Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

MỘT THỜI ẤU TRĨ (2) - Đỗ Thành Hưng

                                        
      Sang năm 1967 chúng tôi bước vào học kỳ hai của năm thứ nhất. Thời kỳ này chiến tranh phá hoai đã lan ra cả miền bắc. Các phong trào thi đua chống Mỹ rầm rộ và khí thế ngút trời  được phát động trong cả nước liên tục. Nào các đội lão dân quân, những đơn vị dân quân gái các nơi được  thành lập, phong trào Thanh niên ba sẵn sàng, Phụ nữ ba đảm đang, các bài hát như: Bài ca năm tấn, Đường cày đảm đang, v.v... ra đời để động viên thôi thúc toàn dân đánh Mỹ. Chúng tôi đã là lính nên không ai để ý nhiều tới các phong trào này, tập trung cho học tập là chính. Vì là ngày đầu thành lập, ở một môi trương  mới, ai cũng lạ lẫm với công việc của mình, thầy lo trách nhiệm của thầy, trò lo trách nhiêm cuả trò. Lo lắng nhiều nhất là cán bô khung trực tiếp quản lý ở các đại đội.


      Không rõ có sự chỉ đạo từ nhà trường hay của khoa, hay do sáng kiến của đại đội mà đại đội tôi tổ chức thực hiện phong trào thi đua “ba khoan” rầm rộ lắm!
     Ấy là:  
1-  Chưa yêu thì “khoan yêu” (chắc chỉ được dấm để đó! nhắm vào bọn Trỗi chúng tôi đây!).
2 - Yêu rồi thì  “ khoan cưới”  (chắc để cho luôn luôn mới! nhắm vào mấy anh đang ở tuổi ngoài hai mươi đây!).
3 - Cưới rồi thì “khoan có con” (vậy để làm gì? các bạn tự suy đoán nhé!).
Sau khi nghe đại đội quán triệt mục đích, ý nghĩa của phong trào thi đua “ ba khoan” nhằm tập trung cao độ cho học tập , học tập thật tốt là nhiệm vụ chính trị của mỗi học viên , cũng là của đơn vị . Các trung đội lên ký kết thi đua , ai vi phạm sẽ có chế tài xử phạt ! tiểu đội đó , trung đội đó sẽ mất điểm thi đua ! (Sợ  chưa???).
 Âý vậy mà có anh dám vượt rào mới to gan chứ !!! Anh T vốn là trung cấp kỹ thuật rồi mới đi bộ đội , anh đã ở tuổi 25, 27. Thôn Thục Cầu (nơi đơn vị đóng quân học kỳ 2) có chị D là cán bộ đoàn thôn (hay xã gì đó). Anh chị bén duyên nhau, yêu nhau chính đáng và trong sáng. Một tình yêu  đúng mực nên anh chị công khai, mà việc gì phải giấu diếm cơ chứ ?
Vậy mà một lần họp đại đội họ mang ra phê phán tình yêu của anh là vi phạm quy ước phong trào thi đua của đại đội. Nghe cán bộ  phân tích, phê phán anh T, cả đại đội (lớn tuổi nhất là anh L.v.Cao , anh Ng.v.Thâm, anh Tr.x.Tòng... ) tất cả đều ngồi yên phăng phắc! Bọn chúng tôi "dở ông dở thằng" chả hiểu mô tê gì thì đã đành. Rồi anh T  chịu kỷ luật khiển trách hay cảnh cáo gì đó. Anh giơ tay phát biểu đại ý, tình yêu của chúng tôi là trong sáng, đúng mực, chính đáng. Chúng tôi không vi phạm pháp luật, trai 20, gái 18, chưa vợ, chưa chồng có quyền yêu nhau và lấy nhau. Các anh ngăn cấm là vi phạm pháp luật! Kỷ luật hay không là quyền của các anh, tôi không chấp nhận kỷ luật này!
Cả đại đội vẫn ngồi yên, chả ai dám có ý kiến gì bênh vực anh T hay phê phán gì thêm ngoài ý kiến của cán bộ đại đội. Tôi ngồi nghe mà ngơ ngác, chả biết ai  đúng, ai sai? Tôi có nghe nói tới hiến pháp và pháp luật nhưng nó là cái gì, ở đâu, gồm những gì? 10 năm học phổ thông có thầy cô nào dậy gì, giảng gì về hiến pháp đâu mà biết? Thời đó học sinh phổ thông chúng tôi ở nông thôn, thầy cô dậy gì thì biết đó, làm gì có tài liệu, sách báo để tham khảo, đọc thêm như bây giờ.
Lập luận của anh T tôi thấy có lý, có tình đã để lại dấu ấn trong tôi cho tới tận bây giờ. Lúc đó tôi chỉ “cảm thấy” anh đúng và kính trọng anh dũng cảm. Nhưng cái “cảm thấy” ấy chưa đủ vững vàng để thắng cái tư duy “cấp trên đã nói là luôn luôn đúng!” ở trong tôi thời kỳ đó. Vả lai các anh lớn tuổi, từng trải cũng không có ý kiến gì cơ mà? Vậy cấp trên phê phán là đúng rồi còn gì nữa!?
Cái gương anh T bị kỷ luật vì dám yêu trong thời gian đang học đã ám ảnh tôi suốt mấy năm đầu đại học. Mãi cuối học kỳ một năm thứ ba ở xã Văn Tiến tôi mới dám“liều mình” tập tọng làm quen với con gái! mới biết làm quen và cũng phải mất phí  nữa đấy! (Bài Sỹ quan binh nhì). 
Mà có phải mình tôi ấu trĩ thế đâu, ngay như Nguyễn Kháng Chiến, khi đại đội phát động thi đua thực hiện phong trào“ba khoan”, cu cậu phải khai ngay với trung đội đã có người yêu là Nguyễn Thị Khanh, (vì hai nhà "cách nhau có dậu mồng tơi xanh rờn!"). Em là sinh viên năm thứ nhất Đại học Quân y. Khi về xã Văn Tiến, gia đình tổ chức lễ ăn hỏi cho anh chị, Chiến phải giấu biệt. Vào năm thứ tư khi đã ra Khu nhà 125 (Vĩnh Yên), chuyện cấm kỵ yêu đương lâu rồi không thấy cán bộ nào nói gì nữa, Chiến mới dám công khai: "Tình yêu của tớ đã  “chuyển trạng thái”...". Anh chị mới dám công khai tới thăm nhau ở chiêu đãi sở của trường.
Sau này anh Nguyễn Nước còn kể với tôi: dạo còn là liên lạc của đại đội, anh được giao thêm nhiệm vụ chú ý tình hình ở các trung đội. Lưu ý mấy cậu Trỗi đang ở tuổi tý táu tý mẻ chúng tôi! Anh được trang bị riêng một chiếc đèn ba pin Trung Quốc mới cáu để  làm nhiệm vụ, kết hợp kiểm tra…  
-         Thế mà mình cũng chấp hành nghiêm chỉnh và rất nhiệt tình cơ chứ!, mà nghi nhất lúc ấy là ông Đỗ Thành Hưng.
Tôi chọc lại anh:         
-         Thảo nào tư chất của anh vốn đã “chuyên” , nên được “hồng” vào loại sớm, nhanh nhất đại đội là phải!         
Anh cười: "Một  thời ấu trĩ mà!:.                                                
 Anh T hiện sống ở Sài Gòn, mỗi lần khóa 1 chúng tôi gặp nhau vẫn không quên  nhắc lại chuyện cũ, nhắc lại một thời ấu trĩ xa xưa… với sự khâm phục một con người đã dám tự bảo vệ mình bằng những lý lẽ thuyết phục trong cái tư duy được dạy dỗ: “cấp trên đã nói là luôn luôn đúng!” ở thời kỳ đó. 
(Chiến tranh, bom gầm thì luật phải câm là vậy!).

                                                                                    S.g   16-01-2015
                                                            Đỗ thành Hưng  B5- C213  H.V.K.T.Q.S
                                                                                    đt : 0908106399                     
































                






























               

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nếu chưa đăng kí, bạn vẫn có thể để lại nhận xét: Viết xong, nên để lại tên hoặc nickname. Xuống "Chọn 1 nhận dạng" vào "Ẩn danh". Sau đó xuất bản nhận xét.