cái kẹo vừng, Tuấn "con" nhanh mồm: “Em ơi, mai nhớ phần cho anh miếng cháy ngon nhé!”.
*
Sáng nay, khi
ăn quà sáng xong, ghé vào một quán nước ven đường, thấy trên bàn
có cái lọ kẹo lạc, mấy quả trứng vịt luộc và mấy
quả chuối; lòng bỗng bâng khuâng nhớ về một thuở vượt rào
ra quán Bà Bệt ở Vĩnh Yên năm nào. Nay, anh Chiến thì đã
mất vì căn bệnh nặng, anh Khải "bô đa" lâu lắm không liên lạc được,
còn thằng Tuấn "con" hiện nay là Chánh văn phòng của một Tổng công ty
nhà nước rất lớn.
Kính mong
vong linh bà chủ quán ngày xưa đại xá! Kính mong vong linh anh Chiến
tha cho thằng em lớp dưới, cũng vì có những kỷ niệm như vậy mà bọn em không bao
giờ quên anh!
N.T.L
Đọc bài viết của Tấn Lộc mà nhớ ngày xưa, nhớ Chiến "thộn" - anh bạn người "tông giật" Cao Bằng, thật thà, tốt bụng mà số vắn. Anh trong bồ đàn của tôi. Mỗi lần đi tranh thủ hay tạt qua nhà anh ta trên Phan Đình Phùng. Hai ông bà già cũng thân tình và mộc mạc lắm. Riêng chú em Du nghe nói cũng là tay anh chị ở đất Hà Thành?
Trả lờiXóaSự tích bà Bệt nghe kể lại rất nhiều khảo dị! Có cụ ông ở Liên Bảo kể rằng bà Bệt thời trẻ rất đẹp gái, trắng trẻo nên có nhiều bạn trai. Thời Pháp thuộc 1954, có cái bốt gác Tây lập ra ngay chỗ gốc đa bây giờ để kiểm tra người ra vào Thị xã Vĩnh Yên, bà đi chơi tối về qua, một thằng Tây nhọ đuổi theo bắt lại...rồi nghe thấy súng nổ. Hai thằng Tây bắn nhau, một viên đạn lạc vào chân bà. Ở Bảo Sơn lại có người nói, bà Bệt thời trẻ từng vào du kích chống Tây càn dân lập bót, một lần công vụ bị mìn. Chuyện bà Bệt dân quân nhiều người nói nhưng để ý thì không ai thấy trong nhà bà có treo bằng cấp nào thời kháng chiến 9 năm. Thời những năm 70-80, quán bà Bệt là nơi giao lưu ,chống đói và để lại rất nhiều kỷ niệm của sinh viên Đại học Kỹ thuật Quân sự. Bà Bệt có một gia đình lớn, các con bà thau tháu như nhau đến 5-6 đứa, các cháu lớn lên, học hành chắc cũng tất nhờ vào cái quán của mẹ. Mặc dầu bà Bệt mở quán mưu sinh nhưng cũng rất gần gũi với đám sinh viên trẻ, mắng mỏ, xởi lởi, bốp chát nhưng cho ghi hàng tập sổ ký nợ...Đám sinh viên thời đó có anh đã phát hiện ra là bà Bệt xét nét vậy thuộc nhiề tên mà chẳng nhớ mặt chú nào.
Trả lờiXóa3-40 mươi năm qua đi, tất cả thành kỷ niệm đẹp. Giá như sổ Nam tào nhà bà Bệt giờ còn có người lưu giữ thì số nợ cắm chưa tính gốc, chỉ tính lãi thôi cũng phải đến trăm triệu? !
Đọc bài viết của Tấn Lộc, nhớ lắm ĐHKTQS, cũng là dịp nhớ lại hình ảnh bà Bệt rất thân thương của một thời tuổi trẻ trên đất Vĩnh Yên. ( TĐ)
Bà Bệt có thằng Bình đi bộ đi về, làm nghề cắt tóc. Hắn kị giơ với thằng Trù (còn gọi "anh chị Trù", đàn em Phan Nam) cắt tóc ở Dốc Láp. Có lần Trù hỏi thăm thầy Nam: "Nếu nó xông lại em mà giơ kéo thế này - vừa nói Trù vừa làm động tác xọc kéo - thì bác bảo sao?". Thầy thản nhiên:
Trả lờiXóa- Thì chạy chứ sao, 36 chước thì chước ấy là nhất!
Ui, nhớ quá cái quán "mất nết"... Sau này đi c tác qua vẫn thấy bán...lâu quá rồi...
Trả lờiXóa