Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Chuyện ở B5 (Nguyễn Nước- Lớp Ô tô C213)

Ngày đầu tiên: điếc không sợ súng  
Cơ sở chính của phòng Xe cục Hậu cần B5 nằm kín đáo trong khu rừng già thuộc địa phận Vĩnh Linh-Quảng Trị. Từ ngoài đường đất mà ô tô có thể đi được để vào khu A phải đi bộ mất hơn một giờ đồng hồ theo con đường mòn có rừng cây che phủ. Trạm xá của Bộ Tư Lệnh B5 cũng nằm trên con đường này. Số người được vào khu A là rất hạn chế, hầu như chỉ có   các cán bộ của Cục Hậu cần. Khu B là khu dành riêng cho các cán bộ cao cấp. Ngành xe chỉ có bác Cục phó Cục Quản lý xe, trung tá Nguyễn Quang Lanh sống trong đó, thỉnh thoảng ra khu A làm việc và bác trưởng phòng, thiếu tá Nguyễn Viết Khoáng là được ra vào khu B mà thôi (tôi phải gọi là “bác” vì các bác phải cỡ trên dưới 60 tuổi cả. Đi lại luôn có chú cần vụ theo cùng để xách ba lô). Nghe nói sở chỉ huy mặt trận của tướng Lê Trọng Tấn cũng ở khu B. Sở dĩ tôi phải nói qua về địa điểm này vì từ đây muốn ra Khe Lương, nơi đặt bộ phận giao dịch của phòng Xe hoặc đến các trạm sửa chữa hay tới các đơn vị vận tải còn rất xa, phải chờ dịp có ô tô đón ở ngoài bìa rừng. Mỗi chuyến thường phải kết hợp chờ cho có đủ hai ba người cùng đi.


Ngay ngày đầu tiên từ trạm giao liên T75 vào đến phòng xe lúc gần trưa thì   buổi chiều có xe đi Khe Lương. Tôi liền được điều động  ra đó để cùng một tổ thợ của T3 đi sửa chữa xe lưu động. Xe chở chúng tôi là chiếc M461 “đít vuông” của Rumani. Lúc này tôi đã chính thức là “người của Mặt trận B5” đi làm nhiệm vụ. Do chuyển trạng thái tâm lý, chưa quen với chức danh “trợ lý” vừa được gán cho vài giờ trước đây đi làm nhiệm vụ nên tôi cũng thấy mung lung; ngồi trên xe cứ ngó ngó nghiêng nghiêng ra ngoài. Tôi cũng chẳng nói chuyện với ai trên xe vì đã kịp biết ai vào với ai đâu (về sau tôi biết, cùng đi hôm đó là anh phó phòng-đại úy tên Cầu, sau này là cấp trên ở cục Vật tư của Nguyễn Thanh Sơn, và hai anh trợ lý cùng của phòng xe). Đoạn đường từ Bãi Hà ra Khe Lương bị máy bay địch kiểm soát rất dữ nên xe không dám cả đi đèn gầm, mà chỉ bằng thứ ánh sáng đỏ quạch như đom đóm của pha đèn pịn tự chế đã bịt kín chỉ chừa ra một lỗ nhỏ xíu bằng đông xu đặt dưới gầm xe. Kính chắn gió dựng lên hoặc thò cổ ra ngoài, lái xe cứ việc căng mắt ra nhìn đường mà đi. Ngồi trong xe lắc lư, tôi đang vẩn vơ với những suy tư không rõ nét thì bỗng dưng đánh rầm một cái, xe khựng lại! Hóa ra trời tối quá, cậu lái xe không nhìn thấy chiếc TZM kéo tên lửa đang đỗ ở trước mặt nên đâm phải. Cũng may là xe đi chậm, chiếc TZM lại cao nên chỉ bị hỏng két nước. Anh Cầu liền bảo mọi người nhanh chóng xuống xe đi bộ về Khe Lương, chỉ để lại mình cậu lái xe, chờ anh về mang xe ở nhà ra kéo. Tôi nhanh nhảu xin ở lại cùng lái xe cho vui (có lẽ lúc đó tôi cũng muốn thể hiện mình một chút, phần cũng muốn để cho lái xe bình tâm vì, theo thói quen ứng xử ở Miền Bắc, gây tai nạn xe thì không phải là lỗi nhẹ). Chần chừ một chút rồi anh Cầu cũng đồng ý để tôi ở lại, trong khi thấy các anh khác có vẻ sốt sắng khoác ba lô, trèo ra khỏi xe theo phương án đi bộ.
Chúng tôi ngồi đợi cứu viện một lúc khá lâu. Quan sát đoàn xe kéo tên lửa di chuyển, tránh nhường đường với mấy chiếc ZIL “Khơ” đi ngược chiều, và nói chuyện làm quen với nhau. Lái xe tên Thìn, còn rất trẻ, người dân tộc Tày. Thìn kể rằng khi còn ở nhà có lần cậu ta đã ôm một kilôgram thuốc phiện mang đi bán, bị công an theo dõi, tới phà cậu ta ôm cả gói thuốc lao xuống sông tẩu thoát! Lần đầu tiên tôi được nghe một chuyện động trời thật như đùa mà tác giả của nó cứ thản nhiên như chuyện củ  khoai hạt lúa (tất nhiên, nếu là ngày nay thì không ai lại tự khai như vậy).
Cuối cùng thì anh Cầu cũng tự lái chiếc GAZ 69 của phòng ra để kéo chúng tôi về an toàn. Sống vài ngày quen tôi mới biết, nơi xe chúng tôi bị tai nạn chính là ngã ba Cổ Kiềng-Tọa độ lửa như mọi người thời đó thường gọi, là nơi ưa thích của máy bay địch xăm soi và quăng bom. Tôi đúng là “điếc không sợ súng”! 

Vẫn còn “điếc” khi đến lữ 45  
Cuối tháng tư tôi được lệnh dẫn một tổ thợ đi chuẩn bị xe cho lữ 45 pháo binh-  “quả đấm thép” của Bộ. Lúc này lữ 45 còn nằm ở bờ Bắc sông Thạch Hãn, tại một làng ven biển.
Họp giao ban xong, anh Trọng chỉ dẫn cho tôi đến các đơn vị có ô tô cần được kiểm tra bảo dưỡng. Anh là học viên lớp chuyên tu khóa I, ra trường trước chúng tôi một năm. Lúc này anh đã là thượng úy, chủ nhiệm kỹ thuật của lữ đoàn.
Lệnh của trên là phải chuẩn bị gấp vũ khí, khí tài để sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ nên tổ thợ chúng tôi đã tổ chức làm bảo dưỡng ô tô theo chế độ đặc biệt. Nhiều xe của đơn vị vẫn đang hoạt động tốt nên chúng tôi cũng không tốn nhiều công sức. Chỉ trong thời gian 2 ngày là mọi việc đã được hoàn tất.
Chưa có lệnh mới nên chúng tôi vẫn chờ đợi, ở phân tán trong nhà dân. Tôi và cậu thợ điện ở chung một nhà. Bà cụ chủ nhà cho chúng tôi mượn chiếc giường mà phía dưới được làm thành hầm để tránh bom. Nhà chỉ có hai mẹ con. Cô con gái chủ nhà là dân quân, có vẻ cũng đã lớn tuổi, đi hoạt động suốt ngày. Thời kỳ này máy bay địch tập trung đánh phá khu vực Vĩnh Linh, Quảng Trị rất mạnh. Trên bầu trời không ngớt tiếng máy bay gầm rú, cả ngày cũng như đêm. Có lúc tưởng như máy bay nó xà xuống, rát rạt ngay trên nóc nhà. Tôi mặc, vẫn nằm. Chỉ có cậu thợ là liên tục chui ra chui vào trong hầm. Sáng ra, bà cụ chủ nhà nói với tôi:
-         Chú ni gan thiệt! Máy bay bay rứa mà không thèm chun vô hầm.
Tôi nghĩ bụng, đợi khi nghe tiếng bom nổ mình chạy cũng kịp chán. Nghĩ vậy vì từ ngày vào B5 đến giờ tôi chưa “dính” một trận bom nào. Chỉ nghe uỳnh oàng từ xa. Tôi vẫn đang còn “điếc”.
Chờ đợi vài ngày, chúng tôi được lệnh trở về đơn vị của mình. Lữ 45 đã không vượt sông Thạch Hãn như dự kiến vì tình hình chiến sự đã thay đổi. Địch nống ra thành Quảng Trị, đang phản công lại quân ta dữ dội. Lữ 38 pháo binh đang ở trong đó cũng phải vượt sông Thạch Hãn trở ra bờ Bắc.

Nhặt được dù pháo sáng
Hai bể xăng để cấp phát cho đơn vị được chôn ở sườn đồi phía sau nhà. Sáng hôm đó tôi xách đồ nghề, một mình ra sửa chiếc bơm xăng chạy bằng máy nổ mà cậu phụ trách cấp phát xăng dầu nói là bị hỏng, sửa mãi vẫn không được. Kiểm tra máy không thấy có tia lửa điện ở đầu bugi, tôi phát hiện ra cặp má vít trong mâm điện bị bẩn. Vậy nhưng cũng phải gần cả buổi tôi mới cho máy hoạt động tốt trở lại. Thu dọn đồ nghề, về đến nhà thì anh Đồng, thượng úy trợ lý xe và anh Cộng, chuẩn úy trợ lý xăng dầu đã ăn trưa xong, chui cả vào trong hầm ngủ rồi. Còn một mình, tôi cũng ăn cho xong bữa, xuống suối rửa mặt qua loa rồi vào nhà mắc màn ngủ.
Gọi là suối tưởng to tát lắm. Thực ra nó là con lạch, chỗ rộng cũng chỉ vài mét chảy men dưới chân đồi. Được cái nước ở đây trong và mát, chảy quanh năm. Từ nhà xuống suối cũng chỉ dăm bước. Nhà vừa là chỗ nghỉ, vừa là chỗ làm việc được làm theo kiểu dã chiến. Nền nhà làm âm xuống khoảng một mét; phía lưng tựa vào sườn đồi được bạt xuống. Giường là các tấm ván gỗ (thứ ta vẫn sử dụng trong các doanh trại trước đây) kê cách nhau vừa đủ lối ra vào cho mỗi người. Giường cũng kê thấp, cách mặt đất chừng vài mươi phân. Tôi nằm ở giường thứ ba, tính từ đầu hồi nơi có căn hầm chữ A rất kiên cố và rộng, có thể nằm chật chội cũng được dăm người.
Sở dĩ tôi tả hơi tỉ mỉ một chút về chỗ ở của chúng tôi tại Khe Lương vì muốn để các bạn có thể phần nào hình dung ra nơi tôi gặp trận bom B52 đầu tiên mà tôi đang kể ở đây.
Vừa ngả lưng được một chút thì tiếng bom nổ chát chúa ngay phía sau đồi. Tôi vội vàng lăn xuống đất và chui tọt vào hầm. Quả bom cuối cùng sau ba loạt B52 nổ ngay đầu hồi phía đối diện với nơi có căn hầm chúng tôi đang trú ẩn. Phía đó cũng là lối đi lại của chúng tôi ra bể xăng dầu, mà từ bể xăng tôi vừa về nhà.
Hết đợt bom, mọi người tỏa đi kiểm tra tình hình. Cũng lạ! hàng trăm quả bom như thế mà toàn thả vào chỗ không đâu. Hai bể xăng ngầm và kho vật tư phụ tùng ô tô để phân tán phía quả đồi trước mặt vẫn nguyên vẹn. Ba loạt B52 chỉ  xới nát con đường mòn lối ra bồn xăng.  Cậu chiến sĩ chuyên cấp phát xăng dầu (do lâu ngày nên tôi đã quên tên) đi kiểm tra cây xăng về còn xách theo một con chim bị chết cháy nhặt ở dọc đường. Chiếc màn tuyn của tôi bị thủng 2 lỗ phía gần đầu giường do mảnh bom bay vào. Giá tôi có nằm lại trên phản cũng không sao vì lỗ thủng ở gần sát đình màn. Nói dại, nếu quả bom lạc không rơi phía đầu hồi bên kia, mà lại rơi vào phía có căn hầm chúng tôi đang trú ẩn thì....
Đó là trận bom đầu tiên trong đợt B52 đánh vào khu vực Khe Lương T285 và T3 của chúng tôi. Ngay tối hôm đó máy bay địch liên tiếp thả rất nhiều pháo sáng tuần tra. Cả bầu trời đêm sáng rực. Những quả pháo sáng có dù treo cứ lơ lửng bay trên không, rất lâu mới chịu tắt. Chúng tôi ra cửa hầm xem pháo sáng. Có một quả pháo sáng bay thấp gần như xà xuống trên đỉnh đầu, có vẻ sắp rơi xuống. Biết vậy nhưng không ai dám ra chạy theo để nhặt, chỉ ngồi trong nhà bàn tán. Xem chán rồi mọi người cũng đi ngủ.
Sáng sớm hôm sau tôi được giao nhiệm vụ xuống trạm sửa chữa tăng-xích T201 của anh Phạm Quang Thoa để nắm tình hình. Là lần đầu tiên đến T201 nên anh Đồng chỉ đường cho tôi rất cặn kẽ. Qua mấy hố bom địch vừa ném xuống trưa hôm qua, tới chân đồi rồi vượt qua mấy thửa ruộng cạn đã bỏ hoang là sẽ tới nơi.
Khi tôi vừa đi tới khu ruộng cạn thì phát hiện ra chiếc dù pháo sáng trắng xóa nằm trải rộng trên mặt đất và chiếc ống thuốc pháo to cỡ bắp đùi người lớn, dây dù còn bám chặt vào miệng ống. Tôi muốn tới nhặt dù ngay nhưng rồi lại cảnh giác, sợ có kẻ nào đó đã gài lựu đạn vào đó để đánh bẫy. Nghĩ vậy, tôi bèn đặt ba lô xuống, lôi võng ra để rút lấy sợi dây võng, rón rén đến gần chiếc dù, buộc một đầu vào dây dù pháo sáng và lùi lại, nằm xuống từ từ kéo sợi dây. Căng thẳng, tôi thực hiện từng động tác rất cẩn thận. Chiếc dù từ từ chuyển dịch, ống thuốc pháo cũng nhích dần theo. Kéo sợi dây thêm vài gang tay nữa, vẫn yên ổn. Tôi quyết định đứng dậy, nhanh chóng thu dù nhét vào ba lô và xách luôn cả chiếc vỏ ống thuốc pháo sáng thẳng tới T201.
Gặp anh Thoa, tưởng lạ hóa ra anh cũng là người cũ của K9 HV Hậu cần. Trạm phó của anh cũng lại là người quen:  Đoàn Ngọc Tùng, lớp chuyên tu 2, người đã ở cùng một “bán đội” với tôi khi học lái xe tại D255. Hôm đó Tùng đang cùng một tổ thợ đi sửa xe trong Cam Lộ. Ở nhà chỉ có anh Thoa và vài ba cậu thợ giữ “gôn”.
Sau vài câu “phi lộ” tôi lôi việc nhặt được dù pháo sáng ra kể, cho mọi người xem chiếc dù và cũng không quên tặng mỗi người một đoạn dây mắc màn.      Chiếc dù có tới vài chục sợi dây rất dài, chừng năm sáu mét, chưa kể những sợi may trực tiếp vào vải làm gân để tăng độ bền cho dù nên tôi còn đủ mang về phòng xe tặng mỗi người một sợi. Tôi giữ lại cho mình mấy dây và lồng vào nhau thành một sợi. Nó cũng chẳng được dùng vào việc gì, cứ nằm ở đáy ba lô cho đến khi tôi ra Bắc để khoe với mọi người về chiến tích của mình.  Chiếc dù tuy bị cháy xém mất một ít nhưng tôi cũng lựa được cho mình một chiếc chăn hai lớp, nhẹ nhưng rất ấm (sau này mang ra Bắc, hai con tôi cứ tranh nhau thứ “chiến lợi phẩm” này) và biếu bác Quang Lanh chiếc khăn quàng làm kỷ niệm. Các anh trong phòng nói là để bác gửi ra Bắc cho cô con gái, gọi là quà chiến trường. Anh Đồng bảo là tôi đã gặp may. Vừa vào có mấy ngày mà đã vớ được dù trong khi anh em ở đây bốn năm năm mà vẫn không biết chiếc dù pháo sáng là thế nào! 

Thêm giảm xóc để đỡ xóc
T285 là trạm sửa chữa ô tô lớn nhất (so với các trạm T3, T5) trực thuộc phòng xe  B5. Trạm trưởng T285 là thượng úy Nguyễn Văn Luận.  Thời gian tôi làm việc với T285 anh Luận đã dẫn một tổ thợ đi sâu vào phía trong khu vực Quảng Trị. Điều hành công việc ở nhà là anh Ứng, thượng úy, chính trị viên. Thời kỳ đó chúng tôi thường được anh Ứng cho nghe đài BBC vào buổi tối. Cứ đến giờ phát sóng của BBC là bật đài, dẫn ra loa cho mọi người cùng nghe. Không bỏ sót một buổi nào. Chả bù với lúc tôi còn ở ngoài Bắc, mỗi khi về quê thăm nhà, bố tôi tin tưởng lắm mới dám cho mượn chiếc đài bán dẫn Standar 3 băng để mở đài BBC kèm câu dặn dò:
-        Anh mở be bé đủ nghe thôi kẻo hàng xóm họ biết được thì không tiện. Ấy là bố tôi sợ mang tiếng. Là gia đình cán bộ-Đảng viên lại đi nghe đài địch!
Mỗi lần xuống T285 tôi ở đó ít cũng vài ba ngày. Ở đây tôi còn gặp anh Quang chuyên tu I, trạm phó. Anh em quen nhau từ hồi mới về trường do cùng dân thợ tiện đi học cả.
 Một lần tôi được ngồi trên chiếc ô tô UAZ “đít vuông” (УАЗ 469) của trạm cùng anh Ứng xuống làm việc ở tiểu đoàn vận tải 32. Trên xe, anh Ứng khoe rằng chiếc xe này có 8 giảm xóc nên rất êm! Rồi anh kể cho tôi nghe về câu chuyện cải tiến ô tô của đơn vị mình, coi như một phát minh cần được phổ biến rộng rãi.
Số là đường ở khu vực này đều thuôc loại đường đất đồi làm tạm, ổ gà, ổ “voi” là chuyện thường. Ngồi trong ô tô xóc nẩy có khi đầu đội trần xe.  Thủ trưởng Cục Hậu cần B5 lúc đó là đại tá Lương Nhân  đã có tuổi, cỡ trên 60, thường đi lại trong khu vực trên chiếc UAZ “đít tròn” (УАЗ 469Б). Đây là loại xe con tốt nhất thời đó dành cho cán bộ cao cấp sử dụng trong điều kiện địa hình đường sá khó khăn. Muốn giúp cho thủ trưởng đỡ vất vả, các anh ở T285 đã cải tiến, lắp vào mỗi bánh xe thêm 1 ống giảm xóc. Chiếc ô tô đang từ 4 giảm xóc do Liên Xô chế tạo nay đã thành 8! Có nghề trong tay, lắp cho thủ trưởng được thì cũng lắp thêm giảm xóc xe của mình. Không những thế các anh còn giúp “cải tiến” luôn cho cả chiếc com-măng-ca của đơn vị bạn láng giềng - d32 vận tải.
Ngồi trên xe nghe anh Ứng luôn khen xe của mình chạy êm tôi cứ áy náy nhưng không dám nói ra. Êm gì mà cứ như ngồi trên chiếc xe bò nhảy từ mô đất này sang mô đất khác. Lính chiến trường gầy chứ không béo tốt như bây giờ nên mông nhọn, bị dằn xuống ghế như bị tra tấn. Gặp đoạn đường xấu cứ phải dùng hai tay đỡ thêm vào ghế cho đỡ xóc.  Không dám nói ra điều mình nghĩ phần vì mình là khách, phần vì mấy khi được đi xe con nên tôi cũng không thể có kinh nghiệm mà so sánh xe này với xe kia. Nhưng cái chính là kiến thức của một kĩ sư mới ra trường chưa đầy năm nên không đủ “chín” để có thể phán xét những hiện tượng kĩ thuật “cải lùi” như vậy. Đành chọn giải pháp im lặng.
Sau này khi về trường làm công tác giảng dạy, có điều kiện nghiên cứu tôi mới hiểu rõ bản chất của giảm xóc, hiểu rõ về các tiêu chuẩn đánh giá “độ êm dịu chuyển động” của ô tô và những yếu tố ảnh hưởng đến các chỉ tiêu đó. Lắp thêm giảm xóc một cách tùy tiện có khác nào nối cứng ghế ngồi trên xe với cầu xe và bánh xe. Đưa một chiếc ô tô có thể “nhún nhảy” thành một chiếc xe bò lăn lộc cộc trên đường!
Chuyện này tôi đã viết đăng trên báo ngành của Cục Quản lý xe nhân 40 năm ngày truyền thống ngành xe Quân đội. Anh Hà Hữu Diên (sau này là cục trưởng Cục Quản lí xe) lúc đó phụ trách tờ tạp chí đã rất thích thông tin của tôi. Anh cho biết, nhiều người vẫn tưởng lầm rằng giảm xóc là để cho ô tô đỡ xóc! Với tôi, mỗi khi giảng cho sinh viên chương “Dao động của ô tô” trong môn học  “Lý thuyết ô tô” thường lấy đó làm một ví dụ vui.   

Bắt đầu biết sợ “súng”!
Một lần vào khoảng 8 giờ sáng, anh Đồng, thượng úy và tôi có việc phải đến các trạm sửa chữa xe T285 và T3 nắm tình hình. Anh Đồng có biệt danh “Đồng đen” bởi nước da châu Phi của mình là trợ lý kì cựu của phòng xe B5 này. Từ Khe Lương đi bộ đến các trạm cũng mất chừng một giờ đồng hồ. Chúng tôi men theo con đường mòn quen thuộc ven sườn đồi. Đang đi, đột nhiên anh Đồng chỉ tay về phía trước mặt bảo tôi:
-         Nước ơi, máy bay U2 kia kìa, dấu hiệu của B52 đấy!
-         Đâu anh? Tôi nhìn theo hướng tay anh chỉ nhưng không thấy gì hết, có mỗi vệt mây trắng từ mãi tít phía chân trời Nam.
Chỉ trong tích tắc, hai anh em chưa kịp trao đổi gì thêm thì, oành! oành! oành!... Những tiếng nổ chói tai liên tiếp vang lên. Mặt đất rung chuyển. Một luồng khí mạnh, rát phả vào mặt, vào người tôi. Theo phản xạ, tôi nằm úp mặt, người như dán xuống đất. Bom vẫn rền vang, liên hồi. Đất, đá bay rào rào. Tôi nằm, đếm từng loạt bom rơi và chờ xem, liệu có quả nào rơi trúng…đầu mình! Một, hai, ba và tiếng quả bom lạc cuối cùng phát nổ (gọi là “quả bom lạc” vì nó thường nổ cuối cùng, cách sau loạt bom thứ ba vài giây). Không gian trở lại yên tĩnh. Chỉ còn mùi cây cháy quyện với khói bom khét lẹt và mặt đất như phả ra hơi nóng.
Tôi chưa kịp hoàn hồn thì anh Đồng gọi giật giọng:
-         Nước ơi, cấp cứu. Anh bị thương rồi!
Tôi vội vàng bật dậy lao đến chỗ anh. Anh đang ngồi dựa lưng vào ta-luy, hai tay ôm lấy bàn chân trái. Máu ra đầy bàn chân, rây ra cả hai tay. Khi tôi đang dùng băng cá nhân để sơ cứu thì anh bỗng nói: “Cậu cũng bị thương kìa!” và chỉ vào ngực tôi, nơi máu đang thấm ra áo. Mở hàng cúc ngực, một mảnh bom nhỏ găm gần như vào giữa ngực, dưới mỏ ác chừng 5 phân. Một đầu mảnh bom vẫn   còn nhô ra ngoài. Không bị chảy máu nhiều và cũng không thấy đau. Anh Đồng định thò tay rút mảnh bom ra nhưng tôi ngăn lại, sợ như thế làm máu sẽ chảy ra nhiều hơn. Sơ cứu cho nhau xong, anh em vội dìu nhau đi tiếp. Anh Đồng níu vai tôi, nhảy cò cò một chân, từng bước. Do đã hiểu phong cách chiến trường,  tôi bèn rút súng bắn chỉ thiên ba phát-tín hiệu báo để mọi người tìm đến cứu giúp. Đây cũng là lần đầu tiên và duy nhất mà tôi có cớ để được sử dụng khẩu K54 kể từ khi lĩnh và trả lại nó cho đơn vị.
Nghe tiếng súng, một tốp đông anh em thợ ở T285 chạy ra. Có viện binh, tôi bèn trao anh Đồng cho mọi người còn mình thì một mạch, nhảy qua những đống đất do bom vừa cày xới, chạy thẳng về 285. Vẫn chưa hết sợ! Về đến lán của T285 nằm một lúc mới hoàn hồn. Cậu y tá dùng panh kẹp rút mảnh bom ra và băng bó vết thương cho tôi. Mảnh bom không lớn, bằng cái dăm bào cỡ hạt lạc tách đôi. Cũng may, nó chỉ cắm vào phần mềm nên không nguy hiểm gì.
Hay tin chúng tôi bị thương, bác Khoáng trưởng phòng và anh Chinh, thượng úy, trợ lý từ khu A ra thăm. Thấy vết thương của chúng tôi không nặng lắm nên bác Trưởng phòng quyết định điều xe, đợi cho trời tối chở chúng tôi về điều trị tại bệnh xá của Bộ Tư lệnh trong khu A mà không đến viện quân y 47 lúc đó đã dời về một làng ven sông Nhật Lệ, sau một đợt bị B52 oanh kích. Bệnh xá đóng trong rừng, kín đáo,  còn viện quân y 47 là viện lớn, nhiều người vào ra, là một trong những mục tiêu mà máy bay địch hay đánh phá. Bác Khoáng lí giải về quyết định của mình như vậy. Thật may cho chúng tôi, liên tiếp mấy ngày sau đó bệnh viện 47 lại phải trải qua những đợt oanh tạc dã man nữa của không lực Hoa Kì!
Về đến trạm xá, tôi chui tọt vào nằm trong hầm chữ A mà không dám ở ngoài lán mặc dù nó đã được hạ âm xuống đất. Máy bay vẫn chốc chốc gầm rú trên bầu trời. Tôi vẫn chưa hết sợ. Y tá muốn kiểm tra vết thương, gọi thế nào tôi cũng không chịu ra. Bây giờ thì tôi hết “điếc” rồi!
Về nhà (khu A) bác Khoáng có kể lại rằng, trên đường từ T285 ra Khe Lương nhìn thấy chỗ bông băng chúng tôi vứt lại ở nơi bị thương mới hú vía: nếu hai anh em chỉ cần đi quá lên hoặc chậm lại dăm bước thì sẽ to chuyện. Chúng tôi đã nằm trên vạt đất ở giữa nơi loạt bom đầu và thứ hai ném xuống! Anh Đồng có lẽ đã tung chân khi lao vào nấp ở ta-luy bên đường nên chân bị dính bom; còn mảnh bom găm vào ngực tôi có ngay từ loạt bom đầu tiên.
Ngoài mảnh bom, mặt và cổ tôi còn bị dính đầy đất và cát bụi, rửa nước không sạch mà sờ tay thì không thấy. Thực ra thì tôi cũng không  biết có chuyện đó vì vẫn rửa mặt hàng ngày nhưng  không cảm nhận được điều gì trên da mặt mình. Và ở chiến trường không ai sử dụng gương soi làm gì; mà cũng chả ai cần để ý, quan tâm gì đến sự xấu, đẹp nếu như tự dưng trên mặt lại có thêm mấy cái nốt lấm tấm. Ít lâu sau, thỉnh thoảng tôi lại sờ thấy một mụn nhỏ kiểu như mụn trứng cá, ngưa ngứa ở mặt, ở cổ. Cậy ra thì được một hạt cứng, đen đen bằng đầu tăm. Nặn thêm một chút cho ra hết tí nước hơi dinh dính thì được một cảm giác rất “đã”. Vài lần như vậy tôi mới hiểu là đã bị bụi đất hắt vào mặt trước lúc kịp nằm áp xuống đất sau những tiếng nổ đầu tiên. Cả ở ngực - nơi đã  rút mảnh bom ra, mặc dù vết thương đã lành cũng đùn ra một mụn nhỏ như vậy. Có lẽ hạt sạn đã cùng mảnh bom đi vào. Do trông thấy được nên tôi để cho nó “chín” vài ngày, khi thấy một chấm nhỏ mầu đen nổi lên như một cái mụn nhỏ xung quanh có màu vàng vàng mới lấy móng tay cậy nó ra.
Sau vụ đó cho tới khi trở ra Bắc, không bao giờ tôi đi qua con đường đó nữa. Nếu có việc gì phải đi lại giữa các trạm hoặc về Khe Lương tôi đều chọn cách đi vòng, tuy có bị xa hơn ít nhiều.
                                                    Tp HCM ngày 19 tháng 9 năm 2013



 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.