Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

TÀI CHÍNH CÔNG KHAI THỜI CHIẾN


                   Trần Đình Ngân[1] 
Bộ môn Vũ khí, Khoa Cơ điện

 
            Cuối 1968, Khoa Cơ điện sơ tán tại Nhân Mục (Hàm Yên, Tuyên Quang). Một buổi tối, có  lệnh họp toàn thể khối cơ quan (gồm Ban chỉ huy khoa, Phân đội giáo viên, tổ Chính trị – Hậu cần) ở sân trước nhà Ban chỉ huy khoa. Sau lưng là một rừng vầu.
Sau thủ tục điểm danh và vài thông báo của giáo vụ, thượng uý Dương Ái Hiểu – Chính trị viên khoa – tiếp tục chủ trì. Cầm chiếc đèn dầu làm bằng chai đã vặn ngọn thật nhỏ theo quy định phòng không, soi sát vào quyển vở học trò viết nguệch ngoạc (thường ngày nó được cuộn tròn, đút ở túi quần sau), ông tuyên bố:
- Bây giờ đến phần tài chính công khai và xét kỷ luật tổ nuôi quân.

Phía cán bộ khối cơ quan và hậu cần thì yên lặng, còn phiá các bộ môn  giáo viên thì xôn xao, chưa rõ chuyện gì. Riêng nhóm nữ hậu cần thì co rúm lại, sụt sịt. Chính trị viên dõng dạc: “Mới    2 tháng mà tịnh kho thấy thiếu 12 kí gạo, bột mì thì dôi ra 2 kí, chum ca-la-thầu thì chỉ còn mấy miếng. Theo sổ thu chi tiền ăn thì hụt 11 đồng, 5 hào, 7 xu. Người có trách nhiệm là cô Nhung phải nghiêm khắc kiểm điểm cho ra tội tham ô, làm thâm hụt tài sản của tập thể. Đặc biệt, phải báo cáo cho các anh cán bộ, giáo viên của khoa xem có vấn đề tư tưởng lệch lạc gì không!”.
Binh nhất Nguyễn Thị Nhung – cô gái xuất thân từ nông thôn, có tiếng là tháo vát, ngoan và chịu khó, đang được phân công thủ kho của bếp – ngay từ đầu  buổi họp đã mếu máo, nghe đến đây bỗng oà lên:  “Các anh ơi, em thề với các anh là em không ăn cắp. Ca-la-thầu thì không biết ăn. Các thủ trưởng bảo rằng, kho mà còn thiếu thì không được xét cho đi học đợt này. Mà em thì muốn được đi học lắm! Em thề với các anh là em nói thật, các anh cứu em với!”. Không khí thật nặng nề. Trong yên lặng, thiếu uý giáo viên Đặng Văn Hoà giơ tay phát biểu, giọng Nam Bộ trầm xuống:
       - Cô Nhung chẳng có chuyện gì đâu, nó rất tốt với anh em giáo viên. Anh em đi công tác 2-3 ngày đường đạp xe mới về đến Hà Nội, khi thanh toán thực phẩm mang theo, sợ anh em đói, cô cân tươi. Sợ anh em không biết nấu cơm độn mì bột thì cho nhiều gạo ít bột; lại còn xúc cho muôi ca-la-thầu ngoài tiêu chuẩn…
Hoà chưa dứt lời thì Ngô Quyết đủng đỉnh nói theo: “Vậy là của tập thể thì tập thể ăn, chả đi đâu mà mất!”. Một cán bộ hậu cần vặn lại: “Vậy là vô nguyên tắc. Thủ kho để thiếu hụt thì lấy đâu mà bù vào tiêu chuẩn cho bếp ăn tháng này?”. Nghe vậy, thiếu uý Nguyễn Trần Hảo (bộ môn Vũ khí) đề nghị:
- Gạo thiếu thì bộ phận giáo viên đồng ý mỗi ngày giảm đi một ít. Từ sáng mai, các bộ môn giáo viên sẽ tranh thủ giờ thể dục sáng và thể thao chiều vào rừng lấy củi bù tiền than, lấy măng bù tiền rau. Như vậy chì nửa tháng là đủ!
… Cuộc họp giải tán, bóng người dò dẫm theo ánh đèn chai, tản về các lán ven đồi.
Tháng sau, binh nhất Nguyễn Thị Nhung có lệnh bàn giao, đi học Trung cấp Thông tin. Khoác ba-lô lên vai, cô đi chào hết lượt các bộ môn giáo viên. Giữa sân khoa, cô bô bô hể hả: “Các anh ơi, em chào các anh. Các anh giáo viên là tốt nhất trên đời! Em sướng các anh lắm!!!”.
(Sau này, Nguyễn Thị Nhung là vợ anh Hoàng Đức Kiểm - bộ môn Trạm nguồn, phát dẫn điện). 
T.Đ.N


[1] Hin sinh sng ti Berlin, CHLB Đức.

1 nhận xét:

  1. Mới đấy mà đã 44 năm ! Đọc lại bài viết thấy nhớ quá những tên tuổi anh chị em cùng chung nhau cái bếp ăn dựng bằng tre nứa bên bờ suối. Nước suối ào réo ,trong vắt. Cán bộ, giáo viên và cả chị em phục vụ nuôi quân sáng chiều nam ,nữ cùng kéo nhau xuống tắm giặt. Sáng đầu tiên về nhận công tác tại khoa Cơ điện, vừa ngụp cái khăn vốc nước úp lên mặt, nghe Phan Nhường thổn thức thốt lên : Mày ơi! mấy em chị nuôi bếp mình đẹp quá!(mấy hôm sau hỏi qua anh Phan Thanh, biết tên đấy là các em Chiến,Tùy,Dự, cả Nhung,Thức,Tỵ,Vân ... Toàn lớp chị em Hưng Yên mới nhập ngũ)). Xin kể ra đây tên các anh mà bây giờ kẻ còn người mất: Thiếú tá Lê văn Chiểu, 4/Lê Phương Cảo,2/Phan Thanh,0/Hoàng kim Thành,1/Ánh Sén,2/Bạch Đằng, Bùi Ngưng,Nguyễn văn Tảo, Hoàng Giang San, 1/Vũ Quốc Hùng, Nghiêm ,Mai Đình Thắng, 0/Ngô Quyết,Vũ văn Hà, Đặng văn Hòa, Hoa Thịnh, Trần Hảo, Hiến, Nguyễn Cẩn,1/Võ Ngọc Anh, Ngô Quý Ty, Ng,v.Kiếm,Hồ văn Huống,Xá hậu cần,Ngơi tài vụ... (TĐ)

    Trả lờiXóa

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.