GM FB – 1-6, trực ban, ngồi đọc sách lịch sử, ngẫm nghĩ mấy chuyện của tiền nhân những lúc sơn hà xã tắc lâm nguy. Hơn 160 năm trước, năm 1841 vua Miến Tông nhà Nguyễn lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiệu Trị. Lúc này thực dân đế quốc các nước châu Âu đang lăm le bành trướng thuộc địa, nhóm ngó nước ta đã lâu. Nhà vua đặt quan điểm trị nước của mình bằng 4 bài châm mà có lẽ muôn đời sau vẫn đúng. Đó là Kính thiên (kính trọng đất trời); Pháp tổ (học hỏi cha ông đi trước); Cần chính (Chăm lo việc nước) và Ái dân (thương yêu dân chúng)… Tuy nhiên hậu thế nhiều người đã không làm được. Triều đình nhà Nguyễn suy thoái, đớn hèn, dâng non sông cho đế quốc ngoại bang, mở ra thời kỳ nô lệ, thuộc địa lầm than suốt cả trăm năm sau…
Nước ta mất bởi vì đâu
Tôi xin kể hết mấy điều tệ nhân.
Đó chính là lời của chí sĩ Phan Bội Châu đã viết trong “Hải ngoại huyết thư” để nói lên sự tình dân tộc khi rơi vào cảnh nước mất nhà tan…Cuối thời vua Tự Đức, hầu như tất cả các quốc gia châu Á phong kiến đều suy tàn và đứng trước nạn xâm lăng của tư bản phương Tây. Có nước kịp nhận ra tình thế, thấy sự yếu kém của mình, ra sức học hỏi, cương quyết canh tân thì vươn lên như Nhật Bản. Lại có nước khôn ngoan, mở rộng cửa bang giao, tạo thế cân bằng, tránh họa xâm lăng như Thái Lan…
Nước ta không có được lãnh đạo đất nước với tầm nhìn như thế. Vua thì nhu nhược, thiển cận, không quyết đoán, đình thần thì chỉ chăm việc văn chương, khéo nghề nghiên bút, bàn đến quốc sự thì bệ rạc, cải lương… Tuy vậy quốc gia dân tộc không thiếu hiền tài, thấy rõ sự trì trệ của đất nước, bảo thủ của nho giáo, tác hại của bế quan tỏa cảng, quay lưng với tiến bộ khoa học kỹ thuật… Nhiều người gửi sớ tấu lên triều đình những biện pháp cần thi hành gấp rút, canh tân đất nước từ kinh tế, kỹ thuật đến quân sự, ngoại giao, lối sinh hoạt… Nhưng tất cả bị bác bỏ do thói ngạo mạn của các đại thần trong Viện Cơ mật. Thậm chí những điều trần của bậc chí nhân như Nguyễn Trường Tộ còn bị vua Tự Đức phê rằng: Những lời của tên Tộ thật khám phá sự tình. Nhưng y vốn không phải tộc loại với ta, vội vàng thi hành e chưa tiện…”. Kỳ thị tôn giáo, bài hại người ngoại quốc, hành hạ các bậc tôn trưởng… đã đẩy chia rẽ dân tộc ngày càng sâu sắc, đến nỗi sau này sử gia Trần Trọng Kim phải thốt lên rằng: Sức đã yếu không đủ giữ nước lại cứ làm điều ác… Thêm vào đó, đời sống nhân dân khổ sở, thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, rồi đến đạo dụ 1861 cho phép mua quan, bán chức để thu tiền đã khiến cho xã hội càng bị đẩy đến quẫn cùng. Vàng bạc, đồ thờ trong cung điện cũng phải mang ra nấu để chi dùng… Quân đội yếu kém không được quan tâm xây dựng củng cố, tinh thần chủ hòa nhu nhược bao trùm đến mức Phan Bội Châu phải thốt lên rằng: Khi giặc đến người trong phản trước/ Đem của dân vạch chước hòa thân.
Khi dân chúng nổi lên đấu tranh thì bị đàn áp dã man, triều đình coi trọng “dẹp loạn” trong nước hơn chống ngoại xâm. Ngay cả các cuộc khởi nghĩa yêu nước chống giặc cùng bị ngăn chặn, đàn áp. Năm 1974, thực dân Pháp đem quân ra Bắc lần thứ nhất, chỉ trong vòng 20 ngày chúng đã hạ chiếm thành lũy 4 tỉnh Bắc Kỳ. Sau này một sử gia người Pháp đã viết: “Các hoàng đế An Nam phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ và xuống dốc của đất nước họ. Dân xứ này, quan lại, binh lính xứ này xứng đáng có được những người cầm đầu có giá trị hơn thế. Chính quyền họ đã mù quáng vì không dự liệt, không chuẩn bị gì hết”.
Về mặt khách quan, chúng ta đã gặp một kẻ thù mạnh hơn bội phần, âm mưu xảo quyệt và quyết tâm cao hơn. Song việc để đất nước rơi vào tay ngoại bang không phải là một tất yếu lịch sử, một sự bất khả kháng và có thể biện minh. Bởi chính trong lúc can qua, binh biến này, lịch sử dân tộc đã càng xuất hiện nhiều anh hùng kiệt xuất với các cuộc khởi nghĩa liên tục để nhằm một mục tiêu duy nhất, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cho người Việt Nam.
Và hôm nay, thế hệ chúng ta phải soi lại bài học lịch sử rút ra những điều cốt yếu nhất, bằng mọi giá phải giữ được nước nhà độc lập tự chủ, dù có phải chiến đấu, hy sinh và đánh đổi rất nhiều điều. Như người anh hùng Phan Đình Phùng, khi bị giặc bắt dọa giết hết người thân, đào mồ quật mả tổ tiên, ông vẫn một long khẳng khái:
“Tôi có một ngôi mộ rất to nên giữ là đất nước Việt Nam, có một ngôi mộ rất to là mấy mươi triệu đồng bào. Nếu về hàng để sửa sang phần mộ cha ông mình, thì ngôi mộ cả nước kia ai giữ? Về để cứu vớt ông anh mình thì anh em trong nước ai cứu ?
Rồi đến những lời gan góc, bất khuất của Hùm thiêng Yên thế Hoàng Hoa Thám, dù cuộc khởi nghĩa thất bại, nghĩa quân tiêu vong, và bản thân ông cũng sa cơ lỡ vận nhưng tinh thần của Đề Thám sẽ còn mãi với muôn đời.
“Tôi ở đất nước tôi, đất của tổ tiên tôi. Chúng tôi đây, những thần dân trung thành của nước Việt. Chúng tôi vô cùng thiết tha với phong tục trong nước, không bao giờ chịu dời bỏ phong tục đó, cho dù đứng trước cái chết, vì chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào Trời Đất, thần linh phù hộ cho chúng tôi làm tròn sứ mệnh”.
Hôm nay bè lũ phương Bắc lại trở mặt gây hấn, sự chẳng quá khó lường, bởi năm xưa Anh hùng Nguyễn Trãi từng nói:
…Tưởng chúng biết lẽ ăn năn nên đã thay lòng đổi dạ
Ngờ đâu vẫn đương mưu tính lại còn chuốc tội gây oan.
Giữ ý kiến một người, gieo vạ cho bao nhiêu kẻ khác
Tham công danh một lúc, để cười cho tất cả thế gian.
Chúng ta muốn:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Nhưng nếu cần sẽ lại:
Hẹn đến giữa tháng mười diệt giặc
Sĩ tốt kén người hùng hổ
Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh
Gươm mài đá, đá núi cũng mòn
Voi uống nước, nước sông phải cạn.
Đánh một trận, sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông.
Cơn gió to trút sạch lá khô
Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ…
Để cho:
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
Chẳng những mưu kế kì diệu
Cũng là chưa thấy xưa nay
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc
Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ…
(Xin được cảm ơn, trân trọng những con người kiên trung đang ngày đêm bám biển, đấu tranh kiên quyết với kẻ thù bất chấp cả hy sinh)"
Nhãn
- Ca khúc hay (7)
- Chuyện xưa (91)
- Công nghệ mới (6)
- Cựu CB-GV-CNV (8)
- Cựu học viên (20)
- Đọc báo mạng (10)
- Ghi chép (2)
- Giáo dục (2)
- Lê Phương Cảo (6)
- Phim CMT8 (1)
- Sức khỏe (2)
- Sưu tầm (7)
- Tâm sự (4)
- Tếu táo (3)
- Thể thao (2)
- Thông báo (12)
- Tiếu lâm (12)
- Tin vui-buồn-tức (38)
- Trang Thơ (6)
- Trao đổi (5)
- Tuyển sinh đại học- cao học 2012 (3)
- Tư liệu (13)
- Văn hóa-nghệ thuật (10)
- Website HVKTQS (2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.