Học
viên Học viện KTQS mỗi giai đoạn có một môi trường, một khả năng nhận thức khác nhau. Chúng
tôi là học viên khóa 1, ngày mới thành lập, cán bộ, công nhân viên, thầy trò
tất cả đều còn bỡ ngỡ. Tôi xin chia sẻ với các khóa sau để các bạn, các em, các
cháu biết một thời “ấu trĩ” của chúng tôi từ những ngày đầu ấy. Những chuyện
sau tôi kể không nhằm phê phán cá nhân hay tập thể nào. Chuyện đúng sai ta
không bàn tới, chỉ để nhớ lại cái thủa ban đầu còn mang tên: Phân hiệu 2 Đại
học Bách khoa.
THẦY QUẢNG
Học viên khóa 1 chúng tôi có nhiều thành phần
lắm, có anh là lính cuối thời chống Pháp, tuổi gần bốn chục, là sỹ quan. Còn
lại là lính nghĩa vụ, hầu hết là hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Các anh
học bổ túc từ nhiều nguồn khác nhau , có anh đã học qua trung cấp ở các chuyên
ngành dân sự. Bọn tôi đang ở tuổi 17, 18, mới tốt nghiệp cấp 3, binh nhì vừa
nhập ngũ.
Năm thứ nhất học khoa học cơ bản, thầy dạy đều
là thầy ở trường bách khoa giảng giúp, các thầy là những thầy giỏi, giàu kinh
nghiệm, tuổi đều ngoài ba mươi cả. Sau này đã quen, các thầy có kể là bộ trưởng
giáo dục trực tiếp giao nhiệm vụ cho các thầy. Đây là nhiệm vụ tối quan trọng,
ngành giáo dục trực tiếp chi viện cho bộ quốc phòng, chi viện thiết thực nhất
cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Các thầy được nhà trường tuyển chọn và phải
thông qua bộ giáo dục. Đáp ứng đủ yêu
cầu mới được cử về giảng dạy ở phân hiệu 2 đại học bách khoa.
Đối tượng học viên thì không đồng đều
về mọi mặt. Để đào tạo được đội ngũ kỹ sư cho quân đội, các thầy phải rất nhiệt
tình, đầy trách nhiệm trong truyền đạt kiến thức cho chúng tôi. Những khái niệm
trừu tượng trong toán, lý, hóa , cơ học lý thuyết . .v..v.. các thầy phải diễn
giải từ rất đơn giản, rất cụ thể thì mấy anh lớn tuổi mới hiểu kịp. Tỷ dụ: một
ý trong định luật Pecnuli thầy nói:
- Các đồng chí thấy nước chảy ở nơi
suối rộng tới nơi suối hẹp (nhỏ lại) thì nước chảy nhanh và mạnh hơn không?
Cả lớp đồng thanh :
- Có ạ!
- Như vậy chất khí hay chất lỏng đi
từ nơi rộng tới nơi hẹp thì tốc độ…? ? ?
Cả lớp lại đồng thanh :
- Tăng lên!
- Trong vật lý, khái niệm rộng hẹp
phải hiểu, phải gọi là tiết diện (mặt cắt), đơn vị tính là cm², dm²…Vậy ta có
thể phát biểu một ý của định luật là: “Chất khí hoặc chất lỏng chuyển động từ
nơi có tiết diện lớn tới nơi có tiết diện nhỏ thì tốc độ... ???”.
Cả lớp đồng thanh :
-
Tăng lên!
Thế là thầy trò cùng hỉ hả…, trò khen
thầy giảng dễ hiểu quá! Thầy khen trò thông minh số một!
-
…
Ta tiếp tục khảo sát áp suất trong lòng
dòng chảy đó…
Cứ như vậy rồi thầy mới khái quát lại
thành định luật đầy đủ cho anh em ghi chép…
Các thầy giảng say sưa lắm, quá giờ
là chuyện bình thường, nhiều khi quá giờ lớp trưởng không lỡ, không dám nhắc
thầy cho nghỉ.
Bây giờ nghĩ lại thời đó, chúng
tôi vừa thương vừa kính trọng những người thầy ở đại học bách khoa đã truyền
đạt kiến thức cho chúng tôi quá nhiệt tình, đầy trách nhiệm.
Thời kỳ đó tôi được chỉ định là cán
sự môn hóa, đôi khi có những bài tập chưa tìm ra cách giải tôi phải tới xin
thầy gợi ý. Thầy dạy hóa có kể là: bài giảng cho sinh viên bách khoa chỉ một
tiết, ở đây thầy phải giảng thành tiết rưỡi, cháy giáo án, quá giờ là thường
xuyên ở các môn học.
Thầy
Quảng dạy toán cũng là một thầy như thế. Ấy là một tiết học toán cao cấp, nghe từ
“toán cao cấp” mấy anh lớn tuổi
và cả chúng tôi thấy mình oai quá! kiến thức được học cao siêu quá ! mới nghe có sỹ quan cao cấp, nay lại có cả toán
cao cấp mới ghê chứ! anh nào cũng khoái lắm. Thầy giới thiệu về hàm vi phân:
- X là một hàm số nào đó… tỷ dụ…
Thầy quay xuống, chắc thấy mấy anh lớn
tuổi ngồi bàn trên nghệt ra chưa hiểu. Thầy tìm cách đơn giản nhất để diễn tả:
-
Một
hàm số nào đó ta đặt tên là x, thì hàm vi phân của nó viết là d(x) Nếu muốn, các đồng chí đặt tên là gì cũng
được.
Thầy nhìn quanh lớp, nhìn ra vườn...
-
Đặt
tên là cây tre thì viết d(cây tre), hay d(cây chuối)…
Tiếng một anh nào đó nói hơi to cho
đồng đội ngồi bên chưa hiểu:
-
Nếu
muốn thì anh đặt là đê chị nuôi, đê y tá đi.
Thầy đứng trên bục nghe vậy tiếp
luôn, miệng nói tay viết: “ Đê chị nuôi - d(chị
nuôi), đê y tá - d(y tá )… cũng được, không sao hết!!!”.
Bọn lính trẻ chúng tôi biết anh này
chơi chữ, chơi xấu nên khúc khích cười. Nghe tiếng cười thầy quay lại nhìn lớp,
chúng tôi phải bịt miệng nín cười không được. Thầy nhìn lại bảng thấy chữ d(chị
nuôi), d(y tá) thầy hiểu ra… thế là thầy quay xuống lớp cười không thành tiếng!
Cả lớp được tháo khoán cười nghiêng ngả.
Đấy! Thầy của chúng tôi có lúc say
sưa giảng bài quên cả ngữ nghĩa câu từ, miễn sao trò hiểu được bài. Nhờ vậy mà
lớp khóa 1 những anh em lớn tuổi mới vượt qua được những khó khăn trong học
tập.
Để thúc đẩy khí thế, quyết tâm cao
trong học tập, các tiểu đội chia thành tổ ba người nhằm giúp đỡ nhau. Tổ nào,
tiểu đội nào cũng phải phấn đấu giành kết quả khá giỏi trở lên, nếu chỉ một, hai
người đạt khá giỏi thì một, hai người ấy cũng mất điểm thi đua! Với khẩu hiệu
đại đội đề ra là “đoàn kết, hợp đồng, lập
công tập thể”, “dàn hàng ngang cùng tiến” cơ mà! Ở lớp học, bên này có băng rôn:
“Bút mực, sách vở là vũ khí, học viên là chiến sỹ!”. Thì bên kia có băng rôn: “Cần
cù bù thông minh! Không có việc gì khó”. Cuối lớp treo băng rôn: “Học ngày
không đủ, tranh thủ học đêm”. Khí thế thi đua rầm rộ lắm!
Hơn bốn chục năm sau, anh
Nước, Công Sơn, Vũ Huân, tôi, tới thăm thầy Quảng nhân thầy vào Sài Gòn thăm
con, thăm cháu. Thầy trò cùng ôn lại kỷ niệm một thời gian khó, vất vả mà hào
hứng. Chúng tôi không quên nhắc lại chuyện đê cây chuối, đê chị nuôi, đê y tá
của hơn 40 năm trước, thầy trò lại cùng cười nghiêng ngả.
Viết lại kỷ niệm này, chúng tôi muốn
gửi lời tri ân và lòng biết ơn của chúng tôi tới các thầy cô trường Đại học Bách
khoa, từng có một thời tận tâm truyền thụ kiến thức cho những người lính chúng
tôi đã rời xa đèn sách từ lâu. Các thầy thật là vất vả.
Sài Gòn, ngày 15 tháng 01 năm 2015
Đỗ Thành Hưng B5 - C213 - HVKTQS
Đt:
0908106399
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.